Tháng Mười Một 12, 2019

Nhằm tuyên truyền, phổ biến quán triệt sâu rộng những nội dung Công ước Liên hiệp quốc và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Đồng thời, thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình.

Ngày 19/9/2019, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Nhà Bè, Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè tổ chức Hội nghị tuyên truyền nội dung Công ước Liên hiệp quốc và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn với sự tham dựu của hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Đội hình sự; Đội kinh tế; Đội ma túy; Đội hỗ trợ tư pháp – nhà tạm giữ; Đội điều tra tổng hợp; đại diện Ban chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ tổ phòng, chống tội phạm Công an xã, thị trấn; lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân sự Huyện, Ban chỉ huy quân sự xã, thị trấn; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật xã, thị trấn: công chức Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã, thị trấn, Ban Điều hành Khu phố, Ban nhân dân Ấp, Ban công tác Mặt trận Ấp, Khu phố, Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ nhân dân của xã, thị trấn.

Tại Hội nghị, bà Võ Thị Thu Lan – Đại úy – Đội phó đội tham mưu Công an thành phố đã giới thiệu một số nội dung cơ bản Công ước Liên hiệp quốc và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật của các xã, thị trấn và huyện./.

Tháng Mười Một 12, 2019

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Quyết định đặc xá là văn bản của Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.

Thời điểm đặc xá

1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Chính sách của Nhà nước trong đặc xá

Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá

1. Được phổ biến chính sách, pháp luật về đặc xá; thông báo Quyết định về đặc xá, văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện của người được đề nghị đặc xá và thông tin khác về đặc xá liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

2. Liên hệ với thân nhân để thu thập giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá.

3. Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá.

4. Cung cấp giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đề nghị đặc xá; khai báo đầy đủ, trung thực thông tin về cá nhân liên quan đến việc đề nghị đặc xá.

5. Khiếu nại, tố cáo

Điều kiện của người được đề nghị đặc xá

1. Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;

b) Đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; người bị kết án từ 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của Bộ luật Hình sự do cố ý hoặc người bị kết án từ 07 năm tù trở lên về tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy của Bộ luật Hình sự đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần hai thời gian đối với trường hợp bị kết án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù;

c) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí;

d) Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá;

đ) Đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù. Trường hợp phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này;

e) Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự;

2. Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự trong thời gian chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định tạm đình chỉ;

b) Đã có thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm b khoản 1;

c) Các điều kiện quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1;

d) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

3. Người có đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, c, d, đ, e và g khoản 1, các điểm a, c và d khoản 2 được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;

b) Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao

động”; người được tặng thưởng một trong các loại Huân chương, Huy chương Kháng chiến; cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”;

c) Người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân;

d) Khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp quy định tại khoản 4;

đ) Người từ đủ 70 tuổi trở lên;

e) Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình;

g) Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;

h) Người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật về dân sự;

i) Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

4. Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm g khoản 1 hoặc người dưới 18 tuổi đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm g khoản 1, điểm a và điểm d khoản 2 được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1.

Quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá

1. Người được đặc xá có quyền sau đây:

a) Được cấp Giấy chứng nhận đặc xá;

b) Được chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan giúp đỡ để hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống;

c) Được hưởng các quyền khác như người đã chấp hành xong án phạt tù theo quy định của pháp luật.

2. Người được đặc xá có nghĩa vụ sau đây:

a) Xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, đơn vị

 

quân đội nơi người đó về cư trú hoặc làm việc;

b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết;

c) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật Đặc xá.

Tháng Mười Một 12, 2019

Tiếp tục duy trì “Ngày Pháp luật” trên địa bàn quận Tân Phú đảm bảo theo Kế hoạch số 16/KH-HĐPH ngày 20/5/2011 của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật quận về triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”, Phòng Tư pháp ban hành Kế hoạch số 1367/KH-PTP ngày 30/9/2019 tổ chức tập huấn nghiệp vụ về xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019.

Ngày 16/10/2019 tại Ủy ban nhân dân quận Tân phú tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ và cấp phát sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho Ủy viên Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật quận và đội ngũ công chức phường được phân công theo dõi, đánh giá, xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, giúp giải đáp những thắc mắc cho các đơn vị trên địa bàn quận, đồng thời giúp cho đội ngũ phụ trách công tác theo dõi, đánh giá thực hiện đúng quy định trong thực thi nhiệm vụ được giao./.

Tháng Mười Một 12, 2019

Ngày 18/9/2019, Cụm thi đua 2, khối quận, huyện gồm: Quận 4, Quận 6, Quận 8, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận Tân Phú, quận Gò Vấp. Tổ chức Hội thi Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bằng tiếng dân tộc năm 2019. Đến tham dự hội thi có Ông Tăng Cẩm Vinh – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc thành phố, ông Võ Thành Minh – Quận ủy viên – Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuân cùng đại diện lãnh đạo, 11 thí sinh đại diện cho các Quận và hơn 80 đồng bào dân tộc đã đến tham dự cổ vũ cho Hội thi.

Phát biểu khai mạc ông Võ Thành Minh – Quận ủy viên – Phó Chủ tịch quận Phú Nhuận, thay mặt cho lãnh đạo Cụm thi đua 2 khối các quận, huyện đã động viên các thí sinh nỗ lực, tự tin tham gia thật tốt phần thi của mình để đạt kết quả tốt nhất góp phần cho hội thi được thành cônghy vọng rằng, Hội thi năm nay là sự khởi đầu cho một trong các giải pháp góp phần cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc ngày một hiệu quả hơn giúp cho đồng bào của mình hiểu biết đầy đủ và đúng đắn các quy định của pháp luât một cách thật dễ hiểu, dễ làm góp phần vào việc chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng dân tộc mình.

Trong phần tuyết trình, các thí sinh tham gia đã đưa đến Hội thi các nội dung cơ bản về chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc, các luật về An ninh mạng; Luật Bảo vệ môi; Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007...Với sự chuẩn bị chu đáo và tự tin, môt số thí sinh đã làm tốt phần thuyết trình của mình giúp chuyển tải tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng tiếng dân tộc một cách xuất sắc được các vị giám khảo khen ngợi và sự cổ vũ sôi nỗi của các cổ động viên tham dự.

Kết quả hội thi, giải nhất Quận Bình Thạnh, giải nhì Quận 8, giải ba quận Tân Phú và giải khuyến khích cho các quận Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Thạnh và Quận 6.

Tháng Mười Một 12, 2019

Nhằm triển khai có hiệu quả nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực một cách sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn, Hội đồng phố hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 giới thiệu một số nội dung tuyên truyền về Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.

Nghị định 59/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định) quy định chi tiết các điều, khoản của Luật Phòng, chống tham nhũng cụ thể như sau:

- Khoản 1 Điều 15 về trách nhiệm giải trình;

- Điều 17 về tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng;

- Điều 22 về tặng quà và nhận quà tặng;

- Điều 23 về kiểm soát xung đột lợi ích;

- Khoản 4 Điều 25 về vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương;

- Khoản 4 Điều 71 về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích hợp phập khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng;

- Điều 80 về áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước;

- Điều 81 về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước;

- Điều 94 về xử lý hành vi vi phạm khác về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định các biện pháp tổ chức thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm:

- Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 20 của Luật Phòng, chống tham nhũng;

- Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức;

- Chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng;

- Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý; người có chức vụ, quyền hạn công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức này thực hiện các quy định tại Chương VII của Nghị định.

Nghị định quy định rõ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật với các hình thức: khiển trách; cảnh cáo; cách chức.

Điểm đáng chú ý trong Nghị định là quy định cảnh cáo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó và cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước, ghi nhận tại Khoản 2, 3 Điều 83.

Nghị định 59/2019/NĐ-CP được ban hành góp phần nâng cao lòng tin của cán bộ, nhân dân vào bộ máy Nhà nước, thu hút được người tài vào các cơ quan, đơn vị, tạo sự gắn kết, phối hợp trong công tác; nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống tham nhũng./.

Tháng Mười Một 12, 2019

Ngày 21/9/2019, tại Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (Số 11 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1), Phòng Tư pháp Quận 1 phối hợp Quận đoàn 1 tổ chức Vòng sơ kết hội thi "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện" năm 2019.

Vòng sơ kết hội thi thu hút 12 đội thi với 60 lượt thí sinh tham dự. Các đội thi gồm 05 người/đội. Các thí sinh tham gia dự thi là các đoàn viên trẻ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quận 1 và 01 đội khách mời đến từ Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong phần thi thứ nhất, các thí sinh trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm và soạn thảo 01 văn bản hành chính trên máy tính. Trong phần thi thứ hai, các thí trả lời 01 câu hỏi tự luận với chủ đề liên quan đến: đạo đức công vụ, cải cách hành chính, thực hiện dân chủ, quy chế văn hóa công sở.

Căn cứ tổng điểm của các thành viên trong đội thi, Ban Tổ chức lựa chọn 05 đội thi có kết quả cao nhất tham gia Vòng chung kết hội thi. 05 đội thi có kết quả cao nhất cụ thể như sau: đội thi phường Cầu Ông Lãnh, đội thi Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đội thi phường Tân Định, đội thi phường Cầu Kho và đội thi phường Bến Thành. Vòng chung kết hội thi sẽ được tổ chức vào sáng ngày 28/9/2019 (thứ Bảy) tại Hội trường Ủy ban nhân dân Quận 1.

Tháng Mười Một 12, 2019

Ngày 20/9/2019, Phòng Tư pháp Quận 11 tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp quận năm 2019 với sự tham dự của gần 150 đại biểu đại diện các phường, khu phố, tổ dân phố trên địa bàn về tham dự.

Tại Hội nghị, bà Hoàng Kim Chi - Trưởng phòng Tư pháp quận - Báo cáo viên pháp luật quận tuyên truyền một số quy định của Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường và Luật nuôi con nuôi. Tiếp nối chương trình, Phòng Tư pháp đã lồng ghép tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp quận năm 2019 với 32 Hòa giải viên cơ sở xuất sắc của Ủy ban nhân dân 16 phường đến tham dự.

Thông qua đó, giúp cho các Hòa giải viên cập nhật thêm thông tin, kiến thức,  đồng thời vận động nhân dân tại cộng đồng dân cư thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở cơ sở bằng biện pháp hòa giải, tại buổi tập huấn Quận 11 đã cung cấp các chai thủy tinh in logo “Chung tay đẩy lùi ô nhiễm do chất thải nhựa” . Thông qua việc tổ chức hội thi nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh bổ ích để các hòa giải viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, hình thức, biện pháp hòa giải, từ đó phấn đấu nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 80% trở lên theo định hướng của Bộ Tư pháp.

Tháng Mười Một 12, 2019

Ngày 20/9/2019, Ủy ban nhân dân quận 7 tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và một số văn bản pháp luật có liên quan với sự tham dự của 141 đại biểu đại diện lãnh đạo quận và cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, các ban ngành đoàn thể quận; lãnh đạo và công chức các phòng, ban, đơn vị quận;  Công an Quận, Quân sự quận; Báo cáo viên pháp luật quận.

Tại Hội nghị, Báo cáo viên pháp luật Thành phố bà Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã phổ biến những nội dung liên quan Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và một số văn bản pháp luật có liên quan.

Thông qua việc phổ biến giúp các đối tượng tham dự được trang bị, củng cố kiến thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tháng Mười Một 12, 2019

TRỢ GIÚP PHÁP LÝ LÀ GÌ? Là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GỒM NHỮNG AI?

*Người có công với cách mạng, bao gồm những người sau đây: 

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945. 

+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

+ Liệt sĩ; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh. 

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. 

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. 

+ Người có công giúp đỡ cách mạng. 

* Người thuộc hộ nghèo.

* Trẻ em.

* Người dân tộc thiểu số trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

* Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

* Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

* Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.

+ Người nhiễm chất độc da cam.

+ Người cao tuổi.

+ Người khuyết tật.

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự.

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình.

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.

+ Người nhiễm HIV.

NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CÓ QUYỀN LỢI GÌ?

Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

Được yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

Được lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp.

Được thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý.

NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CÓ NGHĨA VỤ GÌ?

Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.

Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.

Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

PHẠM VI TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.

TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở NHỮNG LĨNH VỰC NÀO? Trợ giúp pháp lý trong tất cả các lĩnh vực pháp luật trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

THỦ TỤC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GỒM NHỮNG HỒ SƠ GÌ?

Khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý, người có nhu cầu được trợ giúp pháp lý cần nộp 01 bộ hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Hồ sơ gồm có:

+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý

+ Các giấy tờ chứng minh người có yêu cầu là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc (nếu có).

CÁC HÀNH VI NÀO BỊ NGHIÊM CẤM ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ?

Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý.

Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

TỔ CHỨC NÀO THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH? Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh - Số 470 Nguyễn Tri Phương - Phường 9 - Quận 10 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng Mười Một 12, 2019

1. Hương ước (hoặc Quy ước) là văn bản quy phạm xã hội quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

2. Nội dung của hương ước tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau đây:

a) Đề ra các biện pháp, phương thức thích hợp giúp dân cư trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân.

b) Bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xoá bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hoá lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

c) Đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công cộng và tài sản công dân, bảo vệ môi trường sống, danh lam thắng cảnh, đền chùa miếu mạo, các nguồn nước, kè cống, đường dây tải điện, trồng cây xanh.

d) Đề ra các biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội, thờ phụng ở địa phương; khuyến khích những lễ nghi lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém.

đ) Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xây dựng cụm dân cư văn hoá, hình thành các quy tắc đạo đức mới trong gia đình và cộng đồng; khuyến khích mọi người đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, ốm đau; vận động thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, xây dựng các gia đình theo tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

e) Xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, vận động các thành viên trong gia đình, họ tộc, xóm làng đoàn kết nhau để xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, khuyến học, khuyến nghề ở địa phương. Khuyến khích đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng: điện, đường, trường học, trạm y tế, các công trình văn hoá thể thao trên địa bàn. Lập, thu chi các loại quỹ trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp khả năng đóng góp của nhân dân.

g) Đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật nhằm xây dựng địa bàn trong sạch. Phát động trong nhân dân ý thức phòng gian, bảo mật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tạm trú, tạm vắng; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Đề ra các biện pháp cần thiết hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên địa bàn; bảo đảm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức tự quản ở cơ sở như tổ chức, hoạt động của Tổ hoà giải, Ban an ninh, Tổ bảo vệ sản xuất, Ban kiến thiết và các tổ chức tự quản khác;

h) Đề ra các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để đảm bảo thực hiện hương ước:

3. Các bước xây dựng hương ước (hoặc quy ước)

Bước 1. Thành lập Nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo hương ước

Trưởng cụm dân cư chủ trì cùng Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thống nhất các nội dung cơ bản cần soạn thảo, đồng thời chỉ định các thành viên Nhóm soạn thảo. Nhóm soạn thảo cần có sự tham gia của đại diện một số cơ quan, tổ chức và đại diện của các thành phần trong cộng đồng dân cư như: cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, trưởng tộc và những người khác có uy tín, trình độ trong cộng đồng.

Trưởng khu dân cư chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở cơ sở chỉ đạo Nhóm soạn thảo xây dựng hương ước.

Việc dự thảo hương ước cần tập trung vào các vấn đề được nêu tại phần 2. Đồng thời, cần tham khảo nội dung các hương ước cũ (nếu có) cũng như nội dung của các hương ước của địa phương khác để lựa chọn, kế thừa được những nội dung tích cực, phù hợp đã trở thành phong tục, tập quán tốt đẹp.

Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân vào dự thảo hương ước

Dự thảo hương ước được gửi đến cơ quan chính quyền, cấp uỷ, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở phường; nếu điều kiện cho phép thì gửi đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến đóng góp.

Việc thảo luận đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo hương ước có thể được tổ chức bằng các hình thức thích hợp như họp thảo luận ở tổ dân phố, nhóm các hộ gia đình, họp thảo luận ở các tổ chức đoàn thể ở cụm dân cư; niêm yết, phát trên đài truyền thanh, mở hộp thư để thu thập ý kiến đóng góp.

Dự thảo hương ước có thể được Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân phường thảo luận, tham gia ý kiến.

Bước 3. Thảo luận và thông qua hương ước

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp trên, Nhóm soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và gửi các thành viên sẽ được dự kiến mời tham gia Hội nghị để thảo luận và thông qua hương ước.

Dự thảo hương ước phải được thảo luận kỹ, thực sự dân chủ và thông qua tại Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình ở cụm dân cư. Hội nghị này chỉ tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số thành phần cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình tham dự. Hương ước được thông qua khi có ít nhất quá nửa số người dự họp tán thành. Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Ban công tác Mặt trận chủ trì Hội nghị. Hội nghị quyết định hình thức biểu quyết thông qua hương ước bằng cách giơ tay biểu quyết trực tiếp hoặc bỏ phiếu.

Bước 4. Phê duyệt hương ước

Sau khi hương ước được thông qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường cùng Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường xem xét nội dung của hương ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi thống nhất với Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường về nội dung của hương ước trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận phê duyệt.

Hương ước chính thức trình phê duyệt cần có chữ ký của Tổ trưởng Tổ dân phố, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận kèm theo Biên bản thông qua tại Hội nghị.

Hương ước gửi lên Uỷ ban nhân dân quận phê duyệt phải có Công văn đề nghị của Uỷ ban nhân dân phường.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận xem xét, phê duyệt hương ước trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản hương ước và Công văn đề nghị phê duyệt.

Trong trường hợp hương ước không được phê duyệt thì Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin hướng dẫn để cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện các hương ước đó để trình lại.

4. Tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung hương ước

Uỷ ban nhân dân phường có trách nhiệm chuyển hương ước đã được phê duyệt để Tổ trưởng tổ dân phố niêm yết, tuyên truyền, phổ biến đến từng thành viên trong cộng đồng dân cư và tổ chức thực hiện hương ước.

Uỷ ban nhân dân phường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cơ sở chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của hương ước; kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc thực hiện hương ước, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện hương ước ở địa phương.

Hàng năm, cần tổ chức kiểm điểm việc thực hiện hương ước. Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung thì do Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung hương ước cũng phải tuân theo trình tự, thủ tục như khi soạn thảo hương ước mới. Không được tuỳ tiện sửa đổi, bổ sung hương ước sau khi đã được phê duyệt.