Tháng Mười 14, 2019

1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

- Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm.

- Các hành vi tham nhũng.

- Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

- Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

- Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung sau đây:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động;

- Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác;

- Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn;

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch;

* Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác, ngoài nội dung công khai, minh bạch nêu trên còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

4. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:

- Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;

- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;

- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

- Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.

5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.

5.1. Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác.

5.2. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

5.3. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

6. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi sau đây:

a) Các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ;

b) Các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên.

7. Kê khai tài sản, thu nhập:

7.1. Những người sau đây có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập:

- Cán bộ, công chức.

- Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

7.2. Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm:

- Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;

- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

- Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

7.3. Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

8. Xử lý người có hành vi tham nhũng.

8.1. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

8.2. Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

8.3. Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.

8.4. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

8.5. Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân./.

Tháng Mười 14, 2019

Nhằm tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt sâu rộng những nội dung cơ bản của pháp luật về tố cáo đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Huyện,  

Ngày 13 tháng 9 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật tố cáo với 110 đại biểu đại diện lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Huyện, Công an, Ban Chỉ huy Quân sự, Chi cục Thuế, Chi cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Huyện; cán bộ, công chức các phòng, ban, chuyên môn thuộc Huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể huyện, xã, thị trấn và Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ nhân dân, Tổ hòa giải ở cơ sở của 07 xã, thị trấn tham dự.

Tại Hội nghị, ông Trần Đình Trữ – Phó Chánh Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh , báo cáo viên pháp luật Thành phố đã giới thiệu một số nội dung trọng tâm của Luật tố cáo và các văn bản có liên quan cũng như một số kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư tố cáo. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn; đồng thời, hướng dẫn, giúp người dân tuân thủ, chấp hành, thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố cáo./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 12 tháng 9 năm 2019, Quận ủy quận Bình Tân đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Tham dự Hội nghị có 258 đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Tư pháp Thành phố, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quận, Thường trực Hội đồng nhân dân quận, Ủy ban nhân dân quận, lãnh đạo các Ban Đảng Quận ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, các tổ chức chính trị - xã hội quận, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc quận, Ban chỉ huy Công an quận, Quân sự quận, Chi cục Thi hành án dân sự quận, Tòa án nhân dân quận, Viện Kiểm sát nhân dân quận, Bí thư các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Quận ủy, Thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 phường, Bí thư các Chi, Đảng bộ khu phố, công chức tư pháp, báo cáo viên pháp luật quận và các tập thể cá nhân được khen thưởng.

Hội nghị đã tổng kết, đánh giá khách quan kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW trên địa bàn quận, những mặt đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và phương hướng thực hiện giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Võ Ngọc Quốc Thuận - Thành ủy viên - Bí Thư Quận Ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Bình Tân đã phát biểu kết luận Hội nghị và chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới. Cũng trong dịp này, Ủy ban nhân dân Quận đã tổ chức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW./.

Tháng Mười 14, 2019

Sáng ngày 07/9/2019, Quận 1 đã tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019 vớ sự tham gia của 49 hòa giải viên đến từ 10 phường trên địa bàn quận.

Mỗi hòa giải viên sẽ thực hiện 01 bài thi gồm 02 phần: Phần thi trắc nghiệm (25 câu hỏi) và phần thi tự luận trả lời 01 tình huống về tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân liên quan đến các lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế… Nội dung thi đòi hỏi các hòa giải viên phải vận dụng quy định pháp luật, kiến thức về đạo đức, xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp, kinh nghiệm hòa giải của bản thân để hoàn thành bài thi.

Thông qua hội thi, các hòa giải viên được trau dồi, rèn luyện, kiểm tra kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, đồng thời tạo sân chơi để giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các hòa giải viên. Ban Giám khảo sẽ tổ chức chấm thi khách quan, công tâm, chọn ra các hòa giải viên đạt kết quả cao để trao tặng giấy khen và tiền thưởng của Ủy ban nhân dân quận, qua đó, động viên, khuyến khích hòa giải viên tiếp tục gắn bó, đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận./.

Tháng Mười 14, 2019

Nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn quận,

Ngày 06/9/2019, tại Hội trường Ủy ban nhân dân Quận 11, Phòng Tư pháp đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 cho đại diện lãnh đạo và công chức tham mưu tại các phòng, ban chuyên môn thuộc quận và Ủy ban nhân dân 16 phường.

Tại Hội nghị, bà Hoàng Kim Chi – Trưởng phòng Tư pháp Quận 11, báo cáo viên pháp luật Quận đã tập huấn, trao đổi những nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp thắc mắc cho các đại biểu tham dự./.

 

Tháng Mười 14, 2019

Thực hiện Kế hoạch số 4184/KH-UBND-NCPC ngày 19/7/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – 9/11” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019,

Ủy ban nhân dân quận Tân Phú đã tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – 9/11 trên địa bàn quận Tân Phú, cụ thể:

- Tổ chức chương trình phổ biến pháp luật với chủ đề “Nói không với xâm hại trẻ em” cho hơn 879 lượt giáo viên, học sinh tham dự vào ngày 09/9/2019 tại Trường trung học cơ sở Thoại Ngọc Hầu; chương trình có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Kim Vui, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Tân Phú, đồng thời là báo cáo viên pháp luật của chương trình.

- Tổ chức chương trình phổ biến pháp luật với chủ đề “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ em” cho hơn 811 lượt giáo viên, học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh tham dự vào ngày 10/9/2019; tại chương trình, Công ty TNHHKD Tân Long Vân đã trao tặng 900 mũ bảo hiểm cho giáo viên, học sinh, đại biểu tham dự./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 14/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá năm 2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2019.

Nghị định này quy định chi tiết về thực hiện Quyết định về đặc xá, điều kiện, hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá và thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá.

1. Đối tượng áp dụng:

- Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (sau đây gọi chung là người bị kết án phạt tù).

- Cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

2. Các điều kiện của người được đề nghị đặc xá (Điều 4)

- Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt.

- Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án;

+ Có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thm quyền;

+ Có văn bản đề nghị của người được thi hành án hoặc đại diện hp pháp của người được thi hành án về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án đối với tài sản không thuộc sở hữu nhà nước.

- Người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại là trường hợp người đó và gia đình không còn tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án và không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.

- Người bị kết án phạt tù đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm;

+ Cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn;

+ Có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.

Người đã có quyết định thi hành án phạt tù lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.

- Người bị kết án phạt tù đang mắc bệnh hiểm nghèo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người mắc một trong các bệnh: Ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ trướng; suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; bệnh HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc bệnh khác mà được Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là không tự phục vụ bản thân, nguy cơ tử vong cao.

- Người bị kết án phạt tù đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ ba lần trở lên, mỗi lần từ 01 tháng trở lên, không tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tnh, cấp quân khu trở lên.

- Người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại điểm e khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là trường hợp gia đình của người bị kết án phạt tù đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức chuẩn hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng.

3. Ngoài ra, Nghị định số 52/2019/NĐ-CP còn quy định về thành phần hồ sơ đề nghị đặc xá; trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá; quy trình thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá (Điều 5, 7, 8)./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 24/6/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 8 năm 2019 và thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và quy định chi tiết tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, cụ thể: Hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật (từ Điều 5 đến Điều 9) và hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10 đến Điều 13) với nội dung cụ thể:

- Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật, gồm:

+ Văn bản quy phạm pháp luật;

+ Vụ việc, vướng mắc pháp lý; bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại;

+ Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

+ Quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp;

+ Văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa;

+ Văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm:

+ Cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);

+ Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;

+ Tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực theo quy định.

Nghị định số 55/2019/NĐ-CP được ban hành trong thời điểm Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách, quy định nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác thực thi pháp luật nhằm thực thi mạnh mẽ thông điệp “Chính phủ kiến tạo” trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu thực tiễn hỗ trợ pháp lý của công đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Như vậy, với những quy định mới về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo các bản án, quyết định của tòa án, các văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp, các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật… (được phép công khai), qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật./.

Tháng Mười 14, 2019

Thực hiện Kế hoạch số 995/KH-HĐGDQP&AN ngày 28/8/2019 của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh quận về bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 khóa 34 năm 2019 và vai trò là thành viên Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh quận,

Ngày 09/9/2019, Phòng Tư pháp quận 11 đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định pháp luật về quốc phòng, an ninh cho đội ngũ giáo viên trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và mầm non trên địa bàn quận.

Tại Hội nghị, bà Hoàng Kim Chi - Trưởng phòng Tư pháp quận, báo cáo viên pháp luật quận đã phổ biến các quy định pháp luật về quốc phòng, an ninh gồm: Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia, Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Pháp lệnh dự bị động viên. Qua đó, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh trong tình hình mới đến đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong cương vị công tác./.

Tháng Mười 14, 2019

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách về bảo hiểm xã hội cho người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động đang sinh sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn Huyện Hóc Môn,

Sáng ngày 08/9/2019, tại Khu nhà trọ Ấp 2, xã Xuân Thới Sơn, Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện và Phòng Tư pháp huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan cho 97 công nhân, người lao động tại các khu nhà trọ trên địa bàn.

Tại buổi tuyên truyền, ông Nguyễn Đức Anh TuấnPhó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Hóc Môn đã thông tin cho công nhân, người lao động các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội như: quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội; các chế độ được hưởng khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, các chế độ được hưởng khi bị ốm đau, bệnh tật, thai sản… Cũng trong dịp này, các đại biểu tham dự đã nêu một số thắc mắc liên quan đến việc thực hiện quy định đóng bảo hiểm xã hội, các chế độ, chính sách được hưởng và được ông Tuấn giải đáp rõ ràng, cụ thể./.