• September 9, 2020
Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”;
Người dân cần lưu ý một số nội dung liên quan đến vệ sinh môi trường như sau:
1. Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng: Không tiểu tiện, phóng uế bừa bãi; không đốt rác thải; bỏ rác đúng nơi - tuyệt đối không vứt rác ra đường phố, kênh, rạch và nơi công cộng;
2. Không thả rong và để động vật nuôi phóng uế ra ngõ hẻm, đường phố và nơi công cộng;
3. Đăng ký dịch vụ thu gom rác; Thực hiện phân loại rác; Giao rác cho đơn vị thu gom đúng giờ, để rác đúng nơi quy định;
4. Không đổ nước, để nước thải chảy tràn ra ngõ hẻm, đường phố làm ô nhiễm môi trường.
5. Các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải trang bị thùng chứa rác và có nhà vệ sinh phục vụ khách hàng; thường xuyên quét dọn bên trong, và xung quanh khu vực kinh doanh, nhắc nhở khách hàng bỏ rác đúng nơi, đảm bảo không gây mất vệ sinh môi trường khi kinh doanh;
6. Dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khu vực trước nhà; Cùng tham gia và vận động, nhắc nhở mọi người thường xuyên quét dọn, giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu phố, đường hẻm …
7. Hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần, đặc biệt là sản phẩm nhựa và túi ni-lông khó phân huỷ.
* Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
Tại Điểm b, c, d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013 và Điểm c, d Khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
b) Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng;
c) Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;
d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.”
“Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường:
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.”
Hãy thay đổi thói quen của chính mình và nhắc nhở gia đình, những người xung quanh cùng giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư và nơi công cộng. Đó chính là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khoẻ của chính chúng ta và gia đình, góp sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
“Bảo bệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi công dân
Vì môi trường trong lành, hãy chung sức xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp”./.