Tháng Mười Hai 16, 2022

Sáng 24/11/2022, tại Hội trường Ủy ban nhân dân Huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), hơn 300 cán bộ, đảng viên, nhân dân và đại diện các doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn huyện Bình Chánh chăm chú lắng nghe thông tin tuyên truyền về biển và biển đảo Việt Nam, chương trình do Trung tâm Huấn luyện (Vùng 2 Hải quân) phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức.

Để buổi tuyên truyền đạt hiệu quả, báo cáo viên của Trung tâm Huấn luyện đã chuẩn bị chu đáo các nội dung liên quan để cung cấp thông tin về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam, tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển của nước ta; Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và giải quyết các vấn đề trên biển, đảo hiện nay...

Với phương pháp tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, có ví dụ minh họa, cán bộ Trung tâm Huấn luyện đã khéo tuyên truyền, động viên và định hướng hành động tích cực cho cán bộ, nhân dân. Ông Đỗ Hữu Nhân, 57 tuổi, chủ doanh nghiệp vận tải biển ở Bình Chánh, tâm sự: “Cách truyền đạt của các đồng chí Bộ đội Hải quân rất dễ tiếp thu. Nội dung sát thực, hữu ích với người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải biển. Sau chương trình này, chúng tôi sẽ triển khai phổ biến sâu rộng trong công ty để toàn thể công nhân, người lao động nắm và thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật trên biển”.

Đại tá Huỳnh Văn Đa, Chính ủy Hải đoàn 129 chia sẻ: “Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ; góp phần thiết thực nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương về chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chủ quyền biển, đảo; đồng thời tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân nói chung, ngư dân nói riêng cùng tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Tháng Mười Hai 16, 2022

Sáng 15/12/2022, Ủy ban nhân dân Huyện tổ chức tập huấn triển khai “Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” trên địa bàn huyện Bình Chánh năm 2022.

Ông Tạ Minh Chánh - Phó Trưởng Phòng Lao động- Thương binh xã hội Huyện cùng 400 người là Đại diện Hội đồng nhân dân Huyện; Đại diện Hội đồng nhân dân xã, thị trấn; Thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới huyện, xã - thị trấn; Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở; Chuyên trách công tác viên dân số -trẻ em 16 xã, thị trấn tham dự buổi tập huấn.

Triển khai các nội dung tập huấn, ông Nguyễn Hiệp Trí - Báo cáo viên Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố thông tin một số nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới như: Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2030; qua đó kêu gọi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; đặc biệt kêu gọi chấm dứt hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Tháng Mười Hai 13, 2022

Căn cứ Kế hoạch số 4511/KH-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2022; Kế hoạch số 394/KH-STP-PBGDPL ngày 27/01/2022 của Sở Tư pháp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 tại Sở Tư pháp; Kế hoạch số 3506/KH-STP-PBGDPL ngày 29/7/2022 của Sở Tư pháp biên soạn và đăng tải tài liệu tuyên truyền pháp luật trên Trang/Cổng thông tin điện tử 06 tháng cuối năm 2022. Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn bộ tài liệu phổ biến các Luật mới được Quốc hội thông qua và các quy định pháp luật liên quan đến các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, cụ thể như sau:

- Tìm hiểu Luật Thi đua khen thưởng 2022;

- Tìm hiểu Luật Điện ảnh năm 2022;

- Tìm hiểu Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;

- Tìm hiểu các nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định về chế độ chính trị trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương”;

- Tờ gấp “Quy định pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về kết hôn”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về ly hôn”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về khai sinh; khai tử; quyền có họ, tên, thay đổi, cải chính họ, tên”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về quyền xác định dân tộc, xác định lại dân tộc”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về đăng ký thường trú, tạm trú”;

- Tờ gấp “Xử lý vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về giao đất”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai”;

- Tờ gấp “Một số quy định về bảo vệ môi trường”;

- Tờ gấp “Bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực”;

- Tờ gấp “Một số quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định của Luật Đầu tư”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự”;

- Tờ gấp “Một số quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và các hành vi bị nghiêm cấm”;

- Tờ gấp “Giới thiệu một số quy định về Luật Cảnh sát cơ động” ;

- Tờ gấp “Một số điều cần biết về lao động nữ”;

- Tờ gấp “Những điều cần biết về lao động chưa thành niên”;

- Tờ gấp “Những điều cần biết về lao động giúp việc gia đình”;

- Tờ gấp “Xử lý vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng  ngừa tai nạn lao động”;

- Tờ gấp “Những điều cần biết về kỷ luật lao động”;

- Tờ gấp “Xử lý vi phạm quy định về tiền lương”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về thời giờ làm việc”;

- Tờ gấp “Quy định  của Bộ luật lao động về thử việc”;

- Tờ gấp “Một số quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về cấp hộ chiếu phổ thông trong nước”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định pháp luật về giấy thông hành”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân trong phòng, chống thiên tai”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống thiên tai”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về quỹ phòng, chống thiên tai”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”;

- Tờ gấp “Một số quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm thất nghiệp”;

- Tờ gấp “Khuyến cáo phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình”;

- Tờ gấp “Kỹ năng thoát nạn trong nhà cao tầng”;

- Tờ gấp “Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư và hộ gia đình”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự về tội phạm liên quan đến ma túy”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người dưới 18 tuổi”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội lây truyền HIV cho người khác; cố ý truyền HIV cho người khác; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”;

- Tài liệu “Một số quy tắc ứng xử chung của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân”;

- Tài liệu “Một số quy tắc trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”;

- Tài liệu “Một số quy định về tiếp người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, phản ánh”;

- Tài liệu “Một số quy định về cử người đại diện trình bày khiếu nại”;

- Tài liệu “Một số quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại và gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại”;

- Tài liệu “Một số quy định về xử lý kỷ luật trong khiếu nại”;

- Tài liệu “Một số quy định về hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo”;

- Tài liệu “Một số quy định về bảo vệ người tố cáo”;

- Tài liệu “Một số quy định về áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo”;

- Tài liệu “Tìm hiểu một số quy định về hòa giải viên và tổ hòa giải ở cơ sở”;

- Tài liệu “Tìm hiểu một số quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án”;

- Tài liệu “Một số kỹ năng nghiệp vụ chuẩn bị tài liệu và kỹ năng đối thoại cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia hòa giải, đối thoại tại cơ quan Tòa án nhân dân các cấp”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”;

- Tờ gấp “Một số quy định pháp luật về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội phạm mua bán người”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự về xử lý các loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật hình sự về xử lý các loại tội phạm liên quan đến vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; cản trở giao thông đường bộ”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu quy định của pháp luật về tội gây ô nhiễm môi trường”;

- Tờ gấp “Hành vi tham nhũng và xử lý đối với hành vi tham nhũng”;

- Tờ gấp “Quy định về kiểm soát xung đột lợi ích”;

- Tờ gấp “Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình”;

- Tờ gấp “Quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng”;

- Tờ gấp “Quy định về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng”;

- Tờ gấp “Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng”;

- Tờ gấp “Tìm hiểu Luật phòng, chống tham nhũng 2018”;

- Tờ gấp “Quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo”;

- Tờ gấp “Quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật”;

- Tờ gấp “Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong khiếu nại”;

- Tờ gấp “Quy định pháp luật về thông tin phải được công khai theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016”;

- Tờ gấp “Quy định về xử lý các vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường”;

- Tờ gấp “Quy định về xử lý các vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường”;

- Tài liệu “Giải pháp nâng cao điểm số các chỉ tiêu nội dung của Chỉ số PAPI năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Sở Tư pháp Thành phố đăng tải và giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo./.

Tháng Mười Hai 2, 2022

Ngày 29/11, TAND huyện Cần Giờ tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” tại Nhà văn hóa, thể thao ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cần Giờ, Võ Văn Mến, Huỳnh Thanh Long đã có hành vi rủ rê người khác, chuẩn bị cân, băng keo, địa điểm rồi đứng ra tổ chức đánh bạc bằng hình thức đá gà được ăn thua bằng tiền 3 trận tại bãi đất trống thuộc tổ 2, ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ từ khoảng 11h45 đến 12h15 ngày 24/6/2022, số tiền dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trên 20.000.000 đồng, thu lợi bất chính 2.400.000 đồng.

Các đối tượng tham gia đánh bạc gồm Nguyễn Hữu Anh Tuấn tham gia đánh bạc 3 trận, tổng số tiền 138.800.000 đồng. Trần Văn Tới tham gia đánh bạc 1 trận, tổng số tiền 47.500.000 đồng. Lê Văn Ngon phụ giúp Tới trong việc quấn cựa, thả gà nên phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm cùng Trần Văn Tới. Trần Văn Phúc tham gia đánh bạc 1 trận, tổng số tiền 57.000.000 đồng. Nguyễn Văn An và Phạm Hữu Kiệt phụ giúp Phúc ôm gà, quấn cựa và thả gà nên phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm cùng Trần Văn Phúc.

Tại phiên toà, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo Võ Văn Mến 3 năm tù, Huỳnh Thanh Long 3 năm 6 tháng tù cùng về tội “Tổ chức đánh bạc”;

Các bị cáo: Nguyễn Hữu Anh Tuấn 4 năm tù, Trần Văn Phúc 1 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn An 7 tháng tù, Phạm Hữu Kiệt 7 tháng tù, Trần Văn Tới 1 năm 6 tháng tù, Huỳnh Văn Lê 1 năm tù, Lê Văn Ngon 3 tháng tù, Trần Hữu Đức 6 tháng tù, Huỳnh Ngân Giang 6 tháng tù, Bùi Hữu Nghĩa 6 tháng tù cùng về tội “Đánh bạc”.

Tháng Mười Một 15, 2022

Ngày 25 tháng 11 hàng năm được Liên hiệp quốc lấy là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 03 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát năm 1960 tại Cộng hòa Dominica. Là dịp để các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. Ngày 11 tháng 11 năm 2022, Sở Tư pháp Thành phố ban hành Kế hoạch số 5654/KH-STP về thực hiện hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

I. Ý nghĩa "Tháng hành động vì đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022" :

- Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.

- Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng hiểu biết các vấn đề cơ bản và ý nghĩa việc phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình; tiếp tục tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép tuyên truyền các chức năng gia đình vào Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Hưởng ứng "Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2022" và "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2022" với Chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới" mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội cần lên tiếng đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới, nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới để xây dựng cộng đồng "an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em".

 

II. Bộ nhận diện truyền thông của tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới:

 Về hình ảnh: Nhìn thoáng là một trái tim.

- Ngắm kỹ là một con người được ghép từ hai hình người đang ôm nhau, hòa nhập thành một.

- Hình ảnh biểu đạt cảm xúc yêu thương, gắn kết khăng khít, gần gũi.

- Hai cánh tay ôm nhau kết thành hình ảnh chiếc ruy băng trắng – là biểu tượng của chiến dịch toàn cầu lớn nhất của nam giới, bắt đầu từ năm 1991, nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay, chiến dịch đã thực hiện tại 57 quốc gia trên thế giới.

Về màu sắc: 

- Màu cam là màu đã được Liên hiệp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Ruy băng màu trắng là biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

 

III. Các khẩu hiệu, thông điệp truyền thông:

1. Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

2. Thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

3. Hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2022.

4. Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của đất nước.

5. Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

6. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

7. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

8. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

9. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

10. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại.

11. Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.

12. Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

13. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em.

14. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!

15. Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới  và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

16. Bình đẳng giới góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn và an ninh xã hội của mỗi cá nhân, gia đình.

17. Bình đẳng giới góp phần đầu tư cho tương lai, công bằng xã hội và phát triển bền vững./.

(Đính kèm Kế hoạch số 5654/KH-STPCông văn số 27/CV-VSTBPN&BĐG)

Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp Thành phố