Tháng Mười 14, 2019

Ngày 26/8/ 2019, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố do đồng chí Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Nhà Bè.

Tại buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã nghe đ/c Trần Thị Mạnh báo tóm tắt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Nhà Bè. Sau đó, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra trực tiếp và đặt câu hỏi liên quan đến các nội dung: việc thực hiện tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; việc ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; việc củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tình hình xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; kết quả triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; kinh phí công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...

Qua kiểm tra, đ/c Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố,  Trưởng Đoàn kiểm tra đã đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, từ đó, yêu cầu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Huyện tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 27/08/2019, tại Hội trường Ủy ban nhân dân phường 2 quận Phú Nhuận, Phòng Tư pháp phối hợp với Hội Luật gia quận tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Bộ luật hình sự năm 2015 với sự tham dự của 120 đại biểu đại diện 4 phường trọng điểm (phường 2, phường 5, phường 7, phường 9); cảnh sát khu vực, ban điều hành Khu phố; công chức tư pháp – hộ tịch và người bị phạt tù đang hưởng án treo trên địa bàn phường.

  Tại hội nghị, Luật sư Dương Quang Thọ đã phổ biến nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đặc biệt là những điểm mới về tội phạm và hình phạt liên quan đến việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và vấn đề đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian tới.

  Qua Hội nghị, góp phần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đặc biệt là đối tượng đặc thù và địa bàn trọng điểm; vận động, thuyết phục người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phối hợp với cơ quan nhà nước trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm; có biện pháp hỗ trợ người bị phạt tù được hưởng án treo tái hòa nhập cộng đồng, không phạm tội mới trong thời gian chấp hành án; qua đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 24/8/2019, tại Câu lạc bộ thể thao Quận 3, Cụm thi đua I (gồm Phòng Tư pháp các quận: 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình) tổ chức Giải cầu lông nhằm chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Ngành Tư pháp, Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945-2019).

Đến tham dự giải, về phía Sở Tư pháp có bà Nguyễn Ngọc Thùy Trang -  Đại diện Văn phòng Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh; về phía đơn vị tổ chức có ông Nguyễn Tấn Tài - Trưởng Phòng Tư pháp Quận 3 - Cụm trưởng Cụm thi đua I cùng đại diện lãnh đạo các Phòng Tư pháp trong Cụm Thi đua I.

Quy mô Giải cầu lông lần này được tổ chức thi đấu trên 02 sân, có sự tham gia của 12 cặp đôi là công chức Phòng Tư pháp và công chức tư pháp hộ tịch của các phường trong cụm.

Sau diễn văn khai mạc của đơn vị tổ chức, các cặp đôi đã tiến hành thi đấu vòng tròn một lượt để chọn ra cặp đôi đứng nhất mỗi bảng thi đấu bán kết, tiếp tục trận chung kết tranh hạng 1-2, kết quả giải I và II thuộc về cặp đôi của Quận 10, đồng hạng III thuộc về cặp đôi của Quận 5 và Quận Tân Bình.

Giải cầu lông kết thúc trong không khí vui tươi, phấn khởi vì đó là dịp để các đơn vị được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết cùng nhau thực hiện thắng lợi mục tiêu mà ngành tư pháp đặt ra, đồng thời phát huy được tinh thần thể thao đoàn kết, khỏe để làm việc tốt.

Tháng Mười 14, 2019

Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên các dòng sông diễn biến phức tạp, gây mất an ninh, trật tự. Một số đoạn sông do các đối tượng khai thác cát trái phép đã sạt lở khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp và các công trình xây dựng ven sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhằm tăng cường phổ biến pháp luật, ngăn ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát trái phép nói riêng và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản nói chung, sau đây xin giới thiệu một số quy định của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, cụ thể như sau:

Điều 40. Vi phạm quy định về công suất được phép khai thác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi khai thác vượt dưới 15% so với công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt dưới 5.000 tấn, cụ thể như sau:

a) Phạt cảnh cáo đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với khai thác cát, sỏi lòng sông; than bùn; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khai thác nước khoáng; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác vượt quá công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 15% đến dưới 25% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 5.000 tấn đến dưới 10.000 tấn, cụ thể như sau:

a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác cát, sỏi lòng sông; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với khai thác nước khoáng; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

3. Phạt tiền đối với trường hợp khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25% đến dưới 50% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 5.000 tấn đến dưới 10.000 tấn cụ thể như sau:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.

b) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khai thác cát, sỏi lòng sông; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

c) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác nước khoáng; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

4. Phạt tiền đối với trường hợp khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 50% đến dưới 100% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 10.000 tấn đến dưới 20.000 tấn cụ thể như sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác cát, sỏi lòng sông; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

c) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác nước khoáng; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

5. Phạt tiền đối với trường hợp khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 100.000 tấn trở lên cụ thể như sau:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác cát, sỏi lòng sông; than bùn; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

c) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác nước khoáng; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Điều 44. Vi phạm về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác đến dưới 10m3;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 10m3 đến dưới 15m3;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 15m3 đến dưới 20m3;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 20m3 đến dưới 30m3;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30m3 đến dưới 40m3;

e) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 40 m3 đến dưới 50 m3;

g) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 50m3 trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

h) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản là cát, sỏi lòng sông đã khai thác từ 50m3 trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau:

a) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.

b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 29/8/2019, Ủy ban nhân dân Quận 6 đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng và Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 của Chính phủ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Tham dự Hội nghị có gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể Quận, phường và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Quận.

Tại Hội nghị, đồng chí Thượng tá Lưu Thanh Long- Phó trưởng phòng PA-03, Công an thành phố đã phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Bí mật nhà nước và đồng chí Thượng tá Nguyễn Đăng Hưng- Phó trưởng Công an quận 6 cũng đã phổ biến những điểm mới Luật An ninh mạng và Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 của Chính phủ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho Báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Qua Hội nghị, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ công vụ cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trên địa bàn Quận./.

Tháng Mười 14, 2019

Kể từ ngày 16/10/2019, mức thu lệ phí và các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí căn cước công dân được thực hiện theo Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân. Một số nội dung cụ thể của Thông tư số 59/2019/TT-BTC:

1. Mức thu lệ phí (Điều 4):

- Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

- Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

- Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

2. Các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí (Điều 5):

a) Các trường hợp miễn lệ phí:

- Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;

- Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

- Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

b) Các trường hợp không phải nộp lệ phí:

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định.

- Đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 29 tháng 8 năm 2019, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Nhà Bè, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên. Tham dự hội nghị có 116 đại biểu là công chức tư pháp - hộ tịch; hòa giải viên ở cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật và thành viên các tổ tư vấn cộng đồng của 07 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tại Hội nghị, Thạc sĩ Dương Hoán – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Trường Đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh đã phổ biến các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật khác có liên quan như: Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình,…; đồng thời, giới thiệu những tình huống hòa giải điển hình, một số kỹ năng, hình thức, biện pháp hòa giải; việc thanh quyết toán kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở…

Qua Hội nghị, góp phần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên, từ đó nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giúp hòa giải kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu nại, kiện tụng kéo dài; ổn định an ninh, trật tự công cộng tại địa phương./.

Tháng Mười 14, 2019

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở; vậy một người muốn trở thành hòa giải viên phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn nào và hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải có quyền, nghĩa vụ gì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ? Đối với nội dung này, Luật hòa giải ở cơ sở quy định cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn hòa giải viên (Điều 7):

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

2. Quyền của hòa giải viên (Điều 9)

- Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

- Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.

- Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

- Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

- Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

- Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

- Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.

3. Nghĩa vụ của hòa giải viên (Điều 10)

- Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật hòa giải ở cơ sở.

- Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật hòa giải ở cơ sở.

- Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

- Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

- Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

4. Quyền và nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải (Điều 15)

- Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.

- Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.

- Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật hòa giải ở cơ sở.

- Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật hòa giải ở cơ sở.

- Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

- Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.

- Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật hòa giải ở cơ sở./.

Tháng Mười 14, 2019

Thực hiện Công văn số 135/UBND-NC ngày 04/02/2016 của Ủy ban nhân dân quận về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 09/12/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Tân Phú. 

Ủy ban nhân dân 11 phường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo cán bộ, công chức phụ trách công tác hòa giải ở cơ sở tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (viết tắt là Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN):

a) Về cơ cấu, thành phần hòa giải viên:

- Mỗi khu phố thành lập 01 tổ hòa giải và số lượng hòa giải viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định.

- Cơ cấu tổ hòa giải: 01 Tổ trưởng tổ hòa giải và các hòa giải viên.

+ Tổ trưởng tổ hòa giải: Trưởng Ban điều hành khu phố.

+ Hòa giải viên: Ban điều hành tổ dân phố (Tổ trưởng hoặc tổ phó); Tổ công tác Mặt trận tổ dân phố (Tổ trưởng hoặc tổ phó) và có thể mời các luật gia tham gia làm hòa giải viên (nếu có).

Đối với địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số và đảm bảo phải có hòa giải viên là nữ.

- Tiêu chuẩn hòa giải viên theo Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở.

b) Về thủ tục bầu hòa giai viên, tổ trưởng tổ hòa giải và cho thôi làm hòa giải viên:

- Thủ tục bầu hòa giải viên thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN và khoản 1 mục II phụ lục các thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 3404/QĐ-BTP ngày 18/12/2014.

- Thủ tục bầu tổ trưởng tổ hòa giải thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN và khoản 2 mục II phụ lục các thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 3404/QĐ-BTP ngày 18/12/2014.

- Thủ tục thôi làm hòa giải viên thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN và khoản 3 mục II phụ lục các thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 3404/QĐ-BTP ngày 18/12/2014.

- Ra Quyết định thành lập tổ hòa giải, công nhân tổ trưởng tổ hòa giải và hòa giải viên hoặc cho thôi làm hòa giải viên thực hiện theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/11/2011 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

2. Chi hỗ trợ tổ hòa giải và hòa giải viên đảm bảo theo Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 04/02/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định một số mức chi cụ thể cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh:

- Thanh toán thù lao cho hòa giải viên tham gia trực tiếp giải quyết vụ việc hòa giải đảm bảo thủ tục theo khoản 4 mục II phụ lục các thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 3404/QĐ-BTP ngày 18/12/2014 và theo hướng dẫn của Phòng Tài chính – Kế hoạch quận tại văn bản số 209/TCKH ngày 17/02/2016.

- Hỗ trợ kinh phí cho lực lượng hòa giải viên tham gia tập huấn nghiệp vụ hoặc bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải (hội nghị chuyên đề) theo Điều 4 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 22/8/2019, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật  Quận 1 đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe gắn máy và người dân trên địa bàn Quận.

Tham dự buổi tuyên truyền, các đại biểu đã được cán bộ Công an Quận 1 thông tin tình hình liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn quận trong thời gian qua, trong đó, tập trung nhấn mạnh tình trạng vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của người nước ngoài trên địa bàn quận.

Theo phân tích, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng này một phần do lỗi chủ quan của người nước ngoài, một phần khác do người chủ cơ sở cho thuê xe đã giao xe hoặc để cho người nước ngoài sử dụng xe khi không đủ điều kiện theo Luật Giao thông đường bộ. Do đó, báo cáo viên đã đề nghị các chủ cơ sở cho thuê xe gắn máy không cho những người nước ngoài không đủ điều kiện của Luật Giao thông đường bộ thuê xe như: không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp pháp tại Việt Nam.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, Quận 1 đã tiến hành tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông của người nước ngoài trên địa bàn quận. Cụ thể, từ ngày 01/8 đến ngày 15/8/2019, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Quận 1 đã lập biên bản xử phạt 11 trường hợp người nước ngoài vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi như: điều khiển phương tiện lưu thông ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, giấy phép lái xe không hợp lệ, không mang giấy tờ xe...

Trong thời gian tới, Quận 1 tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định đảm bảo trật tự cho người nước ngoài và các cơ sở có liên quan đến hoạt động cho người nước ngoài thuê xe gắn máy. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý đối với các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông của người nước ngoài trên địa bàn quận./.