• Tháng Tư 18, 2023

I. Quy định về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao nhiêu?

Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định như sau:

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, cụ thể:

+ Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;

+ Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

- Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

2. Phương thức Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Phương thức Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định:

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng bảo hiểm xã hội phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện do cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ định;

- Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội;

- Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội mỗi quý một lần;

Chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ vào quỹ bảo hiểm xã hội của năm đó.

3. Thời gian Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định thì thời gian Nhà nước hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

4. Công thức tính mức Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định:

* Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng được tính bằng công thức sau:

Mhtt = k × 22% × CN

Trong đó:

- k: là tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%), cụ thể: k = 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k = 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k = 10% với các đối tượng khác.

- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).

Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 là 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo; và 15.400 đồng/tháng đối với các đối tượng khác.

* Mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đóng theo phương thức 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau.

Số tiền hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng theo phương thức một lần cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng năm đóng.

(Trích một số nội dung tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, có hiệu lực từ ngày 04/4/2016).

 

II. Xử lý đối với hành vi đua xe trái phép

1. Nghiêm cấm hành vi đua xe trái phép

Cụ thể, theo khoản 6 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, nghiêm cấm hành vi đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

2. Đua xe trái phép bị xử lý thế nào?

2.1. Xử phạt vi phạm hành chính hành vi đua xe trái phép

Căn cứ Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;

+ Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 25.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện thực hành vi này còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

- Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bị tịch thu phương tiện (trừ súc vật kéo, cưỡi);

- Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện.

 

2.2. Truy cứu trách nhiệm tội đua xe trái phép

Người có hành vi đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đua xe trái phép quy định tại Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), cụ thể:

- Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Tham gia cá cược;

g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép; Đua xe nơi tập trung đông dân cư;Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua; Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

+Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

(Trích một số nội dung tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017); Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực gio thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020).

III. Quy định về cải chính trên báo chí

1. Trường hợp nào phải cải chính trên báo chí?

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 42 Luật Báo chí 2016 quy định về trường hợp phải cải chính trên báo chí như sau:

- Cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 Luật Báo chí 2016:

- Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí.

Lời xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả tác phẩm báo chí được đăng, phát liền sau nội dung thông tin cải chính.

2. Quy định về đăng, phát thông tin cải chính trên báo chí

Quy định về đăng, phát thông tin cải chính trên báo chí theo khoản 3, 4 và 5 Điều 42 Luật Báo chí 2016 như sau:

* Việc đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm phải thực hiện theo quy định sau đây:

- Đăng, phát tại trang hai đối với báo in, trang cuối đối với tạp chí in, chuyên Mục riêng tại trang chủ đối với báo điện tử với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin;

- Đăng, phát đúng chuyên Mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng đối với báo nói, báo hình mà báo chí đã đăng, phát thông tin.

* Khi đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây:

- Tiêu đề: “Thông tin cải chính, xin lỗi”;

- Tên tác phẩm báo chí, tên chuyên Mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính;

- Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính.

* Thời điểm đăng, phát cải chính, xin lỗi được quy định như sau:

- Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi của báo điện tử được thực hiện ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất là 07 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính, xin lỗi;

- Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện trong thời hạn 02 ngày đối với báo ngày, báo nói, báo hình; trong số ra gần nhất đối với báo tuần, tạp chí, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm.

Đối với tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ thì phải có văn bản trả lời ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải đăng trong số ra gần nhất;

- Cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.

Cơ quan báo chí đã đăng, phát nội dung thông tin vi phạm, sau khi thực hiện cải chính, xin lỗi phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi.

 (Trích một số nội dung tại Luật Báo chí 2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017).

Phòng Tư pháp quận Tân Bình- Phòng PBGDPL

Được đăng trong chuyên mục: Phổ biến giáo dục Pháp Luật