Tháng Mười Hai 20, 2022

Chiều 19/10/2022, đồng chí Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Huỳnh Văn Phạm Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì Hội nghị chuyên đề “giải pháp nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn Huyện.

Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng, là phương thức hiệu quả giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, sống có ý thức với cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng, coi trọng nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, phát huy và gìn giữ mối quan hệ hài hòa trong mỗi gia đình và xã hội.

Qua gần 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và Nghị định 15/2014/NĐ – CP ngày 27 tháng 2 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm, tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Huyện đi vào ổn định, từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nề nếp. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm xây dựng đội ngũ hòa giải viên có phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm để thực hiện các hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Ngoài ra, UBND huyện giao Phòng Tư pháp tham mưu tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời bổ sung kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở cho lực lượng hòa giải viên.

Toàn địa bàn huyện có 106 ấp, khu phố tương đương với 106 Tổ hoà giải, Tổ hoà giải được Chủ tịch UBND xã - thị trấn ký quyết định công nhận; trong đó mỗi Tổ hòa giải có từ 5 đến 7 thành viên, trong đó: 176 hòa giải viên nữ (chiếm tỷ lệ 27,41%), 466 hòa giải viên nam (chiếm tỷ lệ 72,59%). Thành viên Tổ hòa giải cơ cấu thường là Trưởng ấp, khu phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, đại diện Chi hội Hội Nông dân, đại diện Chi Đoàn, đại diện Chi hội Hội Liên hiệp Phụ nữ, đại diện Chi hội Hội Cựu chiến binh, đại diện Chi hội Hội Người cao tuổi, Công an khu vực, người có uy tín. Tổ trưởng Tổ hòa giải hầu hết là Trưởng ấp, khu phố hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố.

Trao đổi, thảo thuận tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra một số ý kiến, kiến nghị như: Cần phân biệt rõ giữa thực hiện hòa giải tại Tổ hòa giải và hòa giải tại UBND xã đối với các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng; UBND xã - thị trấn cần quan tâm chỉ đạo công chức tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ đối với các thành viên Tổ hòa giải; các thành viên Tổ hòa giải phải lịch sự, hòa nhã, lắng nghe họ trình bày sự việc, không nghiêng về phía nào, hoàn toàn trung lập; từ đó mời hai bên tranh chấp ngồi lại nói chuyện, hòa giải, thống nhất quan điểm giải quyết vụ việc; cần có hỗ trợ kinh phí cho Tổ hòa giải (trích từ kinh phí nhà nước hoặc xã hội hóa); hòa giải viên phải có trang bị kiến thức pháp luật đối với công tác hòa giải các vụ tranh chấp đất đai, xây dựng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Đức Thanh đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung một số nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận - Đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác hòa giải cơ sở; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu xót tồn tại; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên hàng năm; “Phòng Tài chính Kế hoạch, Phòng Tư pháp có hướng dẫn UBND các xã - thị trấn thực hiện 100% Tổ hòa giải được hỗ trợ kinh phí” - đồng chí Võ Đức Thanh đặc biệt chỉ đạo.

Tháng Mười Hai 20, 2022

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông trong nữ công nhân, Công chức, viên chức góp phần cùng cả nước thực hiện giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số bị thương trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Sáng ngày 27/11/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh tổ chức Ngày Hội “Nữ công nhân, viên chức lái xe an toàn” năm 2022 do Công ty TNHH Visacoop tài trợ. Đến dự Ngày hội có ông Nguyễn Văn Chí – Huyện Ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Huyện; bà Võ Phượng Liên – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện; Ông Nguyễn Xuân Bách – Trưởng phòng lái xe an toàn Công ty TNHH Visacoop.

Với sự tham gia của hơn 300 nữ công nhân, viên chức, ngày hội diễn ra với các nội dung như tập huấn “Kiến thức an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn”, hội thi “Phụ nữ Bình Chánh lái xe an toàn” với 20 thí sinh tham gia, chương trình hỗ trợ mua xe với lãi suất ưu đãi và 250 suất bảo dưỡng, thay nhớt xe máy miễn phí.

Tháng Mười Hai 20, 2022

Ngày 4/11/2022, Ban Thường vụ Hội Liên Hiệp phụ nữ huyện Bình Chánh tổ chức lễ phát động “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” năm 2022.

Buổi lễ diễn ra tại Hội trường trường Bồi dưỡng giáo dục huyện Bình Chánh có 300 chị tham dự là Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ; Chi hội trưởng chi hội phó, tuyên truyền viên pháp luật; Thành viên tổ tư vấn cộng đồng, thành viên câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc của 16 xã – thị trấn.

Tại buổi lễ bà Võ Phượng Liên - Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ Huyện Bình Chánh đã phát động “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”. Đồng thời đã tổ chức hội thi tìm hiểu về “ngày pháp luật Việt Nam và tháng hành động vì Bình đẳng giới” thu hút 295 người tham gia. Ban tổ chức đã trao 10 giải thưởng cho các thí sinh có kết quả cao nhất.

 

Tháng Mười Hai 20, 2022

Ngày 4/11/2022. hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 với các hoạt động thiết thực. Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Bình Chánh tổ chức Ngày Phụ nữ và pháp luật quí 4/2022 với chủ đề “Bình đẳng giới trong lao động và trong quan hệ lao động” tại Hội trường trường Bồi dưỡng giáo dục huyện Bình;

Đến tham dự có Bà Huỳnh Thị Kim Ân – Huyện ủy viên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Huyện, bà Võ Phượng Liên – Phó Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ huyện; Ông Nguyễn Văn Xuân – Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Bình Chánh; Luật sư, Thạc sĩ Luật Nguyễn Sơn Lâm – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nam Trí Việt và 300 chị tham dự là Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ; Chi hội trưởng chi hội phó, tuyên truyền viên pháp luật; Thành viên tổ tư vấn cộng đồng của 16 xã – thị trấn.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Sơn Lâm đã triển khai Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phụ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Ông Phan Văn Thanh Chuyên viên Phòng Thương binh – Xã hội huyện thông tin về một số nội dung liên quan đến các chính sách bảo hiểm xã hội. Thông qua ngày Hội, Ban Thường vụ Hội Liên Hiệp Phụ nữ huyện đã trao giải cho 21 chị đã đạt giải trong hội thi trực tuyến phụ nữ và pháp luật với chủ đề “Phụ nữ với công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em”. Đặc biệt đã tư vấn 15 trường hợp về bảo hiểm xã hội, về tranh chấp lao động, về hợp đồng lao động.

 

 

 

 

 

Tháng Mười Hai 20, 2022

Nhằm tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh trong xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong cộng đồng.

Sáng ngày 14/11/2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên huyện Bình Chánh phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin Huyện tổ chức bồi dưỡng chuyên đề: "Văn hoá ứng xử trong cộng đồng - Thực hiện nếp sống văn minh - Mỹ quan đô thị - Phòng chống bạo lực gia đình - Xây dựng gia đình hạnh phúc" cho hơn 900 học sinh khối 11 và 12 của Trung tâm.

Đến dự có: Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chuyên viên Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM; ông Nguyễn Đăng Khoa, Chuyên viên Phòng GDTX-CNĐH Sở GDĐT TP.HCM; ông Trương Phi Hùng, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện; ông Phạm Tấn Ba, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; ông Khấu Dũng Tiến, Phó Trưởng Công an huyện cùng đại diện lãnh đạo các đoàn thể Huyện.

Báo cáo viên là Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu – Nguyên Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện huyện Bình Chánh chia sẻ chuyên đề giúp cho các em học sinh biết cách giao tiếp, ứng xử đối với cha mẹ, thầy cô và bạn bè một cách văn minh và phù hợp với chuẩn mực, đạo đức xã hội góp phần xây dựng xã hội văn minh, phòng chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

Tháng Mười Hai 19, 2022

Với sự tham gia của 15 đội dự thi đến từ 16 xã, thị trấn, có hơn 300 lượt cổ động viên đến tham dự và cổ động cho Hội thi.

Sáng ngày 04/11/2022, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh tổ chức Hội thi sân khấu hóa “Tìm hiểu Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”.

Đến tham dự Hội thi có bà Hứa Thị Phương Hồng – Trưởng Phòng tư pháp Huyện Bình Chánh; Nguyễn Ngọc Đan Tuyền – Phó Trưởng Phòng tư pháp Huyện Bình Chánh, Bà Dương Thị Uyên Chi – Chánh văn phòng Hội Đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh; Ông Phạm Tấn Ba – Phó Ban Dân vận huyện ủy Bình Chánh cùng quý vị lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, các vị đại diện Thường trực Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 16 xã – thị trấn, đại diện Đài truyền thanh Bình Chánh đến dự và đưa tin.

Kết quả Hội thi, Ban Tổ chức đã trao:

01 Giải nhất: Giấy khen + tiền thưởng 1.500.000 đồng.

1. Uỷ ban nhân dân xã Bình Hưng

02 Giải Nhì: Giấy khen + tiền thưởng 1.000.000 đồng.

1. Ủy ban nhân dân xã Hưng Long

2. Ủy ban nhân dân xã Tân Nhựt

03 Giải Ba: Giấy khen + tiền thưởng 700.000 đồng.

1. Ủy ban nhân dân xã Tân Quý Tây

2. Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lộc A

3. Ủy ban nhân dân xã Tân Kiên

03 Giải Khuyến khích: Giấy khen + tiền thưởng 500.000 đồng.

1. Ủy ban nhân dân xã Lê Minh Xuân

2. Ủy ban nhân dân xã Phong Phú

3. Ủy ban nhân dân xã An Phú Tây

01 giải cổ động viên tích cực: Giấy khen + tiền thưởng 500.000 đồng

1. Uỷ ban nhân dân xã Bình Hưng

Hội thi là dịp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn trong các hoạt động phối hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, công nhân lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn huyện thực hiện có hiệu quả. Đồng thời hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2022 bằng hành động, việc làm cụ thể, thường xuyên; tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; gắn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần nâng cao sự hiểu biết; giúp đoàn viên, thanh niên và người dân cập nhật thông tin, chính sách pháp luật mới để hiểu đủ, hiểu đúng và làm đúng các quy định của Nhà nước./.

 

Tháng Mười Hai 19, 2022

Nhằm tăng cường các hoạt động, sân chơi góp phần nâng cao nhận thức của đội viên học sinh về pháp luật, đặc biệt là Luật trẻ em năm 2016 và các luật liên quan đến trẻ em, Hội đồng Đội huyện Bình Chánh phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức hội thi “Em là tuyên truyền viên” năm 2022 cho đội viên, học sinh.

Các sản phẩm dự thi là các video/clip với các hình thức phong phú, đa dạng như: kịch, tiểu phẩm tuyên truyền, phát thanh măng non... về tuyên truyền Luật trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường, tuyên truyền bảo vệ môi trường, an toàn giao thông....

Kết quả, sau hơn 1 tháng phát động từ 01/11/2022 đến 30/11/2022, Ban Tổ chức đã nhận 117 sản phẩm dự thi đến từ các tập thể và cá nhân. Sau kết quả vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra 6 tập thể vào chung kết và trao giải cho 5 thí sinh xuất sắc nhất bảng cá nhân. Vòng Chung kết đã diễn ra sôi nổi với 3 vòng: Thi trắc nghiệm kiến thức, thi xử lý tình huống và thi biểu diễn tiểu phẩm.

Với các phần thi được thiết kế sáng tạo, phù hợp đã được các bạn đội viên, học sinh tích cực tham gia. Các đội thi đã thể hiện sự nhạy bén của mình trong nhận diện tình huống, xử lý tình huống do Ban Tổ chức đưa ra, đồng thời đầu tư và sáng tạo trong các tiểu phẩm dự thi. Kết thúc hội thi, Liên đội THCS Qui Đức đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.

Hội thi là một sân chơi bổ ích, thú vị, thu hút sự quan tâm của phụ huynh và các em học sinh trong xuyên suốt quá trình tổ chức. Thông qua hội thi đã xuất hiện nhiều nhân tố đội viên, học sinh có khả năng tuyên truyền, biểu diễn... để cùng tham gia với Liên đội, Hội đồng Đội Huyện xây dựng các sản phẩm tuyên truyền pháp luật cho đội viên, học sinh.

 

Tháng Mười Hai 16, 2022

Sáng 25/11, tại Hội trường Ủy ban nhân dân thị trấn Tân Túc, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh tổ chức Hội nghị tập huấn và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.

Hơn 200 người tham dự gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã - thị trấn và các tổ chức thành viên; Ban Chỉ huy Công an huyện; Đội trưởng các Đội nghiệp vụ Công an huyện; lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; Trưởng Công an và cán bộ phụ trách công tác Thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng 16 xã -thị trấn; đối tượng đặc thù (người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá tái hòa nhập cộng đồng…) đã được Thiếu tá Lê Minh Tiến - Cán bộ Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an TPHCM quán triệt, phổ biến các nội dung Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành và Nghị định 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.

Sau buổi tập huấn, Ủy ban nhân dân huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, rà soát và triển khai áp dụng. Đối với các vấn đề chưa rõ, cần giải thích các cơ quan, đơn vị có văn bản gửi về Đội An ninh Công an huyện tổng hợp để chuyển đến Báo cáo viên giải đáp và phản hồi.

 

Tháng Mười Hai 16, 2022

Sáng 24/11/2022, tại Hội trường Ủy ban nhân dân Huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), hơn 300 cán bộ, đảng viên, nhân dân và đại diện các doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn huyện Bình Chánh chăm chú lắng nghe thông tin tuyên truyền về biển và biển đảo Việt Nam, chương trình do Trung tâm Huấn luyện (Vùng 2 Hải quân) phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức.

Để buổi tuyên truyền đạt hiệu quả, báo cáo viên của Trung tâm Huấn luyện đã chuẩn bị chu đáo các nội dung liên quan để cung cấp thông tin về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam, tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển của nước ta; Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và giải quyết các vấn đề trên biển, đảo hiện nay...

Với phương pháp tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, có ví dụ minh họa, cán bộ Trung tâm Huấn luyện đã khéo tuyên truyền, động viên và định hướng hành động tích cực cho cán bộ, nhân dân. Ông Đỗ Hữu Nhân, 57 tuổi, chủ doanh nghiệp vận tải biển ở Bình Chánh, tâm sự: “Cách truyền đạt của các đồng chí Bộ đội Hải quân rất dễ tiếp thu. Nội dung sát thực, hữu ích với người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải biển. Sau chương trình này, chúng tôi sẽ triển khai phổ biến sâu rộng trong công ty để toàn thể công nhân, người lao động nắm và thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật trên biển”.

Đại tá Huỳnh Văn Đa, Chính ủy Hải đoàn 129 chia sẻ: “Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ; góp phần thiết thực nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương về chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chủ quyền biển, đảo; đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân nói chung, ngư dân nói riêng cùng tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Tháng Mười Hai 16, 2022

Sáng 15/12/2022, Ủy ban nhân dân Huyện tổ chức tập huấn triển khai “Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” trên địa bàn huyện Bình Chánh năm 2022.

Ông Tạ Minh Chánh - Phó Trưởng Phòng Lao động- Thương binh xã hội Huyện cùng 400 người là Đại diện Hội đồng nhân dân Huyện; Đại diện Hội đồng nhân dân xã, thị trấn; Thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới huyện, xã - thị trấn; Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở; Chuyên trách công tác viên dân số -trẻ em 16 xã, thị trấn tham dự buổi tập huấn.

Triển khai các nội dung tập huấn, ông Nguyễn Hiệp Trí - Báo cáo viên Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố thông tin một số nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới như: Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2030; qua đó kêu gọi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; đặc biệt kêu gọi chấm dứt hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Tháng Mười Hai 13, 2022

Căn cứ Kế hoạch số 4511/KH-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2022; Kế hoạch số 394/KH-STP-PBGDPL ngày 27/01/2022 của Sở Tư pháp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 tại Sở Tư pháp; Kế hoạch số 3506/KH-STP-PBGDPL ngày 29/7/2022 của Sở Tư pháp biên soạn và đăng tải tài liệu tuyên truyền pháp luật trên Trang/Cổng thông tin điện tử 06 tháng cuối năm 2022. Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn bộ tài liệu phổ biến các Luật mới được Quốc hội thông qua và các quy định pháp luật liên quan đến các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, cụ thể như sau:

- Tìm hiểu Luật Thi đua khen thưởng 2022;

- Tìm hiểu Luật Điện ảnh năm 2022;

- Tìm hiểu Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;

- Tìm hiểu các nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định về chế độ chính trị trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương”;

- Tờ gấp “Quy định pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về kết hôn”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về ly hôn”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về khai sinh; khai tử; quyền có họ, tên, thay đổi, cải chính họ, tên”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về quyền xác định dân tộc, xác định lại dân tộc”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về đăng ký thường trú, tạm trú”;

- Tờ gấp “Xử lý vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về giao đất”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai”;

- Tờ gấp “Một số quy định về bảo vệ môi trường”;

- Tờ gấp “Bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực”;

- Tờ gấp “Một số quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định của Luật Đầu tư”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự”;

- Tờ gấp “Một số quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và các hành vi bị nghiêm cấm”;

- Tờ gấp “Giới thiệu một số quy định về Luật Cảnh sát cơ động” ;

- Tờ gấp “Một số điều cần biết về lao động nữ”;

- Tờ gấp “Những điều cần biết về lao động chưa thành niên”;

- Tờ gấp “Những điều cần biết về lao động giúp việc gia đình”;

- Tờ gấp “Xử lý vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng  ngừa tai nạn lao động”;

- Tờ gấp “Những điều cần biết về kỷ luật lao động”;

- Tờ gấp “Xử lý vi phạm quy định về tiền lương”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về thời giờ làm việc”;

- Tờ gấp “Quy định  của Bộ luật lao động về thử việc”;

- Tờ gấp “Một số quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về giấy thông hành”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân trong phòng, chống thiên tai”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống thiên tai”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về quỹ phòng, chống thiên tai”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”;

- Tờ gấp “Một số quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm thất nghiệp”;

- Tờ gấp “Khuyến cáo phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình”;

- Tờ gấp “Kỹ năng thoát nạn trong nhà cao tầng”;

- Tờ gấp “Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư và hộ gia đình”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự về tội phạm liên quan đến ma túy”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người dưới 18 tuổi”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội lây truyền HIV cho người khác; cố ý truyền HIV cho người khác; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”;

- Tài liệu “Một số quy tắc ứng xử chung của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân”;

- Tài liệu “Một số quy tắc trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”;

- Tài liệu “Một số quy định về tiếp người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh”;

- Tài liệu “Một số quy định về cử người đại diện trình bày khiếu nại”;

- Tài liệu “Một số quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại và gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại”;

- Tài liệu “Một số quy định về xử lý kỷ luật trong khiếu nại”;

- Tài liệu “Một số quy định về hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo”;

- Tài liệu “Một số quy định về bảo vệ người tố cáo”;

- Tài liệu “Một số quy định về áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo”;

- Tài liệu “Tìm hiểu một số quy định về hòa giải viên và tổ hòa giải ở cơ sở”;

- Tài liệu “Tìm hiểu một số quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án”;

- Tài liệu “Một số kỹ năng nghiệp vụ chuẩn bị tài liệu và kỹ năng đối thoại cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia hòa giải, đối thoại tại cơ quan Tòa án nhân dân các cấp”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội phạm mua bán người”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự về xử lý các loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự về xử lý các loại tội phạm liên quan đến vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; cản trở giao thông đường bộ”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội gây ô nhiễm môi trường”;

- Tờ gấp “Hành vi tham nhũng và xử lý đối với hành vi tham nhũng”;

- Tờ gấp “Quy định về kiểm soát xung đột lợi ích”;

- Tờ gấp “Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình”;

- Tờ gấp “Quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng”;

- Tờ gấp “Quy định về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng”;

- Tờ gấp “Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu Luật phòng, chống tham nhũng 2018”;

- Tờ gấp “Quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo”;

- Tờ gấp “Quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật”;

- Tờ gấp “Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong khiếu nại”;

- Tờ gấp “Quy định pháp luật về thông tin phải được công khai theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016”;

- Tờ gấp “Quy định về xử lý các vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường”;

- Tờ gấp “Quy định về xử lý các vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường”;

- Tài liệu “Giải pháp nâng cao điểm số các chỉ tiêu nội dung của Chỉ số PAPI năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Sở Tư pháp Thành phố đăng tải và giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo./.

Tháng Mười Hai 2, 2022

Ngày 29/11, TAND huyện Cần Giờ tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” tại Nhà văn hóa, thể thao ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cần Giờ, Võ Văn Mến, Huỳnh Thanh Long đã có hành vi rủ rê người khác, chuẩn bị cân, băng keo, địa điểm rồi đứng ra tổ chức đánh bạc bằng hình thức đá gà được ăn thua bằng tiền 3 trận tại bãi đất trống thuộc tổ 2, ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ từ khoảng 11h45 đến 12h15 ngày 24/6/2022, số tiền dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trên 20.000.000 đồng, thu lợi bất chính 2.400.000 đồng.

Các đối tượng tham gia đánh bạc gồm Nguyễn Hữu Anh Tuấn tham gia đánh bạc 3 trận, tổng số tiền 138.800.000 đồng. Trần Văn Tới tham gia đánh bạc 1 trận, tổng số tiền 47.500.000 đồng. Lê Văn Ngon phụ giúp Tới trong việc quấn cựa, thả gà nên phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm cùng Trần Văn Tới. Trần Văn Phúc tham gia đánh bạc 1 trận, tổng số tiền 57.000.000 đồng. Nguyễn Văn An và Phạm Hữu Kiệt phụ giúp Phúc ôm gà, quấn cựa và thả gà nên phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm cùng Trần Văn Phúc.

Tại phiên toà, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Võ Văn Mến 3 năm tù, Huỳnh Thanh Long 3 năm 6 tháng tù cùng về tội “Tổ chức đánh bạc”;

Các bị cáo: Nguyễn Hữu Anh Tuấn 4 năm tù, Trần Văn Phúc 1 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn An 7 tháng tù, Phạm Hữu Kiệt 7 tháng tù, Trần Văn Tới 1 năm 6 tháng tù, Huỳnh Văn Lê 1 năm tù, Lê Văn Ngon 3 tháng tù, Trần Hữu Đức 6 tháng tù, Huỳnh Ngân Giang 6 tháng tù, Bùi Hữu Nghĩa 6 tháng tù cùng về tội “Đánh bạc”.

Tháng Mười Một 15, 2022

Ngày 25 tháng 11 hàng năm được Liên hiệp quốc lấy là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 03 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát năm 1960 tại Cộng hòa Dominica. Là dịp để các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. Ngày 11 tháng 11 năm 2022, Sở Tư pháp Thành phố ban hành Kế hoạch số 5654/KH-STP về thực hiện hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

I. Ý nghĩa "Tháng hành động vì đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022" :

- Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.

- Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng hiểu biết các vấn đề cơ bản và ý nghĩa việc phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình; tiếp tục tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép tuyên truyền các chức năng gia đình vào Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Hưởng ứng "Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2022" và "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2022" với Chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới" mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội cần lên tiếng đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới, nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới để xây dựng cộng đồng "an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em".

 

II. Bộ nhận diện truyền thông của tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới:

 Về hình ảnh: Nhìn thoáng là một trái tim.

- Ngắm kỹ là một con người được ghép từ hai hình người đang ôm nhau, hòa nhập thành một.

- Hình ảnh biểu đạt cảm xúc yêu thương, gắn kết khăng khít, gần gũi.

- Hai cánh tay ôm nhau kết thành hình ảnh chiếc ruy băng trắng – là biểu tượng của chiến dịch toàn cầu lớn nhất của nam giới, bắt đầu từ năm 1991, nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay, chiến dịch đã thực hiện tại 57 quốc gia trên thế giới.

Về màu sắc: 

- Màu cam là màu đã được Liên hiệp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Ruy băng màu trắng là biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

 

III. Các khẩu hiệu, thông điệp truyền thông:

1. Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

2. Thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

3. Hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2022.

4. Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của đất nước.

5. Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

6. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

7. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

8. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

9. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

10. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại.

11. Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.

12. Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

13. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em.

14. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!

15. Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới  và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

16. Bình đẳng giới góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn và an ninh xã hội của mỗi cá nhân, gia đình.

17. Bình đẳng giới góp phần đầu tư cho tương lai, công bằng xã hội và phát triển bền vững./.

(Đính kèm Kế hoạch số 5654/KH-STPCông văn số 27/CV-VSTBPN&BĐG)

Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp Thành phố

Tháng Mười Một 15, 2022

Nhằm nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng như phát huy tính chủ động tạo sự đồng bộ và đảm bảo thời gian thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp cận pháp luật của các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, sáng ngày 14 tháng 11 năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tiếp cận pháp luật năm 2022 cho 64 đại biểu là thành viên Hội đồng Đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và cán bộ, công chức được phân công theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc phạm vi quản lý tại Ủy ban nhân dân xã, thị trấn với sự hướng dẫn của Bà Lê Thị Kim Hiền – Phó Trưởng phòng Tư pháp - Báo cáo viên pháp luật huyện.

Qua buổi tập huấn, Bà Lê Thị Kim Hiền đã triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Bộ Tư pháp về ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh và một số nội dung liên quan đến thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được ban hành theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời hướng dẫn một số nội dung cần lưu ý về thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai, đánh giá và công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện năm 2022./.

Tháng Mười Một 11, 2022

Thực hiện Kế hoạch số 301/KH-BATGT ngày 07/11/2022 của Ban An toàn giao thông Thành phố, nhằm mục đích, ý nghĩa cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông trên địa bản Thành phố; nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông năm 2022,

Ngày 11 tháng 11 năm 2022, Sở Tư pháp Thành phố đã ban hành Công văn số 5615/STP-PBGDPL về tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” năm 2022.

Sở Tư pháp đăng tải và thông tin đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo./.

(Đính kèm Công văn số 5615/STP-PBGDPLFile MP3 Thông điệp tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông)

Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh

Tháng Mười Một 9, 2022

Nhằm hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11”, sáng ngày 08/11/2022, tại Nhà văn hóa khu phố Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh, UBND huyện Cần Giờ đã tổ chức Ngày hội “Công dân với Pháp luật” năm 2022.

Tham dự có các đồng chí: Trương Tiến Triển, Huyện ủy viên, PCT UBND huyện; Trần Việt Thái, Trưởng Phòng phổ biến giáo dục Pháp Luật Sở Tư pháp Thành phố; Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Thành phố; Huỳnh Văn Tiệp, Trưởng phòng Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện; đại điện các ban ngành, đoàn thể huyện; thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện; đại diện UBND – UB. MTTQ các xã, thị trấn; lãnh đạo các Văn phòng công chứng, trợ giúp viên và Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý và đông đảo người dân trên địa bàn huyện.

Phát biểu khai mạc tại ngày hội, đồng chí Trương Tiến Triển, Huyện ủy viên, PCT UBND huyện đề nghị cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, tìm hiểu pháp luật, trong đó tập trung tuyên truyền nội dung các Luật mới và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tổ chức thi hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật gắn với giáo dục ý thức và lợi ích của việc tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật; trước hết cán bộ, công chức phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tập trung, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở; đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế…

Dịp này, UBND huyện đã khen thưởng cho 15 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện.

 Tại Ngày hội “Công dân với Pháp luật” năm 2022, các đại biểu đã được xem tiểu phẩm “Chung tay bảo vệ môi trường” với thông điệp bảo vệ môi trường cũng chính là thể hiện trách nhiệm của chúng ta với bản thân, gia đình và toàn xã hội, nhằm tránh những tác hại khó lường đến sức khỏe của con người và các loài sinh vật khác. 

Sau chương trình khai mạc Ngày hội “Công dân với Pháp luật” năm 2022, nhiều hoạt động được diễn ra như: Tổ chức xe loa tuyên truyền hưởng ứng Ngày pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Năm 9/11 trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến một số quy định pháp luật về Luật giao thông đường bộ, đường thủy nội địa cho người dân ngay tại trụ sở Nhà văn hóa khu phố Giồng Ao thị trấn Cần Thạnh; Tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trực tiếp cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động khi có nhu cầu về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại trụ sở Nhà văn hóa khu phố Giồng Ao thị trấn Cần Thạnh; Tổ chức giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử lưu động và trả hồ sơ lĩnh vực hộ tịch tại nhà cho người dân trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh; hướng dẫn đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công và thực hiện đăng ký tài khoản định danh, xác thực điện tử lưu động cho người dân cũng tại Nhà văn hóa khu phố Giồng Ao thị trấn Cần Thạnh; làm vệ sinh môi trường và phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh; tuyên truyền, phổ biến một số quy định của pháp luật liên quan đến xây dựng nhà ở riêng lẻ xã An Thới Đông; Tổ chức tọa đàm “Cán bộ, chiến sĩ xã Thạnh An nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” tại xã Thạnh An, tổ chức tuyên truyền phổ biến một số quy định của pháp luật về Luật phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo tại xã Tam Thôn Hiệp, tuyên truyền Bộ luật Lao động và các văn bản liên quan tại xã Lòng Hoà, thông tin Pháp lệnh về dân số gắn với quy định mới về Bảo hiểm y tế tại xã Bình Khánh và tuyên truyền một số quy định về xây dựng Nông thôn mới tại các xã Lý Nhơn.

Tháng Mười Một 4, 2022

Thực hiện Công văn số 3991/BTC ngày 14/10/2022 của Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) về việc phát động tổ chức Cuộc thi và Thể lệ số 3992/TL-BTC ngày 14/10/2022 của Ban Tổ chức Cuộc thi; nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đổi mới, đa dạng hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thành phố đã ban hành Công văn số 5127/STP-PBGDPL ngày 24/10/2022 về việc hưởng ứng và tham dự Cuộc thi.

Đường link tham dự Cuộc thi: https://moj.gov.vn/cuocthitructuyen

Thời gian diễn ra Cuộc thi: 25/10/2022 - 25/11/2022.

Sở Tư pháp Thành phố đăng tải và thông tin đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân được biết thể lệ và hưởng ứng, tham dự Cuộc thi./.

(Đính kèm Công văn số 5127/STP-PBGDPL, Công văn số 3991/BTC, Công văn số 3992/TL-BTC)

Tháng Mười Một 3, 2022

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 2251/KH-UBND-NCPC ngày 23/5/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – 09/11” trên địa bàn Thành phố năm 2022, ngày 02/11/2022, Sở Tư pháp Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố (VOH), Bảo hiểm Xã hội Thành phố; Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Bình Chánh, Đài Truyền thanh huyện Bình Chánh, Ủy ban nhân dân xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh tổ chức “Ngày hội pháp luật” cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị hạn chế về điều kiện tiếp cận pháp luật trên địa bàn xã này.

Ngày hội pháp luật tại UBND xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh

Đến dự Ngày hội pháp luật có ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; ông Vương Quyền, Thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố; đại diện Bảo hiểm Xã hội Thành phố; đại diện Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Bình Chánh; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tân Quý Tây; đại diện Đài truyền thanh huyện Bình Chánh.

Các đại biểu, người dân tham dự Ngày hội pháp luật tại UBND xã Tân Quý Tây

Tại Ngày hội, đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố đã trao đổi, chia sẻ một số nội dung, thông tin cần thiết liên quan đến BHXH, BHYT hộ gia đình và một số nội dung khác có liên quan.

 

Đại diện Bảo hiểm xã hội Thành phố trao đổi với người dân

Ban Tổ chức đã mời các luật sư, luật gia thuộc Đoàn Luật sư Thành phố (Luật sư Trương Thị Hòa, Luật sư Nguyễn Trọng Hào...) và Hội Luật gia huyện Bình Chánh tham gia tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân tham gia. Các nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực  về tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, thừa kế...

Các luật sư, luật gia tư vấn cho người dân tham dự

Bên cạnh đó, với tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ một số gia đình, bà con có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, Ban Tổ chức Ngày hội đã thực hiện vận động và nhận được sự đóng góp, ủng hộ của các mạnh thường quân. Ban Tổ chức đã trực tiếp trao tặng 50 phần quà cho người dân tại địa phương đến tham gia Ngày hội./.

Ban Tổ chức trao tặng quà cho một số người dân có hoàn cảnh khó khăn

Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh

 

 

Tháng Mười Một 2, 2022

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 28/10/2022, Ủy ban nhân dân xã Bình Khánh tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật với hình thức thi rung chuông vàng cho đối tượng là lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn xã từ nguồn kinh phí xã hội hóa với 40 người tham dự.

Kết quả sau hai vòng thi, ban tổ chức đã trao 06 giải thưởng gồm 01 giải nhất: 400.000đ + giấy khen; 01 giải nhì: 300.000đ + giấy khen; 01 giải ba: 200.000đ + Giấy khen và 03 giải khuyến khích: mỗi giải 100.000đ + giấy khen.

Tháng Mười 28, 2022

Nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Đề án), theo đó, Thành phố đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết Đề án tại UBND phường Thạnh Mỹ Lợi

Quá trình triển khai thực hiện Đề án, căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án của Trung ương và thực tiễn triển khai, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn 03 đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành dưới 80% để làm điểm của Thành phố gồm: xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh và phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức. Đến nay, 02/03 địa phương được chọn làm điểm của Thành phố đã tổ chức các Hội nghị tổng kết Đề án.

Đại diện Sở Tư pháp phát biểu tại Hội nghị

Đến dự các Hội nghị tổng kết Đề án có đồng chí Trần Việt Thái, đồng chí Y Thắng là Trưởng phòng và Phó phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác phối hợp tham mưu triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố (Hội Luật gia Thành phố và Ban Dân tộc Thành phố); đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hóc Môn và thành phố Thủ Đức; đại diện lãnh đạo, công chức các Phòng Tư pháp; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thới Tam Thôn - huyện Hóc Môn, phường Thạnh Mỹ Lợi- thành phố Thủ Đức và tổ trưởng các tổ hòa giải trên địa bàn xã Thới Tam Thôn - huyện Hóc Môn và phường Thạnh Mỹ Lợi- thành phố Thủ Đức.

Các tập thể, cá nhân được thành phố Thủ Đức tặng giấy khen

Để ghi nhận những nỗ lực, thành tích nổi bật của các tập thể và cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Đề án ở cơ sở, theo đó, tại Hội nghị tổng kết Đề án của phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức (diễn ra vào sáng ngày 26/10/2022), đã có 03 tập thể và 01 cá nhân (UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, Ủy ban MTTQVN phường Thạnh Mỹ Lợi, Tổ hòa giải khu phố 1 và 01 công chức Tư pháp – Hộ tịch phường Thạnh Mỹ Lợi) vinh dự được trao nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức; 04 tổ hòa giải và 01 cá nhân được trao nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thạnh Mỹ Lợi. Tại Hội nghị tổng kết Đề án Ủy ban nhân dân xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (diễn ra vào chiều ngày 05/10/2022), đã có 14 tập thể (13 tổ hòa giải và Ủy ban MTTQVN xã) được trao nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Các tập thể, cá nhân được UBND xã Thới Tam Thôn tặng giấy khen

Qua báo cáo tổng kết Đề án của các địa phương, có thể thấy rằng, việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được bước chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố; nhận thức của chính quyền, đoàn thể các cấp, của chính hòa giải viên và Nhân dân trên địa bàn Thành phố về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng được nâng lên, ngày càng có nhiều người dân ưu tiên lựa chọn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư thông qua phương thức hòa giải ở cơ sở. Với việc triển khai các hoạt động cụ thể của Đề án như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở… có thể thấy sự thay đổi rõ rệt cả về số lượng hòa giải viên lẫn chất lượng hoạt động của tổ hòa giải viên trên địa bàn Thành phố so với thời điểm trước khi có Đề án, hòa giải viên hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, từng bước tiếp cận, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu, tra cứu cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan để vận dụng giải quyết các vụ, việc hòa giải cụ thể nảy sinh từ thực tiễn, nhờ đó mà tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành ngày càng cao, góp phần tích cực bảo đảm ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu dân cư, hạn chế đáng kể số vụ, việc phải đưa ra Tòa án và cơ quan nhà nước giải quyết, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư./.

                        Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh

Tháng Mười 26, 2022

Nhằm cung cấp các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn; ngày 19 tháng 10 năm 2022, Phòng Y tế - Thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Cần Giờ phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Bình Khánh tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho hơn 50 người đại diện các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn xã Bình Khánh.

Qua buổi tuyên truyền, báo cáo viên đã phân tích các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm gây ra và cách xử; đề nghị các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm phải đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chí.... cũng như triển khai Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh...cũng như công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn.