Ngày 28/7/2020, Ủy ban nhân dân Quận 9 tổ chức tập huấn Luật Bảo vệ bí mật nhà nướcvà các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác Bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan, đơn vị thực hiện đúng theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020.
Đồng chí Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND quận, phát biểu chỉ đạo
Tham dự có đồng chí Trung tá Trần Văn Đông, Phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ CA Thành phố; đồng chí Lê Thị Kim Chi, UV. BTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận.
Tại buổi tập huấn, đại biểu đã nghe đồng chí Trung tá Trần Văn Đông, Phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ CATP hướng dẫn Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 quy định chi tiết về: xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; Địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; Chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước.
So với Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 đã bổ sung 05 nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước. Đây là những nguyên tắc quan trọng có tính chỉ đạo xuyên suốt trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm công tác này được thực hiện hiệu quả, cụ thể như sau:
- Một là, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Hai là, bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Ba là, việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Bốn là, chủ động phòng ngừa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
- Năm là, bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định của Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.
Theo đó, một số nội dung về bảo vệ bí mật nhà nước được quy định như sau: Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước theo Nghị định quy định người soạn thảo, tạo ra thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, nơi nhận, số lượng bản phát hành; Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo Nghị định số 26/2020/NĐ-CP có ba hình thức sao: sao y bản chỉnh, sao lục và trích sao. Giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trước và sau khi giao nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đăng ký vào “ Sổ đăng ký bí mật nhà nước đi” và “ Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến” theo quy định. Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tại Nghị định số 26/2020/NĐ-CP thì các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước. Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách và kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Nghị đinh số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này (Nghị định số 26/2020/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành./.