Chiều 19/10/2022, đồng chí Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Huỳnh Văn Phạm Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì Hội nghị chuyên đề “giải pháp nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn Huyện.
Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng, là phương thức hiệu quả giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, sống có ý thức với cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng, coi trọng nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, phát huy và gìn giữ mối quan hệ hài hòa trong mỗi gia đình và xã hội.
Qua gần 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và Nghị định 15/2014/NĐ – CP ngày 27 tháng 2 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm, tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Huyện đi vào ổn định, từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nề nếp. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm xây dựng đội ngũ hòa giải viên có phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm để thực hiện các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Ngoài ra, UBND huyện giao Phòng Tư pháp tham mưu tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời bổ sung kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở cho lực lượng hòa giải viên.
Toàn địa bàn huyện có 106 ấp, khu phố tương đương với 106 Tổ hoà giải, Tổ hoà giải được Chủ tịch UBND xã - thị trấn ký quyết định công nhận; trong đó mỗi Tổ hòa giải có từ 5 đến 7 thành viên, trong đó: 176 hòa giải viên nữ (chiếm tỷ lệ 27,41%), 466 hòa giải viên nam (chiếm tỷ lệ 72,59%). Thành viên Tổ hòa giải cơ cấu thường là Trưởng ấp, khu phố, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, đại diện Chi hội Hội Nông dân, đại diện Chi Đoàn, đại diện Chi hội Hội Liên hiệp Phụ nữ, đại diện Chi hội Hội Cựu chiến binh, đại diện Chi hội Hội Người cao tuổi, Công an khu vực, người có uy tín. Tổ trưởng Tổ hòa giải hầu hết là Trưởng ấp, khu phố hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố.
Trao đổi, thảo thuận tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra một số ý kiến, kiến nghị như: Cần phân biệt rõ giữa thực hiện hòa giải tại Tổ hòa giải và hòa giải tại UBND xã đối với các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng; UBND xã - thị trấn cần quan tâm chỉ đạo công chức tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ đối với các thành viên Tổ hòa giải; các thành viên Tổ hòa giải phải lịch sự, hòa nhã, lắng nghe họ trình bày sự việc, không nghiêng về phía nào, hoàn toàn trung lập; từ đó mời hai bên tranh chấp ngồi lại nói chuyện, hòa giải, thống nhất quan điểm giải quyết vụ việc; cần có hỗ trợ kinh phí cho Tổ hòa giải (trích từ kinh phí nhà nước hoặc xã hội hóa); hòa giải viên phải có trang bị kiến thức pháp luật đối với công tác hòa giải các vụ tranh chấp đất đai, xây dựng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Đức Thanh đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung một số nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận - Đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác hòa giải cơ sở; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu xót tồn tại; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên hàng năm; “Phòng Tài chính Kế hoạch, Phòng Tư pháp có hướng dẫn UBND các xã - thị trấn thực hiện 100% Tổ hòa giải được hỗ trợ kinh phí” - đồng chí Võ Đức Thanh đặc biệt chỉ đạo.