• Tháng Sáu 4, 2023

HỎI - ĐÁP

LĨNH VỰC PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỰ

Tình huống 1: Bà Dung có cắt rau bán 02 lần cho vợ chồng chị Phương với giá 1.400.000 đồng (mỗi lần bán 700.000 đồng). Đến kỳ thanh toán, chị Phương đến than khổ và mượn thêm 600.000 đồng cho tròn 2.000.000 đồng. Chị Phương hứa đúng nửa tháng sau sẽ trả cho bà Dung nhưng đến hẹn chị Phương không trả. Bà Dung đòi tiền chị Phương nhiều lần thì chị Phương trả 400.000 đồng, sau đó thì không trả nữa. Vì vậy, bà Dung gửi đơn đến tổ trưởng tổ hòa giải ấp đề nghị hòa giải.

Quá trình hòa giải

Ngay sau khi nhận được đơn của bà Dung, tổ trưởng tổ hòa giải tổ chức họp tổ hòa giải để trao đổi, thảo luận các vấn đề có liên quan trước khi tiến hành hòa giải. Tổ hòa giải xác định nguyên nhân tranh chấp giữa bà Dung và chị Phương là do chị Phương nợ tiền của bà Dung, đến hạn trả nợ, bà Dung đòi nhiều lần nhưng chị Phương không trả đủ tiền cho bà Dung. Căn cứ pháp lý để hòa giải tranh chấp này được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể tại Điều 440 quy định nghĩa vụ của người mua tài sản là thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng và tại Điều 466 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

Tổ trưởng tổ hòa giải đã đến gặp chị Phương và phân tích cho chị hiểu, theo quy định của pháp luật, chị phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ số tiền vay và đúng thời hạn số tiền còn nợ cho bà Dung; đồng thời phân tích cho chị Phương thấy được tình cảm của bà Dung dành cho chị. Dù gia cảnh của bà Dung rất khó khăn, phải vất vả buôn rau bán kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng vì thương cho hoàn cảnh khó khăn của chị nên bà cho nợ tiền rau và còn cho chị vay tiền không lấy lãi. Vì vậy, chị nên trân quý tình cảm đó và thu xếp sớm trả đủ tiền cho bà Dung.

Sau khi được tổ trưởng tổ hòa giải phân tích về mặt pháp lý cũng như tình cảm xóm giềng, chị Ph trình bày: chị cũng hiểu nỗi vất vả và tình cảm của bà Dung dành cho mình nhưng vì gia đình đang gặp khó khăn nên chị chưa thể xoay sở trả nợ hết cho bà Dung được.

Tổ trưởng tổ hòa giải vận động chị Phương đến gặp bà Dung và trình bày rõ hoàn cảnh của mình để mong bà Dung thông cảm, đồng thời khuyên chị Phương cố gắng trả thêm một phần tiền cho bà Dung. Được sự vận động của tổ trưởng tổ hòa giải, chị Ph đã đến gặp bà Dung để xin lỗi, cảm ơn tấm lòng của bà Dung dành cho mình trong lúc gặp khó khăn và trả thêm cho bà Dung số tiền 700.000 đồng.

Tổ trưởng tổ hòa giải cũng trực tiếp đến gặp bà Dung và cho bà biết hoàn cảnh hết sức khó khăn hiện nay chị Phương. Trên tinh thần của tình đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, tổ hòa giải

đề nghị bà Dung thông cảm, có thể gia hạn thêm cho chị Phương một khoảng thời gian nữa để chị thu xếp trả nợ cho bà.

Kết quả hòa giải

Tại buổi hòa giải, sau khi lắng nghe tổ hòa giải phân tích và đề xuất hướng giải quyết, bà Dung đã đồng ý cho chị Phương mỗi tuần trả 200.000 đồng, thời gian trả là vào sáng ngày chủ nhật hàng tuần và trả liên tục cho đến khi hết nợ. Qua theo dõi việc thực hiện kết quả hòa giải thành đến nay cho thấy, chị Phương đã thực hiện đúng cam kết và đã trả hết nợ cho bà Dung.

Tình huống 2: Ông Văn, bà Nguyễn và bà Chi là anh chị em ruột. Sau khi cha mẹ ông bà qua đời có để lại phần đất diện tích là 5.670 m2 nhưng không có di chúc. Phần diện tích đất này được ông Văn quản lý và xây nhà ở. Gia đình bà Nguyễn và bà Chi ở phía sau nhà ông Văn, muốn đi ra đường thì phải đi qua đất nhà ông Văn, lối đi này đã có từ lúc cha mẹ của ông bà còn sống. Tuy nhiên, hiện lối đi đã bị gia đình ông Văn thu hẹp lại gây khó khăn cho việc đi lại của 02 gia đình. Bà Nguyễn và bà Chi nhiều lần nói với ông Văn mở lại lối đi như cũ nhưng ông Văn không đồng ý. Ông Văn cho rằng đất của ông thì ông có toàn quyền quyết định.

Vì vậy, bà Nguyễn và bà Chi làm đơn đề nghị tổ hòa giải ấp tiến hành hòa giải để 02 gia đình có lối đi ra đường chính thuận tiện nhất.

Quá trình hòa giải

Tiếp nhận vụ việc, hòa giải viên được phân công hòa giải đã đến gặp bà Nguyễn và bà Chi để tìm hiểu rõ sự việc trước khi tiến hành hòa giải thì được biết, phần đất hiện nay ông Văn cất nhà ở là di sản của cha mẹ ông để lại nhưng không có di chúc. Bà Nguyễn và bà Chi cũng là con nhưng không đòi chia phần. Hai bà không có ý kiến gì đòi chia thừa kế và chỉ yêu cầu ông Văn trả lại nguyên trạng lối đi lúc ban đầu để cho 02 gia đình thuận tiện trong việc đi lại.

Sau khi tìm hiểu rõ bản chất sự việc, nhận thấy đây là tranh chấp về lối đi qua bất động sản liền kề, hòa giải viên đến gặp ông Văn, giải thích cho ông hiểu quy định tại Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể, Điều luật này quy định: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”. Như vậy, theo quy định này, ông Văn có nghĩa vụ dành cho gia đình bà Nguyễn và bà Chi lối đi được mở trên đất của ông sao cho thuận tiện và hợp lý nhất.

Mặt khác, hòa giải viên cũng ấpg tin cho ông Văn biết về quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, khoản 1, 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  2. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  3. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  1. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Cha mẹ ông chết để lại thừa kế là quyền sử dụng đất với tổng diện tích 5.670 m2 nhưng không có di chúc nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản sẽ được chia theo pháp luật. Cả 03 người con (ông Văn, bà Nguyễn, bà Chi) đều được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên, 02 em gái của ông Văn là bà Nguyễn và bà Chi đều không đề nghị chia di sản của cha mẹ mà nhường toàn bộ 5.670 m2 đất cho ông thì ông cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của gia đình các em mình.

Vào lúc 08 giờ ngày 22/10/2019, tại nhà ông Văn, tổ hòa giải ấp đã tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên. Tại buổi hòa giải, một lần nữa, hòa giải viên đã phân tích các quy định của Bộ luật dân sự về thừa kế và quyền về lối đi qua; đồng thời, khơi gợi tình cảm anh em ruột thịt “như thể tay chân” giữa 03 anh em để ông Văn nhận thấy được tình cảm thương yêu của 02 người em gái dành cho mình mà có hành động, cách cư xử phù hợp.

Kết quả hòa giải

Nghe hòa giải viên phân tích có lý, có tình, ông Văn đồng ý mở lại lối đi theo hiện trạng ban đầu. Để bảo đảm cho việc sử dụng lối đi này được ổn định, lâu dài, tránh tranh chấp cho các thế hệ sau này, tổ hòa giải hướng dẫn ba ông bà làm bản cam kết, trong đó ông Văn đồng ý dành 157m2 đất làm lối đi chung cho gia đình bà Nguyễn, bà Chi.

Ngay sau buổi hòa giải, 03 người đã tiến hành làm thủ tục sang tên quyền sử dụng hơn 5.670 m2 đất cho ông Văn, tiến hành cắm cọc phân ranh giới giữa lối đi và diện tích đất ông Văn sử dụng, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân xã xác nhận thỏa thuận về lối đi chung giữa các hộ gia đình.

Tình huống 3: Ông Tùng và ông Bình có đất giáp ranh với nhau. Hai ông cùng trồng dừa sát ranh đất, có cây của ông Tùng ngả qua bên đất ông Bình, cũng có cây của ông Bình ngả qua bên đất ông Tùng. Tuy nhiên, có một cây dừa của ông Bình ngả về hướng nhà ông Tùng. Đang vào mùa mưa bão, ông Tùng sợ dừa đổ đập vào nhà mình nên đến gặp ông Bình đề nghị ông Bình đốn cây dừa trên nhưng ông Bình không đồng ý. Hai bên xảy ra tranh cãi, không ai nhìn mặt ai.

Quá trình hòa giải

Sau khi tiếp nhận yêu cầu của ông Tùng, tổ hòa giải ấp đã họp và xác định đây là mâu thuẫn thuộc lĩnh vực dân sự, cụ thể liên quan đến cây trồng trên đất có nguy cơ đổ ngã qua đất người khác gây nguy hiểm. Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên Hòa đến gặp gỡ, tiếp xúc với cả hai bên gia đình để tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn.

Qua gặp gỡ, tiếp xúc hai bên gia đình, hòa giải viên Hòa tóm tắt nguyên nhân mâu thuẫn như sau: Đất của ông Tùng và ông Bình đều trồng dừa, đang mùa thu hoạch. Dừa của ông Bình ngả qua đất ông Tùng và dừa của ông Tùng cũng có cây ngả qua đất ông Bình. Một cây dừa của ông Bình trồng ngả về hướng nhà ông Tùng là có thật. Ông Bình biết dừa của mình ngả qua hướng nhà ông Tùng là rất nguy hiểm. Ông Bình cũng có ý định đốn cây dừa đó nhưng giá dừa trái đang tăng nên chưa đốn. Khi sang yêu cầu ông Bình đốn dừa, ông Tùng dùng lời lẽ khó nghe, mang tính bắt buộc và nói “nếu ông Bình không đốn dừa thì thưa ra ấp, xã”. Ông Bình giận vì dừa của ông Tùng cũng ngả qua đất của ông, ông chưa từng bắt đốn bỏ cây nào nên không đồng ý đốn cây dừa ngả qua hướng nhà ông Tùng.

Sau khi nghe hòa giải viên Hòa báo cáo sự việc, tổ trưởng tổ hòa giải đã triệu tập các hòa giải viên và mời gia đình ông Tùng, ông Bình đến nhà ông Minh (hàng xóm với ông Tùng, ông Bình) để tiến hành hòa giải.

Tại buổi hòa giải, qua nghe ý kiến trình bày của hai bên, tổ trưởng tổ hòa giải đã phân tích để ông Bình hiểu rằng ông không thể vì lợi ích kinh tế của bản thân mà gây nguy hiểm cho người khác (vì tiếc dừa trái lên giá mà chưa đốn cây dừa ngã qua hướng nhà ông Tùng). Thời tiết đang vào mùa mưa bão, nếu chẳng may có gió lớn, cây dừa đổ làm sập nhà ông Tùng, gây thương tích cho người trong nhà thì hậu quả không lường, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều thu nhập từ cây dừa đó mang lại. Hơn nữa, Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Trường hợp cây cối,... có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây,... theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh...; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây,... Chi phí chặt cây,... do chủ sở hữu cây cối,... chịu.

2. ...

  1. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh... thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.”

Đối với ông Tùng, khi yêu cầu ông Bình đốn dừa nên dùng lời lẽ lịch sự, hòa nhã; không nên có thái độ khiêu khích vì thực tế một số cây dừa của ông cũng ngã qua đất ông Bình. Ông Bình cũng có quyền yêu cầu ông phải chặt cây, tỉa lá.

Ông Tùng có ý kiến thêm: “Tôi cũng không muốn điều tiếng xấu xảy ra, vì từ trước đến nay giữa hai gia đình chúng tôi không có vấn đề gì. Hiện nay, chỉ vì ông Bình có cây dừa ngả về phái nhà tôi gây nguy hiểm, nên tôi đề nghị ông Bình đốn, chặt cây để bảo đảm an toàn”.

Tổ trưởng tổ hòa giải đề nghị hai bên nên vì tình làng nghĩa xóm, “họ hàng xa không bằng láng giềng gần” mà có cách cư xử phù hợp. Ông Bình nên đốn, chặt cây dừa ngả về phía nhà ông Tùng, các cây dừa khác của hai bên ngả qua, ngã lại thì có thể giữ nguyên nhưng cần có biện pháp bảo đảm an toàn, như làm cọc chống, tránh cây đổ bất ngờ gây tai nạn. Ông Tùng nên xin lỗi ông Bình vì lời lẽ khó nghe lúc trước.

Kết quả hòa giải

Sau khi nghe các thành viên tổ hòa giải động viên, phân tích, ông Tùng đã xin lỗi ông Bình vì đã có lời nói không phải. Ông Bình đồng ý đốn, chặt cây dừa ngả về hướng nhà ông Tùng. Hai bên thống nhất giữ nguyên các cây dừa còn lại, cùng bắt tay nhau làm cọc chống, giữ cho cây không bị đổ.

Tình huống 4: Gia đình bà Quỳnh kinh doanh buôn bán đồ điện gia dụng. Từ ngày 25/01/2018, vợ chồng ông Quách, cư ngụ cùng ấp, đến liên hệ mua bồn chứa nước, máy hàn, bóng đèn, nồi cơm điện cho tàu đánh bắt thủy sản, hình thức trả tiền: trả dần sau mỗi chuyến đi biển về. Tính đến ngày 28/02/2019, vợ chồng ông Quách còn nợ bà Quỳnh số tiền hơn 30 triệu đồng. Bà Quỳnh nhiều lần đến nhà ông Quách đòi số tiền này nhưng vợ chồng ông Quách cứ hứa hẹn mà không trả. Bà Quỳnh làm đơn đề nghị tổ hòa giải ấp giải quyết.

Quá trình hòa giải

Sau khi nhận được đơn của bà Quỳnh, tổ trưởng tổ hòa giải ấp - bà Minh trực tiếp tìm hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà mỗi bên hướng tới. Để nắm được các ấpg tin này, bà Minh gặp gỡ, trao đổi với vợ chồng bà Quỳnh và vợ chồng ông Quách tại nhà riêng của mỗi bên. Ngoài ra, bà Minh cũng đề nghị bà Quỳnh cung cấp hóa đơn mua bán và giấy ghi nhận các lần trả tiền và xem xét cụ thể nội dung từng hóa đơn này.

Tiếp theo, bà Minh tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan và tham khảo ý kiến của công chức Tư pháp - hộ tịch xã để tìm ra các quy định pháp luật thích hợp áp dụng cho giải quyết vụ việc này. Sau đó, bà Minh đã tổ chức buổi họp tổ hòa giải để cùng trao đổi, thảo luận về các quy định pháp luật áp dụng trong vụ việc này.

Ngày 28/6/2019, bà Minh đã mời các bên tranh chấp đến trụ sở ấp để tiến hành hòa giải. Thành phần tham dự buổi hòa giải gồm 03 hòa giải viên trong tổ hòa giải (bà Minh chủ trì buổi hòa giải); vợ chồng bà Quỳnh và vợ chồng ông Quách.

Bà Quỳnh trình bày, do rất thông cảm với vợ chồng ông Quách, nên bà đã bán thiếu cho nhiều đồ điện phục vụ chuyến đi đánh bắt hải sản của gia đình ông Quách, tổng giá trị hàng hóa là gần 40 triệu đồng, vợ chồng ông Quách mới trả 2 lần (lần đầu khi mua hàng là hơn 5 triệu đồng, lần thứ 2 là 3 triệu), đến nay vẫn còn nợ hơn 30 triệu đồng. Bà Quỳnh đã nhiều lần đòi nhưng vợ chồng Quách cứ khất lần mãi không chịu trả.

Ông Quách trình bày, mặc dù hai bên thỏa thuận mua bán đồ diện như vậy nhưng chất lượng hàng hóa rất kém, một số thứ hỏng hóc ngay lần đầu sử dụng, ông Quách đã đề nghị bà Quỳnh bảo hành, đổi hàng mới cho nhưng bà Quỳnh không chịu, vì vậy ông dừng lại không trả tiền nữa.

Sau khi nghe hòa giải viên phân tích về quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng mua bán tài sản. Điều 430 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.

Điều 440 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả tiền như sau: “1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

  1. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
  2. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”...

Đồng thời, phân tích lý lẽ cho các bên hiểu, xuất phát từ sự tình cảm xóm giềng bà Quỳnh mới bán thiếu cho ông Quách. Tuy nhiên bà Quỳnh cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng bán ra.

Kết quả hòa giải

Trên cơ sở phân tích của hòa giải viên, vợ chồng bà Quỳnh và vợ chồng ông Quách thống nhất thỏa thuận: “Vợ chồng bà Quỳnh giảm cho vợ chồng ông Quách 10.000.000 đồng (do tài sản bị hư hỏng), số tiền còn lại hơn 20 triệu đồng sẽ trả đến ngày 28/12/2019”. Các bên và bà Minh cùng ký vào biên bản hòa giải thành. Bên cạnh đó, bà Minh cũng giải thích trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành cho các bên, hướng dẫn các bên có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở, giải thích giá trị pháp lý quyết định của Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.

Tình huống 5: Bà An sống một mình, không có chồng con. Bà An có quyền sử dụng một mảnh đất, do không có nhu cầu sử dụng nên bà cho người cháu họ là anh Bình mượn để dựng quán bán hàng. Tháng 5/2019, bà An bị tai nạn mất đột ngột, không để lại di chúc. Tháng 10/2019, bà Chi là em gái của bà An đang sinh sống tại nơi khác trở về đòi anh B trả lại đất

cho bà vì bà cho rằng mình mới là người thừa kế hợp pháp mảnh đất này. Anh Bình không đồng ý với lý do bà An đã cho anh mượn đất làm ăn, nay bà An chết đi, cũng không có chồng con gì nên bà Chi không có quyền đòi đất. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

Quá trình hòa giải

Sau khi tiếp nhận vụ việc, tổ hòa giải đã tiến hành gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các bên, đồng thời xác minh các tình tiết có liên quan để tiến hành hòa giải. Qua xác minh, tổ hòa giải nhận thấy: Bố mẹ bà An chỉ sinh được hai người con là bà An và bà Chi và nay bố mẹ bà An cũng đã mất.

Tại buổi hòa giải diễn ra tại ấp, tổ hòa giải đã phân tích các quy định của Bộ luật Dân sự cho các bên, theo Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp người chết không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của bà An không còn ai, hàng thừa kế thứ hai của bà An chỉ còn bà Chi, do đó bà Chi chính là người thừa kế theo pháp luật của bà An. Do vậy, việc bà Chi trở về đòi quyền thừa kế mảnh đất thuộc sở hữu của bà An là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Do đó anh Bình không nên cản trở bà Chi thực hiện quyền thừa kế của mình. Đối với bà Chi, tổ hòa giải phân tích thêm hiện nay anh Bình đang kinh doanh có hiệu quả trên mảnh đất đó, nếu anh Bình có nguyện vọng thì bà nên xem xét việc tiếp tục tạo điều kiện để anh Chi thuê lại mảnh đất đó. Trường hợp các bên không thống nhất được việc cho thuê mảnh đất thì bà Chi vẫn là người thừa kế hợp pháp và được quyết định các vấn đề liên quan đến mảnh đất đó.

Kết quả hòa giải

Sau khi nghe tổ hòa giải giải thích các quy định của pháp luật trực tiếp điều chỉnh vụ việc của mình, anh Bình và bà Chi đã thống nhất được với nhau về việc sau khi hoàn thiện xong thủ tục nhận thừa kế, bà Chi sẽ cho anh Bình tiếp tục thuê mảnh đất đó để kinh doanh. Các bên không còn mâu thuẫn, tranh chấp.

Tổ hòa giải tiến hành lập Biên bản hòa giải thành và hướng dẫn các bên thực hiện các thủ tục liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Tình huống 6: Nhà bà Minh và nhà bà Ngọc là nhà trên, nhà dưới cách nhau bờ rào cây râm bụt. Sáng ngày 01/10/2019, bà Ngọc chặt cây chuối hột trong vườn đã sơ ý làm đổ cây chuối lên mái bếp nhà bà Minh làm vỡ đi 3 viên ngói Prô xi măng. Gia đình bà Minh yêu cầu bà Ngọc phải mua ngói về lợp lại và mời thầy cúng đến để “quét nhà” theo phong tục của dân tộc vì việc vỡ mái nhà là xui xẻo không may mắn nhưng bà Ngọc chỉ đồng ý mua ngói về lợp lại, còn việc mời thầy cúng bà không nhất trí. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại gây mất đoàn kết làng xóm.

Quá trình hòa giải

Hòa giải lần 01: Sau khi nhận được phản ánh của bà Minh, ngày 05/10/2019, tổ hòa giải ấp tiến hành hòa giải mâu thuẫn giữa hai bên gia đình, phân tích, giải thích, hướng dẫn về tình cảm anh em, làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, “chín bỏ làm mười”, bỏ qua những ích kỷ cá nhân để giúp đỡ nhau. Việc

mời thầy cúng về “quét nhà” là hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan không phù hợp, cần xóa bỏ và dựa trên cơ sở Hương ước của ấp, vận động hai bên gia đình thống nhất thỏa thuận với nhau theo chiều hướng tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, gia đình bà Minh không đồng ý chỉ để gia đình bà Ngọc mua ngói lợp lại gian bếp, mà phải có thầy cúng “quét nhà” mới an tâm.

Hòa giải lần 02: Sau khi tiến hành hòa giải lần 01 không thành, tổ hòa giải đã xin ý kiến của đồng chí Bí thư Chi bộ ấp về hướng giải quyết vụ việc. Được sự góp ý của Bí thư Chi bộ, tổ hòa giải đã tiến hành xác minh, tìm hiểu nguyên do sâu xa của sự việc. Được biết, ngay sau khi cây đổ xuống mái bếp nhà bà Minh, bà Ngọc cùng chồng đã không kịp thời dọn dẹp, khắc phục đổ vỡ ngói bếp mà còn có nhiều lời nói thiếu tôn trọng, thách thức bà Minh đi khiếu kiện để đòi bồi thường.

Nắm được lý do đó, tổ hòa giải của ấp đã giao cho các thành viên của tổ gặp gỡ đôi bên để vận động từng bên thấy được cái đúng, cái chưa đúng với quy định trong Hương ước của ấp mà bấy lâu nay hơn 100 hộ dân trong ấp đều tuân thủ chấp hành, tôn trọng và động viên con cháu cùng thực hiện.

Ngày 15/10/2019, tổ trưởng tổ hòa giải mời vợ chồng bà Ngọc và vợ chồng bà Minh đến ấp để tiến hành hòa giải lần 2. Tổ trưởng tổ hòa giải mời thêm ông Chinh là người uy tín trong ấp, đồng thời cũng là anh họ của chồng bà Minh; bà Hoa là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của ấp cùng dự. Trên cơ sở nắm rõ được nguyên nhân sâu xa, qua ý kiến phân tích giải thích cũng như tác động từ trước của các thành viên tổ hòa giải, vợ chồng bà Ngọc đã đứng ra xin lỗi vì những câu nói quá lời, xúc phạm của mình đến gia đình bà Minh, đồng thời cũng xin tự nguyện mua vật liệu về lợp lại mái bếp nhà bà Minh. Với thiện chí của nhà bà Ngọc cùng với ý kiến của ông Chinh và bà Hoa, bà Minh cùng chồng cũng nói rõ vì ấm ức câu thách thức của chồng bà Ngọc nên mới đưa ra “yêu sách” để làm khó nhà bà Ngọc.

Kết quả hòa giải

Sau khi nghe hết các ý kiến của mọi người tham dự buổi hòa giải, nhận ra những “yêu sách” của bà Minh là không hợp lý, hai bên gia đình thống nhất thỏa thuận như sau: gia đình bà Ngọc trả cho gia đình bà Minh số tiền 1.000.000 đồng chi phí mua vật liệu và công sức lợp lại mái bếp, góp công cùng gia đình bà Minh thay mới lại toàn bộ ngói bếp vì đã lợp từ lâu; còn việc mời thầy về “quét nhà” là mê tín, dị đoan nên không thực hiện nữa.

Tình huống 7: Vào khoảng 7 giờ sáng, ông Ninh dắt trâu ra đồng thả cho ăn cỏ. Tuy nhiên, do tối hôm trước đi làm thêm đến gần 3 giờ sáng mới về đến nhà, nên ngồi tựa gốc cây trông trâu được một lúc thì ông Ninh ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Gần một tiếng sau, ông Chí đi phát bờ ruộng thì bắt gặp 05 con trâu đang ăn lúa và giẫm nát lúa ở ruộng của mình. Nhìn quanh thấy ông Ninh đang ngủ gục dưới gốc cây, ông Chí gọi ông Ninh dậy để giải quyết. Ông Chí yêu cầu ông Ninh phải đền toàn bộ

thiệt hại, nhưng ông Ninh không chấp nhận đền bù, vì cho rằng ông không cố ý thả trâu vào ăn lúa nhà ông Chí. Mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, mâu thuẫn giữa hai ông ngày càng gay gắt. Ông Chí gọi điện thoại cho ông Trung – Trưởng ấp, đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải đề nghị giải quyết.

Quá trình hòa giải

Sau khi nhận được ấpg tin, ông Trung đã gọi ông Mỹ – hòa giải viên cùng đến chỗ ruộng bị trâu ăn lúa của nhà ông Chí.

Ông Mỹ đã xem xét và xác định phần lúa bị thiệt hại khoảng 60%, gồm có 4 thửa, gần 2 sào, dự tính sản lượng được khoảng 4 bao thóc vì ruộng.

Sau khi các bên đã có mặt đông đủ, tổ hòa giải bắt đầu tổ chức tiến hành hòa giải ngay tại địa điểm trâu ăn lúa. Ông Trung mời ông Chí có ý kiến trước.

- Ý kiến ông Chí: Tang chứng, vật chứng rõ ràng, lúa đang trổ bông sắp được thu hoạch, tôi yêu cầu ông N phải đền toàn bộ thiệt hại mà trâu nhà ông đã ăn và phá hoại lúa nhà tôi, phải đền cho gia đình tôi 03 bao thóc khô.

  • Ý kiến của ông Ninh: Do hôm qua tôi đi làm về muộn hơi mệt và buồn ngủ, ngồi gốc cây tựa lưng thiếp đi lúc nào không hay, nên đã để trâu vào ruộng ăn lúa nhà ông Chí. Khi tỉnh giấc sự việc đã rồi, tôi không chấp nhận đền cho ông Chí vì tôi không cố ý thả, đuổi trâu vào ăn lúa nhà ông.
  • Tổ hòa giải phân tích: Sau khi nghe ý kiến hai bên gia đình, có thể hiểu được sự đúng sai của mỗi bên. Việc ông Ninh sơ ý để trâu vào ăn lúa một phần ruộng đang sắp đến kỳ thu hoạch của nhà ông Chí, cho dù là lỗi vô ý nhưng ông Ninh cũng phải đền bù cho gia đình ông Chí. Bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây ra cho người khác. Tuy nhiên, việc trâu nhà ông Ninh vào phá ruộng là do ông Ninh vô ý không cẩn thận, chứ không phải chủ động thả trâu vào ăn lúa phá ruộng. Hai người làng trên, làng dưới hoàn cảnh cũng rất khó khăn, vất vả, thiệt hại xảy ra là ngoài ý muốn. Hai gia đình có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần do hai bên tự thỏa thuận, để giữ tình làng nghĩa xóm của ấp.

Kết quả hòa giải

Sau khi nghe hòa giải viên phân tích, ông Chí và ông Ninh thống nhất, ông Ninh đền cho ông Chí 03 bao thóc khô, thời gian trả thóc ngay trong ngày. Ngoài ra, ông Ninh đề nghị ông Chí cho mình được quản lý, chăm sóc phần lúa còn lại vì gia đình ông ít ruộng cũng chỉ đủ ăn qua vụ. Ông Chí nhất trí số lúa còn lại ở ruộng bị trâu ăn do ông Ninh quản lý và thu hoạch.

Tình huống 8: Buổi sáng như thường lệ, ông Hải và người em rể lùa thả dê từ chuồng ra bãi cỏ để ăn cỏ. Tuy nhiên, khi dê vừa ra khỏi chuồng đi xuống bãi ăn cỏ thì bị 02 con chó của gia đình ông Vinh và gia đình ông

Mạnh tấn công dẫn đến hậu quả chết 02 con dê (01 con mẹ và 01 con con còn nhỏ). Sau khi cắn con thứ 3, hai ông đuổi theo chó về đến tận nhà ông Vinh. Tại nhà ông Vinh, ông Hải yêu cầu ông Vinh, ông Mạnh bồi thường cho mình nhưng hai ông không đồng ý nên ông Hải mang 02 con dê đã chết đến đề nghị tổ hòa giải giải quyết.

Quá trình hòa giải

Buổi hòa giải diễn ra ngay sau đó tại nhà bà Loan, tổ trưởng tổ hòa giải.

Ông Hải phát biểu ý kiến: Tôi thả dê vừa ra khỏi chuồng đi xuống ăn cỏ thì bị 02 con chó chạy đến tấn công. Tôi và em rể tôi đuổi theo không được và chó đã cắn chết 02 con dê (01 con mẹ và 01 con con còn nhỏ). Sau khi cắn con thứ 3, hai chúng tôi đuổi theo chó về đến tận nhà. Tôi đã đến thưa chuyện và đề nghị ông Mạnh, ông Vinh bồi thường song hai ông không bồi thường cho gia đình tôi. Tôi đề nghị tổ hòa giải can thiệp, bảo đảm công bằng cho gia đình tôi.

Ông Vinh và ông Mạnh đồng ý kiến như sau: Chó gia đình vẫn thả rông từ trước đến nay mà dê cũng đã nuôi được 06 tháng chưa thấy cắn bao giờ.

Ông Vinh nói: “Chó tôi thả rông suốt mà dê nuôi có người trông còn cho cắn thì tôi không bồi thường”.

Ông Hải cho rằng: Chó không được thả rông, nếu không bồi thường thì đập chết chó. 02 con dê của ông mua với giá 150.000 đồng/kg, nay khoảng 20kg.

Sau khi nghe hai bên trình bày, tổ trưởng tổ hòa giải phân tích như sau: Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

  1. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  2. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  3. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Trước kia, ông Hải mua dê giống với giá cao là 150.000đ/kg, nhưng giá dê hiện nay trên thị trường là 80.000đ/kg, dê thịt chỉ là 65.000/kg. Vậy, lấy bình quân là 100.000/kg.

Còn trong quy ước chưa có nội dung quy định mức bồi thường do chó cắn

dê, theo tôi trong 20kg dê/2 con này thì 02 hộ có con chó cắn dê chết mỗi hộ đưa cho ông Hải là 700.000 đồng, tổng là 1.400.000 đồng/2 hộ. Chủ nuôi dê chịu thiệt thòi một chút là 600.000 đồng. 02 con dê chết, 03 hộ cùng chia nhau.

Kết quả hòa giải

Qua phân tích như trên, 03 hộ thống nhất và đồng ý theo ý kiến tổ hòa giải. Hai ông Vinh, ông Mạnh đưa luôn tiền mặt cho Hải, mỗi ông 700.000 đồng. Các bên cùng đồng ý ký vào biên bản hòa giải thành.

Tình huống 9: Bà Dung có một căn nhà cất bằng cây tạp, mái lợp tôn và bị xuống cấp, bà Dung không ở trong căn nhà nói trên. Tuy nhiên, sau một thời gian về thăm nhà, bà Dung phát hiện nhà bị dỡ mái, một số cây tạp bị rút đi. Mọi người xung quanh cho biết là ông Tý (hàng xóm) đã dỡ cây, mái tôn về sử dụng Bà Dung yêu cầu ông Tý trả lại nhưng ông nói những thứ đó không còn giá trị sử dụng gì, dỡ ra cũng hỏng, mục hết nên có trả lại cũng không dùng được. Hai bên tranh chấp lời qua tiếng lại.

Bà Dung yêu cầu tổ hòa giải xem xét, giải quyết để ông Tý trả lại hiện trạng căn nhà như cũ cho bà.

Quá trình hòa giải

Sau khi nhận được yêu cầu từ bà Dung, tổ hòa giải đã mời các bên đến làm việc để nghe trình bày cụ thể hơn. Bà Dung vẫn trình bày ý kiến như văn bản đã gửi cho tổ hòa giải.

Về phần ông Tý cho biết, ông thấy căn nhà bỏ không, xuống cấp và hư hỏng nặng, ông mới xem cây tạp và miếng tôn nào còn sử dụng được thì lấy về, nhưng trong quá trình tháo dỡ cũng bị mục nát, không dùng được nữa. Nay bà Dung đòi lại, ông Tý cho rằng các thứ đã hỏng không thể trả lại hiện trạng nhà như cũ cho bà được.

Tổ hòa giải xác định đây là mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân và phân tích cho 02 bên về tình làng nghĩa xóm, quyền và nghĩa vụ của 02 bên. Về lý, ông Tý xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được quy định tại Bộ luật dân sự.

Tổ hòa giải cũng phân tích về tình làng nghĩa xóm để bà Dung thấy được ông Tý có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng phục hồi như cũ căn nhà cho bà do các vật dụng đã cũ, hỏng. Bà nên suy xét lại về yêu cầu ông Tý trả lại hiện trạng như cũ cho căn nhà của bà.

Kết quả hòa giải

Nghe hòa giải viên động viên, phân tích, 02 bên thống nhất với kết quả hòa giải thành như sau: Đối với cây tạp và tôn cũ còn sử dụng được ông Tý có trách nhiệm lợp tôn, dựng cây tạp vào chỗ trống của căn nhà. Bà Dung không tiếp tục yêu cầu ông Tý phải phục hồi hiện trạng căn nhà như cũ.

Tình huống 10: Khi cha mẹ mất, hai chị em bà Phương và Nhung thống nhất an táng phần mộ trong đất của bên chồng bà Nhung. Nay bà Phương muốn đưa hài cốt cha mẹ về an táng trong phần đất của bà. Mặc dù đã nhiều lần trao đổi, bàn bạc nhưng bà Nhung vẫn không đồng ý và còn hăm dọa nếu bà Phương đến chuyển hài cốt cha mẹ đi thì gia đình bà Nhung sẽ không để yên.

Để êm ấm gia đình, bà Phương nhờ tổ hòa giải can thiệp, giúp bà chuyển hài cốt của cha mẹ vào kịp ngày Thanh Minh (mùng 1 tháng 3 âm lịch).

Quá trình hòa giải

Sau khi nhận được văn bản yêu cầu, tổ trưởng tổ hòa giải đã cử hòa giải viên Xuân tiến hành xác minh vụ việc. Sau đó, hòa giải viên Xuân mời các bên liên quan đến để tổ chức hòa giải, đồng thời mời công chức Tư pháp - Hộ tịch xã tham gia hòa giải.

Tại buổi hòa giải, bà Phương trình bày: hiện bà chịu trách nhiệm hương khói cho cha mẹ, cúng giỗ hằng năm. Vì vậy, bà mong muốn di dời hài cốt của cha mẹ đang nằm trên phần đất bên chồng bà N về quê nhà cho thuận tiện. Nếu bà Nhung đồng ý cho di dời, Bà Phương sẽ hỗ trợ 05 chỉ vàng 18k để san nền và 02 triệu đồng cho phần xây cất phần mộ.

Theo bà Nhung, khi cha mẹ bà chết, bà đem về chôn ở phần đất bên chồng mình, bà Phương không đưa tiền xây mộ. Hơn nữa, việc đào mồ mả là kiêng kị nên muốn giữ 02 ngôi mộ nằm yên ở khu đất bên chồng, không muốn dời đi đâu hết.

Ông Hà (chồng bà N) có ý kiến chấp thuận cho bà Phương di dời hài cốt cha mẹ vợ.

Sau khi nghe các bên trình bày, hòa giải viên phân tích để các bên thấy việc di dời hài cốt của cha mẹ bà Phương và bà Nhung được sự ủng hộ của các thành viên gia đình 02 bên, trong đó có ông Hà, để bà Phương thuận tiện hương khói và cúng giỗ. Bà Nhung nên tạo điều kiện để bà Phương được chuyển hài cốt cha mẹ về phần đất nơi bà Phương đang ở, vì bà Phương ngày một cao tuổi, việc đi lại bị hạn chế. Tổ hòa giải mong bà Phương, bà Ninh luôn giữ hòa khí, giữ gìn tình nghĩa chị em ruột với nhau, tránh những xích mích không đáng có, còn làm gương dạy bảo con cháu

Kết quả hòa giải

Sau khi nghe hòa giải viên và mọi người tham gia hòa giải phân tích, động viên, bà Nhung đã thống nhất cho bà Phương di dời hài cốt cha mẹ về phần đất nơi bà Phương đang ở và không nhận tiền hỗ trợ của bà Phương./.

 

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HUYỆN BÌNH CHÁNH