September 4, 2019

Ngày 29/7/2019, tại Trung Bồi dưỡng chính trị huyện Nhà Bè, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Tham dự Hội nghị có đại diện các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện; báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn, trưởng ban điều hành Khu phố, ấp nhân dân tại các xã – thị trấn.

Tại Hội nghị Ông Huỳnh Văn Hoàng – Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Nhà Bè đã phổ biến những điểm mới của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 và các văn bản liên quan.

Qua đó, góp phần trang bị những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường khi có vụ việc bồi thường nhà nước phát sinh và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chứ trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, ngăn ngừa các sai sót trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân./.

 

Tháng Mười 14, 2019

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ tham gia giao thông trong học sinh, ngăn ngừa, giảm thiểu hành vi phạm pháp luật về giao thông, đường bộ và tai nạn giao thông,

Ngày 09/9/2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp Phòng Tư pháp Quận 4 tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong trường học với sự tham gia của 1.600 học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ.

Đồng chí Lê Ngọc Khoa – Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Quận 4, báo cáo viên pháp luật đã trình bày thực trạng tình hình vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trên địa bàn quận; các quy định của Luật giao thông đường bộ liên quan trực tiếp đến các em học sinh cùng những tình huống thực tiễn. Với các kiến thức pháp luật bổ ích, thiết thực vừa được học, các em học sinh đã tự tin, mạnh dạn, hào hứng tham gia phát biểu, trao đổi, trả lời đố vui pháp luật của báo cáo viên để nhận được những phần quà từ Ban Tổ chức cũng như kiểm tra lại kiến thức đã được học./.

Tháng Mười Một 12, 2019

Nhằm triển khai có hiệu quả nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực một cách sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn, Hội đồng phố hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 giới thiệu một số nội dung tuyên truyền về Nghị định 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá năm 2018.

Ngày 14/6/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá năm 2018 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/8/2019.

Nghị định này quy định chi tiết về thực hiện Quyết định về đặc xá, điều kiện, hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá và thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá

Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm:

- Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (sau đây gọi chung là người bị kết án phạt tù).

- Cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

Các điều kiện của người được đề nghị đặc xá được quy định rõ tại Điều 4 của Nghị định, cụ thể:

1. Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt.

2. Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án;

b) Có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thm quyền;

c) Có văn bản đề nghị của người được thi hành án hoặc đại diện hp pháp của người được thi hành án về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án đối với tài sản không thuộc sở hữu nhà nước.

3. Người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại là trường hợp người đó và gia đình không còn tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án và không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.

4. Người bị kết án phạt tù đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm;

b) Cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn;

c) Có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.

Người đã có quyết định thi hành án phạt tù lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.

5. Người bị kết án phạt tù đang mắc bệnh hiểm nghèo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người mắc một trong các bệnh: Ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ trướng; suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; bệnh HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc bệnh khác mà được Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là không tự phục vụ bản thân, nguy cơ tử vong cao.

6. Người bị kết án phạt tù đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ ba lần trở lên, mỗi lần từ 01 tháng trở lên, không tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tnh, cấp quân khu trở lên.

7. Người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại điểm e khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là trường hợp gia đình của người bị kết án phạt tù đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức chuẩn hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định về thành phần hồ sơ đề nghị đặc xá; trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá; quy trình thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá.

Tháng Hai 3, 2020

Ngày 24/12/2019, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Tư pháp năm 2019. Đến dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Đỗ Thanh Hòa - Phó chủ tịch UBND huyện – Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, cùng dự có đồng chí Đặng Quang Sang - Trưởng phòng Tư pháp huyện; đồng chí Nguyễn Khắc Tĩnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

Trong năm 2019, công tác Tư pháp của huyện Hóc Môn đã đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

+ So với năm 2018, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được thực hiện tốt hơn với việc tuyên truyền nhiều nội dung chính sách pháp luật thuộc các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội liên quan đến đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện với các hình thức đa dạng, sinh động như: tổ chức Hội nghị, phát thanh tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh huyện, xã – thị trấn, tuyên truyền bằng tờ gấp pháp luật, tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật; đặc biệt nổi bật là việc thường xuyên đăng các tin, bài tuyên truyền pháp luật trên ứng dụng Hóc Môn trực tuyến – hình thức tuyên truyền này được xem hiệu quả, tiết kiệm kinh phí, người dân dàng dễ tiếp cận. Qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, Nhân dân trên địa bàn huyện đã được cải thiện và nâng cao.

+ Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, trong năm 2019, công tác này đã khắc phục một số hạn chế của năm 2018 với việc tổ chức 04 buổi tập huấn kỹ năng và 04 hội thi tìm hiểu về hòa giải cơ sở cho 04 cụm xã – thị trấn đã góp phần cải thiện kỹ năng hòa giải của các hòa giải viên, từ đó, tỷ lệ hòa giải thành đã được nâng cao (đạt 88%) đảm bảo chỉ tiêu thành phố giao cho huyện.

+ Đối với công tác kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư, năm nay, được sự ủy quyền của Thành phố, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư để đảm bảo các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động đúng quy định pháp luật.

Tại hội nghị, các cơ quan, đơn vị (Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, UBND xã Xuân Thới Thượng, Tổ hòa giải cơ sở ấp Xuân Thới Đông 1 – xã Xuân Thới Đông, ấp Tiền Lân - xã Bà Điểm) đã trình bày các báo cáo tham luận trong công tác PBGDPL và HGCS năm 2019, qua đó, nêu ra một số thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL và HGCS.

Trong dịp này, nhằm ghi nhận và biểu dương các tập thể cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL và HGCS, Ủy ban nhân dân huyện đã trao giấy khen cho 28 tập thể, 20 cá nhân.

Tháng Năm 26, 2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.

Nghị định  42/2020/NĐ-CP áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

9 loại hàng hóa nguy hiểm
Theo Nghị định, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:
Loại 1: Chất nổ và vật phẩm dễ nổ gồm: Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng; nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng; nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng; nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể; nhóm 1.5: Chất rất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng; nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.
Loại 2: Khí gồm: Nhóm 2.1: Khí dễ cháy; nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại; nhóm 2.3: Khí độc hại.
Loại 3: Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
Loại 4: Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy; nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy
Loại 5: Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa; nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.
Loại 6: Nhóm 6.1: Chất độc; nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.
Loại 7: Chất phóng xạ.
Loại 8: Chất ăn mòn.
Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.

Phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm
Nghị định quy định, phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.
Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.
Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.
Nghị định cũng quy định việc xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi. Cụ thể, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hoá nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.
Việc xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.
Trường hợp vận chuyển hàng hoá nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải. Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác theo đúng quy trình quy định.

                                                                                (Nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/van-ban-chinh-sach-moi.aspx?ItemID=3171)

Tháng Bảy 13, 2020

Ngày 21 tháng 6 năm 2020, Phòng Tư pháp quận phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Hòa Thạnh, Ủy ban nhân dân phường Tân Thới Hòa tổ chức Chương trình pháp luật với chủ đề “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”

Chương trình pháp luật được diễn ra tại Ủy ban nhân dân phường Hòa Thạnh với sự có mặt của đại diện Phòng Tư pháp, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường và sự tham gia tích cực, sôi nổi của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân phường Hòa Thạnh, phường Tân Thới Hòa.

Tại Chương trình cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và người dân không những được cung cấp các kiến thức pháp luật hữu ích về giao thông đường bộ và chế định thừa phát lại mà còn được hướng dẫn kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông bằng nhiều hình thức phổ biến nội dung giáo dục pháp luật đa dạng, gần gũi và thiết thực, chú trọng phổ biến các quy định pháp luật để mọi người dễ nắm bắt và thực hiện.

Ngoài ra, khi tham gia chương trình pháp luật mọi người còn được hỗ trợ thay nhớt xe miễn phí, tham gia thi trắc nghiệm kiến thức về giao thông và các trò chơi vận động có thưởng với nội dung về pháp luật nhằm đánh giá, củng cố sự tiếp thu kiến thức cũng như đánh giá hiệu quả của Chương trình.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2018 – 2021 và phổ biến kịp thời các quy định pháp luật mới đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân để nắm vững, thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông đường bộ, chế định thừa phát lại. Từ đó tạo thói quen tự học tập, tự tìm hiểu kiến thức pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình./.

 

Tháng Bảy 31, 2020

Ngày 15/7/2020, tại Hội trường Ủy ban nhân dân Thị Trấn Củ Chi , Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Củ Chi tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở năm 2020 ở 03 xã gồm xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An với sự tham dự của 146 hòa giải viên, nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải về công tác hòa giải tại Ban hòa giải xã, thị trấn và tổ hòa giải ở các ấp, trên địa bàn huyện Củ Chi. Hội nghị do ông Dương Quang Thọ báo cáo.

Hội nghị tập huấn các chuyên đề về Luật Hòa giải cơ sở, Luật An ninh mạng, Luật Thủy Sản, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, giải đáp một số tình huống về hòa giải cơ sở và làm bài thu hoạch. Qua Hội nghị đã nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các hòa giải viên,  góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, đồng thời thông qua hòa giải, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến tận người dân ở cơ sở./.

September 22, 2020

Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Quận 3, chiều ngày 15/9/2020, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận 3, Phòng Tư pháp phối hợp Phòng Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành cho gần 100 cán bộ, công chức đại diện cho ban ngành, đoàn thể của quận và 14 phường; đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp Quận 3 gồm: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chi cục Thi hành án Dân sự, Ban chỉ huy Công an quận và 14 phường.

Hội nghị đã được nghe báo cáo viên -Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng phòng Công tác Thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến những nội dung trọng tâm của luật, trong đó tập trung vào các quy định như: trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe báo cáo viên triển khai một số nội dung cơ bản của thủ tục Giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và thủ tục phục hồi danh dự được quy định trong Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Hội nghị góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, qua đó phòng ngừa, không để xảy ra các hành vi trái pháp luật làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước./.

Tháng Mười Một 2, 2020

Vào lúc 14 giờ 00, ngày 27 tháng 10 năm 2020 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Quận 8, Ban Chỉ huy Quân sự Quận 8 đã tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2020 với chủ đề “Nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Với sự tham dự của đồng chí Đại tá Thái Thành Đức – Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo – Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Ngọc Muôn – Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy – Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 8; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoa – Quận ủy viên – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8; đồng chí Phạm Thanh Bình – Quận ủy viên – Trưởng phòng Tư pháp Quận 8; cùng với đại diện lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; các Chính trị viên (Phó Chính trị viên) Ban Chỉ huy Quân sự 23 quận – huyện; các đồng chí đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 8; Phòng Nội vụ Quận 8; Trung tâm văn hóa; Quận đoàn 8; Công an Quận 8; Tòa án nhân dân Quận 8 và khoảng hơn 300 đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự phường và chiến sĩ trong Lực lượng vũ trang trên địa bàn Quận 8.

Buổi sinh hoạt do đồng đồng chí Thượng tá Đinh Ngọc Thanh – Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự Quận 8 đã tuyên truyền sự hình thành, mục đích, ý nghĩa ngày của pháp luật Việt Nam và thông tin tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật của đơn vị Lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố và quận. Ngoài ra còn có đồng chí Thiếu tá Đinh Minh Vương – Cán bộ tuyên truyền Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt – Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu và tìm hiểu rõ hơn về Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cũng như thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, còn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật về Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ bằng hình thức tiểu phẩm mang tên “Bài học đắt giá” và hình thức tổ chức trò chơi pháp luật cho 05 đội dự thi trong Lực lượng vũ trang tham gia./.