• Tháng Bảy 3, 2023

TÀI LIỆU HỎI – ĐÁP

TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI,

XÂY DỰNG, MÔI TRƯỜNG VÀ LĨNH VỰC KHÁC

 

Tình huống 1: Hộ gia đình bà Mỵ nuôi rất nhiều heo nhưng hệ thống thoát nước thải, khí thải không đảm bảo, nước và khí thải được thải thẳng trực tiếp vào đường thoát nước của xóm làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và những hộ xung quanh. Dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng hộ bà My vẫn không khắc phục, thậm chí tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng hơn, gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng, nhất là vào những hôm trời nắng nóng hoặc mưa to, nước tràn lên đường.

Giải quyết tình huống:

    1. Xác định nguyên nhân mâu thuẫn: Mâu thuẫn do gia đình bà Mỵ nuôi rất nhiều heo nhưng hệ thống tiêu thoát nước, khí thải không đảm bảo, nước và khí thải được thải thẳng trực tiếp vào đường thoát nước của xóm làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và những hộ xung quanh.
    2. Căn cứ pháp lý:

Điều 251 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải: “Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.”

Tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình là một hình thức được gọi là chăn nuôi nông hộ (khoản 3 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018). Điều 56 Luật này quy định các điều kiện chăn nuôi nông hộ như sau:

  1. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người.
  2. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.
  3. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Điều 31 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Bên cạnh đó, có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả

khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên.

3. Hướng giải quyết:

  • Là hòa giải viên khi được phân công tiến hành hòa giải trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định các điều kiện chăn nuôi nông hộ, trong đó có vấn đề xử lý nước thải.
  • Hòa giải viên cần thuyết phục đề nghị gia đình bà Mỵ phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong việc thoát nước thải, khí thải để không làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và những hộ xung quanh.

Tình huống 2: Nhà ông Quy và nhà ông Hải có ranh giới đất là hàng rào cây dâm bụt từ xưa. Nay ông Quy bàn với ông Hải phá bờ cây dâm bụt đi để hai nhà xây chung bờ tường. Ông Hải nói với ông Quy: “Nếu ông có tiền, thì cứ xây bờ tường phía đất nhà ông, còn tôi chưa có tiền để xây, ông cứ để hàng rào dâm bụt lại đó cho tôi”. Hôm sau, ông Quy đã thuê thợ về chặt, phá bỏ hàng rào dâm bụt để xây tường. Ông Hải ra ngăn cản, hai bên giằng co nhau, dọa nạt và định đánh nhau. Bà con hàng xóm đến can ngăn và thông tin kịp thời cho tổ hòa giải sự việc trên. Tổ hòa giải đã có mặt, yêu cầu ông Quy dừng thi công và mời ông Hải, ông Quy vào nhà ông Hải để tiến hành hòa giải.

Giải quyết tình huống

Tổ hòa giải đã xác định rõ mâu thuẫn giữa hai ông là vì ông Quy đã tự ý ra phá bỏ hàng rào cây dâm bụt ngăn cách giữa hai hộ để xây tường rào, mà không được sự đồng ý của ông Hải. Sau khi nghe ý kiến trình bày của hai bên, ý kiến của các thành viên trong tổ hòa giải và một số người đại diện ở các hộ gần kề, bà Nga - tổ trưởng tổ hòa giải có ý kiến như sau:

Theo quy định của pháp luật, thì khi chưa được sự đồng ý của ông Hải, ông Quy chỉ được xây bờ tường vào bên đất nhà mình, mà không được phá bờ rào cây dâm bụt làm mốc giới chung giữa hai nhà. Tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn cách trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó” và đến khi ông Quy xây tường rào, mà không được sự đồng ý của ông Hải, thì ông Quy cũng phải xây tường rào trên phần đất nhà mình. Do vậy, nếu như hai ông không thỏa thuận được, thì việc ông Quy chặt phá bờ rào cây dâm bụt mốc giới chung giữa hai nhà là sai. Nhưng cũng như các thành viên đã có ý kiến, hai bên ở liền kề nhau, sống chung lâu dài, nên bàn bạc cụ thể để xây dựng tường rào chung, để sau này hai gia đình chỉ có một bờ rào ngăn cách,

vừa đẹp, vừa tiết kiệm được đất và hai nhà có trách nhiệm bảo vệ tường rào đó và sử dụng chung là ranh giới giữa hai nhà.

Sau khi nghe phân tích của tổ hòa giải, hai bên đã đi đến thống nhất là phá bờ rào cây dâm bụt để xây tường rào ngăn cách, mỗi bên trích ra một ít đất bằng nhau để xây tường rào chung. Chi phí vật liệu, ông Quy thống nhất với ông Hải là chia đôi, mỗi nhà chịu một nửa. Còn công xây, ông Quy chịu cả cho ông Hải, vì ông Hải còn khó khăn. Khi làm, ông Hải đóng góp công lao động trực tiếp, tiền vật liệu ông Quy cho ông Hải hẹn đến vụ thu hoạch tháng 4/2018 sẽ trả. Sau khi thống nhất, hòa giải viên lập biên bản hòa giải thành, hai bên cùng ký và tự giác thực hiện.

Tình huống 3: Để có thêm phòng để cho thuê, bà Khánh tự ý cơi nới xây dựng thêm một căn phòng 12 m2 khiến toàn bộ tường phía bên hông nhà ông Hùng (giáp ranh với nhà bà Khánh) bị rạn nứt. Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn, cự cãi giữa ông Hùng và bà Khánh. Ông Khánh đến liên hệ Tổ Hòa giải yêu cầu tư vấn.

Giải quyết tình huống:

  1. Xác định nguyên nhân mâu thuẫn: Mâu thuẫn do bà Khánh tự ý cơi nới xây dựng thêm một căn phòng 12 m2 khiến toàn bộ tường phía bên hông nhà ông Hùng bị rạn nứt.

2. Căn cứ pháp lý:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật xây dựng năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020) thì công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng thì phải bị phá dỡ.

Đồng thời điểm d khoản 3 Điều 118 Luật xây dựng năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020) cũng quy định tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ.

  1. Hướng giải quyết:

Căn cứ Luật xây dựng năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2020), Hòa giải viên cần giải thích việc bà Khánh tự ý cơi nới căn hộ, xây thêm căn phòng là trái pháp luật. Đồng thời, thuyết phục bà Khánh phải phá dỡ công trình cơi nới, nếu bà K không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế phá bỏ căn phòng trên. Các chi phí có liên quan đến việc phá dỡ công trình bà K phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tình huống 4: Nhà anh Tú và anh Mạnh là hàng xóm. Do đi làm xa nên có khi 05 năm gia đình anh T mới về nhà một lần. Anh Mạnh thấy nhà

anh Tú để không nên đã tận dụng khoảng sân trước của nhà anh Tú để mở quán sửa xe mà không nói cho anh Tú biết. Khi anh Tú về thấy sân nhà mình đã bị anh Mạnh sử dụng thì rất bức xúc. Hỏi anh T có quyền đòi lại tài sản trên từ anh Mạnh không?

Giải quyết tình huống:

1. Căn cứ pháp lý:

Điều 166 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 166. Quyền đòi lại tài sản

  1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
  2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.”

2. Hướng giải quyết:

Trong tình huống này, anh Tú là chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp của nhà đất của mình. Trong thời gian anh Tú đi làm xa, Anh Mạnh đã chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản (sử dụng khoảng sân của nhà anh Tú để làm quán sửa xe) mà không cho anh Tú biết, anh Tú cũng không ủy quyền cho anh Mạnh. Như vậy, hành vi của anh Mạnh là chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 166 Bộ Luật Dân sự 2015, anh Tú có quyền đòi lại tài sản từ anh Mạnh.

Tình huống 5. An và một số người dân gần nhà ở nông thôn, có thói quen đổ rác bừa bãi ra đường chứ không phải địa điểm tập trung, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất cục bộ. Tuy nhiên rất khó xác định cá nhân hay tổ chức gây ô nhiễm, vì cộng đồng dân cư khu vực đó cho rằng hàng ngày vẫn có xe chở rác từ nơi khác đến đổ chứ không chỉ của cư dân. Trong trường hợp này, cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường đất?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra.

Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm thì nhà nước có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.

Tình huống 6. Anh Xuân có một cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch. Anh Xuân là người luôn chấp hành pháp luật cao nên a Xuân vừa muốn kinh doanh vừa muốn bảo về môi trường. Để bảo vệ môi trường, cơ sở kinh doanh của anh Xuân phải có những trách nhiệm gì?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:

  • Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
  • Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định pháp luật;
  • Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật này;
  • Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;
  • Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;
  • Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận;
  • Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định của Luật này.

Tình huống 7. Bình và Hùng ngồi nhậu với nhau, 2 người tranh luận, Bình cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người, Hùng thì cho rằng bản thân không có trách nhiệm gì. Trong trường hợp này thì cá nhân có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ môi trường không? Pháp luật quy đinh như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:

  • Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.
  • Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư.
  • Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.
  • Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
  • Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.
  • Có công trình vệ sinh theo quy định. Trường hợp chưa có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khu dân cư tập trung, phải xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tình huống 8. Gia đình anh Đức có trang trại sản xuất nông nghiệp. Để phục vụ sản xuất, anh Đức dự tính nhập một lượng thuốc trừ sâu bảo vệ thực phẩm. Vậy anh Đức có phải đăng ký loại thuốc này hay không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, thuốc trừ sâu được sử dụng phục vụ sản xuất sẽ có tác động xấu đến môi trường và sức khỏe, do đó phải đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tình huống 9. Nhà chị Nhung chuẩn bị phá dỡ để xây dựng. Trong trường hợp này, việc xử lý các chất thải được thực hiện như thế nào?

Khoản 7 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phải được tái sử dụng hoặc đổ thải theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Tình huống 10. Xưởng gỗ gần nhà anh Khoa hoạt động liên tục và phát tán rất nhiều bụi. Để tránh gây ô nhiễm môi trường, việc quản lý và kiểm soát bụi phải thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Bụi có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HUYỆN BÌNH CHÁNH

 

Được đăng trong chuyên mục: Phổ biến giáo dục Pháp Luật