Tháng Mười Hai 5, 2019

Ngày 15 tháng 11 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và thay thế Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ.

Theo đó, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (theo quy định của Bộ luật Lao động) ở doanh nghiệp như sau:

- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (hiện nay là 4.180.000 đồng/tháng).

- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (hiện nay là 3.710.000 đồng/tháng).

- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (hiện nay là 3.250.000 đồng/tháng).

- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (hiện nay là 2.920.000 đồng/tháng).

Mức lương tối thiểu vùng nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trường hợp người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì mức lương phải trả cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nêu trên.

Nghị định cũng ban hành Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV tại Phụ lục kèm theo Nghị định.

Tháng Mười Hai 5, 2019

Ngày 30 tháng 9 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-BTP quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2019. Thông tư này thay thế Thông tư số 13/2014/TT-BCT ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường và ban hành mẫu Sổ Nhật ký công tác của Quản lý thị trường thay thế mẫu Sổ Nhật ký công tác ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Thông tư số 35/2018/TT-BCT ngày 12 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Thông tư số 18/2019/TT-BCT có một số nội dung chính như sau:

1. Về đối tượng áp dụng:

a) Cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp;

b) Công chức đang làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường bao gồm công chức Quản lý thị trường và công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường.

2. Giải thích các mức độ của hành vi vi phạm:

Cố ý vi phạm, vô ý vi phạm, tái phạm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, vi phạm nghiêm trọng, vi phạm rất nghiêm trọng, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Xác định hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường:

Hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường bao gồm:

a) Chỉ đạo, điều hành;

b) Tham mưu, tổng hợp, báo cáo;

c) Tuyển dụng và thực hiện chính sách, chế độ đối với công chức;

d) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ;

đ) Tổ chức hp, hội nghị, hội thảo;

e) Kiểm tra nội bộ;

g) Thông tin, tuyên truyền;

h) Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

i) Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ;

k) Thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính;

l) Phối hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra;

m) Quản lý, sử dụng ấn chỉ, công cụ hỗ trợ và tài sản, trang thiết bị công;

n) Các nội dung khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường.

4.  Quy định hoạt động công vụ hằng ngày của công chức làm việc tại các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phải được ghi trong Sổ Nhật ký công tác.

Việc cấp phát, sử dụng Sổ Nhật ký công tác.

5. Về trách nhiệm của công chức, công chức lãnh đạo trong hoạt động công vụ.

6. Những việc không được làm trong hoạt động công vụ.

7. Các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đối với vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đối với vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.

8. Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi xem xét xử lý kỷ luật; Xử lý kỷ luật đối với công chức vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ; Các biện pháp xử lý khác đối với công chức bị kỷ luật

9. Chế độ trách nhiệm của công chức lãnh đạo; Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc miễn xem xét chế độ trách nhiệm đối với công chức lãnh đạo; Xử lý kỷ luật về chế độ trách nhiệm của công chức lãnh đạo

10. Khen thưởng và chế độ ưu đãi trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Tháng Mười Hai 5, 2019

Nhằm đánh giá những kết quả đạt được của công tác Tư pháp, hộ tịch tại các xã, thị trấn năm 2019 trên địa bàn huyện Nhà Bè. Phòng Tư pháp đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác tư pháp tại các xã, thị trấn.

Qua kiểm tra, công tác tư pháp tại các xã, thị trấn đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng nhiều nội dung, trong đó có những mặt công tác nổi trội, đặc biệt là tham mưu tư vấn pháp lý cho UBND nhiều vụ việc về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật...;

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn tồn tại một số hạn chế về công tác hộ tịch, chứng thực, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và đề nghị Ủy ban nhân dân dân các xã, thị trấn khắc phục và báo cáo kết quả về Phòng Tư pháp. Mặt khác, qua công tác kiểm tra tư pháp tạo phong trào thi đua sôi nổi trong ngành tư pháp trên địa bàn huyện, còn là cầu nối để công chức tư pháp – hộ tịch giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả xã Phước Lộc đạt 97,5/100 điểm, xã Hiệp Phước đạt 95,5/100 điểm, xã Long Thới đạt 93,75/100 điểm, Thị trấn Nhà Bè đạt 93/100 điểm, xã Phước Kiển đạt 92/100 điểm, xã Phú Xuân đạt 87,25/100 điểm, và xã Nhơn Đức đạt 84,5/100 điểm./.

Tháng Mười Hai 5, 2019

Hưởng ứng Ngày pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Nhà Bè tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật nghĩa vụ quân sự và văn bản hướng dẫn thi hành vào ngày 10/11/2019, tại Trung tâm Văn hóa xã Nhơn Đức – Phước Kiển với sự tham dự của gần 100 đại biểu tham dự là công chức tư pháp xã, đại diện  các đoàn thể, Ban chỉ huy quân sự, thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ của 03 xã Nhơn Đức, Phước Lộc và Phước Kiển.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đẳng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự, báo cáo viên pháp luật huyện giới thiệu một số nội dung cơ bản Luật nghĩa vụ quân sự và văn bản hướng dẫn thi hành, quy định về tuyển chọn công dân nhập ngũ. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chứcvà Nhân dân, nhất là Thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ./.

Tháng Mười Hai 5, 2019

Ngày 01 tháng 7 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2019.

1. Nghị định bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật:

a) Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;

b) Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng;

c) Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định thời hạn không kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ;

d) Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về việc quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức;

đ) Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;

e) Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

g) Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;

h) Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức;

i) Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

2. Nghị định gồm có 11 chương, 89 điều, quy định các nội dung sau:

a) Trách nhiệm giải trình (Khoản 1 Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

b) Tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (Điều 17 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

c) Tặng quà và nhận quà tặng (Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

d) Kiểm soát xung đột lợi ích (Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

đ) Vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương (Khoản 4 Điều 25 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

e) Trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp phập khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng (Khoản 4 Điều 71 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

g) Áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước  (Điều 80 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

h) Thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (Điều 81 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018);

i) Xử lý hành vi vi phạm khác về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Điều 94 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).

k) Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 20 của Luật Phòng, chống tham nhũng;

l) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức;

m) Chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng;

n) Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

3. Nghị định ban hành kèm theo phụ lục về danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi./.

Tháng Mười Hai 5, 2019

Ngày 19 tháng 6 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

1. Nghị định bãi bỏ các nội dung quy định tại:

a) Các Điều 24, 25, 26, 27, 29, 30, 31, 32 và 34, Khoản 2, Điều 37, Điều 38 của Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ;

b) Các điểm e, g, h và i Khoản 6, Điều 2 của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Các khoản 1, 2, 3, 4 và 5, Điều 7 của Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

d) Điều 1 Nghị định số 11/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Một số nội dung đáng chú ý:

a) Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke

- Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

- Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ.

- Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).

b) Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường

- Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP.

- Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ.

- Không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).

- Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200 m trở lên.

c) Trách nhiệm chung của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường

- Chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành.

- Chấp hành pháp luật lao động với người lào động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động.

- Bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

- Tuân thủ quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

d) Trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke

Ngoài trách nhiệm chung nêu trên, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ karaoke có trách nhiệm:

- Bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

- Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng.

đ) Trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ vũ trường

Ngoài trách nhiệm chung nêu trên, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ vũ trường có trách nhiệm:

- Không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng.

- Không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

e) Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường

- Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường (sau đây gọi là Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh): Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh).

- Cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thực hiện phân cấp, ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp huyện được cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

g) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

h) Tự chấm dứt kinh doanh

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi tự chấm dứt kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có trách nhiệm gửi văn bản thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP) và Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã cấp cho cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh không thông báo, sau thời gian 12 tháng liên tục không hoạt động, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 54/2019/NĐ-CP.

i) Thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh

Cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc một trong các trường hợp sau:

- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh;

- Vi phạm điều kiện kinh doanh gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản;

- Được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh nhưng không kinh doanh trong 12 tháng liên tục;

- Không tạm dừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh;

- Hết thời hạn tạm dừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh mà không khắc phục hoặc khắc phục không đầy đủ các vi phạm;

- Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày kết thúc thời hạn tạm dừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, mà tái phạm các hành vi vi phạm đã nêu tại văn bản yêu cầu tạm dừng kinh doanh.

k) Quy định chuyển tiếp

- Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh đã được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được phép hoạt động kinh doanh.

- Sau thời gian 03 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh đã được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và bảo đảm các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này được tiếp tục hoạt động theo nội dung ghi trong Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã cấp. Trường hợp có thay đổi hoạt động kinh doanh phải thực hiện theo thủ tục điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này.

- Sau thời gian 03 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh đã được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không bảo đảm các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này phải chấm dứt hoạt động kinh doanh.

l) Nghị định ban hành kèm theo 5 biểu mẫu để thực hiện các nội dung có liên quan nêu trên./.

Tháng Mười Một 29, 2019

Sáng ngày 28 tháng 11 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về biên giới biển, đảo và BĐBP với sự tham gia của 4 đội đến từ các xã, thị trấn khu vực biên giới biển của huyện Cần Giờ nhằm trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản về biển, đảo cho quần chúng nhân dân địa bàn biên giới biển của thành phố, cán bộ, chiến sỹ tuyến Biên phòng Cần Giờ. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, giúp cho người dân khu vực biên giới biển nắm, hiểu, chấp hành và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ công dân và những vấn đề pháp luật quy định. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo cho quần chúng nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp sức cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển của thành phố.

anh-1-thi-hieu-biet-phap-luat

Hội thi được diễn ra với 3 phần thi về các vấn đề pháp luật liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam được quy định trong các văn bản pháp luật do nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của BĐBP trong xử lý các vụ việc vi phạm quy chế khu vực biên giới biển; các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển quy định trong các văn bản pháp luật và một số văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành năm 2019.

Sau một ngày tranh tài sôi nổi, đội thi của thị trấn Cần Thạnh đã xuất sắc giành giải Nhất, đội thi của xã Long Hòa đoạt giải Nhì, đội thi xã Lý Nhơn giành giải Ba và đội thi xã Thạnh An đoạt giải Khuyến khích.

anh-3-trao-thuong

Tháng Mười Một 22, 2019

Sáng ngày 21 tháng 11 năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí Thư khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hánh pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện Cần Giờ. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tính – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã phát biểu chỉ đạo đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy; Luật phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản khác có liên quan, xem đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân. Nhằm để nâng cao trách nhiệm của Bí thư, người đứng đầu tổ chức cơ quan, đơn vị và trách nhiệm tham mưu của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện trong chỉ đạo triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và người tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của huyện. Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở, đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế trong xã hội; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, địa bàn có tỷ lệ vi phạm pháp luật, nguy cơ vi phạm pháp luật cao; trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần lựa chọn nội dung phù hợp từng giai đoạn, xác với thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, hình thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể tham dự buổi tuyên truyền, đồng thời chọn địa điểm, thời gian thích hợp để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện đã khen thưởng cho 13 tập thể và 13 cá nhận đã có thành tích xuất sắc về thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện Cần Giờ./.

Tháng Mười Một 21, 2019

Thực hiện Kế hoạch 307/KH-HĐPH ngày 19/9/2019 của Ủy ban nhân dân Quận 4 về tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải năm 2019; nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải, góp phần củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện, phòng ngừa vi phạm pháp luật và các tệ nạn ngay từ cơ sở; tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Ngày 11/10/2019, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải năm 2019 cho 387 hòa giải viên trên địa bàn Quận và hơn 400 đại biểu đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân 15 phường, các công chức Tư pháp Hộ tịch, hòa giải viên trên địa bàn Quận 4. Báo cáo viên Hội nghị, bà Trần Việt Thái – Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật – Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp những kiến thức bổ ích, thiết thực để các hòa giải mạnh dan, tự tin thực hiện công tác hòa giải tại địa phương.

 

Tháng Mười Một 21, 2019

Sáng ngày 02/11/2019, tại Hội trường Nhà Thiếu nhi Quận 4, Quận Đoàn 4 và Phòng Tư pháp Quận 4 đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Thanh niên với Pháp luật và Hội thi biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền "Phòng chống tệ nạn xã hội và ma túy trong thanh thiếu niên" hưởng ứng đợt hoạt động "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (9/11) năm 2019 trên địa bàn Quận 4.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Thái Bình - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy, đồng chí Hoàng Thu Nam - Phó Bí thư Quận Đoàn, đồng chí Lương Nguyễn Trọng Tiến - Phó Trưởng Phòng Tư pháp Quận 4.

Tại diễn đàn Thanh niên với Pháp luật, đồng chí Hoàng Thanh Thảo - Chuyên viên Phòng tuyên truyền Chi cục phòng chống tội phạm Thành phố đã chia sẻ những thông tin bổ ích về các loại ma túy tổng hợp phổ biến và các tác hại của ma túy ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội cho hơn 150 đoàn viên, thanh niên tham dự chương trình hiểu rõ và nâng cao ý thức phòng tránh. Ngoài ra, trong chương trình đã diễn ra Hội thi biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền "Phòng chống tệ nạn xã hội và ma túy trong thanh thiếu niên" với 8 tiết mục tham gia dự thi. Kết quả đơn vị Đoàn Trung tâm GDNN-GDTX Quận 4 đạt giải Nhất, Đoàn Phường 2-3-4 đạt giải Nhì, giải Ba thuộc về Đoàn Phường 5-13-14, các đơn vị Đoàn Phường 1-6-8 và Đoàn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đồng giải Khuyến khích.

Thông qua các hoạt động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức trong giới trẻ về các tệ nạn xã hội, đặc biệt là hiểm họa từ ma túy./.