Tháng Mười Một 29, 2018

Nhằm tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 09-11, năm 2018, để  phát huy những kết quả đã đạt được, tìm ra nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, kịp thời phát hiện các mô hình, giải pháp, cách làm hay, hiệu quả để triển khai Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2018 – 2021,

Ngày 28/11/2018, Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2018 - 2021 trên địa bàn Thành phố”.

Chủ trì Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp và đồng chí Trần Việt Thái, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp.

Các khách mời, đại biểu đến từ Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp (Đ/c Hoàng Huy Trường – Trưởng phòng Công tác tư pháp khác); Lãnh đạo các đơn vị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố; Hội Cựu chiến binh Thành phố; Hội Nông dân Thành phố; Thành Đoàn; Liên đoàn Lao động Thành phố; Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố; Tòa án nhân dân Thành phố; Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố; Cục Thi hành án dân sự Thành phố; Lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể Thành phố; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện và một số Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Các báo cáo viên pháp luật Thành phố; Đại diện Báo cáo viên pháp luật quận, huyện; Đại diện Tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn; các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố đến tham dự và đưa tin.

Với hơn 20 tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm từ các đại biểu sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, báo cáo viên pháp luật quận, huyện, Tuyên truyền viên pháp luật phường, xã, thị trấn…, Tọa đàm đã đánh giá toàn diện những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai Đề án trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đóng góp, phát biểu có tính khả thi, bám sát thực tiễn, có giải pháp triển khai hiệu quả, thiết thực, đổi mới rõ rệt về nội dung, phương pháp, hình thức PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật, làm cơ sở để Sở Tư pháp tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Kế hoạch triển khai trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, ban hành trong giai đoạn 2018 - 2021.

                                                                                                                                PHÒNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Một số hình ảnh Tọa đàm

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đại diện Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Thành phố trình bày tham luận tại Tọa đàm

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố trình bày tham luận tại Tọa đàm

                            Báo cáo viên pháp luật quận Bình Thạnh - Đ/c Lệ Hoa trình bày ý kiến góp ý tại Tọa đàm

 

 

                                         Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Tháng Mười Một 8, 2018

Sáng 6/11, Sở Tư pháp thành phố Hồ CHí Minh tổ chức lễ công bố vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền phổ biến pháp luật TPHCM tại địa chỉ http://tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Vũ công bố vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền phổ biến pháp luật TPHCM

Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền phổ biến pháp luật TPHCM là kênh cung cấp thông tin pháp luật chính thức cho người dân, doanh nghiệp thông qua các hình thức đa dạng, phong phú; có thể dễ dàng tương tác giữa các thành viên như mạng xã hội; là nơi các cơ quan nhà nước phối hợp thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; là nơi chia sẻ kinh nghiệm và nghiệp vụ giữa các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; là mô hình phù hợp để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng; thuận tiện cho việc thăm dò, khảo sát ý kiến; thông tin, báo cáo, thống kê qua mạng...

Quang cảnh buổi lễ

Đây là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn theo chủ trương chung của Chính phủ và chính quyền Thành phố; là hình thức tuyên truyền nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nhất; tiện lợi, cho phép hiển thị nội dung thông tin trên nhiều loại thiết bị khác nhau; có thể cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, mọi lúc, mọi nơi (có mạng internet) cho mọi đối tượng, kế cả người khuyết tật và các đối tượng đặc thù; không giới hạn phạm vi không gian hay thời gian, người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng khi có nhu cầu.

Đồng thời, Cổng thông tin là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn theo chủ trương chung của Chính phủ và chính quyền Thành phố; là một trong những mục tiêu của “Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại TPHCM giai đoạn 2015-2018” (giai đoạn 1). Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Sở Tư pháp chủ trì báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn 1; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình UBND TP xem xét ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện đề án này đến năm 2021 theo Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018-2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Tháng Năm 26, 2020

Nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/5, trong đó tiêu biểu như chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân, xe vi phạm giao thông sẽ không bị tạm giữ nếu nộp tiền bảo lãnh...


Tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có thể được giữ phương tiện nếu đặt tiền bảo lãnh
Nghị định số 31/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP  ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có hiệu lực ngày 01/05/2020.
Nghị định số 31 đã sửa đổi quy định về giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ nếu: a) Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; b) Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm không được phép sử dụng phương tiện tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Sửa đổi, bổ sung quy định về bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án
Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực vào ngày 01/5.
Theo đó, trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản.
Trường hợp trong cùng một cuộc đấu giá mà có nhiều tài sản được đấu giá để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất. Trường hợp số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại.
Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn thêm.
Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.
Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá. Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác.
Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng thì tiền thanh toán mua tài sản đấu giá được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá và quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản.
Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng
Được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3 và chính thức có hiệu lực ngày 15/5, Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc đã quy định lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Theo Quyết định này, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Thời hạn ký quỹ là 05 năm 06 tháng.
Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.
07 công việc người lao động Việt Nam không được đến làm việc ở nước ngoài
Có hiệu lực ngày 20/5, Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4 của Chính phủ đã ban hành kèm theo danh mục công việc người lao động Việt Nam không được đến làm việc ở nước ngoài, trong đó có tới 07 công việc, cụ thể:
- Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí;
- Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), mangan, điôxit thủy ngân;
- Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;
- Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh;
- Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;
- Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);
- Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc
Chính thức có hiệu lực từ ngày 22/5 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã có quy định về việc cấp bản sao điện tử từ sổ gốc. Theo đó tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo 02 cách:
- Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc: Khi đó, cơ quan đang quản lý sổ gốc sẽ căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.
- Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu­Với cách làm này, tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

                                                                                                           (Nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/van-ban-chinh-sach-moi.aspx?ItemID=3183)

 

Tháng Mười 23, 2018

Thực hiện Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” và Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,

Ngày 23/10/2018, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu là đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố; Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Thành Đoàn, Các sở, ban, ngành Thành phố; Tòa án nhân dân Thành phố, quận, huyện, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, quận, huyện; Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố; các Báo, Đài Thành phố; Ủy ban nhân dân quận huyện, Phòng Tư pháp quận, huyện và Báo cáo viên pháp luật Thành phố, quận, huyện.

Tại Hội nghị, Đại úy, Thạc sỹ Võ Thị Thu Lan, Phó Đội trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố (Báo cáo viên pháp luật) đã giới thiệu nội dung cơ bản của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và một số quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn (quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật xử lý vi phạm hành chính...).

Thông qua Hội nghị, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay./.

Tháng Mười Hai 17, 2018

Thực hiện Kế hoạch số 11796/KH-STP-PBGDPL ngày 16/11/2018 của Sở Tư pháp, sáng ngày 13/12/2018, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018; kinh nghiệm từ công tác đánh giá năm 2017 và phương hướng triển khai năm 2019 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Thành ủy; Ban Dân vận Thành ủy; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Lãnh đạo Sở, Ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện; Ban Dân vận 24 quận, huyện ủy; Ban Tuyên giáo 24 quận, huyện ủy; Đại diện Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật quận, huyện; Lãnh đạo Phòng Tư pháp quận, huyện; Công chức của Văn phòng UBND quận, huyện tham mưu thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương; Đại diện Lãnh đạo, công chức phụ trách triển khai chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã, phường, thị trấn 322 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố phụ trách triển khai chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã, phường, thị trấn.

Hội nghị đã được Báo cáo viên của Sở Tư pháp: đồng chí Trần Việt Thái – Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp; đồng chí Vũ Thái Hùng Phó Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tập huấn những nội dung trọng tâm của Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Tập huấn, hướng dẫn cách chấm và tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và hướng dẫn cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã cách tổng hợp, tính điểm các Tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, điều kiện, quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Hướng dẫn Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật quận, huyện quy trình, điều kiện, thẩm định, đánh giá đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đánh giá thực hiện tại cơ sở do các đại biểu tham dự đặt ra liên quan đến chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các Báo cáo viên Sở Tư pháp kịp thời hướng dẫn, giải đáp thực hiện.

Thông qua hội nghị, các đại biểu được trang bị và cập nhật các kiến thức về xây dựng xã phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó triển khai hiệu quả công tac xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương năm 2018, 2019 và các năm tiếp theo góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức tại cơ sở, làm chuyển biến mạnh mẽ và tăng cường các thiết chế tiếp cận pháp luật, đáp ứng nhu cầu và quyền được thông tin về pháp luật của người dân, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở.

Đ/c Trần Việt Thái – Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - báo cáo viên Hội nghị

                                  Quang cảnh Hội nghị

 

                                                                                                                       PHÒNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Tháng Mười Một 1, 2018

Sáng ngày 01/11/2018, Sở Tư pháp và Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố từ ngành Tư pháp sang ngành Văn hóa – Thể thao. Thay mặt Ủy ban nhân dân Thành phố, Đồng chí Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ công bố Quyết định số 4435/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của UBND Thành phố về bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố.

Tại Lễ bàn giao, Đồng chí Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã khái quát một số kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Theo đó, tính tới ngày 30/6/2018, Thành phố Hồ Chí Minh có 319 xã, phường, thị trấn có dân cư với 24.620 tổ dân phố, ấp nhân dân; trong đó, có 21.080 quy ước được xây dựng và phê duyệt theo Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg; 2.425 quy ước được xây dựng theo nhu cầu thực tế và đã được phê duyệt; hiện nay còn 1.115 quy ước chưa được phê duyệt.

Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (thay thế Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg) và Quyết định số 4435/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố. Mặc dù nhiệm vụ chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được chuyển từ Ngành Tư pháp sang Ngành Văn hóa - Xã hội nhưng Ngành Tư pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ, tích cực với Ngành Văn hóa và Thể thao để tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Đồng chí Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao ghi nhận những kết quả đạt được của Ngành Tư pháp trong thời gian qua; tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và mong muốn Ngành Tư pháp tiếp tục hỗ trợ Ngành Văn hóa và Thể thao trong thời gian tới, qua đó, phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng nâng cao vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hương ước, quy ước, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư./.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP nhận bàn giao từ ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP (Ảnh: Kim Phụng)

Tháng Một 4, 2019

         Ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 3137/QĐ-BTP về việc phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2018 của Ngành Tư pháp. Dưới đây, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin trân trọng giới thiệu tới độc giả 10 sự kiện nổi bật năm 2018 của Ngành Tư pháp.

1. Công tác của Bộ, Ngành tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp và ghi nhận của Đảng và Nhà nước

          Năm 2018, Bộ, Ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đồng bào, cử tri cả nước đối với các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành. Cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phụ trách lĩnh vực công tác tư pháp, Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương... đã làm việc và có nhiều chỉ đạo quan trọng đối với công tác của Bộ, Ngành. Đồng thời, các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành cũng đã nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước thông qua các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, với những nỗ lực, cố gắng trong suốt thời gian qua, Bộ, Ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ ở các cấp. Đây là cơ sở để Bộ, Ngành Tư pháp vững bước đi lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ người dân trong thời gian tới.

          2. Chuyển biến mới về chất lượng trong xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật; nhận diện, đề xuất khung pháp lý đối với tiền và tài sản mã hóa

          Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 22, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ động, kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm, các Bộ, Ngành đã tích cực hoàn thiện 16 dự án luật, 01 pháp lệnh và nhiều nghị quyết, văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp đã thẩm định đúng thời hạn 246 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định 57 điều ước quốc tế và góp ý hàng nghìn văn bản, đề án khác. Trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp đã quán triệt nghiêm quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm không đưa các quy định về tổ chức, bộ máy, các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề vào các luật, pháp lệnh chuyên ngành; tăng cường kiểm soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép, thủ tục hành chính, các quy định về kiểm tra chuyên ngành... Các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự án, dự thảo, được Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội tham khảo khi quyết định thông qua các dự án luật. Hầu hết các dự án do Chính phủ trình được thông qua với tỷ lệ trên 80%.

          Trong năm, Bộ Tư pháp đã từng bước tiếp cận những vấn đề mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra, trong đó, đáng chú ý là vấn đề pháp lý liên quan đến tiền và tài sản mã hóa nói riêng, hệ sinh thái số nói chung. Bộ đã hoàn thiện Báo cáo Thủ tướng Chính phủ “Về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện” để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo cho việc xây dựng khung pháp lý về vấn đề này.

          3. Tổng kết 5 năm “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Lễ Hưởng ứng Ngày pháp luật tạo dấu mốc quan trọng, thúc đẩy ý thức thượng tôn pháp luật

          Năm 2018 đánh dấu 5 năm “Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua tổng kết thực hiện, rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả đã được triển khai thực hiện và đi vào nền nếp. Tinh thần của Ngày Pháp luật lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách nhanh chóng, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng Bộ, ngành, địa phương.
                       Đặc biệt, ngày 09/11/2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức thành công “Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018”. Đây là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 05 năm triển khai Ngày Pháp luật. Phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, đóng góp tích cực của Ngành Tư pháp, của cấp ủy Đảng, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo định hướng tiếp tục lan tỏa tinh thần Ngày Pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

          4. Hệ thống Thi hành án dân sự đạt được nhiều kết quả quan trọng, nỗ lực từng bước đổi mới công tác thi hành án

          Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm lãnh đạo toàn diện việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính giai đoạn 2018 - 2021, trong năm, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/BCS về công tác này. Trên cơ sở đó, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý tiếp tục tăng cao so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền). Năm 2018, Hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 571.708 việc và trên 34.520 tỷ đồng; công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, đã giải quyết dứt điểm 74 vụ việc (chiếm trên 70%) số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài nhiều năm, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, toàn Hệ thống đã có sự nỗ lực từng bước đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong toàn Hệ thống được đổi mới và có chuyển biến rõ rệt với việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai, vận hành phần mềm Quản lý thi hành án dân sự trong toàn hệ thống; đã cấp 7.171 tài khoản sử dụng và cập nhật 431.666 hồ sơ thi hành án vào phần mềm.

5. Tạo dựng tiền đề cho việc thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật

          Ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022, trong đó xác định 07 nhóm nhiệm vụ trên các lĩnh vực, như: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật... Đây là văn bản cụ thể hóa nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Hiến pháp năm 2013 nhằm thực hiện bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ việc đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật.
          Triển khai thực hiện Đề án, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện; Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương Tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triển triển khai thực hiện Đề án; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế có liên quan... Ngay trong năm 2018, Bộ đã tập trung vào việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2018 là điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; y tế; lao động - thương binh và xã hội… tại 14 cơ quan, địa phương để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.

          6. Đột phá trong giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào; tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, tương trợ tư pháp

          Ngày 23/11/2018, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 2157/QĐ-CTN về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 119 cá nhân hiện đang cư trú tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, chấm dứt tình trạng sống không giấy tờ, không quốc tịch sau hàng chục năm, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con. Đây là kết quả sau 5 năm thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, tăng cường mốiquan hệ láng giềng tốt đẹp Việt Nam - Lào, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương, ổn định vùng biên giới hai nước.
           Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tương trợ tư pháp với các quốc gia tiếp tục được tăng cường: Bộ Tư pháp và các tỉnh, thành phố có liên quan của Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư pháp Lào tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ tư; tham gia tích cực, đóng góp vào thành công Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM) lần thứ 10 tại thủ đô Viêng-Chăn, Lào... Đặc biệt, nhân chuyến thăm chính thức Hung-ga-ri của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 10/9/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Chủ tịch nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Hung-ga-ri, mở đầu cho việc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa các Hiệp định tương trợ tư pháp thế hệ cũ, thể hiện vai trò tích cực và chủ động của Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp, góp phần đẩy mạnh hợp tác tư pháp giữa hai nước.

             7. Công tác cải cách hành chính đạt kết quả tích cực, tạo thuận lợi trong giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành
               Ngày 02/5/2018, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ Tư pháp xếp thứ 4/19 Bộ, tăng 2 bậc so với năm trước và 5 bậc so với đầu nhiệm kỳ; được đánh giá là Bộ có chỉ số cao nhất về chỉ đạo điều hành cải cách hành chính.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018, Bộ Tư pháp đã tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác này và đạt được nhiều kết quả. Bộ đã ban hành 10 quyết định công bố thủ tục hành chính mới trong 08 lĩnh vực: hòa giải thương mại, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận thông tin. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của một số Bộ; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 49/94 (chiếm 52,13%) điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ đã thực hiện cắt giảm và lồng ghép khoảng 20% hội nghị, hội thảo, các chuyến công tác địa phương; phê duyệt phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo trong yêu cầu Bộ, ngành, địa phương báo cáo côngtác...

               8. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp được thực hiện đồng bộ, toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, Ngành

          Năm 2018, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, Ngành Tư pháp tiếp tục được đổi mới theo hướng gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp để công chức, viên chức có thể làm tốt công việc ở vị trí của mình. Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đồng bộ, có kế hoạch và quy hoạch. Vị trí việc làm, ngạch công chức, viên chức là yêu cầu chủ đạo của nội dung chương trình, phương thức bồi dưỡng và việc cử công chức, viên chức tham gia các khóa học. Trong năm, đã có gần 9.000 lượt công chức, viên chức đơn vị thuộc Bộ, Hệ thống Thi hành án dân sự và hơn 4.700 lượt cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch của các tỉnh, thành phố được đào tạo, bồi dưỡng. Học viện Tư pháp thực hiện tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng cho 4.057 học viên nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, nghề luật sư, công chứng...; Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh, đào tạo cho 3.011 sinh viên…; các Trường trung cấp Luật thuộc Bộ đã tiếp tục phát huy vai trò trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ tư pháp cơ sở.

          9. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, Ngành

          Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2017, Bộ Tư pháp đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 5 Bộ có chỉ số cao nhất về xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, Ngành Tư pháp tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, Ngành. Trong năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Khung Chính phủ điện tử của Bộ phiên bản 1.0; đưa phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật sau khi nâng cấp vào hoạt động; tiếp tục triển khai nhiều phần mềm ứng dụng từ Trung ương đến địa phương và liên tục hỗ trợ kỹ thuật cho gần 20.000 người dùng; hệ thống hội nghị truyền hình của Bộ phục vụ hơn 80 cuộc họp trực tuyến. Bộ Tư pháp là một trong những Bộ đầu tiên thực hiện việc kết nối các hệ thống thông tin của Bộ với trục NGSP (hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương). Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong một số lĩnh vực đạt hơn 1 triệu hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã hỗ trợ đào tạo và triển khai Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vượt mục tiêu đề ra. Tổng số lượng hồ sơ trên Hệ thống đạt hơn 5.300.000. Bộ đang nỗ lực đưa Hệ thống vào hoạt động chính thức trên phạm vi toàn quốc vào năm 2019.

          10. Tên của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được đặt cho một tuyến phố mới ở Thủ đô Hà Nội

          Ngày 05/12/2018, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó, cố Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh được đặt cho một tuyến phố mới trên địa bàn quận Hà Đông.

           Đồng chí Vũ Trọng Khánh (1912-1996), quê quán thôn Cự Đà, Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội) là một trí thức yêu nước tiêu biểu, có đức, có tài, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nền Tư pháp Việt Nam. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ông được Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Với tinh thần không thể để đất nước một ngày không có pháp luật, Ông đã tranh thủ ý kiến của nhiều trí thức, luật gia nổi tiếng, soạn thảo để Chính phủ lâm thời ban hành hơn 30 Sắc lệnh làm nền tảng cho thể chế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt, với trình độ luật học uyên bác, Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách tham gia soạn thảo bản Hiến pháp năm 1946 - với những tư tưởng về dân chủ, pháp quyền tiến bộ, còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Việc có một đường phố đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, ngay tại quê hương của cố Bộ trưởng là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện sự ghi nhận, vinh danh của thành phố đối với những đóng góp to lớn của đồng chí Vũ Trọng Khánh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nền Tư pháp Việt Nam nói riêng và của Bộ, Ngành Tư pháp nói chung.

                                                                                                               Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp

Tháng Mười Một 2, 2018

          Ngày 31/10/2018, tại Trung tâm Hội nghị 272 Thành phố, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ Nữ Thành phố tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 800 đại biểu là hòa giải viên ở cơ sở, thành viên các tổ tư vấn cộng đồng của các chi tổ hội phụ nữ cơ sở đến từ 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

          Tại Hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân Thành phố truyền đạt kiến thức pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, một số kỹ năng dành cho hòa giải viên; một số điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015; Pháp luật về Đất đai, Môi trường và các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch.

          Cũng trong hội nghị, các hòa giải viên, thành viên các tổ tư vấn cộng đồng của các chi tổ hội phụ nữ cơ sở đã cùng nhau trao đổi, tìm hiểu các tình huống thường gặp trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và hoạt động của tổ tư vấn cộng đồng. Đây là dịp để hòa giải viên, thành viên các tổ tư vấn cộng đồng của các chi tổ hội phụ nữ cơ sở nắm rõ các kiến thức, kỹ năng hòa giải để vận dụng linh hoạt trong hoạt động hòa giải, từ đó tăng tỷ lệ hòa giải thành, qua đó giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong  cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

          Một số hình ảnh Hội nghị

anh hoi nghi

anh hoi nghi 2

Tháng Tám 16, 2018

Nhằm đổi mới, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong giai đoạn hiện nay, gắn PBGDPL với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội để tạo đồng thuận trong thực hiện; tiếp tục tổ chức thi hành chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định pháp luật về PBGDPL và phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021,

Ngày 18 tháng 6 năm 2018, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 2686/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018 – 2021, trong đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mới, thể hiện quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL trên địa bàn Thành phố, trong đó, có những nội dung, định hướng mới đáng chú ý như sau:

1. “Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”:

- Quán triệt và xác định rõ Hội đồng phối hợp PBGDPL là “cơ quan tư vấn” cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp về công tác PBGDPL và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL để có giải pháp phù hợp để kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, giao nhiệm vụ và kinh phí cho các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đảm bảo nguyên tắc công tác PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh phí hoạt động của Hội đồng và Ban Thư ký chỉ bố trí để chi các nội dung theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND.

- Phát huy vai trò nòng cốt của Sở Tư pháp, người làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp – hộ tịch trong tham mưu, điều phối, quản lý việc tổ chức các hoạt động PBGDPL.

Các chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo điều hành về PBGDPL đều phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành, đối với các vấn đề lớn phải được Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/quận, huyện thông qua và tư vấn cho UBND Thành phố/quận, huyện, Chủ tịch UBND Thành phố/quận.

- Thí điểm bổ sung chức năng, nhiệm vụ thực hiện công việc phục vụ cho tổ chức hoạt động PBGDPL (như biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo...) cho một đơn vị sự nghiệp đã có trực thuộc Sở Tư pháp nhằm tổ chức công việc hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc không thành lập đơn vị mới và không bổ sung biên chế.

2. Không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện từng kế hoạch/đề án PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021 riêng lẻ kể cả các Kế hoạch/Đề án thực hiện theo Quyết định số 705/QĐ-TTg (đã thành lập thì giải thể), Lãnh đạo Thường trực UBND Thành phố/quận, huyện phụ trách công tác tư pháp - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/ quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, điều phối việc thực hiện các Đề án để đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả, tránh bỏ sót hoặc dàn trải, trùng lắp gây lãng phí ngân sách và ra quyết định thành lập Ban Điều hành kế hoạch/đề án do Lãnh đạo Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp làm Trưởng ban, Lãnh đạo các đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án làm Phó Trưởng ban thường trực, lãnh đạo các đơn vị phối hợp làm Phó Trưởng ban.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật khác, các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch/đề án xã hội hóa công tác PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021; kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2014 – 2016 do Hội Luật gia Thành phố chủ trì thực hiện.

4. Kinh phí

- Chủ động cân đối bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch này trong dự toán chi hàng năm.

- Các sở, ngành, đoàn thể được giao chủ trì thực hiện đề án, kế hoạch phối hợp với Sở Tư pháp đề nghị Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện đề án, kế hoạch.

- Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp dự toán kinh phí (ngoài khoán) để thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL.

5. Giao cho các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp huyện, xã tổ chức triển khai và báo cáo kết quả hàng năm và cả giai đoạn về  Sở Tư pháp để báo cáo UBND Thành phố, Bộ Tư pháp.

6. Giao Giám đốc Sở Tư pháp - Ủy viên UBND Thành phố hoàn thiện và ký ban hành các Kế hoạch PBGDPL, Kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL hàng năm từ 2018 – 2021.

7. Phấn đấu đạt được điểm số cao trên tất cả các tiêu chí đánh giá, chủ động đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao điểm số đối với chỉ tiêu, tiêu chí đạt điểm số thấp theo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP./.

            

Tháng Một 5, 2019

Nhằm chuẩn hóa chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng làm cơ sở để Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tham khảo, áp dụng trong quá trình tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý; phần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 28/12/2018, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 3147/QĐ về ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, với những mục tiêu cụ thể:
a) Về kiến thức: Giúp báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật nắm được vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật mới của Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
b) Về kỹ năng nghiệp vụ
- Củng cố, trau dồi những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản trong quá trình thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; đồng thời xây dựng, hình thành thói quen vận dụng các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để thực thi hiệu quả công việc.
- Bồi dưỡng một số kỹ năng đặc thù, phù hợp với tính chất công việc của từng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

ĐÍnh kèm: QĐ3147