• Tháng Bảy 16, 2023

TÀI LIỆU HỎI - ĐÁP

( Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định 28/2013/NĐ-CP

ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ)

(Phần 2)

 

Câu hỏi 11. Vì sao Quốc hội nước ta lại chọn 9/11 là Ngày pháp luật Việt Nam?

Câu 11: Đáp án:

 Ngày 09/11 được lấy là ngày Pháp luật Việt Nam bởi đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam được thông qua (ngày 09/11/1946).

Đến nay, Việt Nam đã có 05 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013. Tuy vậy, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên vẫn rất được trân trọng. Đó cũng chính là lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 09/11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày Pháp luật 09/11 với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, khởi đầu cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta, Hiến pháp năm 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, là sự khẳng định mạnh mẽ các giá trị dân chủ, dân quyền, thượng tôn pháp luật và còn tồn tại bền vững cho đến ngày hôm nay. Các giá trị đó thể hiện tập trung nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, được kế thừa trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.

 

Câu hỏi 12: Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Đáp án

a. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật;  Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

b. Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.

c. Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý.

 

Câu hỏi 13: Nội dung  Ngày Pháp luật được quy định như thế nào?

 Đáp án: (Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật như sau:

“1. Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung sau đây:

a) Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;

b) Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật;

c) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

d) Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;

đ) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

e) Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

 

Câu hỏi 14: Hình thức tổ chức Ngày Pháp luật được quy định như thế nào?

 Đáp án (Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức sau đây: Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.”)

 

Câu hỏi 15: Ai có trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật?

 Đáp án:  ( Điều 7 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật như sau:

“1. Trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật

a) Hằng năm, Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước;

b) Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.

 

Câu hỏi 16. Cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật

 Đáp án

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật;

b) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Ngày Pháp luật cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.”.

 

Câu hỏi 17. Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp án:  (Điều 2 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân như sau:

1. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

2. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.”.

 

Câu hỏi 18: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong phổ biến, giáo dục pháp luật?

 Đáp án: ( Điều 9 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định các hành vi bị cấm như sau:

“ 1. Truyền đạt sai lệch, phê phán nội dung pháp luật được phổ biến; không cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2. Lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Cản trở việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật để gây cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.”.

 

Câu hỏi 19 : Trách nhiệm của gia đình trong phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định như thế nào?

 Đáp án:  (Điều 32 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định trách nhiệm của gia đình trong phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:

Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm gương mẫu chấp hành pháp luật; ông, bà, cha, mẹ có trách nhiệm giáo dục và tạo điều kiện cho con, cháu tìm hiểu, học tập pháp luật, rèn luyện ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

 

Câu hỏi 20: Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân trong phổ biến, giáo dục pháp luật?

 Điều 34 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân như sau:

1. Tích cực tìm hiểu, học tập pháp luật; tham gia các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật; gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.

2. Chủ động, tích cực kết hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ.

3. Hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực công tác./.

 

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HUYỆN BÌNH CHÁNH

 

Được đăng trong chuyên mục: Phổ biến giáo dục Pháp Luật