• Tháng Mười Hai 14, 2020

Khung giay moi Khung giay moi

HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRUNG ƯƠNG

TÀI LIỆU HỘI NGHỊ

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1521/QĐ-TTG NGÀY 06/10/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HIỆU QUẢ TẠI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội, tháng 12 năm 2020

 

MỤC LỤC

Stt

Nội dung tham luận

Trang

1

Các mô hình, cách thức tổ chức thực hiện hoạt động PBGDPL trong thời gian qua; Thực trạng và định hướng triển khai trong thời gian tới

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

4

2

Đề xuất một số định hướng và giải pháp đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn,

Trưởng Bộ môn Luật Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn,

nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp

13

3

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tham gia PBGDPL đáp ứng yêu cầu tình hình mới

 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

19

4

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân tham gia công tác PBGDPL

Bộ Quốc phòng

24

5

Tăng cường vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL và tổ chức pháp chế trong tham mưu, tư vấn thực hiện công tác PBGDPL

Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an

33

6

Các giải pháp để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong thực hiện PBGDPL

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

40

7

Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác PBGDPL của địa phương

Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

50

8

Kinh nghiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội trong tổ chức triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố

Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội

55

9

Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng mô hình “sách nói pháp luật” từ thực tiễn

 Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh

59

10

Công tác tuyên vận - Mô hình PBGDPL có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai”

Tỉnh ủy Lào Cai

65

11

Mô hình cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả PBGDPL” - Cách thức triển khai và kết quả thực hiện

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

72

12

Mô hình “Nhà Ga Xanh” trong PBGDPL cho học sinh tại các trường phổ thông”

Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm xã hội

76

13

Thực hiện PBGDPL thông qua tổ chức gameshow về pháp luật trên sóng truyền hình”

 Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành

84

 

 

 

 

CÁC MÔ HÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HIỆU QUẢ

TRONG THỜI GIAN QUA; THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

 TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

 

1. Thực trạng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương

1.1. Khái quát chung về tiêu chí đánh giá mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả

Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào phân tích, nhận diện để làm rõ khái niệm mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Ở góc độ chung nhất có thể hiểu mô hình PBGDPL là những phương thức (cách thức) triển khai các hoạt động PBGDPL cụ thể trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để đạt được mục tiêu của PBGDPL hướng tới là bảo đảm thực hiện dầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân, giúp mỗi người đều có được tri thức hiểu biết đúng đắn về Nhà nước và pháp luật, góp phần xây dựng hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật của mỗi cá nhân công dân.

Khi xây dựng một mô hình PBGDPL bảo đảm hiệu quả, thường chú trọng đến các vấn đề như: nhóm đối tượng hoạt động PBGDPL hướng đến; đặc trưng của nhóm đối tượng; những hoạt động chủ thể cần phải triển khai; cách thức triển khai các hoạt động đó trên cơ sở những điều kiện, nguồn lực bảo đảm cụ thể (kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực) để đạt được mục tiêu đã đề ra. Qua nghiên cứu về hiệu quả của các mô hình nói chung cho thấy mô hình PBGDPL được coi là có hiệu quả khi đáp ứng được các tiêu chí cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tính kinh tế. Việc xây dựng, triển khai mô hình PBGDPL phải đạt được mục tiêu mà hoạt động PBGDPL hướng tới, với chi phí xã hội thấp nhất, đồng thời kiểm soát được hậu quả xã hội bất lợi (nếu có). Tuy nhiên, do công tác PBGDPL là công tác chính trị, tư tưởng, hiệu quả không thể cân đong đo đếm, ngày một ngày hai mà theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nên không phải lúc nào tiêu chí này cũng đạt được.

Thứ hai, tính lan toả. Đây là tiêu chí rất quan trọng bởi lẽ một mô hình hiệu quả phải có khả năng tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều chủ thể, trong không gian rộng lớn, được sử dụng nhiều lần và được nhiều người đón nhận. Sự lan toả không chỉ ở bên trong chủ thể thực hiện mà còn cả bên ngoài, đối với nhiều chủ thể khác, để qua đó, mọi người đều nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của pháp luật; tự học tập tìm hiểu pháp luật; tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật, nhận thức được đây như là một trong những công cụ quan trọng nhất để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người.

Thứ ba, tính khả thi. Một mô hình PBGDPL hiệu quả phải có tính khả thi, có thể triển khai thực hiện được trong thực tiễn, gắn với từng điều kiện, hoàn cảnh, không gian và thời gian cụ thể.

Thứ tư, có khả năng nhân rộng. Một mô hình PBGDPL hiệu quả phải có khả năng nhận rộng ở các địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng cụ thể, nghĩa là ứng với mỗi chủ thể thực hiện, nhóm đối tượng tác động, trong không gian, thời gian cụ thể sẽ có nội dung, hình thức PBGDPL tương ứng.

Thứ năm, tính đại chúng. Một mô hình PBGDPL hiệu quả phải hướng đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong xã hội, nhất là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội hoặc không thuận lợi trong tiếp cận thông tin về pháp luật;

Thứ sáu, tính bền vững. Một mô hình PBGDPL hiệu quả phải có tính bền vững, nghĩa là có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài và ít bị tác động, chi phối bởi điều kiện, hoàn cảnh hoặc do ý chí chủ quan của con người.

1.2. Thực trạng các mô hình PBGDPL hiệu quả thời gian qua

Nhận thức vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác PBGDPL, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; trong công tác PBGDPL và thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn.

Qua theo dõi của Bộ Tư pháp, thực tiễn triển khai công tác PBGDPL của các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương, cơ quan, đơn vị đều bám sát điều kiện thực tiễn, dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xây dựng các mô hình PBGDPL phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao theo quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các việc làm cụ thể. Nhiều mô hình, cách làm mới đã được xây dựng, triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh các hình thức PBGDPL quen thuộc, được duy trì và sử dụng rộng rãi thì hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, cách làm sáng tạo trong PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, tình hình thực tế của các đơn vị, địa phương, qua đó “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn được xem là khô khan nhằm giúp người dân thuận tiện tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống.

 Điển hình là một số mô hình sau đây:

Ban hành văn bản, chính sách để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hội đồng nhân dân, chính quyền để giải quyết các vấn đề của địa phương, trong đó có bảo đảm nguồn lực cho công tác PBGDPL

Thời gian qua, một số địa phương đã quan tâm, chủ động tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để giải quyết các vấn đề của địa phương, trong đó có bảo đảm nguồn lực cho công tác PBGDPL. Điển hình như tại Vĩnh Phúc, từ năm 2010, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết về công tác này, trong đó quy định rõ kinh phí tỉnh bổ trí để triển khai các hoạt động PBGDPL. Giai đoạn 2010 - 2015 kinh phí cấp cho công tác PBGDPL hàng năm là 7.850.000.000 đồng; giai đoạn 2016 - 2020 kinh phí cấp cho công tác PBGDPL mỗi năm ước tính là 9.700.000.000 đồng. Tại Quảng Nam, với chủ trương hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở, UBND tỉnh phê duyệt mô hình "Cấp tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả" thực hiện từ năm 2017 đến nay. Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh bố trí bình quân khoảng 1.500 triệu đồng hỗ trợ cho cấp xã; các xã đồng bằng được hỗ trợ 8 triệu đồng/năm; các xã trung du 9 triệu đồng/năm và các xã miền núi 10 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động PBGDPL có hiệu quả tại cơ sở.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật:

Đây là mô hình phổ biến, được nhiều Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai áp dụng. Điển hình là các Cuộc thi, Hội thi được phát động và tổ chức trên quy mô toàn quốc, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý của cả nước, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân như: Cuộc thi viết: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” (Bộ Công an); các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về đất đai[1]; cuộc thi “sáng kiến cải cách TTHC và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT”, nhất là các cuộc thi trực tuyến đã và đang được triển khai sôi nổi thời gian qua… Đây là mô hình dễ tổ chức thực hiện, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân tham gia, tạo hiệu ứng xã hội và có sức lan toả rộng lớn với chi phí thấp và hoàn toàn có thể nhân rộng trong cả nước, cho từng lĩnh vực, nhóm đối tượng và địa bàn cụ thể. Nội dung thi trong các Cuộc thi, Hội thi khá phong phú, đa dạng, tập trung vào những vấn đề lớn, cơ bản và cốt lõi theo chủ để thi. Qua các Hội thi, Cuộc thi đã động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đưa Hiến pháp và pháp luật nhất là các văn bản mới được ban hành vào cuộc sống.

Tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm gắn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia tri thức hiểu biết về các chủ đề mà Hội nghị, Hội thảo, Toạ đàm hướng đến.

Một số Bộ, ngành tổ chức Hội thảo, Tọa đàm để thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương công vụ; tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; tổ chức lấy ý kiến góp ý, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao (Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin, Truyền thông…). Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo: “Các giải pháp nâng cao hiệu quả hưởng ứng, triển khai Ngày Pháp luật hằng năm” (năm 2016); “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong lĩnh vực quản lý” (năm 2017); “Các giải pháp nâng cao hiệu quả hưởng ứng, triển khai Ngày Pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương” (năm 2020). Ủy ban an toàn giao thông quốc gia phối hợp với các địa phương tổ chức diễu hành hưởng ứng Tuần lễ an toàn giao thông (các năm 2013-2017)… Mô hình này với ưu điểm là tính chuyên sâu, gắn với những chủ đề cụ thể cần tập trung tháo gỡ và thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, những người làm thực tiễn, vì thế nội dung thường rất chuyên sâu, có giá trị phát hiện những vấn đề mang tính tổng kết lý luận và thực tiễn, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật. Qua đó giúp các chủ thể có được tri thức đầy đủ về quá trình phát sinh, phát triển của các chế định, các quy phạm pháp luật trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thấy được tính hợp lý và khả thi trong từng quy định pháp luật.  

Tổ chức Ngày Hội pháp luật, ngày Hội an toàn giao thông.

Mô hình Ngày Hội pháp luật được tổ chức thường xuyên, định kỳ trong tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hằng năm để tư vấn, giải đáp kiến thức pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động (thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham dự; Bình Dương thu hút hơn 3000 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Đồng Nai; Vĩnh Phúc…). Thông qua các mô hình này giúp huy động được các chuyên gia, những người hành nghề pháp luật trực tiếp tham gia tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật theo nhu cầu, gắn với các chủ đề, tình huống, vụ việc vướng mắc pháp luật cụ thể cho đông đảo người dân tham dự, qua đó giúp người dân hiểu biết sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn các quy định pháp luật có lien quan đến vụ việc, tình huống.

Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách, pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Qua mô hình này, các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp có cơ hội được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của người dân, doanh nghiệp xung quanh những vấn đề chưa rõ trong các quy định pháp luật nảy sinh từ thực tiễn thi hành. Điển hình là mô hình thực hiện tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” (Tổng Cục Thuế); “Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hải quan” (Tổng Cục Hải Quan); tư vấn, giải đáp pháp luật về tiền lương, về lao động, việc làm, về bảo hiểm xã hội (do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội thực hiện hằng năm); tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật, đối thoại với công nhân lao động nhân Tháng Công nhân (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam); mô hình dân hỏi, Giám đốc Sở trả lời (Đồng Nai, Hải Phòng, Bình Phước, Hà Giang, Hòa Bình…). Mô hình này giúp người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết một phần những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật nhằm thống nhất nhận thức về áp dụng pháp luật trong tính chỉnh thể, có tính hệ thống, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước thấy được vướng mắc, bất cập từ thể chế, chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoặc có giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ trong thực tiễn thi hành.

Tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các chương trình, phóng sự về PBGDPL trên sóng phát thanh - truyền hình, cổng thông tin điện tử, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Mô hình này được duy trì ở hầu hết các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước để thực hiện các hoạt động truyền hình, truyền thanh trực tiếp, đăng tải bài viết, tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự phỏng vấn chuyên sâu về xây dựng, thực thi pháp luật, giới thiệu những nội dung cơ bản của pháp luật, nhất là những văn bản mới được ban hành và thực tiễn triển khai thực hiện. Có thể kể đến một số chương trình có sức lan toả rộng lớn như “Đối thoại chính sách”  trên kênh VTV1; “Pháp luật và cuộc sống”, “Kinh doanh và pháp luật” trên kênh VTV2; Gameshow truyền hình về pháp luật “Sức nước ngàn năm”; chuyên mục “Cái lý cái tình/Khu dân cư rắc rối” trên kênh VTV3; Chương trình “Thông tin chính sách và pháp luật” trên kênh VTV5; Chương trình “Tòa tuyên án” trên kênh VTV6; Chương trình “Công lý mở” trên kênh VTV8; Chương trình “Mỗi ngày một chuyện”, trên kênh VTV9; Chương trình “Quốc hội với cử tri” trên VOV1; Tổ chức các diễn đàn trao đổi, tọa đàm về chính sách và dự thảo chính sách (Báo Pháp luật Việt Nam); thông tin về thực tiễn tình hình thi hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật… Thông qua cách thức này có sức lan toả rất rộng lớn, đến với đông đảo bạn nghe đài, bạn xem truyền hình trên khắp mọi miền của Tổ quốc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gắn với những chủ đề rất đa dạng, phong phú, được dư luận xã hội quan tâm và thu hút sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như những người làm thực tiễn, thậm chí cả những người nổi tiếng; nội dung thường không cứng nhắc, theo từng quy định cụ thể của pháp luật mà gắn với đời sống thực tiễn, với sự thẩm thấu của pháp luật trong cuộc sống hàng ngày nên thường gần gũi và thân quen với từng người dân nên mọi người dễ tiếp thu và thường ngấm sâu trong hành vi, ý thức của mỗi chủ thể sau khi được tiếp cận, tìm hiểu.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL

Qua theo dõi, hiện nay, một số bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc...) và 21 địa phương[2] đã và đang vận hành Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL, trong đó 03 địa phương có Cổng thông tin điện tử PBGDPL gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hậu Giang. Một số địa phương đã ban hành Đề án để triển khai (Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Bình…). Nhiều hình thức ứng dụng công nghệ thông tin đã được thực hiện như: Giải đáp pháp luật qua thư điện tử, gửi ý kiến giải đáp qua đường bưu điện và thực hiện các buổi giao lưu trực tuyến trên mạng Internet[3]; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin điện tử, qua điện thoại (Bộ Tài chính)… Đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức cuộc thi trực tuyến đã phát huy hiệu quả tích cực thời gian quan. Bên cạnh đó, hoạt động PBGDPL còn được thực hiện qua mạng xã hội Facebook (Đồng Tháp; Công an thành phố Đà Nẵng duy trì hoạt động của 02 trang facebook “Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng” và “Tuổi trẻ Công an thành phố Đà Nẵng”); trang facebook “Tư vấn pháp luật của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk”; tổ chức Hội nghị trực tuyến với cấp huyện (Thanh Hóa, Cao Bằng); thực hiện chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh (Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp...).

Ngoài ra còn phải kể đến các mô hình PBGDPL đã trở thành việc làm thường xuyên của cơ quan, tổ chức như: Đồng loạt tổ chức 01 ngày trợ giúp pháp lý miễn phí trong cả nước trong tháng cao điểm (do Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư tổ chức); “Tư vấn pháp luật lưu động, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại địa bàn vùng sâu, vùng xa” (Sơn La, Nghệ An, Hà Giang); “Mỗi tuần học một điều luật” (được Bộ Quốc phòng duy trì trong toàn quân của; các Sở, ban, ngành tỉnh Phú Yên); “Quán cà phê pháp luật” (Cần Thơ)…Hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, hoạt động của đơn vị, các phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hà Nội…); phát động phong trào thi đua gương mẫu tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật gắn với không ngừng học tập, cập nhật kiến thức pháp luật mới để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong thi hành công vụ (Lai Châu, Hà Nam, Gia Lai); định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL cần thực hiện hằng quý (Kon Tum, Quảng Bình); mô hình Tổ tuyên vận (Lào Cai) với việc thành lập và duy trì hoạt động của “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” để kết hợp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng với pháp luật của Nhà nước nhằm vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Lào Cai); mô hình phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo trong đồng bào có đạo (Trà Vinh, Sóc Trăng)...

Như vậy, có thể thấy từ các mô hình, cách làm sáng tạo trong PBGDPL trên đã góp phần không nhỏ trong nâng cao chất lượng hoạt động PBGDPL trên cả nước. Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, biểu dương và nhân rộng những điển hình trên, qua đó tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân về chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật.

1.3. Một số bài học kinh nghiệm rút ra

Một là, các mô hình PBGDPL hiệu quả rất phong phú, đa dạng; có những mô hình chung có thể áp dụng thống nhất, đồng bộ trong cả nước nhưng cũng có những mô hình riêng chỉ phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng cụ thể.

Hai là, việc xác định một mô hình PBGDPL có hiệu quả hay không phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội cụ thể, bảo đảm sự cân đối, hài hoà giữa nhu cầu được thông tin về pháp luật của người dân với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Do vậy, khi xây dựng, nhân rộng các mô hình cần thiết phải có phân tích, đánh giá kỹ về những tác động, cả tích cực và tiêu cực cũng như những yếu tố tác động, ảnh hưởng cụ thể để xây dựng các mô hình, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt.

Ba là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên Hội  đồng phối hợp PBGDPL; sự tham mưu chủ động tích cực của cơ quan tư pháp, pháp chế Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn; sự chủ động vào cuộc, tích cực vận động, thuyết phục thành viên, Hội viên tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, tổ chức; sự tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Đây là những nhân tố quyết định sự thành công hay không thành công của các mô hình PBGDPL được nghiên cứu, xây dựng...

Bốn là, hằng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần sớm chỉ đạo, hướng dẫn định hướng về chủ đề, nội dung, hình thức trọng tâm cần tuyên truyền, phổ biến, bảo đảm sát với nhu cầu xã hội, với việc triển khai các chính trị - pháp lý của đất nước, của từng Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Đặcbiệt, cần phải đa dạng hóa các hình thức tổ chức thực hiện; xác định nội dung bảo đảm cân đối giữa nhu cầu của đối tượng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, bảo đảm nội dung ngắn ngọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ vận dụng, sát thực tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng tiếp cận của từng nhóm đối tượng  cụ thể; có sự lồng ghép trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào vận động quần chúng.

Năm là, khi xây dựng mô hình PBGDPL cụ thể cần phải tính toán đầy đủ các nguồn lực và điều kiện bảo đảm; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi thực hiện, kịp thời sơ kết, tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích; tiếp tục động viên, khích lệ, huy động các nguồn lực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện các mô hình PBGDPL hiệu quả, nhất là các ý tưởng, các sáng kiến trong đổi mới công tác PBGDPL; đồng thời đánh giá tính hiệu quả để có kế hoạch nhân rộng mô hình.

2. Định hướng triển khai các mô hình PBGDPL hiệu quả trong thời gian tới

Để phát huy đầy đủ vai trò, ý nghĩa của các mô hình PBGDPL hiệu quả, trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội, bám sát theo nội dung, tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW cũng như Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước trong cung cấp thông tin về pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức trong việc tự giác học tập, tìm hiểu pháp pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội hướng dẫn gắn với xây dựng và nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả, bảo đảm sát thực với điều kiện thực tiễn của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.

Hai là, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật gắn với đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác PBGDPL, tránh phô trương, hình thức để đây thực sự trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Nội dung, hình thức tổ chức thực hiện phải phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; bảo đảm tính toàn diện, cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở, phục vụ tối đa nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Ba là, phát huy đầy đủ vai trò tư vấn định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình PBGDPL gắn với triển khai nhiệm vụ công tác PBGDPL của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp, pháp chế Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các mô hình PBGDPL hiệu quả. Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL để mỗi người đều tích cực, chủ động tham gia; nâng cao nhận thức pháp luật, tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; giám sát việc xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả; chú trọng việc lồng ghép trong quá trình triển khai thực hiện để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Tiếp tục khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia xây dựng, để xuất, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối, bố trí các nguồn lực.

Năm là, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác PBGDPL; phát huy các sáng kiến trong việc triển khai, xây dựng và phát triển các mô hình hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn để tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sáu là, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục khảo sát, đánh giá đối với từng mô hình PBGDPL cụ thể; chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá về hiệu quả của từng mô hình PBGDPL để xem xét, nhân rộng trong cả nước hoặc trong từng Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Việc sơ kết, tổng kết, đánh giá cần làm rõ những ưu điểm, hạn chế, những tác động tích cực, tiêu cực của từng mô hình, rút ra những bài học kinh nghiệm; phát hiện những vướng mắc, bất cập, những điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời để triển khai thực hiện tốt nhất Luật PBGDPL và các văn bản ướng dẫn thi hành sát với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.

 

 

 

 

 

 

 

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THEO TINH THẦN KẾT LUẬN SỐ 80-KL/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

                                      PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Trưởng Bộ môn Luật

Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp

       

1. Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - công cụ quan trọng góp phần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu

Các nhà nghiên cứu về lĩnh vực tuyên truyền pháp luật cho rằng đánh giá hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là rất cần thiết, tuy nhiên đây là công việc rất khó và phức tạp. Việc đánh giá không phải mục đích tự thân mà là phương pháp để làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu, những hạn chế của hoạt động PBGDPL, từ đó có những điều chỉnh để hướng tới hiệu quả cao hơn. Một trong những giải pháp thúc đẩy công việc này là Bộ Tư pháp ban hành Thông tư  số 03/2018/TT-BTP ngày 10 tháng 3 năm 2018 quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là một bước quan trọng để có cơ sở thực tiễn đề xuất các giải pháp tăng cường công tác PBGDPL, đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu. Với cách tiếp cận của Thông tư thì các tiêu chí (hay chỉ số) đánh giá trải theo diện rộng, từ khâu quản lý nhà nước đến khâu tổ chức triển khai hoạt động PBGDPL. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là phù hợp với giai đoạn đầu triển khai chủ trương đánh giá hiệu quả của PBGDPL.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới đặt ra sau khi tổng kết thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, cần có những đổi mới trong phương pháp và cách thức đánh giá hiệu quả PBGDPL. Trong Bộ tiêu chí đã ban hành, có thể thấy việc đánh giá hiệu quả PBGDPL nghiêng về định lượng hơn là định tính. Điểm căn cốt nhất của Thông tư là đánh giá hiệu quả PBGDPL. Nhưng Nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả tác động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tối đa chỉ 20 điểm. Trong khi đó các nhóm tiêu chí khác chiếm tới 80 điểm: Nhóm tiêu chí thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL tối đa 30 điểm; Nhóm tiêu chí triển khai các hoạt động PBGDPL tối đa là 20 điểm; Nhóm tiêu chí về các điều kiện bảo đảm thực hiện PBGDPL tối đa 20 điểm và Nhóm tiêu chí khác tối đa là 10 điểm. Bên cạnh đó, việc tính điểm theo từng đầu việc để đánh giá hiệu quả PBGDPL là vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

Trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đề ra các yêu cầu cao hơn, các nhiệm vụ mới hơn so với 17 năm trước đây khi Chỉ thị số 32-CT/TW ra đời. Điểm cần chú ý là Kết luận số 80-KL/TW có tới 11 lần nhắc đến hai từ “hiệu quả”. Như vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cơ bản để có thêm căn cứ xác định hiệu quả của hoạt động PBGDPL theo tinh thần Kết luận nói trên.

Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số vấn đề về đánh giá hiệu quả PBGDPL nhằm góp thêm ý kiến vào việc hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.

2. Hiệu quả PBGDPL và đánh giá hiệu quả PBGDPL

2.1. Mô hình đưa pháp luật vào đời sống và đặc điểm của PBGDPL

Để pháp luật đến với người dân, cách thức và phương pháp PBGDPL ở các quốc gia được tiến hành khác nhau. Ở các quốc gia phát triển thường áp dụng mô hình người dân chủ động tiếp cận pháp luật (các chuyên gia gọi là mô hình “kéo”), theo đó người dân phải tự tìm hiểu pháp luật và bằng trải nghiệm của mình trong cuộc sống mà hiểu biết pháp luật. Nhà nước đóng vai trò thứ yếu, hỗ trợ một phần nhỏ cho công dân dưới hình thức tư vấn pháp luật miễn phí hay trợ giúp pháp lý cho người thu nhập thấp và nhóm yếu thế trong xã hội; đa số người dân khi có việc liên quan đến pháp luật, tư pháp đều tìm đến luật sư.

Do đặc điểm phát triển của mình, Việt Nam và một số quốc gia khác áp dụng mô hình “thụ động” (các chuyên gia gọi là mô hình “đẩy”), theo đó, hoạt động PBGDPL do Nhà nước tổ chức thực hiện là chủ yếu, với một lực lượng khá đông đảo các cơ quan, tổ chức và công chức chuyên trách làm công tác này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích người dân tự tìm hiểu pháp luật.

Với hai mô hình đưa pháp luật đến với người dân, phương pháp và cách thức đánh giá hiệu quả PBGDPL cũng có những khác biệt. Như đã phân tích ở trên, việc ban hành Thông tư 03/2018/TT-BTP để đánh giá hiệu quả PBGDPL cơ bản là phù hợp với mô hình thứ hai (mô hình “thụ động”). Nhưng hiện nay, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế đòi hỏi ngày càng cao về trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong xã hội. Nguyên tắc thượng tôn pháp luật (luật là tối thượng) không cho phép một xã hội văn minh mà người dân ở đó lại có thái độ bất tuân pháp luật. Vì vậy, để theo kịp những biến đổi của tình hình và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, cần có những giải pháp căn cơ hơn, không chỉ trong tổ chức thực hiện pháp luật, mà còn phải đánh giá được thực chất hiệu quả của PBGDPL để có hướng điều chỉnh hoạt động này cho phù hợp. Đây là bài toán có độ khó cao, tìm được lời giải sẽ tốn nhiều công sức và thời gian không kém gì công tác PBGDPL.

Để đánh giá được hiệu quả PBGDPL, cần nhận diện một số đặc điểm của hoạt động này, đó là:

- PBGDPL tác động đến lĩnh vực tinh thần của con người biểu hiện một cách trực tiếp, từ đó tác động gián tiếp đến kinh tế - văn hóa, xã hội, vì vậy, việc đánh giá một yếu tố có tính phi vật chất như vậy gặp nhiều khó khăn, không chỉ đánh giá bằng các chỉ số định lượng.

- Kết quả PBGDPL biểu hiện ở cả ý thức và hành vi của con người, do đó trước hết cần đánh giá sự hiểu biết pháp luật (nhận thức pháp luật), sau đó là hành vi của con người trong thực tiễn (hành vi pháp luật).

-  Kết quả PBGDPL không đến ngay một lúc mà đến dần dần, trong một thời gian tương đối dài, để đánh giá được cần có thời gian.

- Chỉ số định lượng đóng vai trò là điều kiện cần; chỉ số định tính đóng vai trò là điều kiện đủ khi đánh giá hiệu quả PBGDPL.

2.2. Khái niệm hiệu quả PBGDPL

Hiện nay trong khoa học về tuyên truyền, có những cách hiểu khác nhau về hiệu quả, nhưng tựu chung lại, các ý kiến đều thống nhất ở chỗ coi hiệu quả là sự so sánh giữa kết quả trước và sau khi tiến hành một hoạt động nào đó. Nghĩa là một việc làm có khả năng thu được kết quả nhiều nhất, vững chắc nhất mà lại ít tốn công sức nhất. Trong triết học và xã hội học, khái niệm “hiệu quả” được hiểu gồm 2 thành tố: mục đích và kết quả. Trong lĩnh vực pháp luật, hiệu quả được phản ánh chủ yếu thông qua thực tiễn thi hành pháp luật.

Trong PBGDPL, hiệu quả được coi là sự tương quan giữa kết quả đạt được trên thực tế và mục đích PBGDPL đề ra. Nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định, với các chi phí về nguồn lực thấp nhất có thể thu được kết quả bền vững về ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật và cách xử sự theo pháp luật của các thành viên trong xã hội. Như vậy hiệu quả PBGDPL là sự tương quan giữa kết quả đạt được với mục đích mà PBGDPL đặt ra và với chi phí để đạt được kết quả đó.

Từ định nghĩa này có thể thấy các thành tố của hiệu quả PBGDPL bao gồm: mục đích, kết quả và chi phí cho hoạt động này.

2.2.1. Thành tố thứ nhất, mục đích của PBGDPL, bao gồm:

a- Hình thành ở con người tri thức pháp luật có hệ thống (từ đơn giản đến phức tạp, từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính).

b- Hình thành ở con người sự tự tin và vững vàng trước các tình huống cụ thể của đời sống pháp luật, luôn hướng tới hành vi hợp pháp

Hành vi của con người bị chi phối bởi sự hiểu biết pháp luật và sự tự tin, kiên định vào hành vi hợp pháp của mình. Trên cơ sở niềm tin đó, con người tự kiểm soát được mình trong ứng xử. Sự tự tin vào pháp luật và vững vàng chính là yếu tố cơ bản của ý thức pháp luật cá nhân để từ đó hình thành thái độ tôn trọng pháp luật.

2.2.2. Thành tố thứ hai, kết quả PBGDPL, bao gồm:

- Sự hiểu biết pháp luật của con người, của cộng đồng tăng lên;

- Nhu cầu sử dụng pháp luật gia tăng;

- Việc tuân thủ pháp luật tốt hơn

- Thói quen hành động theo pháp luật, kiềm chế trước việc thực hiện hành vi phạm pháp được củng cố;

- Sự phản ứng, đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật.

2.2.3. Thành tố thứ ba, chi phí cho PBGDPL, bao gồm:

- Chi phí vật chất (phương tiện, công cụ kinh phí) cho PBGDPL;

- Chi phí cho con người làm công tác PBGDPL;

- Chi phí về thời gian cho PBGDL.

Ba yếu tố trên đây đều đòi hỏi phải tiết kiệm tối đa trong hoạt động PBGDPL.

Nhưng kết quả của PBGDPL không chỉ do chi phí về nguồn lực và thời gian mang lại, nó còn là hệ quả tác động của của nhiều yếu tố khác như tác động của công tác tư tưởng, tính thuyết phục, giáo dục và sức mạnh cưỡng chế của pháp luật, tác động các định chế xã hội như các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử của các tổ chức, đoàn thể xã hội, hương ước, quy ước, luật tục, giáo lý…

2.3. Phân loại hiệu quả PBGDPL

Trong lĩnh vực PBGDPL có thể phân loại hiệu quả như sau:

2.3.1. Hiệu quả trước mắt và hiệu quả lâu dài (theo thời gian tác động của hoạt động PBGDPL)

Hiệu quả trước mắt được đánh giá trong một khoảng thời gian ngắn (thường là một quý, nửa năm, một năm...), tương ứng với các kế hoạch ngắn hạn về PBGDPL.

Hiệu quả lâu dài được đánh giá cho một khoảng thời gian dài (thường là 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn), tương ứng với các chương trình, kế hoạch dài hạn về PBGDPL.

2.3.2. Hiệu quả vật chất và hiệu quả tinh thần (theo kết quả PBGDPL)

Hiệu quả vật chất (hữu hình) được đánh giá bằng sự thay đổi trong hành vi của con người, của cộng đồng.

Hiệu quả tinh thần được đánh giá bằng sự thay đổi trong lĩnh vực tư tưởng như nhận thức, thái độ, niềm tin của con người.

Tuy nhiên, cách phân loại trên đây chỉ mang tính chất tương đối. Trong đánh giá hiệu quả PBGDPL, chủ yếu là đánh giá theo cách phân loại thứ hai (hiệu quả vật chất và hiệu quả tinh thần). Từ cách đánh giá này cho thấy hiệu quả PBGDPL là một thể thống nhất giữa hiệu quả tinh thần và hiệu quả vật chất, được thể hiện ở 03 mức độ từ thấp đến cao:

(i) Tri thức pháp luật;

(ii) Hình thành thái độ tích cực, sự tự tin pháp luật, hướng tới cách xử sự hợp pháp;

(iii) Hành động trong thực tiễn.

Trong ba mức độ nói trên, hành động trong thực tiễn phản ánh mức độ cao nhất của hiệu quả PBGDPL. Thông qua hành động thực tiễn mà con người tham gia vào đời sống pháp luật của xã hội với những hành vi tích cực, hợp pháp. Nhưng con người sẽ không dừng lại ở hành động thực tiễn mà sẽ có những nhu cầu mới về tìm hiểu pháp luật. Cứ như vậy chu trình tác động của PBGDPL liên tục hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu cao hơn của xã hội.

2.4. Phương pháp và tiêu chí đánh giá hiệu quả PBGDPL

2.4.1. Phương pháp đánh giá hiệu quả PBGDPL

Để đánh giá chính xác hiệu quả PBGDPL, trước hết cần sử dụng phương pháp xã hội học với các phương pháp chủ yếu như quan sát, phỏng vấn, ankét, thực nghiệm. Bằng phương pháp xã hội học, có thể xác lập mối liên hệ giữa việc tăng cường PBGDPL với tình hình chấp hành pháp luật, củng cố kỷ cương và trật tự pháp luật[4]. Bên cạnh đó, cần sử dụng phương pháp toán học để phân tích hiệu quả PBGDPL thông qua các dữ liệu tập hợp từ nhiều kênh, kết hợp với việc so sánh các dữ liệu của cơ quan, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL và dữ liệu của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngoài ra cần sử dụng các phương pháp đánh giá mang tính truyền thống như: phương pháp phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, phương pháp so sánh.

2.4.2. Phác thảo các tiêu chí đánh giá hiệu quả PBGDPL

Các tiêu chí đánh giá hiệu quả PBGDPL rất đa dạng, có thể nêu một số tiêu chí sau:

(i) Mức độ thay đổi của nhận thức pháp luật (hoạt động nhận thức);

(ii) Mức độ đáp ứng yêu cầu của người dân về thông tin pháp luật;

(iii) Mức độ hài lòng của người tiếp nhận thông tin về pháp luật;

(iv) Mức độ quan tâm của xã hội đối với pháp luật;

(v) Sự hiểu biết pháp luật ở mỗi cá nhân, ý chí vững vàng trong các tình huống cụ thể của cuộc sống để hành động theo pháp luật;

(vi) Tính chủ động của người dân trong đời sống pháp luật; ý thức về quyền và nghĩa vụ của công dân và mức độ thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân;

(vii) Thái độ tích cực đấu tranh chống vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng;

(viii) Mức độ chi phí về nguồn lực và thời gian cho PBGDPL.

Đây là một số tiêu chí bước đầu chúng tôi nêu ra để các đại biểu cùng trao đổi. Mỗi tiêu chí nói trên sẽ được cụ thể hóa và chi tiết hơn. Để đánh giá được hiệu quả PBGDPL theo các tiêu chí này, cần sử dụng phương pháp xã hội học và nhiều phương pháp khác. Đây là vấn đề khó và phức tạp, vì vậy chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Khoa học pháp lý và Vụ PBGDPL nghiên cứu một đề tài khoa học cấp Bộ về hiệu quả PBGDPL trong tình hình mới để có đầy đủ cơ sở khi đánh giá về công tác PBGDPL./.

 

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN CỦA MẶT TRẬN TRONG THAM GIA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRONG TÌNH HÌNH MỜI

 

Ban Dân chủ - Pháp luật,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

          1. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

          Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò quan trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và vận động Nhân dân thực hiện pháp luật. Vì là bộ phận của hệ thống chính trị, có mạng lưới đến tận khu dân cư.

          Xác định là nhiệm vụ quan trọng nên trong thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân ở cộng đồng khu dân cư cũng như cán bộ làm công tác Mặt trận.

          2. Một số kết quả công tác tuyên truyền, PBGDPL

Trên cơ sở Chương trình kế hoạch xây dựng Luật, Pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn Trung ương các tổ chức thành viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua nhiều đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về kiểm soát quyền lực... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động tuyên truyền, phổ biến nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đông đảo tầng lớp Nhân dân như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Khiếu nai; Luật Tố cáo; Luật Hôn nhân gia đình...

Trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức thực hiện một số đề án về tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư như: "Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”; "Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013 - 2016".

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày ngày 11/7/2019, phê duyệt đề án "Tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021,  Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-MTTW-BTT, ngày 14 tháng 11 năm 2019 về triển khai tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021 trong toàn hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến khu dân cư nhằm tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần cải thiện tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng, đến nay hầu hết các tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đối với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận, vừa qua Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nghiên và đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án “Toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng” dự kiến đề án sẽ được trình cơ quan có thầm quyền phê duyệt đầu năm 2021.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PBGDPL, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn đa dạng hóa các hình thức thực hiên với nội dung phù hợp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động; vận động các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Gia đình không có ma túy và tệ nạn xã hội”; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng “Nông thôn mới”, “Khu phố, làng văn hóa” phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốctuyên truyền, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng dân cư. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL vào nội dung, chương trình hoạt động tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, đội thông tin lưu động, câu lạc bộ pháp luật. Do vậy, nhiều tổ chức thành viên triển khai thực hiện các mô hình tuyên truyền PBGDPL hiệu quả như: Hội Liên hiệp phụ nữ với "Ngôi nhà bình yên", "Tổ tư vấn cộng đồng tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp"; Hội nông dân Việt Nam với mô hình " Nông dân với pháp luật", "Trung tâm tư vấn pháp luật"; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với "Tổ tuyên truyền pháp luật khu nhà trọ”… Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc dồn điền, đổi thửa; bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án; an toàn giao thông. Kết quả tuyên truyền, vận động Nhân dân đã góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Định kỳ hàng năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp luôn coi trọng hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua vận động Nhân dân hưởng ứng Ngày pháp luật và tuyên truyền pháp luật gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đây là hoạt động thiết thực, hiệu quả nhất trong các mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn dần dần đi vào cuộc sống của Nhân dân  một các thụ động, không gượng ép.

Hàng năm, Ban Thường trực hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó hướng dẫn lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật vào tổ chức “Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, do vậy tại các khu dân cư trong các phần "Lễ " hoặc "Hội" của ngày Hội đại đoàn kết đều tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua thi tìm hiểu pháp luật, thi hái hoa dân chủ, sân khấu hóa hoặc tuyên truyền thông qua trực quan sinh động bằng hình ảnh chủ yếu pháp luật về hôn nhân gia đình, về an toàn giao thông, về khiếu nại,tố cáo, bảo vệ môi trường về hòa giải ở cơ sở... Đây là sáng kiến thiết thực, hiệu quả cao được nhiều địa phương triển khai thực hiện và được đông đảo tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

- Hàng năm, Ban Thường trực tổ chức triển khai hưởng ứng Ngày pháp luật tại cơ quan Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.Theo đó, trong thời gian qua Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trực tiếp tuyên truyền hàng chục các văn bản quy phạm pháp luật đến đông đảo cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan. trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật như: Hiến pháp 2013; Bộ luật dân sự; Bộ luật hình sự; các văn bản pháp luật liên quan đến biển đảo và các văn bản liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Đây là các văn bản pháp luật gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, gắn với đời sống hàng ngày của cán bộ, công chức, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý trong cán bộ, công chức, người lao động.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền pháp luật thông qua triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với 4 hình thức giám, 03 hình thức phản biện xã hội của các cấp mặt trận từ trung ương đến cơ sở cũng là phương thức phổ biến pháp luật có hiệu quả.

 Với vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở. Thông qua thực hiện hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên là cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đồng thời là các tuyên truyền viên pháp luật trực tiếp tham gia tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân đến địa bàn khu dân cư. Hàng năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tập huấn, chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ và nhân rộng đội ngũ tuyên truyền viên của Mặt trận tổ quốc các cấp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hệ thống cơ quan truyền thông, gắn bó mật thiết và chia sẻ thông tin trên diện rộng. Ngoài báo đại đoàn kết, tạp chí công tác Mặt trận, hầu hết các tổ chức thành viên đều có hệ thống truyền thông riêng. Do đó, công tác tuyên truyền PBGDPL của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được bao phủ trên diện rộng.

          2. Một số giải pháp phát huy vai trò tuyên truyền, PBGDPL của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới

          - Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở cơ sở phát huy vai trò, hiệu quả của các câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt, kết hợp giữa PBGDPL với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động của các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đưa công tác PBGDPL vào hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đoàn thể, vận động toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân tham gia vào công tác này.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật " gắn với "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân" hàng năm, đa dạng các hình thức PBGDPL, tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, tuyên truyền thông qua họp dân, hội nghị giao ban, sinh hoạt chuyên đề, sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

- Nâng cao chất lượng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong hệ thống Mặt trận.

- Tiếp tục thực hiện tốt các Chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.

  - Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PBGDPL ở cơ sở, kịp thời tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, thực hiên biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.

3. Về đề xuất kiến nghị

- Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, để công tác tổ chức thi hành pháp luật tương xứng với công tác xây dựng pháp luật. Đề cao  trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Chỉ đạo các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đảm bảo chế độ cho công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho báo cáo viên.

 - Đề nghị các bộ, ngành trung ương tăng cường đưa công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, PBGDPL.

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ban Thường Trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết Liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVNngày 18/11/2014 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại địa phương.

- Có quy định cụ thể bảo đảm kinh phí cho công tác tuyên truyền, PBGDPL, tiếp cận pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO PHÁT HUY VAI TRÒ

CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA

CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

                                                               Bộ Quốc phòng

 

          Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đặc trưng cơ bản là tinh thần thượng tôn pháp luật; nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân tham gia các quan hệ xã hội và lựa chọn xử sự theo quy định của pháp luật. Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. PBGDPL là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống xã hội, là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật; giúp cho mọi tổ chức và cá nhân xác định đúng phạm vi và mức độ điều chỉnh của pháp luật để chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận của xã hội, là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân. Quá trình hoạt động, các tổ chức, cá nhân trong Quân đội đều tham gia vào quan hệ xã hội và chịu sự điều chỉnh của pháp luật như mọi tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh đó, mỗi tổ chức, cá nhân trong Quân đội còn có nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng đất nước vững mạnh. Vì vậy, công tác PBGDPL luôn được các cấp, các ngành trong Quân đội quan tâm sâu sắc.

Nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đòi hỏi, không chỉ đổi mới về trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật, kỹ chiến thuật, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao mà còn đòi hỏi mỗi quân nhân, công nhân viên chức, lao động quốc phòng phải là những người có nhận thức pháp luật sâu sắc, có tính kỷ luật nghiêm minh, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nền quốc phòng nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế đã, đang và sẽ diễn ra thường xuyên, liên tục nên mọi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng phải nắm vững pháp luật trong nước và quốc tế để tuân thủ đúng pháp luật.

Quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân" (Chỉ thị số 32-CT/TW); Thông báo số 74-TB/TW về kết luận của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Kết luật số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật PBGDPL; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW... Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đạt được những kết quả quan trọng, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; nổi bật là:

1. Tập trung xây dựng, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác PBGDPL bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn quân

QUTW, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục chính trị, PBGDPL. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề hoặc lồng ghép trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giai đoạn và thường kỳ để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL; các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa, xây dựng Kế hoạch thực hiện ở cấp mình; các tổ chức quần chúng xây dựng Kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy đảng cấp mình và hướng dẫn của cơ quan cấp trên về công tác PBGDPL.

Thực hiện Luật PBGDPL, theo thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa, triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong Bộ Quốc phòng[5]. Do đó, những năm qua, cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, sự cần thiết của công tác PBGDPL, có sự thống nhất cao về tư tưởng, phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và thực hiện công tác PBGDPL. Công tác PBGDPL của Bộ Quốc phòng đã được triển khai toàn diện, bằng nhiều hình thức, biện pháp với nội dung phù hợp đối tượng giáo dục và đặc thù cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL được bảo đảm, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sử dụng đúng quy định và phát huy hiệu quả; chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được từng bước nâng cao; vị trí, vai trò của các tổ chức, lực lượng, cơ quan, đoàn thể trong công tác PBGDPL được phát huy; hệ thống cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ công tác PBGDPL cơ bản được bảo đảm từ Bộ xuống đến đơn vị cơ sở; các hình thức, mô hình PBGDPL trong toàn quân đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng và đặc thù của từng cơ quan, đơn vị; công tác PBGDPL đã được gắn kết chặt chẽ với các hoạt động của cơ quan, đơn vị và các cuộc vận động, phong trào thi đua quyết thắng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm.

2. Xây dựng kế hoạch và triển khai toàn diện công tác PBGDPL phù hợp với đặc thù quân đội

Căn cứ vào Nghị quyết và chương trình hành động của QUTW, Bộ Quốc phòng xây dựng Chương trình, kế hoạch PBGDPL giai đoạn, hằng năm và từng lĩnh vực pháp luật bảo đảm phù hợp với đặc thù quân đội; trong đó đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình PBGDPL theo giai đoạn và hằng năm; gắn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm được giao theo chương trình PBGDPL với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, phù hợp với thực tiễn Quân đội; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch PBGDPL. Đã có 13 Đề án về PBGDPL được lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trong Bộ Quốc phòng đạt hiệu quả, nhiều đề án đạt hiệu quả cao, như: Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”[6]; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong Quân đội, giai đoạn 2017- 2021”[7]; Đề án “Tuyên truyền, thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh đến năm 2020”; Đề án “Tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng cho các tầng lớp nhân dân và công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2021”[8]; Đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh[9]; Đề án tuyên truyền, PBGDPL về dân quân tự vệ[10]; Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015” đến năm 2020[11]; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quốc phòng năm 2018[12]; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023”...

3. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện PBGDPL

Mặc dù, Hội đồng phối hợp PBGDPL không quy định thành lập ở cấp Bộ, song do yêu cầu công tác PBGDPL trong Quân đội, Bộ Quốc phòng quy định Hội đồng phối hợp PBGDPL thành lập ở cấp Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; các vùng hải quân, cảnh sát biển, hải đoàn biên phòng; Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng cấp tỉnh; các đơn vị sư đoàn, lữ đoàn và tương đương. Việc quyết định thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL ở các cấp, những năm qua đã phát huy tốt vị trí, vai trò của các cơ quan trong phối hợp tham mưu, tư vấn, giúp cấp ủy, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác PBGDPL; đồng thời, làm nòng cốt trong phối hợp tổ chức thực hiện công tác PBGDPL; công tác tham mưu, tư vấn, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với đoàn thể, chính quyền địa phương nơi đóng quân, làm nhiệm vụ trong công tác PBGDPL cũng được thực hiện hiệu quả hơn, nhất là đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển trong phối hợp tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo[13].

          4. Xác định nội dung trọng tâm cần PBGDPL và lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với các đối tượng cơ quan, đơn vị, địa bàn

          Nội dung PBGDPL được lựa chọn phù hợp với những vấn đề thời sự của đất nước, đặc điểm từng đối tượng, địa bàn, tình hình nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị quân đội. Gắn việc quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị với việc PBGDPL. Đối với sĩ quan, học viên các học viện, nhà trường Quân đội được trang bị kiến thức lý luận chung về nhà nước và pháp luật; pháp luật về quốc phòng, an ninh, kinh tế, hành chính và các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn công tác. Các đối tượng còn lại được phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quân sự, quốc phòng, các văn bản pháp luật thuộc chuyên ngành công tác và văn bản liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Đối với nhân dân trên địa bàn đóng quân, giới thiệu các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, bảo vệ an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội và các quy định pháp luật khác liên quan đến các quan hệ xã hội phổ biến hàng ngày. Bên cạnh đó, công tác PBGDPL đã bám sát các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, nhất là, tuyên truyền về nội dung, kết quả các kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…[14]

          Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã chú trọng thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình đơn vị, đặc điểm tâm lý cán bộ, chiến sĩ, như: Kết hợp với sinh hoạt tư tưởng, học tập chính trị, quân sự; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL (tuyên truyền, phổ biến qua mạng internet, mạng misten trong Quân đội, cổng thông tin điện tử, giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu); sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa văn nghệ; mô hình “câu lạc bộ pháp luật: “tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” được triển khai ở nhiều đơn vị; phong trào “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” đã phát huy tác dụng thiết thực ở nhiều đơn vị trong toàn quân. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11) hằng năm và Mô hình thực hiện “Ngày Pháp luật hằng tháng” trong Quân đội đã được toàn quân hưởng ứng sôi nổi với nhiều nội dung, hình thức, sinh động[15]. Tủ sách pháp luật được thành lập ở cấp tiểu đoàn, đại đội độc lập và tương đương trở lên, phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác PBGDPL[16]

          Các cơ quan báo chí trong Quân đội làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, Cổng Thông tin điện tử Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Bản tin Pháp luật Bộ Quốc phòng, các báo, tạp chí, tờ tin, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các học viện, nhà trường, quân khu, quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… duy trì thường xuyên chuyên mục, chuyên trang, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời phản ánh hoạt động PBGDPL[17].

          Gắn công tác PBGDPL với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào, như: Cuộc vận động quản lý, khai thác vũ khí, trang bị tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt bộ đội, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, qua đó có tác dụng tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

5. Xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL

Thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước giai đoạn 2013 - 2016”, QUTW đã chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL phù hợp với đặc thù quân đội; đã triển khai chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tại các trường chuyên ngành luật để đào tạo thành giảng viên, giáo viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật trong các học viện, nhà trường và cán bộ công tác tại các cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế trong Quân đội; đồng thời lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực cử đi đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành luật[18]. Đội ngũ cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật thường xuyên được kiện toàn, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng đạt kết quả tốt[19].

6. Bảo đảm các điều kiện triển khai công tác PBGDPL và công tác xã hội hóa hoạt động PBGDPL

QUTW đã lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư các phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất, bố trí nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác giáo dục chính trị, PBGDPL. Hằng năm, Bộ Quốc phòng phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu bảo đảm cho công tác giáo dục chính trị, PBGDPL; các cơ quan, đơn vị huy động bằng các nguồn hợp pháp khác, sử dụng kinh phí, phương tiện, trang thiết bị của các ngành khác để PBGDPL; ngoài việc sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong Quân đội, nhiều cơ quan, đơn vị đã phối kết hợp tốt với các chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, đơn vị kết nghĩa để tiến hành các hoạt động PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ.

Công tác xã hội hóa PBGDPL đã từng bước được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội quan tâm, bằng việc huy động các tổ chức quần chúng, mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm tham gia vào công tác PBGDPL. Hằng năm các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã chi một phần từ nguồn thu tăng gia sản xuất cho hoạt động PBGDPL; các đơn vị hạch toán kinh doanh đã trích một phần lợi nhuận để đầu tư cho công tác PBGDPL.

7. Thường xuyên tiến hành tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác PBGDPL

Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết thự hiện công tác PBGDPL được QUTW, cấp ủy, người chỉ huy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; cơ quan chính trị, pháp chế các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng; đã gắn kiểm tra, giám sát với hướng dẫn tự kiểm tra, giám sát bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, rộng khắp ở các cấp; kiểm tra công tác PBGDPL được tiến hành thường xuyên định kỳ 6 tháng và một năm ở các cấp, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu, nhiệm vụ; ngoài ra, các cấp ủy đảng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề hoặc kết hợp với kiểm tra công tác giáo dục chính trị và công tác khác để tiến hành kiểm tra; thông qua việc kiểm tra, giám sát đã kịp thời đánh giá kết quả triển khai thực hiện, giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đưa công tác PBGDPL đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực[20]. Công tác sơ kết, tổng kết công tác PBGDPL được thực hiện theo đúng quy định của cơ quan chức năng[21].

Tóm lại: Trong những năm quan, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên một bước. Công tác PBGDPL trong Quân đội được xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và các tổ chức quần chúng trong toàn quân. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp thường xuyên quan tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, chỉ huy các cấp và mọi cán bộ, đảng viên. Công tác PBGDPL đã được quán triệt, triển khai toàn diện, đồng bộ ở các cấp, nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan, đơn vị; hình thức đa dạng, phong phú, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và huy động được các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng và cán bộ, chiến sĩ tham gia vào công tác PBGDPL. Nền nếp, chế độ, quy định công tác PBGDPL trong Quân đội được thực hiện khoa học, thống nhất từ bộ đến đơn vị cơ sở. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên giảng dạy pháp luật, đội ngũ phóng viên, biên tập viên pháp luật... không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác PBGDPL. Công tác PBGDPL đã đạt hiệu quả thiết thực, từ việc xác định nội dung, đổi mới trong lựa chọn các hình thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; Tổ chức hưởng ứng, thực hiện Ngày Pháp luật; Các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL, đặc biệt là việc thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Kết quả của công tác PBGDPL đã góp phần quan trọng giữ vững, ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, ý thức chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội không ngừng được nâng cao; tình hình chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội trong toàn quân đã có chuyển biến, tiến bộ căn bản; số vụ việc, số người vi phạm năm sau giảm hơn năm trước, góp phần từng bước nâng cao sức mạnh của Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

 

 

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO, DỤC PHÁP LUẬT VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ TRONG

THAM MƯU, TƯ VẤN THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHỔ BIẾN,

GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

                   Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an

 

1. Công an nhân dân (CAND) là cơ quan thi hành và bảo vệ pháp luật, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên trong tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, có tầm quan trọng rất lớn trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng CAND. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã được toàn ngành CAND quan tâm, chú trọng; các cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp và cán bộ chiến sĩ CAND đã nhận thức rõ ý nghĩa, vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL, thường xuyên chỉ đạo, định hướng toàn diện, kịp thời và đưa công tác này vào nề nếp, phát huy hiệu quả. Qua đó, nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành, tuân thủ pháp luật của cán bộ, chiến sĩ CAND được nâng cao, hạn chế, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu quả của pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật của chính quyền các cấp.

Thực tiễn hoạt động PBGDPL cho thấy, mô hình Hội đồng phối hợp PBGDPL là mô hình phối hợp liên ngành đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL. Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã yêu cầu cần: “Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL và các thành viên của Hội đồng trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện kế hoạch PBGDPL ở từng cơ quan, đơn vi, địa phương”. Trong lực lượng CAND, công tác tuyên truyền, PBGDPL do Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp CAND chỉ đạo, hướng dẫn và giao cho lực lượng pháp chế CAND thực hiện. Hàng năm, căn cứ chương trình hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an đều ban hành Chương trình hoạt động của Hội đồng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động PBGDP; đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các ban ngành, đoàn thể triển khai, thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an đã tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL trong CAND, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Năm 2018, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an được kiện toàn với 29 thành viên, trong đó đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Chủ tịch Hội đồng; các thành viên trong Hội đồng đều là Thủ trưởng đơn vị. Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an được hoạt động dựa trên Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an, theo đó các thành viên trong Hội đồng được phân công trách nhiệm cụ thể, chủ động thực hiện và đảm bảo điều kiện thực hiện Luật PBGDPL trong phạm vi quản lý của mình, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Công tác phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng và Hội đồng phối hợp các cấp ngày một chặt chẽ, thường xuyên, vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp ngày càng được khẳng định. Trong năm 2020, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng đã tham mưu Đảng ủy Công an, lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an căn cứ vào Quy định về thành phần, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an tiến hành hành rà soát, đề xuất kiện toàn, thay thế thành viên tham gia Hội đồng phối hợp PBGDPL, Bộ Công an đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị mình.

Tổ chức pháp chế CAND là đơn vị thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL ở các cấp CAND, đồng thời thực hiện công tác tham mưu Lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị ban hành các thông tư, kế hoạch, chỉ thị, văn bản hướng dẫn về công tác PBGDPL cho Công an các đơn vị, địa phương; đổi mới hình thức, biện pháp và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL. Với nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật dồi dào, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác tham mưu, tư vấn hiệu quả trong PBGDPL. Tính đến năm 2020, tổng số cán bộ làm công tác pháp chế của toàn lực lượng là hơn 3000 đồng chí, trong đó có hơn 400 đồng chí là cán bộ chuyên trách, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong CAND được củng cố, kiện toàn, phát triển cả về số lượng và chất lượng qua từng năm. Triển khai thực hiện Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/07/2016 của Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ban hành văn bản hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật trong CAND. Tính đến ngày năm 2019, số lượng báo cáo viên pháp luật tại Công an các đơn vị, địa phương là hơn 1.800 đ/c, trong đó cấp tỉnh là hơn 640 đ/c, cấp huyện là hơn 1.100 đ/c. Năm 2020, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an đã đề nghị Bộ Tư pháp công nhận 119 báo cáo viên pháp luật Trung ương, miễn nhiệm 25 báo cáo viên pháp luật Trung ương.

2. Hội đồng phối hợp PBGDPL công an các cấp ngày càng có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong cách tiếp cận, liên tục đổi mới, đa dạng các hình thức PBGDPL; kết hợp hoạt động PBGDPL với hoạt động giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, Điều lệnh CAND; vận dụng kết hợp hài hòa giữa hình thức PBGDPL truyền thống với các hình thức PBGDPL mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn; gắn kết chặt chẽ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan làm cho công tác tuyên truyền trở nên sinh động, dễ tiếp thu, đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an đã phối hợp với lực lượng pháp chế CAND tư vấn, giúp Bộ trưởng ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL ở Công an một số đơn vị, địa phương (được lồng ghép trong Kế hoạch kiểm tra công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ, công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp), qua đó, kịp thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đề ra phương hướng khắc phục, đồng thời góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo công an các cấp, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác PBGDPL.

Ngoài ra, Hội đồng phối hợp PBGDPL Công an các cấp ngày một quan tâm, phủ rộng đối tượng được tuyên truyền, PBGDPL đến các tầng lớp nhân dân thuộc nhiều vùng, miền khác nhau và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2013 tới nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã tham mưu, phối hợp tổ chức được 10.483 hội nghị cho 1.605.846 lượt cán bộ, chiến sĩ; 5.700 lớp tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ cho 455.238 lượt cán bộ, chiến sĩ; 285.799 cuộc sinh hoạt đơn vị để phổ biến cho 312.167.524 lượt cán bộ, chiến sĩ về các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; thực hiện sao gửi, cấp phát 887.337 tài liệu, văn bản, sách, băng, đĩa CD; tổ chức phát động 12. 587 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 1.015.716 người tham dự với chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng, đã khuyến khích, động viên được tinh thần chủ động tham gia học tập của cán bộ, chiến sĩ CAND. Riêng lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công an các đơn vị, địa phương thường xuyên duy trì hoạt động của 2.080 mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự; tích cực tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người, phòng, chống tệ nạn xã hội cho cán bộ chủ chốt cấp xã; tổ chức 1.009 cuộc PBGDPL thông qua diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” với 2.004.889 lượt người tham dự. Từ đó, có thể thấy, các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong CAND ngày càng được đẩy mạnh, hướng về cơ sở, do các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án hình sự… thực hiện.

3. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng, đã tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền 1.455 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có 23 luật, 02 nghị quyết của Quốc hội, 09 pháp lệnh, 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 141 nghị định, 72 nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, 107 thông tư liên tịch, 937 thông tư và tham gia xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Pháp chế Công an các đơn vị, địa phương đã trực tiếp xây dựng hoặc thẩm định hàng trăm nghị quyết, văn bản pháp luật về an ninh, trật tự trước khi trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân duyệt, ký bảo đảm về nội dung, hình thức và tiến độ xây dựng văn bản. Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên được ban hành, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp kịp thời tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ trong toàn ngành. Ngoài ra, nhiều đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng CAND như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giam, tạm giữ… còn được Cục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuyên sâu, cập nhật thường xuyên những nội dung sửa đổi, bổ sung và văn bản hướng dẫn tới từng cán bộ, chiến sỹ để nắm bắt kịp thời, đầy đủ. Hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đa dạng, phong phú, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự hấp dẫn, thực chất, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền, phổ biến.

Việc biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng được đặc biệt chú trọng. Từ năm 2005 tới nay, pháp chế CAND đã tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát hàng nghìn cuốn tài liệu, đề cương, đầu sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán, báo cáo viên pháp luật, cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh, phòng chống tội, hội viên Chi hội Luật gia trong lực lượng CAND; biên soạn, cấp phát hàng nghìn cuốn Công báo nội bộ, Thông tin pháp chế đến Công an các đơn vị, địa phương. Lực lượng pháp chế CAND tham mưu lãnh đạo Công an các cấp tổ chức hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”trong CAND với chủ đề, nội dung, hình thức sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; tham mưu với lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021” và tổ chức triển khai thực hiện đến Công an các đơn vị, địa phương; tổ chức triển khai, thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, trong tình hình mới”; hướng dẫn các cơ sở đào tạo của lực lượng CAND tăng cường công tác PBGDPL phù hợp với từng cấp học, bậc học; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010-2015” đến năm 2020 trong CAND, Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống tham nhũng  giai đoạn 2019-2021”, Quyết định ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong CAND; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy định về tuyên truyền, PBGDP trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Quyết định  ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 471/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”...; xây dựng kế hoạch và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PBGDPL cho các đối tượng đặc thù và nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Có thể nhận thấy, Hội đồng và của tổ chức pháp chế CAND đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL trong toàn lực lượng CAND. Để tiếp tục phát huy, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng PBGDPL và tổ chức pháp chế trong tham mưu, tư vấn thực hiện công tác PBGDPL trong CAND, kiến nghị một số giải pháp cần thực hiện như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tổ chức pháp chế CAND và Hội đồng phối hợp PBGDPL  các cấp trong CAND trong công tác PBGDPL. Theo đó, tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ); Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW.

Hai là, quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong thực thi nhiệm vụ của đơn vị mình, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL và tổ chức pháp chế trong tham mưu, tư vấn thực hiện công tác PBGDPL; đồng thời, cần phát huy vai trò của các thành viên trong Hội đồng các cấp trong việc tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị đối với công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL trong phạm vi quản lý của mình, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện phải bám sát các quy định của Luật PBGDPL, các văn bản hướng dẫn thi hành, các Đề án của Chính phủ, của Ngành về công tác PBGDPL và kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL. Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp PBGDPL giữa các đơn vị trong lực lượng CAND và với các ban, ngành ở Trung ương, địa phương; đảm bảo công tác phối hợp của Hội đồng các cấp ngày một chặt chẽ, thường xuyên.

Ba là, tiến hành kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, tham mưu với Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương trong việc nghiên cứu đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng theo hướng linh hoạt, đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tận dụng các tiện ích của công nghệ thông tin trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế ở Bộ và địa phương; tổ chức rà soát toàn diện nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CAND; xây dựng, ban hành quy định về cơ cấu hoạt động và trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trong CAND; đào tạo đội ngũ cán bộ tham mưu trong công tác tuyên truyền, PBGDPL có trình độ pháp lý, nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL giỏi, nghiên cứu xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL, biên soạn tài liệu pháp luật, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng thuần thục trong quá trình thực hiện công tác này. Theo đó, hàng năm, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDP: chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyên truyền, PBGDPL của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần xây dựng, ban hành văn bản của Bộ Công an quy định về tiêu chí đánh giá, chất lượng hiệu quả hoạt động của báo cáo viên, cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác bố trí, đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận, chuyên môn pháp luật, kỹ năng và nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL cho lực lượng làm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Mặt khác, phải hướng dẫn áp dụng chính sách, chế độ đối với báo cáo viên pháp luật, người tham gia tuyên truyền, PBGDPL, đảm bảo thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Bốn là, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong CAND phối hợp với lực lượng pháp chế CAND tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, đổi mới nội dung tuyên truyền, PBGDPL. Không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà nội dung PBGDPL còn phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho các đối tượng thuộc diện tuyên truyền. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, PBGDPL, không chỉ thông qua các hội nghị, hệ thống truyền thanh, công tác hòa giải ở cơ sở mà còn thông qua những hình thức khác như: tọa đàm, hội thoại, thi tìm hiểu pháp luật, cung cấp các tin, bài, cấp phát tài liệu hỏi - đáp, tờ gấp, tờ rơi, panô, áp phích, khai thác, thi tìm hiểu pháp luật qua Tủ sách pháp luật, lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, sân khấu hóa... Tăng cường PBGDPL qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; phát huy vai trò thông tin, tuyên truyền PBGDPL của cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài Ngành để xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền PBGDPL bảo đảm nhanh chóng, kịp thời đưa thông tin pháp luật cần phổ biến, giáo dục, qua đó góp phần định hướng dư luận xã hội.

Năm là, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai công tác PBGDPL và trong công tác của Hội đồng, của tổ chức pháp chế; tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác PBGDPL của đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL để kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tốt; đồng thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, đưa ra các biện pháp khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện./.

 

 

 

 

 

MÔ HÌNH VÀ HOẠT ĐỘNG tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

 

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới doanh nghiệp, người dân (đối tượng chịu sự tác động, thi hành và cũng là chủ thể tham gia hoàn thiện pháp luật) nhằm đảm bảo các chính sách, pháp luật đó được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này cũng thúc đẩy việc thi hành pháp luật hiệu quả, giúp vận hành thông suốt hệ thống pháp luật và cũng từ đó giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngày càng phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua đã khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp không những chịu tác động của thể chế pháp luật trong nước mà còn chịu ảnh hưởng của các thiết chế pháp luật quốc tế. Việc chủ động, tích cực PBGDPL của các cơ quan nhà nước nói chung, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nói riêng đối với doanh nghiệp sẽ nhà nhân tố không thể thiếu được trong tiến trình từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Điều lệ được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 11/11/2016), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam (sau đây gọi chung là cộng đồng doanh nghiệp) nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật.

Là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, mọi nhiệm vụ, hoạt động của VCCI đều liên quan đến xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn thực thi chính sách, pháp luật; phổ biến, cung cấp, hỗ trợ thông tin kinh doanh, khoa học kỹ thuật cho cộng đồng doanh nghiệp…

Các hoạt động của VCCI liên quan đến tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật bao gồm các nhóm nội dung chính:

- Tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật trong nước trong lĩnh vực kinh doanh;

- Tuyên truyền, phổ biến, thực thi các cam kết thương mại quốc tế;

Các hoạt động phổ biến, tuyên tuyền pháp luật luôn được gắn kết chặt chẽ với xây dựng, góp ý, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật.

I. Đưa thông tin, kiến thức pháp luật đến cho doanh nghiệp

Để chuyển tải thông tin một cách hiệu quả tới doanh nghiệp, VCCI luôn nỗ lực sử dụng nhiều cách thức để đưa đến cho cộng đồng doanh nghiệp các thông tin về chính sách pháp luật trong nước và thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là hoạt động quan trọng, góp phần giúp doanh nghiệp nhận biết các chính sách, qua đó chấp hành và thực thi có hiệu quả các chính sách này.

VCCI thực hiện thông tin pháp luật tới doanh nghiệp qua rất nhiều hình thức khác nhau. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ thông tin như hiện nay, việc truyền tải thông tin thông qua website, phương tiện điện tử sẽ có sức lan tỏa và hướng đến được nhiều đối tượng hơn:

- Xây dựng, vận hành các website:

  • Thông tin pháp luật và hỏi đáp, tư vấn chính sách, pháp luật:

Website chính thức của VCCI www.vcci.com.vn có hai chuyên mục: Pháp luật và Hỏi đáp chính sách, đăng tải các thông tin về chính sách, pháp luật và hỏi đáp trong nhiều lĩnh vực, ở các tình huống cụ thể.

Website của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (cơ quan trực thuộc VCCI) www.enternews.vn có chuyên mục Pháp luật: đăng tải các thông tin về kinh doanh và pháp luật, hồ sơ vụ việc, tư vấn cho doanh nghiệp và đơn thư bạn đọc (các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp).

Website của Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc VCCI www.covcci.com.vn đăng tải các quy định pháp luật về xuất xứ, giải đáp thắc mắc liên quan đến xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ.

  • Xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong nước:

Website www.vibonline.com.vn đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu liên quan, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, thông tin chính sách, xây dựng pháp luật, các đề cương/ đặc san tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Xây dựng và vận hành từ 2005, VibOnline là website đầy đủ nhất về các dự thảo/đề nghị xây dựng VBQPPL liên quan đến doanh nghiệp. VibOnline đã đăng tải hơn 2900 dự thảo (phân chia theo loại văn bản và cơ quan soạn thảo), hơn 2300 tài liệu từ 34 cơ quan chủ trì soạn thảo, các ý kiến tổng hợp của VCCI, các sự kiện về xây dựng, các ý kiến bình luận, các ấn phẩm, nghiên cứu về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

VibOnline được nâng cấp, hoàn thiện nhiều lần để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của doanh nghiệp và những người quan tâm.

Đây là giao diện giữa Trung tâm WTO với các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan đồng thời là đầu mối thông tin hội nhập lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cổng thông tin cung cấp tất cả các thông tin cập nhật về pháp luật, thực tiễn, bài học kinh nghiệm, nghiên cứu vụ việc… liên quan đến WTO và các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam có liên quan.

Đặc biệt, Cổng thông tin duy trì cùng lúc 2 phiên bản (tiếng Anh và tiếng Việt), phục vụ cả các đối tượng doanh nghiệp nội địa và FDI.

Được xây dựng và hoạt động từ năm 2008, website www.chongbanphagia.vn (tiếng Việt) và www.antidumping.vn (tiếng Anh) hiện nay là đầu mối thông tin lớn nhất về vấn đề này tại Việt Nam, được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ quan Nhà nước đánh giá cao. Website thường xuyên cập nhật số liệu về các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới và Việt Nam, tổng hợp và tóm tắt các quy định, văn bản pháp luật mới về phòng vệ thương mại cũng như các rào cản thương mại khác tại thị trường nước ngoài. Cập nhật thông tin, tư vấn hành động cho các doanh nghiệp Việt Nam về các vụ kiện phòng vệ thương mại tại nước ngoài cũng như cách thức hiệu quả sử dụng các công cụ này tại thị trường trong nước.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 01/2017, Cổng thông tin điện tử mới của VCCI về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã trở thành đầu mối thông tin đầy đủ tại Việt Nam, với hai phiên bản Tiếng Anh và Tiếng Việt, giới thiệu đầy đủ, chi tiết về các nội dung (các thỏa thuận, cam kết…) của AEC và tình hình thực thi của AEC của Việt Nam.

- Cung cấp kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng

  • Pháp luật trong nước:

VCCI đã tổ chức hàng trăm khoá đào tạo về phát luật thương mại Việt Nam, đặc biệt là các kỹ năng pháp lý, thông tin về những quy định mới nhất liên quan đến doanh nghiệp, các vấn đề cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp (thuế, kế toán, quản trị doanh nghiệp…) và của từng nhóm doanh nghiệp, ngành hàng.

Bên cạnh đó, VCCI cũng phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật (ví dụ: phối hợp với Đài truyền hình Việt nam xây dựng và phát song các chương trình “Pháp luật kinh doanh”; các chuyên gia, cán bộ VCCI viết bài, trả lời phỏng vấn trên các báo, tham gia các talkshow về những vấn đề pháp luật kinh doanh quan trọng, liên quan đến doanh nghiệp…).

VCCI cũng phát hành các ấn phẩm phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp như các mẫu hợp đồng, quản trị nội bộ doanh nghiệp, trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp…

VCCI cũng tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan, đối thoại với cơ quan thẩm quyền trong một số ngành cụ thể, bên cạnh đó còn nhiều diễn đàn, đối thoại trao đổi các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật và thực thi pháp luật.

  • Pháp luật thương mại quốc tế:

VCCI có nhiều chương trình cụ thể hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp:

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về Cộng đồng kinh tế ASEAN

Đây là đầu mối thông tin lớn nhất về AEC cho doanh nghiệp ở Việt Nam: cung cấp cơ sở dữ liệu đầy đủ và phân loại rõ ràng nhất cho doanh nghiệp về AEC, đặc biệt là các thỏa thuận, cam kết của khối này; tập hợp, cập nhật và đăng tải các các tin tức, nghiên cứu đánh giá tác động, sự kiện về AEC cùng các tài liệu liên quan khác về AEC cho doanh nghiệp.

Tư vấn cho các doanh nghiệp về thuế quan, các biện pháp phi thuế, dầu tư, dịch vụ và các nội dung khác liên quan tới việc tận dụng hiệu quả các cam kết AEC.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA)

Xây dựng Bản tóm tắt từng Chương của EVFTA, đăng tải kèm theo văn kiện từng Chương của EVFTA, 10 Cẩm nang về EVFTA cho doanh nghiệp liên quan tới các ngành dưới dạng hỏi đáp về các nội dung cam kết EVFTA có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh.

Soạn thảo 03 bộ tài liệu phân tích, phổ biến tuyên truyền về EVFTA cho doanh nghiệp, loạt Booklets EVFTA và các ngành kinh tế…

Tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về các vấn đề nội dung EVFTA và triển vọng ký kết, phê chuẩn EVFTA.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP-CPTPP):

Thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị liên quan về các cam kết CPTPP thông qua các hình thức khác nhau (website, bản tin, sách hướng dẫn, hội thảo, đào tạo...). Thực hiện các điều tra, nghiên cứu về tình hình thực hiện CPTPP và khả năng tận dụng hiệp định này của Việt Nam để từ đó đưa ra các góp ý, khuyến nghị chính sách nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi ích và giảm thiếu các thách thức từ Hiệp định này.

Ví dụ: Cẩm nang tóm tắt các nội dung cốt lõi của CPTPP, lựa chọn trong số các cam kết có tác động trực tiếp và dự kiến có ảnh hưởng lớn nhất tới doanh nghiệp. Cẩm nang diễn giải các cam kết theo cách thức ngắn gọn, dễ hiểu nhất, với các đánh giá ban đầu về tác động tới doanh nghiệp, từ đó lưu ý doanh nghiệp về các vấn đề cần quan tâm nhất, công việc chuẩn bị cần tập trung nhất.

Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường cụ thể. Biên soạn các sổ tay doanh nghiệp CPTPP và các ngành cụ thể (giày dép, dệt may, thủy sản, chế biến xuất khẩu gỗ, đồ uống, rau quả, chăn nuôi và chế biến thịt, viễn thông, phân phối và thương mại điện tử, viễn thông, logistics…

Các hoạt động liên quan tới các Hiệp định thương mại tự do khác, hỗ trợ về phòng vệ thương mại

Liên tục cập nhật thông tin và tư vấn cho các hiệp hội, doanh nghiệp về tình hình đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia thông qua website, trả lời điện thoại, email.

Tham gia trả lời phỏng vấn báo chí, truyền hình, tư vấn cho các báo/đài về các Hiệp định thương mại tự do. Phối hợp tổ chức và tham gia trình bày tại các Hội thảo/Đào tạo liên quan tới các vấn đề hội nhập.

Tính từ 2005, VCCI đã xuất bản trực tiếp hoặc online 98 ấn phẩm tuyên truyền phổ biến, phân tích, hướng dẫn về các FTA và các vấn đề thương mại quốc tế liên quan thực thi các đến các FTA, bao gồm: Sách/Cẩm nang/Báo cáo phân tích, hướng dẫn các cam kết FTA, Sách hướng dẫn về các vấn đề thương mại quốc tế gắn với việc tận dụng các FTA, hàng chục Bản tin Quý về chính sách thương mại quốc tế, tự do hóa thương mại gắn với FTA.

II. Một số kinh nghiệm thực tiễn

Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, PBGDPL tới doanh nghiệp, VCCI nhận thấy, có một số kết quả đạt được do:

- Có cách tiếp cận thân thiện với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp (thông qua các đối thoại, khảo sát, tiếp xúc làm việc, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp…).

- Tạo nhiều kênh/công cụ đa dạng để doanh nghiệp tiếp cận, tiếp thu được thông tin, việc sử dụng công nghệ thông tin được thúc đẩy mạnh do đại dịch Covid-19;

- Xây dựng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn trong nhiều lĩnh vực khác nhau;

- Kết hợp giữa xây dựng pháp luật và tuyên truyền phổ biến, thi hành pháp luật.

 Về công tác phối hợp và xã hội hóa:

          - Tăng cường phối hợp: VCCI có thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác (cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước) ở các cấp, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động cung cấp/chuyển tải thông tin pháp luật, đào tạo, tư vấn thực thi chính sách và pháp luật cho doanh nghiệp (thỏa thuận với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND một số địa phương, Hội Luật gia Việt Nam, Học viện Tài chính, hiệp hội doanh nghiệp, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một số Phòng Thương mại nước ngoài… Tại các chi nhánh, văn phòng đại diện của VCCI cũng có những thỏa thuận hợp tác ở cấp địa phương.

Ví dụ: phối hợp với các sở, ban ngành địa phương, các hiệp hội ngành hàng tổ chức các khoá học, với các văn phòng luật sư Việt Nam và tổ chức nước ngoài biên soạn sách, xây dựng các chương trình trung và dài hạn.

Phối hợp với công ty luật tư vấn giải đáp cho các doanh nghiệp trên website và có gắn tên, thương hiệu của công ty. Phối hợp với các đối tác uy tín trong lĩnh vực cụ thể tổ chức trao đổi thông tin pháp luật trong lĩnh vực đó…

          - Kết hợp phổ biến tuyên truyền pháp luật với việc tạo nguồn thu (thông qua các ấn phẩm, hỗ trợ đối ứng từ phía doanh nghiệp, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước) để tiếp tục mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

          III. Những bất cập

Hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và đang được hoàn thiện một cách cơ bản, các hoạt động kinh tế đã được “phủ” bởi các quy định pháp luật. Tình trạng thiếu vắng cơ sở pháp lý đã được hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, áp dụng pháp luật, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, ví dụ:

- Hệ thống văn bản pháp luật quá nhiều và phức tạp, công tác pháp điển hóa còn hạn chế:

Về cơ bản, hệ thống pháp luật kinh doanh nước ta đã khá hoàn thiện, bao phủ được hầu hết các lĩnh vực cần quản lý. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh doanh của nước ta có quá nhiều VBQPPL, trong đó nhiều VBQPPL được ban hành để sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản cùng một lúc. Các VBQPPL chưa có tính ổn định cao do đó, có tình trạng sửa đổi, bổ sung liên tục, nhiều văn bản có “tuổi thọ” khá ngắn. Điều này khiến cho việc theo dõi, tìm kiếm văn bản áp dụng, đặc biệt là nhận biết các quy định có hiệu lực của các đối tượng áp dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp không thể nhận biết được quy định đang có hiệu lực, liệu điều khoản này đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hay chưa.

Mặc dù hiện nay đã có công tác hợp nhất văn bản, tuy nhiên việc dẫn chiếu và tìm kiếm văn bản trong bối cảnh tính ổn định của VBQPPL không cao cũng gây khó khăn không ít cho đối tượng áp dụng.

- Việc áp dụng quy định thiếu thống nhất giữa các địa phương

Tình trạng hiểu và áp dụng thống nhất các quy định pháp luật còn chưa nhất quán giữa các địa phương, điều này nhận thấy qua phản ánh của doanh nghiệp về những mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật về đầu tư kinh doanh. Cùng một quy định pháp luật nhưng các địa phương lại áp dụng khác nhau, điều này gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp. Thực trạng này cho thấy, trình độ áp dụng pháp luật của các cơ quan thực thi ở địa phương có vấn đề.

- Còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các VBQPPL

Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các VBQPPL còn tồn tại khiến cho doanh nghiệp không biết nên áp dụng quy định nào. Tình trạng chồng chéo của VQBPPL cũng tạo ra “điểm nghẽn” và sự đình trệ trong sản xuất, kinh doanh.

VCCI là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL, Chủ tịch VCCI là Trưởng nhóm 1:  Nhóm rà soát các quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã). Ngày 30/6/2020, VCCI đã hoàn thành Báo cáo kết quả rà soát theo chuyên đề của Nhóm 1, trên cơ sở rà soát 410 văn bản (57 văn bản cấp luật, 260 văn bản cấp nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 92 văn bản cấp thông tư), trong đó phát hiện nhiều văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều văn bản có quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn; đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện sửa đổi, bổ sung 92 VBQPPL.

- Tình trạng vi phạm pháp luật, tình trạng né tránh pháp luật, lợi dụng pháp luật vẫn đang tồn tại. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp chưa tốt. Việc thực hiện pháp luật không nghiêm của một số cán bộ nhà nước đã khiến lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp đối với tính thượng tôn của pháp luật, đối với hệ thống cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan quản lý hành chính và cơ quan tư pháp suy giảm.

- Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước chưa cao

Các hoạt động phổ biến tuyên truyền của các cơ quan nhà nước chỉ thực hiện tập trung vào những thời điểm nhất định (ví dụ thành lập AEC, FTA được ký/phê chuẩn/có hiệu lực), sản phẩm tuyên truyền phổ biến cũng chủ yếu là các hội thảo/hội nghị giới thiệu chung, rất ít ấn phẩm, website, đầu mối thông tin để tuyên truyền phổ biến thường xuyên, sâu rộng; ngoại trừ các hoạt động tuyên truyền có tần suất cao và tương đối hiệu quả của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn các trường hợp, mỗi bộ ngành, địa phương đến nay mới chỉ thực hiện 1 đến 2 hội thảo/hội nghị giới thiệu chung về các cam kết CPTPP, ngoài hình thức hội nghị, hội thảo, các bộ ngành, địa phương này đều chưa có các sản phẩm tuyên truyền, phố biến nào khác chuyên sâu hơn, phổ biến hơn và có thể sử dụng tra cứu lâu dài thuận tiện như website, các ấn phẩm chuyên đề… do đó, hiệu quả phổ biến tuyên truyền về CPTPP mới dừng lại ở nhận thức ban đầu, chưa đi sâu vào những cam kết cụ thể ảnh hưởng trực tiếp mà doanh nghiệp quan tâm.

Đối với pháp luật trong nước, chủ yếu tập trung tuyên truyền phổ biến VBQPPL mới, các đề cương tuyên truyền phổ biến pháp luật. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuy có một số kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

- Năng lực của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp còn hạn chế

Nhiều hiệp hội hoạt động còn mang tính hành chính, hoạt động của hiệp hội chưa chuyên nghiệp, hiệu quả, vẫn chưa thể là chỗ dựa cho các thành viên.

Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc nâng cao kiến thức pháp luật nói chung, do đặc điểm chung của doanh nghiệp Việt Nam là hầu hết đều có quy mô vừa và nhỏ, mới thành lập nên ít kinh nghiệm kinh doanh, năng lực hạn chế.

- Nguồn lực của VCCI rất hạn chế

Nguồn lực của VCCI để thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong thi hành pháp luật hiện tại là rất hạn chế, không đủ để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp do: số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, hệ thống pháp luật ngày càng đồ sộ, phức tạp, càng ngày càng có nhiều cam kết thương mại quốc tế, việc tuyên truyền, phố biến nội dung cam kết, rà soát, góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước và pháp luật để thực thi các cam kết là yêu cầu ngày càng tăng và phức tạp.

- Xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt được mục tiêu mong muốn

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định về xã hội hóa công tác này (Điều 4): Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, ở các bộ, ngành, địa phương vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách nhà nước.

IV. Một số đề xuất

Từ thực tiễn thực hiện hoạt động PBGDPL cho doanh nghiệp, VCCI có một số kiến nghị như sau:

- Hoạt động PBGDPL cần phải thực hiện liên tục, đồng bộ, thân thiện và cần hỗ trợ nguồn lực và nâng cao năng lực cho các hiệp hội, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện;

- Cần tạo cơ chế gắn kết, hài hoà và hợp lý giữa các cơ quan, các tổ chức, đảm bảo việc phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện một cách hiệu quả nhất, tận dụng nguồn lực và tránh sự trùng lắp khi nhiều cơ quan/tổ chức cùng thực hiện những hoạt động tương tự.

Cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp, điều này giúp tận dụng hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp;

- Đảm bảo chất lượng VBQPPL, đặc biệt là kiểm soát được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định; tính ổn định của các quy định pháp luật; tăng cường hoạt động hệ thống hóa, pháp điển hóa VBQPPL và công khai các văn bản này để đảm bảo các đối tượng áp dụng có thể dễ dàng tìm kiếm, áp dụng;

- Đảm bảo các nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đầu tư thoả đáng, hợp lý các nguồn lực cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Xây dựng Đề  án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật tới doanh nghiệp, huy động nguồn lực từ xã hội hóa.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân: trong đó đã đặt ra các mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu rất toàn diện ở tất cả các cấp ngành. VCCI được giao xây dựng một trong 7 đề án là “Tăng cường PBGDPL cho doanh nghiệp thông qua việc huy động nguồn lực xã hội tham gia giai đoạn 2022 - 2027”.

Đây là nhiệm vụ rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu PBGDPL của cộng đồng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ (chiếm tỷ lệ đa số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam) tiếp cận pháp luật thuận lợi hơn; đồng thời cũng phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của VCCI. Tuy nhiên, do nguồn lực của VCCI rất có hạn do phải tự chủ về kinh phí, đồng thời tập trung thực hiện nhiệm vụ được quy định theo Luật Ban hành VBQPPL nên không có nguồn kinh phí cho hoạt động PBGDPL, do đó, đề nghị các cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ cụ thể và bố trí kinh phí để VCCI tổ chức thực hiện.

VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương để thực hiện hiệu quả Đề án này. Trong quá trình thực hiện, VCCI sẽ làm đầu mối, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc huy động thêm các nguồn lực từ hiệp hội, doanh nghiệp và các nguồn khác để triển khai các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và nhà đầu tư./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHÁT HUY VAI TRÒ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN,

GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

 

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn, thời gian qua HĐND tỉnh Vĩnh Phúc luôn thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát về công tác PBGDPL của địa phương. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, giai đoạn 2010 - 2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 02 nghị quyết về công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 22/7/2010 của HĐND tỉnh về PBGDPL luật giai đoạn 2010 – 2015 (Nghị quyết được ban hành trước khi có Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012); Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh về PBGDPL giai đoạn 2016- 2020 (Sau khi có Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012). Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2010 - 2015: Ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho công tác PBGDPL mỗi năm ước tính là 7.850.000.000đồng, trong đó hỗ trợ cho công tác PBGDPL thông qua hoạt động xét xử lưu động mỗi năm ước tính là 1.350.000.000đồng; giai đoạn 2016 - 2020: Ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho công tác PBGDPL mỗi năm ước tính là 9.700.000.000 đồng, trong đó bố trí kinh phí cho cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL ở địa phương.

Qua giám sát và tổng kết, việc thực hiện hai Nghị quyết của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả quan trọng, đó là:

- Công tác PBGDPL đã được chú trọng, thông qua việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và hệ thống loa truyền thanh cơ sở… Qua đó, đã góp phần tích cực giúp cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu được các nội dung cơ bản của Nghị quyết và có nhận thức tốt hơn về công tác PBGDPL.

- Công tác chỉ đạo, triển khai PBGDPL được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện kịp thời và đồng bộ, có hiệu quả. Ngay sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số triển khai thực hiện Nghị quyết; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và đã công nhận, cấp thẻ cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh đều ban hành kế hoạch, hướng dẫn để chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết.

- Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của cấp tỉnh, các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở cấp mình. Các sở, ban, ngành, đoàn thể ở cấp tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết ở cơ quan, đơn vị mình; các sở, ban, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo đã có kế hoạch liên tịch với các cơ quan, tổ chức hữu quan để triển khai thực hiện Nghị quyết. Các ngành: Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh đã có kế hoạch liên tịch triển khai thực hiện Nghị quyết thông qua việc tổ chức các phiên tòa lưu động. Đặc biệt, có địa phương, có cơ quan, đơn vị đã lồng ghép hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh với thực hiện Nghị quyết của cấp ủy về phổ biến giáo dục pháp luật; lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh…

- Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã được thực hiện khá đa dạng, phong phú như: tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ Báo cáo viên cấp tỉnh; xây dựng, thực hiện các chuyên mục pháp luật trên Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và truyền hình Vĩnh Phúc; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; xây dựng tủ sách, trang bị sách pháp luật ở các cơ quan nhà nước các cấp, ở thôn, tổ dân phố, trường học; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức các buổi ngoại khoá tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên; xuất bản tờ gấp pháp luật; băng, đĩa hình; bản tin pháp luật; tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; lồng ghép với hoạt động của các tổ hoà giải cơ sở, các câu lạc bộ...

- Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương, trong đó, đã tập trung phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bầu cử, nghĩa vụ quân sự, bảo vệ môi trường, giao thông đường bộ, giáo dục, chăm sóc bảo vệ trẻ em, phòng chống ma tuý...

- Các mục tiêu về tỷ lệ đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã cơ bản đạt được; có chỉ tiêu vượt.

Nhìn chung, qua việc triển khai, thực hiện hai Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, làm giảm tình trạng khiếu, kiện, vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, đã góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh còn có một số hạn chế, bất cập như: công tác PBGDPL ở một số ngành, địa phương chưa thực sự sâu rộng; hình thức PBGDPL tuy đã khá phong phú, đa dạng song chậm được đổi mới, còn ít hình thức tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn; việc xây dựng, đầu tư, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật còn hạn chế; đối tượng PBGDPL chưa bao quát hết các đối tượng trong nhân dân; đội ngũ báo cáo viên pháp luật tuy đã được kiện toàn, song còn mỏng, chất lượng, năng lực còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả PBGDPL đối với học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên, người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp còn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế bất cập nêu trên là:

- Nhận thức về công tác PBGDPL, về trách nhiệm ở một số ngành, địa phương chưa thật sự sâu sắc. Một số cấp ủy, chính quyền, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật , chưa thực sự gắn công tác PBGDPL với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chưa coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà còn có biểu hiện khoán trắng cho ngành tư pháp;

- Do thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL ở các cấp đều hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình còn hạn chế; 

- Hầu hết cán bộ làm công tác PBGDPL ở cơ sở không có chuyên môn sâu về luật, còn hạn chế về trình độ, năng lực, hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm nên chất lượng, hiệu quả công tác hạn chế;

- Kinh phí triển khai thực hiện nghị quyết chủ yếu là theo nghị quyết của HĐND tỉnh; hầu hết các địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL theo quy định;

- Các cấp, các ngành chưa quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác PBGDPL.

Để phát huy vai trò của HĐND tỉnh trong công tác PBGDPL của địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần tập trung thực hiện tốt một nội dung sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt quy định của Luật PBGDPL ngày 20 tháng 6 năm 2012; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL.     

Hai là, HĐND các cấp căn cứ điểm a khoản 1 Điều 27 Luật PBGDPL năm 2012 ban hành nghị quyết “các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; phân bổ dự toán ngân sách địa phương cho công tác PBGDPL. Trong đó tập trung vào một số biện pháp sau đây:

- Xây dựng nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL trong tình hình mới.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các thành viên của Hội đồng theo hướng đảm bảo tính thiết thực, tránh hình thức; xác định rõ vị trí, phát huy vai trò của Hội đồng là tổ chức phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện về công tác PBGDPL.

- Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức và nội dung PBGDPL đảm bảo phù hợp với quan điểm chỉ đạo, địa bàn, nhóm đối tượng, độ tuổi, nghề nghiệp, tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật quan trọng, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL. Kết hợp hiệu quả giữa PBGDPL với tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.

- Phát huy vai trò của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khi  thực hiện chức năng của mình, kết hợp thực hiện nhiệm vụ PBGDPL của tỉnh, gồm: Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

- Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL.

- Đảm bảo kinh phí hàng năm cho công tác PBGDPL (Tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2025 dự kiến mỗi năm bố trí  14 tỷ đồng)., đặc biệt là Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh PBGDPL.

Ba là, HĐND các cấp tăng cường giám sát chuyên đề về việc thực thi pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh về PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, điều hòa Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát các cơ quan về việc thực thi pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh về phổ biến giáo dục pháp luật. Tại kỳ họp HĐND giám sát xem xét các báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND, trong đó có công tác PBGDPL.

Bốn là, nâng cao năng lực của các chủ thể làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động PBGDPL

Năm là, tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có liên quan về công tác PBGDPL.

Từ thực tiễn của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị đối với các cơ quan Trung ương, như sau:

- Đối với Chính phủ: Ban hành chính sách khuyến khích, đãi ngộ, thu hút đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào công tác PBGDPL.

- Đối với Bộ Tư pháp: Thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm về công tác PBGDPL cho các địa phương.

- Đối với cấp ủy Đảng: Đề nghị Ban Thường vụ cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị được triển khai thực hiện thường xuyên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KINH NGHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ TRONG TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội

 

                    Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, sự phát triển mạnh mẽ của của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, nhiều chiều đến sự phát triển của Thủ đô và đất nước, nhu cầu được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác với các thông tin pháp luật ngày một tăng.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật,  Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội, Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đồng thời, đây cũng là cách thức để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Trong những năm qua Thành phố, đặc biệt từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Thành phố đã luôn đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố và nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật. Nội dung, hình thức PBGDPL được đổi mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả, chất lượng, đi vào cả chiều rộng và chiều sâu hướng tới mọi đối tượng, tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng đối tượng là học sinh, sinh viên, các đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL và đáp ứng mọi nhu cầu của mọi người trong xã hội. Nhiều mô hay, sáng tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai phù hợp với xu hướng hiện đại đã được thực hiện và triển khai. Việc tuyên truyền phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cập nhật theo xu hướng hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL được đẩy mạnh. Điển hình như:

- Từ cuối năm 2014, Thành phố đã xây dựng Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (https//:pbgdpl.hanoi.gov.vn) với nhiều chuyên mục, thông tin cả chiều rộng, chiều sâu về nhiều lĩnh vực như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai... liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã xây dựng chuyên mục „sống và làm việc theo pháp luật“ phát trong khung giờ vàng 20h45 thứ 2, 3, 5 hàng tuần; Tuyên truyền trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạng xã hội;  Xây dựng nhiều ứng dụng lồng ghép tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật như Hà Nội smarcity, Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus. Thực hiện tuyên truyền trên thiết bị điển tử màn hình điện tử, cầu thang pháp luật theo hình video clip, inforghapic...

- Thành phố thường xuyên tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng như thi viết trên giấy, thi viết trên mạng, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn Thành phố tham gia tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật sôi nổi trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, năm 2020, thành phố tổ chức thi Báo cáo viên pháp luật giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi bằng hình thức vi deo. Kết quả nhiều sản phẩm vi deo trở thành sản phẩm truyền thông rộng rãi, có giá trị sử dụng lâu dài mở ra hướng mới trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

- Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đã triển khai nhiều mô hình mới trong tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch như tuyên truyền xe lưu động, loa kéo, trên trên internet, mạng xã hội, tin nhắn điện tử, lập fanpage... Đặc biệt, thông điệp tuyên truyền 13 hành vi, nhóm hành vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch với mức xử phạt cao nhất, những hành vi bức xúc trong dư luận liên quan đến phòng, chống dịch với thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu do Sở Tư pháp Hà Nội trực tiếp biên tập và thông tin trong thời điểm cao điểm thực hiện cách ly xã hội đầu tháng 4/2020 đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đẩy lùi dịch bệnh của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. ...

Để đạt được thành công đó, phần lớn do Thành phố đã phát huy, vai trò hoạt động của Hội đồng PHPBGDPL trong tham mưu cho Thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL. Thể hiện ở một số nội dung sau:

- Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố luôn nhận được chỉ đạo sát sao của Trung ương, Bộ Tư pháp, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và đặc biệt chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành ủy theo từng thời điểm, từng giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

- Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố trong công tác tuyên truyền như tuyên truyền văn bản mới, các Chương trình, Đề án, Kế hoạch trong công tác PBGDPL, các đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật, ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố.

- Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố hàng năm tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Kế hoạch PBGDPL, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PBGDPL theo chỉ đạo của cơ quan Trung ương,  nhiệm vụ chính trị của Thành phố tập trung vào nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm của Thành phố, các lĩnh vực bức xúc của Thủ đô cần đẩy mạnh tuyên truyền như an toàn giao thông, an toàn trật tự, cải cách hành chính, đất đai, xây dựng, quy tắc ứng xử...., các vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội . Tại Kế hoạch cũng cụ hóa trách nhiệm của từng sở, ban, ngành đoàn thể thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL nhằm phát huy hóa tối đa trách nhiệm từng sở, ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ.

- Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố thực hiện nghiêm Quy chế tổ chức và hoạt động, hoạt động dân chủ, duy trì thường xuyên giao ban theo Quý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, kịp thời định hướng tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tiếp theo, cách thức và nội dung thực hiện đảm bảo hiệu quả. Trong các cuộc họp của Hội đồng, các thành viên Hội đồng đều thảo luận dân chủ, đề xuất những nội dung trọng tâm cần triển khai, những hạn chế trong công tác PBGDPL và giải pháp thực hiện. Các hoạt động PBGDPL của từng ngành thuộc lĩnh vực do  thành viên trong Hội đồng đều được đánh giá thường xuyên,  tiến độ triển khai Đề án, công tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các thành viên Hội đồng được chặt chẽ, liên thông. Đặc biệt những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PBGDPL đều được các thành viên Hội đồng biết, tham gia và chỉ đạo cùng đôn đốc triển khai thực hiện.

- Các thành viên Hội đồng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã thể hiện tốt vai trò tham mưu Hội đồng định hướng trong công tác PBGDPPL.

- Sở Tư pháp- cơ quan thường trực của Hội đồng thực hiện tốt chủ động tham mưu cho Hội đồng tham mưu cho Hội đồng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, qua đó, phân công nhiệm vụ để các thành viên hội đồng chủ động thực hiện và đảm bảo điều kiện thực hiện Luật PBGDPL, chủ động, sáng tạo đổi mới trong các nhiệm vụ PBGDPL mà Hội đồng giao trong phạm vi quản lý của mình, đáp ứng yêu cầu phục vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, những đợt cao điểm tuyên truyên, các nhiệm vụ chính trị của Thành phố phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế...

- Chế độ thông tin, báo cáo được thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng và năm, Cơ quan thường trực Hội đồng thường xuyên giữ mối liên hệ với các thành viên để trao đổi thông tin, trao đổi công việc có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng, những mô hình mới trong công tác PBGDPL cùng triển khai thực hiện và nhân rộng nếu hiệu quả.

- Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố luôn nhận được sự quan tâm bố trí kinh phí của UBND Thành phố trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, Kế hoạch PBGDPL Thành phố.

Có thể nói, Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố Hà Nội trong thời gian qua luôn tích cực, chủ động hướng dẫn tham mưu chỉ đạo công tác PBGDPL kịp thời phù hợp với thực tế với nhiều hình thức sáng tạo, thực hiện tốt vai trò chỉ đạo, dẫn dắt, định hướng trong công tác PBGDPL của Thủ đô. 

Kiến nghị:

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL, Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố đề xuất quy định về kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương được dự toán riêng và cấp kinh theo kinh phí hoạt động chung với cơ quan thường trực Hội đồng - Sở Tư pháp và Quy định về chế độ phụ cấp của Thành viên và thư ký của Hội đồng phối hợp PBGDPL.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG VIỆC XÂY DỰNG

MÔ HÌNH “SÁCH NÓI PHÁP LUẬT” TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - CÁCH THỨC TRIỂN KHAI VÀ HIỆU QUẢ

Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh

 

1. Sự cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến toàn xã hội, ảnh hưởng sâu rộng và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Trong những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố đã được triển khai tích cực, hiệu quả. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), hoạt động PBGDPL từng bước được đổi mới, bên cạnh những mô hình, cách làm truyền thống, công nghệ thông tin hiện đang trở thành công cụ đắc lực giúp công tác PBGDPL lan tỏa rộng rãi, không chỉ đến người dân trên địa bàn Thành phố nói riêng, cả nước nói chung mà còn đến đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cho phép mọi tài liệu, văn bản, âm thanh, hình ảnh... được lưu trữ, khai thác, chia sẻ dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, thúc đẩy đổi mới các hình thức PBGDPL; giảm chi phí, giảm thời gian; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận pháp luật dễ dàng hơn, từ đó nhận thức và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời thúc đẩy việc học tập, lao động, sản xuất kinh doanh...

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được Thành phố quan tâm, triển khai bước đầu với các nội dung chính như: hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và đăng tải trên trang Công báo Thành phố; đăng tải các tin, bài, video clip, tiểu phẩm có nội dung PBGDPL trên trang thông tin điện tử; tổ chức giao lưu, tư vấn pháp luật trực tuyến; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật trên mạng internet… qua đó, góp phần phổ biến nhanh chóng, kịp thời các quy định pháp luật, định hướng dư luận một cách đúng đắn và nâng cao nhận thức về pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL hiện nay vẫn còn manh mún, rời rạc, thiếu sự chủ động, không thường xuyên và nhận thức về hoạt động này của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; một bộ phận đội ngũ nguồn nhân lực PBGDPL chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tin học; các tài liệu PBGDPL (sách, bài giảng, videoclip, tiểu phẩm, hỏi đáp…) khá phong phú, được biên soạn công phu nhưng chưa được phát hành rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân do kinh phí in, phát hành hạn chế, mặt khác chưa có hệ thống lưu trữ các loại tài liệu này để tổ chức, cá nhân có thể tìm kiếm, sử dụng rộng rãi. Hiện nay, trình độ dân trí phát triển, đại bộ phận người dân đều có phương tiện thông tin hiện đại (điện thoại, máy tính kết nối mạng internet…) nhưng các cơ quan có trách nhiệm PBGDPL chưa phát huy được thế mạnh của hệ thống điện thoại, viễn thông, mạng internet trong PBGDPL để theo kịp xu thế phát triển của xã hội, góp phần tăng hiệu quả, giảm chi phí cho công tác PBGDPL.

Do đó, việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL là hết sức cần thiết và đang trở thành một xu thế tất yếu trong bối cảnh ngày nay.

2. Cơ sở pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003: “Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn”; đồng thời kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế công tác PBGDPL trong 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp tiếp tục: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng....’. Đồng thời, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là “nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”.

Luật PBGDPL quy định một trong những nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật là “Kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật...”.

Trên cơ sở đó, ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021, trong đó quy định cụ thể hơn việc “Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin” là ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động PBGDPL, ưu tiên hình thức trực tuyến thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội, Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử...

Ngày 26/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 471/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 – 2021” với mục tiêu “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL đáp, ứng yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân”.

Như vậy, từ yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL ban đầu, hiện nay đã có một Đề án cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

3. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng mô hình “Sách nói pháp luật” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Theo số liệu báo cáo của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, tính đến tháng 7/2019, tổng số người khuyết tật trên địa bàn thành phố là 62.554 người; chia theo mức độ khuyết tật có: 8.802 người khuyết tật đặc biệt nặng, 36.608 người khuyết tật nặng và 9.783 người khuyết tật nhẹ. Người khuyết tật được xếp vào nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, trình độ học vấn thường không đồng đều, bị hạn chế khả năng tiếp nhận và trao đổi thông tin với thế giới bên ngoài. Do đó nhu cầu được trợ giúp pháp lý và truyền thông, tư vấn pháp luật của người khuyết tật là rất lớn, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng và cộng đồng để có khả năng bắt kịp thông tin, kiến thức so với người bình thường.      

Tại Điều 20 Luật PBGDPL đã xác định rõ người khuyết tật là một trong sáu đối tượng đặc thù cần phải được PBGDPL, do đó, các cơ quan, tổ chức và đội ngũ những người làm công tác PBGDPL cần tự trang bị cho mình những biện pháp, hình thức, phương tiện, tài liệu phổ biến phù hợp với từng đối tượng người khuyết tật.

Quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW và Luật PBGDPL cũng như nhận thấy sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành “Đề án tăng cường PBGDPL trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2018” (kèm theo Quyết định số 4176/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố). Trong đó, giao Sở Tư pháp, Sở Thông tin và truyền thông, cơ quan, đơn vị, địa phương “Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ công tác PBGDPL; xây dựng cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu điện tử về PBGDPL; tăng cường hình thức PBGDPL trên mạng internet và hệ thống viễn thông”.

Sau 05 năm triển khai Quyết định số 4176/QĐ-UBND, trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL ngày càng hiệu quả, thiết thực, gần gũi, một trong số đó là việc xây dựng mô hình “Sách nói pháp luật”.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa to lớn của việc PBGDPL cho đối tượng người khuyết tật, đồng thời xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng được PBGDPL của người khuyết tật trên địa bàn thành phố, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong quản lý nhà nước về PBGDPL, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch PBGDPL hàng năm, trong đó xác định rõ PBGDPL cho người khuyết tật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện, đồng thời, xem đó là tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua hàng năm đối với các cơ quan Tư pháp.

Cuối năm 2016, Sở Tư pháp đã báo cáo đề xuất và được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận cho thực hiện thí điểm mô hình Sách nói pháp luật online (điện tử). Căn cứ nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp và Thư viện sách nói Hướng Dương tổ chức khảo sát hạ tầng Cổng thông tin (http://sachnoionline.com), xác định nội dung, lĩnh vực pháp luật thiết thực, gần gũi (bao gồm các quy định pháp luật quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương và Thành phố dành cho người khuyết tật, người mù, nhóm yếu thế trong xã hội và các đối tượng được hỗ trợ chính sách khác) để xây dựng thành Bộ sách nói pháp luật, đồng thời biên tập, sao chép thành các đĩa CD để cung cấp đến Hội người mù, trường đặc biệt, UBND quận, huyện và Tủ sách pháp luật trên địa bàn Thành phố.

Sau thời gian chuẩn bị và triển khai, ngày 18/4/2017, Sở Tư pháp tổ chức Lễ ra mắt Sách nói pháp luật (nhân dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và Ngày sách Việt Nam 21/4); tặng đĩa CD đầu tiên của Bộ sách nói pháp luật cho Hội Người Mù TP.HCM. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù tổ chức ghi âm, biên tập và đăng tải được 11 chương trình sách nói pháp luật trên website (sachnoionline.com), góp phần tuyên truyền 35 Luật, pháp lệnh và phát hành 2.700 đĩa CD đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các Trường đặc biệt dành cho người khuyết tật.

Ngoài ra một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các mô hình PBGDPL cho người khuyết tật thuộc phạm vi quản lý (mô hình chữ nổi của Quận 3, chương trình MP3 của quận Tân Phú....). Qua đó góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người khuyết tật, giúp người khuyết tật chủ động, tự tin, vươn lên làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Thành phố cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng vì đối tượng người khuyết tật đông, nhu cầu được PBGDPL lớn, trình độ học vấn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc tiếp cận người khuyết tật để tuyên truyền, thiếu đội ngũ báo cáo viên có kỹ năng PBGDPL cho người khuyết tật, mặt khác, kinh phí để trang bị các phương tiện phục vụ PBGDPL cho những đối tượng người khuyết tật rất lớn so với chuẩn bị các phương tiện phục vụ phổ biến cho người bình thường, do đó, công tác này vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người khuyết tật.

4. Phương hướng, giải pháp giai đoạn tiếp theo

Chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL cho các đối tượng đặc thù (trong đó có người khuyết tật) nói riêng là chủ trương đúng đắn, đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố đầu tư, nghiên cứu thực hiện.

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác, sử dụng, cập nhật thông tin, tài liệu lên Cổng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố và tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin theo hướng phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, có thể tích hợp, kết nối, sử dụng chung với Cổng thông tin điện tử PBGDPL của Trung ương do Bộ Tư pháp xây dựng; đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả trên địa bàn Thành phố.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL cụ thể: tuyên truyền pháp luật trực tiếp, xây dựng tài liệu pháp luật (sách nói pháp luật, video bài giảng, tài liệu bằng powerpoint, infographic...), mở rộng và tăng cường ứng dụng các tiện ích của mạng internet, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử vào công tác PBGDPL để người dân có thể khai thác thông tin pháp luật miễn phí; cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp luật trực tuyến... đảm bảo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên, người làm công tác PBGDPL về kiến thức pháp luật nói chung và kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng đặc thù nói riêng, đáp ứng yêu cầu của hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL  trong giai đoạn hiện nay và nhu cầu PBGDPL của từng đối tượng.

Huy động các nguồn lực đầu tư tài trợ (nhân lực, kỹ thuật, phần mềm, đào tạo, bồi dưỡng...) cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có việc xây dựng mô hình Sách nói pháp luật./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÔNG TÁC TUYÊN VẬN - MÔ HÌNH HIỆU QUẢ TRONG KẾT HỢP

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Tỉnh ủy Lào Cai

 

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về mối liên hệ mật thiết giữa công tác tuyên truyền và vận động tại cơ sở cũng như những hạn chế, bất cập của hai lĩnh vực trên địa bàn. Từ năm 2012 Tỉnh ủy Lào Cai đã quyết định triển khai thực hiện “Đề án thí điểm thực hiện mô hình Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” tại 35 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sau 05 năm thực hiện và sơ kết, tổng kết giai đoạn thí điểm (2012-2016), ngày 26/10/2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU quy định tạm thời về công tác tuyên vận. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, chuyển công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, ở cơ sở công tác tuyên giáo và công tác dân vận được thực hiện thống nhất về mọi mặt.

Theo Quy định số 11-QĐ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai, Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn do cấp ủy cùng cấp thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của đảng ủy cấp xã. Ban tuyên vận có số lượng từ 07 thành viên trở lên, bảo đảm phù hợp từng địa bàn, gồm: Trưởng ban, 02 phó trưởng ban và các thành viên, trong đó có một phó trưởng ban chuyên trách được lựa chọn trong số công chức cấp xã và được bố trí vào chức danh có 02 biên chế trở lên (văn phòng thống kê, tư pháp hộ tịch, văn hóa - xã hội, địa chính nông lâm nghiệp), có trách nhiệm chính giúp trưởng ban tổ chức thực hiện công tác tuyên vận. Ban tuyên vận có trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy về công công tác tư tưởng, dân vận của đảng ở cơ sở; đánh giá chi bộ về công tác tuyên vận; trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động tuyên vận ở cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá tổ tuyên vận. Ban tuyên vận hoạt động thông qua 04 phương thức cơ bản đó là: (i) Tổ chức hội nghị tuyên vận xã hằng tháng với 03 nội dung chính gồm: Thông tin tình hình thời sự, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm điểm, đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận tháng trước, triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tháng tiếp theo. (ii) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của tổ tuyên vận; thành viên ban tuyên vận có trách nhiệm hỗ trợ tổ tuyên vận thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra, thu thập thông tin, đánh giá và báo cáo kết quả hoạt động của tổ tuyên vận, công tác tuyên vận của chi bộ và lĩnh vực được phân công với Phó trưởng ban chuyên trách (bảo đảm hằng tháng tất cả các tổ tuyên vận đều được kiểm tra, đánh giá). (iii) Họp ban tuyên vận có thể kết hợp với hội nghị đảng ủy cấp xã. (iiii) Lưu trữ hồ sơ công tác tuyên vận theo quy định.  

Tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố do cấp ủy cấp xã thành lập và hoạt động theo quy chế của đảng ủy cấp xã ban hành. Tổ tuyên vận có 03 thành viên (chi bộ quản lý nhiều tổ dân phố có thể đến 05 thành viên) hoạt động kiêm nhiệm. Tổ trưởng tổ tuyên vận là bí thư hoặc phó bí thư chi bộ, các thành viên là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện Mặt trận Tổ quốc hoặc đoàn thể chính trị - xã hội, người có uy tín...  Hoạt động dưới sự chỉ đạo, đánh giá trực tiếp, thường xuyên của chi bộ, chi ủy; sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc hằng tháng của ban tuyên vận. Tổ tuyên vận hoạt động thông qua 04 phương thức cơ bản đó là: (i) tiếp nhận, xử lý thông tin; xác định mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận (qua dự hội nghị tuyên vận xã hàng tháng); (ii) các thành viên tổ tuyên vận theo sự phân công, với các hình thức phù hợp, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận đến ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể, cán bộ chuyên môn, già làng, trưởng bản, người có uy tín... theo chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức; (iii) tổ trưởng và các thành viên thường xuyên vừa trực tiếp tuyên truyền vận động vừa kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, chú trọng động viên, thu thập thông tin về kết quả tuyên vận từ các tổ chức và cá nhân. (iiii) Tổ trưởng tổ tuyên vận ghi chép, tổng hợp vào “Sổ Nhật ký tuyên vận” theo tiến độ, số lượng, chất lượng kết quả tuyên vận trong tháng, tham mưu cho chi bộ đánh giá, chấm điểm, xếp loại công tác tuyên vận.  

* Về trách nhiệm tham gia của các cơ quan cấp tỉnh, huyện trong thực hiện công tác tuyên vận

Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng trong thực hiện công tác tuyên vận toàn tỉnh[22]. Các cơ quan tham mưu, giúp việc chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuyên đề hằng năm và biên tập, cung cấp tài liệu, thông tin thời sự, các chuyên đề phục vụ tuyên truyền tại hội nghị tuyên vận hằng tháng. Xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ đối với 13 cơ quan (Các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể tỉnh, Sở Tư pháp) cử lãnh đạo, cán bộ đi dự hội nghị tuyên vận, khảo sát và nắm bắt công tác tuyên vận tại các xã, phường, thị trấn hằng tháng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổng hợp số liệu, tài liệu, báo cáo công tác tuyên vận do các xã, phường, thị trấn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy gửi thông qua hòm thư điện tử riêng từ đó tham mưu cho Tỉnh ủy tổng hợp, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên vận hằng tháng đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy. Xây dựng và cấp kinh phí thực hiện công tác tuyên vận hằng năm.

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai công tác tuyên vận đến đảng ủy các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thực hiện việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá, chấm điểm tình hình thực hiện công tác tuyên vận hằng tháng đối với đảng ủy xã, phường, thị trấn theo mẫu quy định. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc, cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố: tổng hợp, gửi báo cáo, lịch tổ chức hội nghị tuyên vận hằng tháng về tỉnh; cử cán bộ đi dự, chỉ đạo, kiểm tra công tác tuyên vận theo quy chế đã ban hành; tổng hợp, biên soạn phần thông tin thời sự của các huyện, thành phố triển khai tại hội nghị tuyên vận cấp xã hằng tháng; thường xuyên cập nhật, viết tin, bài, tổng hợp tài liệu trên chuyên mục “Thông tin tuyên vận” - Cổng thông tin điện tử các huyện ủy, thị ủy, thành ủy phục vụ việc khai thác, tra cứu của cán bộ tuyên vận các cấp.

1. MÔ HÌNH TUYÊN VẬN VỚI VẤN ĐỀ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT 

Xác định với đặc điểm một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua loại hình tuyên truyền miệng trực tiếp đến đồng bào là quan trọng, phù hợp và hiệu quả nhất, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật trong hành động của các tầng lớp nhân dân. Với quan điểm và nhận thức đó, trong Quy định số 11-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tuyên vận cũng như quá trình tổ chức công tác tuyên vận trong thực tiễn của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, một trong 3 nội dung chính của công tác này là phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mô hình công tác tuyên vận, trong đó Sở Tư pháp, giữ vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu nội dung, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

1.1. Kết quả về số lượng, nội dung các chuyên đề được thực hiện

Từ năm 2012 đến tháng 11/2020, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong khối tuyên truyền của tỉnh, nhất là Sở Tư pháp tổ chức biên soạn, cung cấp trên 70 chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Hiến pháp nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, 26 luật và bộ luật, 01 pháp lệnh, 01 nghị định, còn lại là nghị quyết và quyết định của HĐND, UBND tỉnh Lào Cai. Các văn bản này đã được biên tập, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến cán bộ, đảng viên tại hơn 12.000 hội nghị tuyên vận xã, phường, thị trấn và các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của 1.503 tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân hằng tháng.

Ngoài việc triển khai tại hội nghị tuyên vận, năm 2014 và 2019 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh biên tập, xuất bản và tái bản tổng số 6.300 cuốn “Sổ tay công tác tuyên vận” trong đó có gần 20 chuyên đề liên quan đến phổ biến, giáo dục pháp luật cung cấp cho các ban tuyên vận, tổ tuyên vận và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động của tỉnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

1.2. Về quy trình thực hiện

Căn cứ Quy định, việc xác định nội dung, biên tập, cung cấp, tổ chức phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật tại hội nghị tuyên vận được thực hiện nền nếp, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở theo các bước cơ bản như sau:

Bước một, hằng năm, Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan xác định nội dung cần tuyên truyền, phổ biến tại hội nghị tuyên vận cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp, xây dựng thành kế hoạch chuyên đề. Kế hoạch có sự phân chia các chuyên đề bảo đảm phù hợp theo từng tháng, gắn với các sự kiện, các chủ đề phù hợp, sát thực. Đây là căn cứ để triển khai thực hiện trong cả năm cũng như phục vụ việc đánh giá trách nhiệm, hiệu quả trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên vận theo quy định.

Bước hai, trên cơ sở kế hoạch được thống nhất đã ban hành, hằng tháng, cùng với các cơ quan liên quan, Sở Tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn nội dung chuyên đề thuộc lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ cung cấp về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp chung, gửi về ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cung cấp đến đảng ủy các xã, phường, thị trấn qua hòm thư điện tử (với tên miền ...laocai.gov.vn) phục vụ triển khai tại hội nghị tuyên vận. Cùng với việc gửi tài liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải toàn bộ tài liệu này lên chuyên mục “Thông tin tuyên vận” - Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy phục vụ việc tra cứu, khai thác của cán bộ tuyên vận cơ sở cũng như cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Để việc triển khai chuyên đề hiệu quả, Sở Tư pháp phối hợp chỉ đạo các cơ quan ngành dọc cấp huyện hỗ trợ đảng ủy xã, phường, thị trấn về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc báo cáo viên truyền đạt đối với các chuyên đề khó theo đề nghị của cơ sở. Bên cạnh đó, theo phân công hằng tháng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng với các cơ quan liên quan, Sở Tư pháp cử lãnh đạo, cán bộ đi dự, nắm bắt tình hình thực hiện phổ biến, giáo dục chuyên đề pháp luật cũng như việc tổ chức hội nghị tuyên vận từ 01 đến 02 xã theo hình thức luân phiên; kết thúc có tổng hợp báo cáo kết quả dự hội nghị theo mẫu gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy để tổng hợp, tham mưu đánh giá, chấm điểm các huyện ủy, thành ủy.

Bước ba, tại các xã, phường, thị trấn, trên cơ sở chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh gửi thông qua ban tuyên giáo, cùng với việc chuẩn bị các nội dung khác của hội nghị tuyên vận theo quy định, hằng tháng trước ngày mùng 10 và sau khi dự hội nghị báo cáo viên cấp huyện, đảng ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên vận. Tại hội nghị tuyên vận, bên cạnh việc in ấn, phát tài liệu đến các đại biểu dự họp, đảng ủy cấp xã lựa chọn đồng chí có chuyên môn hoặc am hiểu về lĩnh vực tư pháp (thường là cán bộ tư pháp hộ tịch) chịu trách nhiệm triển khai chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trong khoảng thời gian 45 phút. Kết thúc hội nghị tuyên vận, các tổ tuyên vận căn cứ nhiệm vụ được phân công và tài liệu được cung cấp tiếp tục cụ thể hóa, giao nhiệm vụ đến các thành viên, các chi hội đoàn thể tại thôn, tổ dân phố thực hiện việc tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật.

1.3. Hiệu quả thực tiễn

Việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật với mô hình tuyên vận tại tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả quan trọng, rõ rệt, thực chất, nổi bật là:

Việc xác định nội dung các chuyên đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị chu đáo trong cả năm và từng tháng với yêu cầu bảo đảm theo đúng chỉ đạo của ngành dọc cấp trên, sát với nhu cầu thực tiễn cơ sở. Việc biên soạn, cung cấp từng nội dung chuyên đề để triển khai tại hội nghị tuyên vận được cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định, nội dung vừa bảo đảm đầy đủ, có trọng tâm, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân tại cơ sở, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mô hình tuyên vận bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm chú ý đến những vấn đề mới có tính thời sự, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Đất đai; phòng, chống dịch bệnh và chế độ chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; an ninh mạng, hình sự, phòng chống tham nhũng.... đáp ứng yêu cầu đặt ra qua đó đã từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật các tầng lớp Nhân dân. Cùng với việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan thực thi pháp luật, việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật thông qua mô hình tuyên vận đã góp phần răn đe, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư; giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

Đội ngũ báo cáo viên phụ trách thực hiện chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật được hầu hết đảng ủy xã, phường, thị trấn lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng thuyết trình, trong đó nhiều báo cáo viên có sự phân tích, liên hệ với thực tiễn tại địa phương, cơ sở do đó hấp dẫn người nghe, giúp người nghe dễ tiếp thu, ghi chép, làm tiền đề để tiếp tục tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân. Việc bố trí thời gian dành cho triển khai chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật tại hội nghị tuyên vận hằng tháng bảo đảm phù hợp, thỏa đáng trong tổng thời gian của hội nghị. Không dừng lại tại hội nghị tuyên vận, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được triển khai thực hiện đến từng hộ gia đình và mỗi người dân thông qua hoạt động của tổ tuyên vận, các chi hội đoàn thể tại thôn, tổ dân phố.

Thông qua mô hình tuyên vận, việc bố trí nguồn lực đáp ứng yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật được bảo đảm hằng năm, kinh phí lồng ghép trong thực hiện các nội dung hội nghị tuyên vận do đó không phát sinh chi phí tổ chức hội nghị riêng để phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trong khi hiệu quả triển khai thực hiện vẫn được bảo đảm. Thống kê từ năm 2012 đến năm 2020, UBND tỉnh Lào Cai đã cấp gần 70 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác tuyên vận, trong đó 87% tổng kinh phí dành cho việc thực hiện các nội dung công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở, số còn lại phục vụ việc kiểm tra, giám sát và thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Vai trò, trách nhiệm tham gia của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở trong phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng cao. Theo Quy định, ngoài các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể tỉnh, Sở Tư pháp là cơ quan duy nhất thuộc khối nhà nước chịu trách nhiệm tham gia thực hiện công tác tuyên vận gắn với nhiệm vụ trọng tâm là phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên, nhân dân thông qua mô hình tuyên vận.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác tuyên vận, việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật được tổng hợp, đánh giá, phân xếp loại hằng tháng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh (xã đánh giá thôn, huyện đánh giá xã, tỉnh đánh giá huyện) và sử dụng kết quả này là một trong những căn cứ để đánh giá, phân xếp loại đảng bộ và tổ chức cơ sở đảng các cấp. Đây vừa là yêu cầu quan trọng vừa là động lực để các cấp, các ngành thi đua, thực hiện nhiệm vụ được phân công bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, chất lượng.  

2. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC QUAN TÂM 

Một là, tiếp tục nâng cao vai trò chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự chủ động, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, nhất là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, thực hiện nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tuyên vận ở cơ sở. Chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng việc xác định nội dung, biên soạn chuyên đề, gửi tài liệu, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là tại hội nghị tuyên vận hằng tháng phù hợp với đặc điểm các cơ sở vùng cao.

Hai là, thực hiện trình tự, hình thức, nội dung hội nghị tuyên vận hằng tháng bảo đảm Quy định, có sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Căn cứ nội dung từng tháng để thiết kế và thực hiện chương trình hội nghị, các chuyên đề truyền đạt tại hội nghị cần có sự nghiên cứu, biên tập phù hợp, bảo đảm cân đối giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với các nội dung khác. Thực hiện đăng ký lịch tổ chức hội nghị có tính kế hoạch, hạn chế thay đổi thời gian tổ chức.

Ba là, quan tâm bồi dưỡng, trang bị thêm các kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên cơ sở, nhất là báo cáo viên phụ trách phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung này. Thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cơ sở, trong bố trí báo cáo viên ưu tiên những cán bộ có năng lực, được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, uy tín, là người địa phương, sử dụng thành thạo máy tính và ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, nghiên cứu lồng ghép nguồn kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm vào kinh phí thực hiện công tác tuyên vận để nâng cao mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với báo cáo viên phổ biến, giáo dục pháp luật tại hội nghị tuyên vận./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MÔ HÌNH “CẤP TỈNH HỖ TRỢ KINH PHÍ, CẤP HUYỆN

TỔ CHỨC THỰC HIỆN, CẤP XÃ TIẾP NHẬN KẾT QUẢ”

- CÁCH THỨC TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ

                                                           Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam

 

Trong thời gian gần đây, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều bước chuyển biến, đạt được những kết quả quan trọng, như: Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên. Ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, an ninh quốc phòng được đảm bảo, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được vững mạnh, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp được củng cố.

Đây là kết quả của việc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời là thành quả nỗ lực của các cấp, các ngành và đội ngũ làm công tác PBGDPL của tỉnh trong việc sáng tạo, áp dụng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong đó, một trong những giải pháp đột phá nổi bật nhất chính là chủ trương hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở theo mô hình "Cấp tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả" được Sở Tư pháp trình UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay.

  1. Sự cần thiết ban hành mô hình

        Qua việc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL giai đoạn 2008 – 2012 và giai đoạn 2013 – 2016 trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp nhận thấy cán bộ và nhân dân ở cơ sở là đối tượng rất cần được PBGDPL, cung cấp các dịch vụ pháp lý cần thiết nhằm từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho họ. Tuy nhiên, qua khảo sát của tỉnh thì hầu hết các địa phương cấp xã đều có khó khăn về bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL; đối với các xã đồng bằng phổ biến từ 5 đến 7 triệu đồng/năm, đối với các xã miền núi thì phổ biến từ 3 đến 5 triệu đồng/ năm, cá biệt có xã chỉ 2 triệu đồng/năm. Nhiều đơn vị cấp xã chỉ chi thù lao cho tuyên truyền viên pháp luật còn mang tính "gọi là", từ 50 đến 100 ngàn đồng/buổi, còn tuyên truyền viên thì coi đó là sự "động viên trách nhiệm" để hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng sự "động viên trách nhiệm" còn khá khiêm tốn như vậy với một nhiệm vụ mang tính lâu dài thì rất khó đòi hỏi chất lượng công tác PBGDPL ở cơ sở sẽ được nâng cao.

Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện các đề án PBGDPL thời gian qua theo mô hình tỉnh giao kinh phí cho một số đơn vị sở, ngành của tỉnh để triển khai thực hiện tại các địa phương, bên cạnh những kết quả tích cực thu được và trở thành bài học kinh nghiệm hiện nay, cũng đã bộc lộ một số bất cập: như các đơn vị sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện đề án trực tiếp tại các địa phương đã qua nhiều năm, nhưng về cơ bản vẫn mang tính chất "làm điểm", làm "bài học mẫu" cho các địa phương, còn việc nhân rộng để đáp ứng yêu cầu phủ kín địa bàn cơ sở ở một tỉnh có địa hình khá rộng và không đồng đều như Quảng Nam là điều không thể. Hơn nữa ở các sở, ngành của tỉnh hiện nay chưa hình thành được tổ chức pháp chế cấp phòng, do đó nguồn lực về nhân sự chưa thể đáp ứng được yêu cầu trực tiếp cung cấp thông tin pháp luật chuyên ngành về cơ sở cho người dân một cách thường xuyên, chuyên nghiệp. Trong quá trình tổ chức thực hiện các đề án PBGDPL của các sở, ngành, hiện tượng trùng lắp về nội dung tuyên truyền và địa bàn thực hiện thường xảy ra làm cho một số địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp trong khi một số địa phương khác bị "bỏ trống".

Nhận thấy đối tượng quan trọng hàng đầu của công tác PBGDPL chính là cán bộ và nhân dân ở các địa bàn cơ sở, nhưng nguồn lực về ngân sách và con người ở đây chưa thể tự đáp ứng được, trong khi cấp chính quyền càng xa cơ sở thì nguồn lực càng lớn. Để khắc phục những bất cập trên, đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh chuyển đổi mô hình PBGDPL theo hướng thay vì giao kinh phí theo chiều ngang cho một số sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật xuống các địa phương bằng việc chuyển dọc nguồn kinh phí này xuống các địa phương theo mô hình "tỉnh bố trí kinh phí, huyện tổ chức thực hiện, xã tiếp nhận kết quả".

Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh bố trí bình quân khoảng 1.500 triệu đồng hỗ trợ cho cấp xã; các xã đồng bằng được hỗ trợ 8 triệu đồng/năm; các xã trung du 9 triệu đồng/năm và các xã miền núi 10 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ tạo điều kiện cho các hoạt động PBGDPL ở cơ sở được tổ chức hết sức sôi nổi.

  1. Quá trình triển khai thực hiện mô hình

Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là triển khai thực hiện chủ trương hướng hoạt động PBGDPL về cơ sở; trên cơ sở nguồn kinh phí được UBND tỉnh giao Sở Tài chính thẩm định phân từ nguồn ngân sách địa phương, trong quý I năm 2017, Sở Tư pháp đã tiến hành ký kết hợp đồng “đặt hàng” tuyên truyền với Phòng Tư pháp 18 huyện, thị xã, thành phố theo mô hình “tỉnh bố trí kinh phí, huyện tổ chức thực hiện, xã tiếp nhận kết quả" với nguồn kinh phí hơn 1.500 triệu đồng.

Về phương thức thực hiện mô hình, tỉnh giao cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh (Sở Tư pháp) quản lý nguồn vốn và tiến hành "đặt hàng" thông qua hợp đồng ủy quyền với 18 Phòng Tư pháp của 18 huyện, thị xã, thành phố. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các Phòng Tư pháp với tư cách là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp của cấp huyện sẽ tổ chức phối hợp với các cơ quan thành viên (phòng, ban huyện) để triển khai đưa pháp luật về các xã, theo nhu cầu cụ thể với đặc điểm khác nhau của từng địa bàn đồng bằng, trung du, miền núi. Riêng đối với các xã thuộc địa bàn biên giới, hải đảo (22 xã), UBND tỉnh giao Bộ đội biên phòng trực tiếp thực hiện và các xã thuộc địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật (22 xã) giao Công an tỉnh thực hiện (năm 2017) và Sở Tư pháp thực hiện (từ năm 2018 cho đến năm 2020).

Đi đôi với việc “đặt hàng” xuống các huyện, thị xã, thành phố, để hoạt động tuyên truyền pháp luật tại các địa phương đạt hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước theo lĩnh vực; Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp định hướng nội dung pháp luật cần tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở; trên cơ sở đó Sở Tư pháp tổng hợp và hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác PBGDPL trong từng năm.

Từ những kết quả ban đầu triển khai thực hiện mô hình này trong 06 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh đã tán thành mô hình PBGDPL mới này và phê duyệt vào Kế hoạch số 4567/KH-UBND ngày 25/8/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh để tiếp tục áp dụng trong các năm tiếp theo, từ 2018 đến 2021.

Theo đó, năm 2018, UBND tỉnh đã tiếp tục phân bổ cho 177 xã/18 huyện, thị xã, thành phố với mức kinh phí 1.575 triệu đồng.

Năm 2019, Sở Tư pháp đã đề xuất UBND tỉnh mở rộng phạm vi áp dụng của mô hình này, không chỉ dành cho các xã mà mở rộng cho 23 phường + 15 thị trấn nâng tổng số xã, phường, thị trấn lên 200 đơn vị/18 huyện, thị xã, thành phố với mức kinh phí 1.759 triệu đồng. 44 xã còn thuộc địa bàn biên giới, hải đảo (22 xã) tỉnh tiếp tục giao Bộ đội biên phòng trực tiếp thực hiện và các xã thuộc địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật (22 xã) tiếp tục giao Sở Tư pháp thực hiện. Như vậy, 244 xã/244 xã của tỉnh đều được hưởng thụ từ Đề án, đảm bảo sự phủ kín, không bỏ trống và trùng lắp về địa bàn thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Năm 2020, UBND tỉnh đã tiếp tục phân bổ cho 200 xã, phường, thị trấn/18 huyện, thị xã, thành phố với mức kinh phí 1.759 triệu đồng.

3. Hiệu quả áp dụng

Có thể nói việc mạnh dạn đưa mô hình mới vào thực tiễn như trên là một bước đi có tính đột phá đối với công tác PBGDPL ở tỉnh Quảng Nam. Mô hình này trước hết giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác PBGDPL, đồng thời nó còn khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung cũng như bỏ trống địa bàn khi ngân sách của tỉnh được giao cho các sở, ngành thực hiện. Nhưng điều quan trọng hơn của mô hình này là nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở được đáp ứng phù hợp (cả về nội dung lẫn hình thức) với đặc điểm sinh hoạt dân cư ở từng vùng miền, có tính linh hoạt cao mà không bị rập khuôn máy móc.

Qua các tin bài phản ánh được gửi từ các địa phương trong tỉnh đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, cho thấy với nguồn kinh phí được cấp này, các hoạt động PBGDPL ở cơ sở được tổ chức hết sức sôi nổi và mô hình này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương.

Trong đó, có một số địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí này để đổi mới cách thức tuyên truyền nhằm đem lại hiệu quả cao cho công tác tuyên truyền. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, các địa phương tiếp tục sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác, phù hợp với từng nhóm đối tượng, như: Tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, được các địa phương triển khai thực hiện và gặt hái được nhiều thành công như Hô hát bài chòi tuyên truyền pháp luật, Hội thi Rung chuông vàng; Hòa giải viên giỏi; sân khấu hóa với các tiểu phẩm, vở kịch, điệu hò, bài vè dân ca…Với ưu điểm của các hình thức tuyên truyền này là thu hút được đông đảo người tham gia, hình thức mới lạ, chuyển tải được nhiều nội dung, tính tương tác giữa các người chơi và cổ động viên cao.

Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình này, ngày 24/8/2020, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 57 –CT/TU về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 –CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh và Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 6340/KH-UBND ngày 30/10/2020 về tiếp tục thực hiện Kết luận 80-KL/TW  của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 57-CT/TU ngày 24/8/2020 của Tỉnh ủy Quảng Nam; theo đó tỉnh ghi nhận và thống nhất chủ trương tiếp tục duy trì, phát huy tính hiệu quả của mô hình này trong thời gian tới. Theo đó, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí các Chương trình, Đề án PBGDPL giai đoạn 2021 – 2025, trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; biên giới, hải đảo... Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí - cấp huyện tổ chức thực hiện - cấp xã tiếp nhận kết quả”./.

 

 

MÔ HÌNH “NHÀ GA XANH” TRONG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC

PHÁP LUẬT CHO HỌC SINH TẠI CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội

 

1. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội

2. Tên mô hình: NHÀ GA XANH

3. Phạm vi áp dụng: Toàn quốc

4. Đối tượng áp dụng: Thanh, thiếu niên từ 07 đến 17 tuổi

5. Mục đích:

- Bổ sung kỹ năng sống và kiến thức pháp luật sớm phù hợp lứa tuổi và hoàn cảnh cuộc sống cho thanh thiếu niên trên Toàn lãnh thổ Việt Nam, nơi áp dụng pháp luật Việt Nam;

- Giáo dục sớm khi trẻ chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

- Góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ phạm tội tuổi vị thành niên.

6. Nội dung

Dự án Nhà Ga Xanh với hoạt động chính là “Phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên Việt Nam tại các trường phổ thông dựa trên nền tảng tâm lý lứa tuổi”

Mục tiêu của Dự án “Nhà Ga Xanh” là hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc tại các trường học phổ thông nhằm tư vấn, tham vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến tâm lý - pháp lý học đường; hướng dẫn kỹ năng sống; định hướng nghề nghiệp dành cho các em học sinh, thanh thiếu niên có độ tuổi từ 07 đến 17 tuổi, đồng thời đưa ra những chương trình đặc biệt nhằm bảo vệ, giúp đỡ các em bị bạo hành, bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục và trang bị kỹ năng sống cho các em.

Hoạt động Phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên Việt Nam dựa trên nền tảng tâm lý lứa tuổi được triển khai dưới hình thức “Từ thiện tri thức” tại các trường phổ thông, có sự đồng ý Sở giáo dục và đào tạo, Phòng giáo dục các quận huyện và của Ban giám hiệu nhà trường. Chương trình tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các thông tin về pháp luật dành cho trẻ em và thanh thiếu niên theo hình thức sinh hoạt ngoại khóa hoặc từng tiết học theo từng lớp dựa trên việc đăng ký nội dung chia sẻ của Ban giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm. Bên cạnh đó, Chương trình còn xây dựng các nội dung mang tính phòng ngừa, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý - pháp lý học đường, hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh - thanh thiếu niên trên quy mô toàn trường, khối và lớp; xây dựng các câu lạc bộ hoạt động xã hội tại các trường nhằm giúp các em chủ động tư duy và xây dựng các việc làm có ích cho cộng đồng dân cư quanh em.

Nội dung triển khai các hoạt động của Chương trình Nhà Ga Xanh về các vấn đề liên quan đến Tâm lý - Pháp lý học đường sẽ được truyền tải một cách gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ thông qua các topic, slide chia sẻ và các câu chuyện hoạt động sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, bao gồm các lĩnh vực sau:

  • Các vấn đề liên quan đến tâm lý - pháp lý trong gia đình
  • Các vấn đề liên quan đến tâm lý - pháp lý tại nhà trường
  • Các vấn đề liên quan đến tâm lý - pháp lý ngoài xã hội

Ngoài hoạt động “Phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên Việt Nam tại các trường phổ thông dựa trên nền tảng tâm lý lứa tuổi”, Nhà Ga Xanh còn tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Nhà Ga Xanh. Tại Câu lạc bộ, các bạn học các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và thực hành các kỹ năng, rèn luyện cho các em tính kỷ luật cho các bạn học viên. Câu lạc bộ diễn ra thường xuyên và có danh sách quản lý, dễ dàng theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của các bạn. Đến với câu lạc bộ Ngày chủ nhật các bạn sẽ được rèn luyện các đức tính: trung, hiếu, nghĩa, biết tôn trọng danh dự của bản thân và người khác, biết yêu thương bản thân mình, gia đình và xã hội…

Các kỹ năng được các chuyên gia và đội ngũ nhân viên lựa chọn để phù hợp các các bạn học viên:

  • Nhóm kỹ năng mềm
  • Tìm hiểu về các vấn đề xã hội và pháp luật
  • Học kỹ năng đóng phim, clip, kịch về các nội dung pháp luật và cuộc sống

7. Các bước triển khai

Quy trình triển khai:

  - Nhân sự của dự án gồm các chuyên gia Tâm lý-Pháp lý là người xây dựng kế hoạch hoạt động của Chương trình, biên soạn các nội dung củachương trình “Phổ biến pháp luật học đường dựa trên nền tảng tâm lý lứa tuổi”. 

- Điều phối viên của dự án là người tổ chức thực hiện các buổi nói chuyện, tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề xã hội liên quan đến pháp lý học đường cho các em học sinh trong các trường phổ thông.

- Các luật sư, luật gia, chuyên gia tâm lý đã đăng ký tham gia Từ thiện tri thức… là người trực tiếp xuống trường phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh  theo nội dung giáo án đã được biên soạn.

Quy trình:

+ Giải thích và phối hợp tổ chức với ban giám hiệu từng trường tại địa phương nhằm lựa chọn mô hình phù hợp: Dự án triển khai phổ biến kiến thức qua nhiều mô hình hoạt động như: nói chuyện chuyên đề pháp luật; tổ chức diễn đàn toàn trường; giảng dạy cho lớp, khối lớp; hoạt động “câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật” ngay tại trường...

+ Tập hợp chuyên gia phù hợp tại địa phương;

+ Tập huấn nội dung và đào tạo kỹ năng sư phạm cho chuyên viên;

+ Triển khai hoạt động phổ biến kiến thức pháp luật tại trường;

+ Đánh gía kết quả sau hoạt động;

+ Tập hợp thông tin từ phía học sinh và nghiên cứu phản hồi.

  • Mô hình diễn đàn toàn trường với ưu điểm tiếp cận được số lượng lớn học sinh trong một khuôn khổ thời gian nhất định, thông thường diễn ra trong 60 phút đến 120 phút. Các chủ đề trong diễn đàn thường là những vấn đề đang được học sinh quan tâm như: Kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, sử dụng mạng xã hội như thế nào là văn minh - hiệu quả… Học sinh được tham gia phát biểu ý kiến và bày tỏ quan điểm của bản thân, giao lưu trực tiếp với các giảng viên và chuyên gia, được giải đáp câu hỏi ngay tại chỗ. Thông qua hình thức diễn đàn chúng tôi thu nhận được hiệu quả cao, có hiệu ứng tốt, có tính lan tỏa nhanh và rộng rãi.
  • Mô hình nói chuyện chuyên đề cũng là một hình thức phổ biến kiến thức pháp luật một cách hiệu quả đối với số lượng lớn học sinh. Ưu điểm dễ tiếp thu, kiến thức pháp luật được truyền tải một cách dễ hiểu, đơn giản, dễ ứng dụng. Các buổi nói chuyện chuyên đề được các chuyên gia dẫn dắt một cách nhẹ nhàng, không mang tính chất giảng dạy và kiểm tra mà chỉ là trao đổi chia sẻ với học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết nên học sinh dễ dàng đón nhận với tâm thế thoải mái.Trong các buổi nói chuyện chuyên đề, chuyên gia có nhiều thời gian và không gian hơn để tiếp xúc với học sinh, có thể đi sâu làm kỹ về nội dung, với thời lượng mỗi buổi nói chuyện chuyên đề từ 45 phút  đến 60 phút và diễn ra trong nhiều buổi nên học sinh có thể nắm bắt sâu một vấn đề hoặc mở rộng hiểu biết có liên quan xung quanh chuyên đề đó. Các nhóm chuyên đề dự án đã giảng dạy:
  • Các vấn đề liên quan đến tâm lý - pháp lý trong gia đình
  • Các vấn đề liên quan đến tâm lý - pháp lý tại nhà trường
  • Các vấn đề liên quan đến tâm lý - pháp lý ngoài xã hội
  • Mô hình giảng dạy tại lớp và khối lớp: chuyên gia phổ biến cho các em những chủ đề phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Với hình thức này, các em tiếp thu được những kiến thức pháp luật gắn liền với độ tuổi, chuyên gia có thể tương tác được với nhiều bạn và lắng nghe nhiều hơn ý kiến của học sinh.

8. Điều kiện đảm bảo thực hiện

- Kinh phí thực hiện: Dự án đã và đang kêu gọi các nguồn tài trợ xã hội hóa để hỗ trợ chi phí cho các hoạt động như nghiên cứu, phát hành sách, in ấn tài liệu, dựng phim, hoạt động tổng đài miễn phí cho thanh thiếu niên, phí đi lại.

­  - Nhân lực thực hiện: Dựa trên nền tảng trách nhiệm,nghĩa vụ của luật sư về phổ biến pháp luậtđối với cộng đồng (theo Luật luật sư), dự án đã kêu gọi các luật sư tham gia đăng ký theo hình thức hỗ trợ trẻ em, hoàn toàn từ thiện không nhận thù lao. Nhân sự tham gia dự án ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, thu hút được những luật sư, luật gia, chuyên gia tâm lý, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn sinh viên tình nguyện của các trường Cao đẳng, Đại học… có mong muốn cống hiến cho cộng đồng và sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ với tinh thần hoàn hoàn tự nguyện và từ thiện. Dự án Nhà Ga Xanh đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm nhất quán các hình thức và nội dung phổ biến, hỗ trợ tối ưu cho các chuyên viên đã giảng dạy và chuẩn bị sẵn nguồn chuyên viên cho hoạt động lâu dài. Các chuyên viên đều cam kết đồng hành cùng dự án cho đến khi kết thúc. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng chuyên gia đăng ký tham gia dự án Nhà Ga Xanh ghi nhận được như sau:

  • Nhóm chuyên gia cố vấn cấp cao:khoảng 10 người
  • Nhóm chuyên gia pháp lý: khoảng 1000 người
  • Nhóm chuyên gia tâm lý: khoảng 50 người
  • Nhóm tình nguyện viên (gồm sinh viên, luật sư tập sự, cá nhân có tâm huyết…): khoảng 500 người.

- Dự án sẽ hỗ trợ toàn bộ giáo trình giảng dạy, công cụ giảng dạy, chi phí đi lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyên gia.

9. Kết quả

Sau 3 năm triển khai tại địa bàn thành phố Hà Nội, chương trình “Phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên” của mô hình Nhà Ga Xanh đã thu được một số kết quả như sau:

- Có khoảng 360.000 lượt học sinh đã được tiếp cận với các kiến thức pháp luật thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, diễn đàn toàn trường, hoạt động câu lạc bộ tìm hiều pháp luật, đọc sách (bộ sách Tâm lý – Pháp lý học đường tập 1,2,3 do Dự án Nhà Ga Xanh xuất bản là bộ sách về pháp luật dành cho trẻ em học đường đầu tiên tại Việt Nam) giảng dạy tại lớp, khối lớp, tổ chức các chuyên đề toàn trường. Hiện nay dự án đang biên soạn bộ sách Pháp lý học đường từ lớp 1 đến lớp 10, dự kiến cuối năm 2020 sẽ trình Bộ Giáo Dục và Đào tạo thẩm định để làm tài liệu tham khảo trong các trường học.

- Nhận thức của học sinh đã thay đổi theo hướng tích cực, các em thay đổi thái độ và các hành vi ứng xử theo hướng tích cực hơn, ví dụ như: các em có kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, bạo lực gia đình, phòng tránh các nguy cơ xâm hại tình dục; Biết cách giảm xung đột trong các mối quan hệ bạn bè, người thân. Bên cạnh đó các em còn nhận thức được vai trò trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình và xã hội…

Một số kết quả đã đạt được của dự án Nhà Ga Xanh

STT

NỘI DUNG

ĐÃ THỰC HIỆN

1

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Pháp luật

- Có 03 cuộc thi tìm hiểu pháp luật học đường

2

Hoạt động câu lạc bộ tại các trường

- Có 25 CLB tại các trường

3

Phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh tại các trường

- Có 70 trường được tiếp cận phổ biến kiến thức pháp luật

- Tiếp cận 360.180 lượt học sinh

4

Các công cụ phổ biến pháp luật (câu chuyện pháp luật, sách..)

- Xuất bản 03 bộ sách Tâm lý – Pháp lý học đường

- Làm 10 video tình huống pháp lý học đường

- Xuất bản 02 giáo trình “Phổ biến pháp luật học đường dựa trên nền tảng tâm lý lứa tuổi

5

Số lượng các buổi tập huấn cho chuyên gia

- Có 03 buổi tập huấn chuyên gia

6

Số lượng các trường hợp bị vướng mắc các vấn đề trong cuộc sống được hỗ trợ tâm lý

- Có 4.130 trường hợp đã được tư vấn, hỗ trợ tâm lý qua tổng đài

10. Thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm

- Thuận lợi: chúng tôi đã nhận được:

+ Sự phối kết hợp đồng bộ của các cơ quan ban ngành và toàn xã hội

+ Sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức

+ Sự phối hợp của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh, bản thân thanh thiếu niên

+ Sự cam kết gắn bó lâu dài và cộng tác có trách nhiệm của các chuyên gia

- Khó khăn:

+ Tài chính: cần tiêu chí xã hội hóa để tạo điều kiện tham gia của các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp… tại mỗi địa phương nhằm hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu; in tài liệu cho chuyên gia, học sinh; công cụ giảng dạy; phí đi lại của chuyên gia, điều phối viên chương trình…

+ Chưa tổ chức được những buổi tập huấn nội dung, kỹ năng sư phạm cho các chuyên gia tại các tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội. Hiện tại chúng tôi mới tổ chức tập huấn cho chuyên gia tại Hà Nội.

+ Thời gian của học sinh bị hạn chế, không có thời gian riêng cho các buổi chia sẻ kiến thức pháp luật.

- Kinh nghiệm:

Bên cạnh đó chúng tôi luôn duy trì việc Đánh giá năng lực và hiệu quả của chương trình. Đánh giá năng lực và hiệu quả của chương trình là một hoạt động được Nhà Ga Xanh coi trọng nhằm không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình. Việc đánh giá dựa trên các phạm trù:

  • Khả năng quản lý chương trình
  • Chất lượng của đội ngũ chuyên gia và chương trình
  • Khả năng tiếp cận và mở rộng mạng lưới trường học
  • Nội dung đa dạng của các chuyên đề giáo dục pháp luật
  • Khả năng tiếp nhận và thay đổi nhận thức của học sinh

Kết quả đánh giá cho thấy các chương trình của Nhà Ga Xanh luôn nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ các trường học, phụ huynh về đội ngũ chuyên gia và các nội dung giảng dạy pháp luật tại trường. Chương trình được các em học sinh nhiệt tình đón nhận, khao khát tìm hiểu các nội dung

về pháp luật học đường, từ đó định hướng cho các em những quy tắc ứng xử hành động theo đúng pháp luật.

Có thể nói, các chương trình giáo dục pháp luật học đường của Nhà Ga Xanh đã góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về kiến thức pháp luật, giảm thiểu tội phạm vị thành niên, giúp các em trở thành những công dân sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và có ích trong tương lai.

11. Đánh giá tính ứng dụng và giải pháp nhân rộng mô hình

- Dự án có tính bền vững: được xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài, nguồn nhân lực thực hiện và triển khai dự án ổn định, phong phú, hoạt động hiệu quả tích cực với tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Dự án đã ký cam kết hợp tác lâu dài với các đoàn luật sư tại các tỉnh thành. Dự án có nguồn tình nguyện viên là sinh viên, chuyên gia dạy kỹ năng dồi dào, chất lượng.

- Dự án có tính ứng dụng cao:

+ Dựa trên tiêu chí “có nhu cầu” của cộng đồng: dự án Nhà Ga Xanh là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình “phổ biến kiến thức pháp luật dựa trên nền tảng tâm lý lứa tuổi”. Học sinh được tiếp cận với các chuyên gia có kinh nghiệm và tâm huyết với sứ mệnh vì cộng đồng.

+ Nhân sự: nguồn giảng viên có sẵn tại địa phương; các tỉnh, thành đều có đoàn luật sư, hội luật gia, hơn nữa việc trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng là trách nhiệm phải làm của mỗi luật sư.

- Dễ ứng dụng: dự án có mô hình hoạt động đa dạng được định hướng bởi các chuyên gia pháp lý – tâm lý

+ Tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, tổ chức diễn đàn toàn trường

+ Giảng dạy cho lớp, khối lớp

+ Hoạt động “câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật” ngay tại trường

+ Làm phim ngắn về tình huống vi phạm pháp luật

+ Tổng đài tư vấn hỗ trợ

- Dễ nhân rộng:

+ Có thể sử dụng nguồn giảng viên tại địa phương nên không tốn kém, không mất thời gian và công sức di chuyển.

+ Dễ tổ chức các lớp tập huấn chương trình giảng dạy.

Các chương trình của Nhà Ga Xanh luôn hướng tới đến mục tiêu đảm bảo tính bền vững của chương trình. Dự án không ngừng phát triển và mở rộng mối quan hệ với các trường học, duy trì hoạt động tuyên truyền pháp luật lâu dài cho các em học sinh. Đến nay, đã có trên 100 trường đăng ký phổ biến giáo dục pháp luật định kỳ cho học sinh.

 

 

 

 

 

 

 

 

THỰC HIỆN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÔNG QUA

TỔ CHỨC GAMESHOW VỀ PHÁP LUẬT TRÊN SÓNG TRUYỀN HÌNH

Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành

 

1. Vì sao phải đẩy mạnh truyền thông trên sóng truyền hình?

1.1. Tổng quan về truyền hình

- Hiện nay, do sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là các kênh truyền thông xã hội như facebook, youtube cùng các ứng dụng giải trí trực tuyến trên thiết bị di động (OTT), các ứng dụng xem video theo yêu cầu (VOD) đã làm cho truyền hình nói chung có sự sụt giảm.

- Tuy nhiên, truyền hình vẫn có sức mạnh riêng và chiếm lĩnh trong việc thu hút quảng cáo do khả năng đại chúng. TV vẫn là điểm đến quảng cáo hàng đầu cho các nhà tiếp thị, những người sẵn sàng chi số tiền lớn cho các chiến dịch quảng cáo và sử dụng nó làm phương tiện chính để ra mắt sản phẩm mới và thu hút khán giả đại chúng. Nhưng, khi khán giả tiếp tục chuyển sang kỹ thuật số và các nhà quảng cáo theo đuổi các chiến dịch đa kênh hơn, cần phải phát triển các định dạng quảng cáo truyền hình mới có nhiều khả năng thu hút và giữ sự chú ý của người xem.

- Theo nghiên cứu của Statista thì doanh thu truyền hình truyền thống thế giới vẫn tiếp tục tăng dù bị cạnh tranh mạnh bởi các kênh online khác. Thể hiện một phần sức mạnh của truyền hình: Doanh thu của ngành truyền hình truyền thống trên toàn thế giới từ 2018 đến 2022 luôn tăng đều và đạt trên 260 tỷ Đôla Mỹ[23].

1.2. Truyền hình tại Việt Nam

- Tuy có xu hướng suy giảm theo xu hướng thế giới, nhưng truyền hình tại Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm vàng khi vẫn giữ được vị trí số 1 tuyệt đối về doanh số quảng cáo.

- Bên cạnh đó, truyền hình tại Việt Nam như VTV, HTV, VTVCab đã nhanh chóng chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái đa kênh trong đó tập trung vào nền tảng OTT, VOD và kênh trực tuyến trên website. Thay vì chỉ khai thác nội dung trên sóng truyền hình truyền thống. Đây có thể coi là cách thức đa dạng hoá các nền tảng dựa trên nội dung đa dạng, nội dung gốc và nội dung hấp dẫn hướng tới người dùng như một cách khác để xem truyền hình. Xem truyền hình không chỉ trên sóng truyền hình.

- Xu hướng quay lại truyền hình của khán giả: Nhiều khán giả biết tới các nội dung thông qua kênh mạng xã hội như tiktok, facebook hay youtube sau đó họ yêu thích và lại quay lại để chờ xem trên sóng truyền hình.

  • VTV1 và VTV3 đứng đầu tỷ lệ người xem truyền hình

Thống kê cho thấy các kênh truyền hình phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong đó, VTV 1 đứng đầu với 32,51%, tiếp theo là VTV 3 với 29,39% và VTV 2 với 13,22%[24].

1.3. Sức mạnh của thương hiệu và lòng tin

- Truyền thông xã hội mặc dù phát triển rất nhanh chóng, nhưng cũng đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu, đặc biệt nhất là lòng tin. Do nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là vấn nạn tin giả, tin sai sự thật (fake news) chiếm tới 70% đã khiến cho thông tin trên truyền thông xã hội tuy thu hút được công chúng nhưng lại để lại nhiều hoài nghi. Hiện nay đa phần công chúng đã nhận thức được điều này và họ thường chờ đợi dòng thông tin từ các kênh chính thống như báo chí, truyền hình trước khi tin tưởng vào thông tin của truyền thông xã hội. Đặc biệt với các kênh báo chí lớn đã có định danh và thương hiệu như VTV, TTX Việt Nam…

II. Về chương trình Sức nước ngàn năm

Thực hiện Chương trình phối hợp số 168/CTPH-PBGDPL-CTCPTTTT ngày 31/5/2018 và Thỏa thuận hợp tác ngày 06/8/2019 giữa Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành về tổ chức chương trình truyền hình “Sức nước ngàn năm” trên sóng VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, căn cứ các hoạt động phối hợp giữa các bên, Công ty Cổ phần truyền thông Trường Thành tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, cụ thể như sau:

  1. Về tổ chức sản xuất, phát sóng Chương trình

Chương trình truyền hình “Sức nước ngàn năm” đã được tổ chức sản xuất và chính thức bắt đầu lên sóng từ ngày 15/4/2018 vào khung giờ 09h00 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Tính đến ngày 06/12/2020, chương trình “Sức nước ngàn năm” đã phát sóng được 132 số (trong đó 52 số năm 2018, 52 năm 2019 và 28 số năm 2020) với sự tham gia của 500 người chơi, đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như: ca sĩ, diễn viên, nhà báo, bác sĩ, nhiếp ảnh gia, người mẫu, giảng viên, sinh viên đại học… Những người chơi mà tham gia chương trình đều là những nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực của xã hội, những người có gương mặt, có sự ảnh hưởng đối với đông đảo các khán giả. Họ có kinh nghiệm, kiến thức nhất định về một lĩnh vực cụ thể để có thể đưa ra phương án giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp lý, đặc biệt, họ biết giao lưu, tung hứng với MC cùng những người chơi khác làm cho chương trình trở nên hấp dẫn, thu hút khán giả xem chương trình hơn. Tổng chi phí giải thưởng dành cho những người chơi lên đến gần 1,5 tỷ đồng.

Chương trình truyền hình “Sức nước ngàn năm” được tổ chức nội dung dưới dạng format chương trình gameshow – trò chơi truyền hình. Đây là thể loại chương trình thuộc nhóm chương trình giải trí, thể loại được yêu thích chỉ đứng sau tin tức và phim. Trong nhiều trường hợp, các gameshow truyền hình có thể chiếm lĩnh được vị trí độc tôn về rating cao hơn cả phim và tin tức, đặc biệt với khán giả trẻ.

Các nội dung pháp luật được truyền tải trong chương trình được đánh giá là thiết thực, gần gũi, đa dạng, phong phú gắn với mọi mặt đời sống xã hội như: dân sinh, y tế, văn hóa, giáo dục, tư pháp, chính sách xã hội… Tính đến tháng 9/2020, chương trình đã phổ biến các nội dung liên quan đến hơn 300 văn bản pháp luật, bao gồm những văn bản pháp luật mới được ban hành, những chủ đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.

Bắt đầu từ ngày 24/5/2020, chương trình có sự đổi mới nội dung nhằm tạo sự hấp dẫn, đa dạng về vùng miền, thu hút sự theo dõi rộng rãi của khán giả xem truyền hình với điểm nhấn là từ format hai đội chơi, đã chuyển thành 3 người chơi có cơ hội giành giải thưởng cao nhất lên tới 50.000.000 đồng cùng người đồng hành mới là MC Nguyên Khang – một gương mặt MC đến từ miền Nam.

Mỗi chương trình đều có sự xuất hiện của 1 tới 3 người chơi là các influencers (người có tầm ảnh hưởng) như diễn viên, ca sỹ, nghệ sỹ, người nổi tiếng các lĩnh vực. Họ vừa đóng vai trò là người chơi sôi nổi, hoạt bát thu hút công chúng, khán giả vừa đóng vai trò là kênh truyền thông khi chia sẻ các nội dung và thương hiệu chương trình trên các kênh cá nhân trên mạng xã hội.

Công ty Trường Thành đã nỗ lực làm việc cùng Đài truyền hình Việt Nam để chương trình được trình chiếu trên khung giờ vàng (khoảng 9h00 sáng chủ nhật hàng tuần) trên VTV3 (kênh truyền hình có tỷ lệ người xem luôn đứng thứ nhất hoặc thứ hai ở Việt Nam. Đây là khung giờ rất phù hợp với thói quen xem truyền hình của khán giả Việt Nam. Từ năm 2018 tới nay, sau mỗi năm chương trình lại có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên sóng truyền hình và trong lòng khán giả thể hiện qua tỷ lệ rating tăng từng năm. Rating (tỷ lệ người xem chương trình) chương trình “Sức nước ngàn năm” năm 2020 luôn ở mức 3.0 – 4.5, đây là một tỷ lệ rất cao của truyền hình hiện nay.

Đánh giá chung: Từ khi lên sóng, chương trình đã từng bước trở nên quen thuộc, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả xem truyền hình cả nước và là sân chơi tìm hiểu pháp luật của người dân đến từ khắp các tỉnh, thành khác nhau, qua đó góp phần thúc đẩy và tạo dựng phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật. Chương trình luôn được đánh giá có nội dung tốt và là một trong những chương trình có tỉ lệ người xem cao trong khung giờ cuối tuần trên kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam. Đây là chương trình đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tuyên truyền pháp luật dưới dạng chương trình gameshow theo tuần. Thể hiện sự sáng tạo, khác biệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình tổ chức, sản xuất chương trình tồn tại một số khó khăn như sau:

(i) “Sức nước ngàn năm” là gameshow thi tìm hiểu pháp luật - vốn là lĩnh vực khó và có tính chuyên môn cao nên có sự hạn chế về tính giải trí của chương  trình.

(ii) Do đặc thù của các gameshow truyền hình thường phải ghi hình trước khi phát sóng từ 2 – 3 tháng. Vì vậy, cũng gây khó khăn cho chương trình trong việc cập nhật các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm.  

  (iii) Về công tác chuẩn bị nội dung ghi hình: Sức nước ngàn năm là một gameshow đặc thù về pháp luật. MC của chương trình và người chơi cần có nhiều thời gian để chuẩn bị trước do vậy thời gian ghi hình trên trường quay kéo dài hơn dự kiến.

(iv) Gameshow truyền hình chưa có sự quan tâm, vào cuộc rộng rãi của các Bộ, các cơ quan ban ngành trong việc tham gia, hợp tác và triển khai chương trình nhằm phổ biến, tuyên truyền những kiến thức pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân.

2. Về phối hợp thực hiện Chương trình

Sau khi chương trình được ký kết, Vụ PBGDPL đã phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành thực hiện các nội dung phối hợp hai bên đã thống nhất. Ngày 07/6/2018, Vụ đã trình xin ý kiến Lãnh đạo Bộ về đề xuất danh sách các chuyên gia tham gia Ban cố vấn chương trình[25] và xuất hiện trên generic của Chương trình. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo, Vụ đã phối hợp với các chuyên gia am hiểu pháp luật góp ý, thẩm định về nội dung thông tin pháp luật dự kiến tuyên truyền, phổ biến qua các tình huống, vụ việc, câu hỏi cụ thể bảo đảm chính xác, kịp thời, sát nhu cầu xã hội và thực tiễn công tác PBGDPL. Sang năm 2019, trên cơ sở Thỏa thuận mới ký ngày 06/8/2019 và danh sách các chuyên gia do Vụ PBGDPL cung cấp, Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành đã chủ động liên hệ, phối hợp với các chuyên gia thẩm định về nội dung câu hỏi phát sóng.

Bên cạnh đó, để việc tổ chức, phát sóng chương trình gắn với các sự kiện của đất nước, đặc biệt là các sự kiện chính trị pháp lý, nhân hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2018, 2019, 2020, Vụ đã định hướng nội dung thông tin tuyên truyền về sự kiện này thông qua các câu hỏi về Ngày Pháp luật Việt Nam phát sóng vào tháng 11/2018, 11/2019, 11/2020, từ đó góp phần truyền thông, phổ biến rộng rãi về Ngày Pháp luật Việt Nam và nâng cao nhận thức, ý thức chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.

Để quảng bá, giới thiệu về chương trình, thông qua hoạt động quản lý nhà nước (báo cáo định kỳ, xây dựng kế hoạch hoạt động, hướng dẫn, các phiên họp của Hội đồng, Ban Thư ký Hội đồng…) Vụ đã chủ động thông tin về việc triển khai thực hiện chương trình “Sức nước ngàn năm” tới các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Ngày 02/4/2019, Vụ đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL để tổng kết, đánh giá sơ bộ tình hình triển khai thực hiện chương trình, đánh giá hiệu quả đạt được, đồng thời thống nhất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Đánh giá chung: Qua hơn 02 năm thực hiện chương trình, hai bên đã chú trọng công tác phối hợp, thường xuyên có sự trao đổi thông tin liên hệ, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, phát sóng chương trình theo đúng tiến độ, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa hai bên còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, cụ thể như sau:

(i) Việc phát huy vai trò của mỗi bên trong việc thực hiện các nội dung phối hợp trong việc hỗ trợ, tư vấn, định hướng, chủ đề nội dung quy định pháp luật gắn với các sự kiện lớn của đất nước và những vấn đề “nóng” còn chưa được thực hiện thường xuyên, chưa theo kịp với những diễn biến, tình hình thực tế; việc thông tin trao đổi về những vấn đề cấp thiết được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội còn chưa kịp thời nên việc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế.

(ii) Hoạt động kết nối giới thiệu, quảng bá chương trình đến các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chưa được đẩy mạnh. 

(iii) Việc điều phối huy động sự tham gia của các chuyên gia trong việc thẩm định nội dung gặp một số khó khăn do hầu hết chuyên gia kiêm nhiệm nhiệm vụ quản lý, bận nhiều công việc.

  (iv) Hoạt động thẩm định nội dung đôi khi còn chậm làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị tổ chức ghi hình; kinh phí thẩm định còn hạn hẹp nên chưa thực sự khuyến khích sự tham gia của chuyên gia trong việc nâng cao chất lượng nội dung của chương trình.

3. Một số phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác, đồng thời tạo cơ chế linh hoạt, thuận lợi trong việc phối hợp tổ chức chương trình, trong thời gian tới, hai bên tập trung phối hợp thực hiện các nội dung sau đây:

(i) Tổ chức cuộc họp để sơ kết, đánh giá kết quả công tác phối hợp triển khai chương trình “Sức nước ngàn năm” trong thời gian qua; định hướng giải pháp tiếp tục triển khai chương trình trong thời gian tới theo hướng thắt chặt và nâng cao hiệu quả hơn nữa mối quan hệ phối hợp thực hiện chương trình “Sức nước ngàn năm” nói riêng, công tác PBGDPL nói chung.

(ii) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL thông qua chương trình “Sức nước ngàn năm”, đồng thời nghiên cứu, mở rộng một số hoạt động phối hợp giữa hai bên như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật hướng đến cán bộ, công chức cơ sở; biên soạn nội dung cẩm nang “Sức nước ngàn năm”… Qua đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật của người dân.

(iii) Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong việc hỗ trợ tư vấn, định hướng về chủ đề, cập nhật nội dung quy định trong các văn bản pháp luật mới ban hành; chú trọng hơn nữa việc tư vấn các nội dung thông tin pháp luật qua các tình huống, vụ việc, câu hỏi cụ thể bảo đảm chính xác, kịp thời, sát nhu cầu xã hội và thực tiễn công tác PBGDPL. Đồng thời, kết nối giới thiệu Chương trình đến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để cùng phối hợp, tham gia và triển khai chương trình, thực hiện công tác PBGDPL trên từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng quản lý trong khuôn khổ Chương trình.

(iv) Kiện toàn Ban cố vấn Chương trình phù hợp đối với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ và đội ngũ chuyên gia tư vấn xuất hiện trên generic của Chương trình khi phát sóng cũng như tham gia triển khai các nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ thẩm định nội dung trên thực tế.

(v) Tổ chức các hoạt động, tuyên truyền, giới thiệu chương trình, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi và thiết thực trên từng lĩnh vực, địa b để các Bộ, các cơ quan ban ngành biết đến, hưởng ứng, cùng tham gia, hợp tác và triển khai chương trình.

 

[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường: thi trắc nghiệm trên Báo Cựu chiến binh Việt Nam đã thu hút: 40.547 bài dự thi, trên Báo pháp luật Việt Nam đã thu hút trên 11.088 bài dự thi; thi viết bài cho đối tượng là nông dân đã thu hút 457.160 bài dự thi.

[2] TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hậu Giang, An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Cà Mau,Bắc Giang, Bình Định, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Nam, TP. Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, Thừa thiên Huế, Yên Bái, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Ninh

[3] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải.....

[4] Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đưa môn Xã hội học pháp luật vào chương trình đào tạo sau đại học của ngành luật từ khi thành lập (năm 2010); nhiều cơ sở đào tạo luật khác cũng đã đưa môn này vào chương trình đào tạo ở bậc đại học.

 

[5] Thông tư số 47/2012/TT-BQP ngày 31/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trong Quân đội; Thông tư số 103/2012/TT-BQP ngày 26/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp trong Quân đội; Thông tư số 79/2013/TT-BQP ngày 26/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế trong Quân đội; Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định công tác PBGDPL trong Bộ Quốc phòng.

[6] Tổ chức 35 hội nghị triển khai Đề án ở các cấp; nghiên cứu, biên soạn 86 loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật; mua 65 đầu sách pháp luật, biên tập 60 tiểu phẩm, phát hành đĩa; biên soạn 20 chuyên đề PBGDPL; xây dựng 1.420 ngăn sách, tủ sách pháp luật; in 6 loại tài liệu = 100.000 cuốn bằng tiếng dân tộc Mông, Nùng, Tày, Thái, Rarai, Khơ me; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban Biên giới Quốc gia cung cấp 12 nội dung chương trình tuyên truyền; 100% các xã, phường biên giới đã thành lập câu lạc bộ tư vấn pháp luật; tư vấn trên 600.000 lượt quần chúng nhân dân trên địa bàn; tổ chức trên 6.000 buổi diễn văn hóa văn nghệ, chiếu phim; 1.560 tổ tuyên truyền pháp luật ở cơ sở được thành lập; tổ chức tuyên truyền 14.300 buổi cho hàng trăm ngàn lượt người trên địa bàn các xã, phường biên giới và ngư dân đi biển dài ngày...

[7] Ngành điều tra hình sự tổ chức tập huấn 2 hội nghị số lượng 370 lượt người; đưa vào chương trình học tập hằng năm của cơ quan điều tra hình sự BQP và 25/25 đầu mối các phòng điều tra hình sự, 16/16 trại tạm giam, trại giam; tuyên truyền cho những người làm công tác điều tra, quản lý giam, giữ, cải tạo phạm nhân và các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án hình sự được 1.500 lượt người. Các tòa án quân sự đã tuyên truyền được 2.809 gi tại các địa phương, đơn vị. Viện Kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực và tương đương đã tuyên truyền cho 91.117 lượt người về nội dung Công ước chống tra tấn và các văn bản có liên quan; Ban Thanh niên Quân đội trực tiếp tổ chức và hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức đoàn các cấp tập huấn cho 11.930 cán bộ đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên; Vụ Pháp chế BQP tập huấn cho trên 600 báo cáo viên pháp luật các cấp; in, phát hành đến cấp đại đội và tương đương, số lượng 52.000 cuốn tài liệu; 22.140 cuốn tài liệu chuyên sâu với 5 chuyên đề; mua 10.000 cuốn tài liệu Công ước chống tra tấn và các cam kết quốc tế về quyền con người và pháp luật của Việt Nam có liên quan cấp đến cơ sở; biên tập, in 27.000 tờ gấp, 7.500 đĩa DVD; các báo trong Quân đội đăng 541 tin, 33 phóng sự, 6 chuyên đề, 10 phỏng vấn; Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng cập nhật và đăng tải 132 văn bản QPPL của Việt Nam và quốc tế có liên quan đến Công ước chống tra tấn; Tổng cục Chính trị chỉ đạo và tổ chức làm điểm tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa tại 20 đơn vị cơ sở trong toàn quân; Cục Nhà trường hướng dẫn 12 học viện, trường sĩ quan đưa vào giảng dạy.

[8] Biên soạn, phát hành 10.000 tờ gấp giới thiệu nội dung cơ bản của Luật PCTN, 15.000 tờ gấp “Nhận diện tham nhũng”; xây dựng chuyên đề “Quán triệt, triển khai thực hiện pháp luật về PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” để tổ chức học tập trong toàn quân; tập huấn cho 100% BCVPL cấp Trung ương đang công tác trong Quân đội, báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật PCTN...

[9] Tổ chức tập huấn cho 34.001 đồng chí cán bộ từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và cấp 4.730 đĩa phim giáo dục QP và AN; 4.730 đĩa phim tài liệu; in, cấp phát 53.071 cuốn Luật Giáo dục QP và An ninh; cấp 4.730 đĩa phim bồi dưỡng kiến thức QP và AN cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; 5.920 cuốn các văn bản về giáo dục QP và AN; 2. 920 cuốn hỏi - đáp về giáo dục QP và AN; Đài THVN, Đài Tiếng nói VN, Đài Phát thanh - TH các địa phương, các báo Trung ương và địa phương, báo ngành, tạp chí đều có chuyên trang, chuyên mục về QP và AN

[10] Phổ biến pháp luật về DQTV cho 399.803 cán bộ với 5.828 lớp cho đội ngũ cán bộ chủ trì; chỉ đạo và tổ chức 763 cuộc thi tìm hiểu cho 16.868 Chỉ huy trưởng BCHQS cấp xã, Chỉ huy trưởng BCHQS cấp tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng - TMT BCHQS cấp tỉnh…

[11] Tổ chức 4.425 lớp tập huấn cho 678.400 cán bộ Đoàn các cấp trong Quân đội; tuyên truyền 126.323 lần với 3.239.750 lượt người tham dự; biên tập, phát hành 85.000 cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL cho các đối tượng đảm nhiệm công tác PBGDPL; phát hành 83.000 đĩa DVD; biên soạn 77.850 cuốn sách nghiệp vụ, 675.135 tờ gấp, cung cấp 12.000 bản tin, 10.500 pa nô có nội dung tuyên truyền, PBGDPL. Một số mô hình, phong trào nổi bật của Đề án: “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông” và ngày hội “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông”; “Thanh niên Quân đội với pháp luật, kỷ luật và văn hóa giao thông” với sự tham gia của gần 6000 cán bộ, đoàn viên thanh niên. Mô hình “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật”; “Tuổi trẻ với pháp luật” “Tháng - Tuần điều lệnh, “Tự giác, tự quản, tự rèn” “Chi đoàn không có thanh niên đào, bỏ ngũ”…; đặc biệt, Cuộc thi tìm hiểu pháp luật nhân dịp tổng kết 5 năm Ngày Pháp luật Việt Nam (2018) đã có hơn 420.000 bài thi…

[12] Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; các địa phương đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quốc phòng; cấp Bộ Quốc phòng đã biên soạn 330.76 cuốn tài liệu; tổ chức 01 lớp tập huấn toàn quốc cho trên 7.547 đồng chí; cấp địa phương đã tổ chức 2.252 lớp tập huấn cho 229.535 người. Cấp Bộ Quốc phòng đã tuyên truyền 300 tin, bài trên truyền hình và phát thanh Quân đội; tổ chức tọa đàm đưa Luật Quốc phòng vào cuộc sống. Hầu hết các đài phát thanh - truyền hình, Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tuyên truyền, phổ biến Luật Quốc phòng; các đơn vị Quân đội tổ chức tuyên truyền Luật Quốc phòng thông qua các thiết chế văn hóa ở cơ sở… 

[13] Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng và 59 Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp trực thuộc BQP; tất cả các hội đồng được thành lập đều có quy chế và duy trì hoạt động thường xuyên.

[14] Hiếp pháp, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Cư trú, Luật Quốc phòng, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật An ninh mạng, Luật Cảnh sách biển Việt Nam, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; các nghị định, thông tư liên quan đến quân sự, quốc phòng…

[15] Toàn quân hưởng ứng, thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 09/11) theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp, gắn với đặc thù Quân đội, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Ngoài ra, Mô hình Ngày Pháp luật hằng tháng trong Quân đội được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức nền nếp, bám sát kế hoạch, hướng dẫn của trên, gắn với nhu cầu pháp luật của quân nhân, CNVCQP và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Hình thức tổ chức phong phú, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế đơn vị, trong đó các hình thức được áp dụng phổ biến là: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, mời chuyên gia pháp lý, cán bộ ở cơ quan pháp luật trong, ngoài Quân đội giảng dạy, nói chuyện pháp luật tập trung, tọa đàm, sân khấu hóa, tổ chức các trò vui chơi, giải trí kết hợp tuyên truyền, PBGDPL…

[16] Toàn quân có 4951 tủ sách pháp luật được thành lập và đang hoạt động, với bình quân 60 loại văn bản, tài liệu pháp luật/1 tủ sách; ngoài ra, một số đơn vị do yêu cầu nhiệm vụ đặc thù xây dựng ngăn sách pháp luật, túi sách pháp luật, hộp sách pháp luật thao trường...

[17] Một số chương trình, chuyên mục nổi bật của các cơ quan báo chí Quân đội: Tạp chí QPTD duy trì chuyên mục Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật; Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam duy trì Chuyên mục “Thư viện Quốc phòng”. Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng duy trì “Trang Pháp luật quân sự, quốc phòng”. Báo Quân đội nhân dân duy trì Chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện kỷ luật”, Chuyên trang “Ý kiến Chiến sĩ”. Trên Báo Quân đội Nhân dân điện tử duy trì Chuyên trang Pháp luật với các Chuyên đề như: An ninh trật tư, Luật sư của bạn, Đường dây nóng. Chương trình phát thanh Quân đội hàng tuần duy trì Chuyên mục “Nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội”...;

[18] Kiện toàn đủ số lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật của 39 học viện, nhà trường quân đội với 176 đồng chí giảng viên và giáo viên; trong đó 100% có trình độ đại học và trên đại học (Trình độ đại học 100đ/c = 56,8%; trình độ trên đại học là 76 đ/c = 43,2%); mở 03 lớp đào tạo văn bằng 2 cho cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế, PBGDPL; Chỉ đạo Học viện Biên phòng mở mã ngành tuyển sinh, đào tạo Đại học Luật.

[19] Tổ chức 18 lớp tập huấn cho khoảng trên 1.500 BCVPL, TTVPL các cấp trong toàn quân; tổ chức Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại 90 đầu mối trực thuộc Bộ; mỗi năm biên soạn, phát hành 70.000 cuốn tài liệu PBGDPL trong Quân đội, 75.000 tờ gấp pháp luật;

[20] Trong 5 năm (2016 - 2020) cấp Bộ Quốc phòng đã tổ chức kiểm tra đến cấp cơ sở (128 lần) đối với các loại hình cơ quan, đơn vị (cơ quan tham mưu; đơn vị bộ đội chủ lực; đơn vị bộ đội địa phương; học viện, nhà trường quân đội; đơn vị làm kinh tế…) đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PBGDPL và tình hình chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội.

[21] Đã chỉ đạo và tổ chức sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW[21]; sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TW[21]; tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ (2008 - 2012) và trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 41 tập thể và 41 cá nhân trong Quân đội có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng[21]; sơ kết 3 năm thực hiện Luật PBGDPL và tổng kết thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg[21]; tổng kết 5 năm (2013- 2018) hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong đó, cấp Bộ Quốc phòng tổ chức tổng kết, tôn vinh, khen thưởng đối với 61 tập thể và 61 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL và hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thực hiện Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 ngày 16/5/2019 của Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thường vụ QUTW, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức tổng kết; các cơ quan, đơn vị trực thuộc QUTW đã hoàn thành việc tổng kết, báo cáo kết quả đúng thời gian quy định, hướng dẫn.

 

[22] Tính riêng trong 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TU, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan giúp việc của Tỉnh ủy đã tổ chức trên 300 cuộc khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá tại các huyện ủy, thành ủy, nhất là tại các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố qua đó kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở cũng như điều chỉnh các nội dung, cách thức chỉ đạo của tỉnh.

[23] Theo Khảo sát Giải trí và Truyền thông của Statista.

[24] Theo nghiên cứu được phát hành bởi Statista 2020.

[25] Gồm 07 đồng chí chuyên gia, cụ thể là:

1. TS. Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp;

2. TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế;

3. ThS. Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế;

4. TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý;

5. TS. Nguyễn Kim Thoa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính;

6. TS. Đỗ Xuân Lân, Chánh Văn phòng  Đảng - Đoàn thể;

7. Ths. Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính.

Được đăng trong chuyên mục: Tin Tức Sự Kiện