• Tháng Mười 28, 2022

Nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Đề án), theo đó, Thành phố đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết Đề án tại UBND phường Thạnh Mỹ Lợi

Quá trình triển khai thực hiện Đề án, căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án của Trung ương và thực tiễn triển khai, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn 03 đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành dưới 80% để làm điểm của Thành phố gồm: xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh và phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức. Đến nay, 02/03 địa phương được chọn làm điểm của Thành phố đã tổ chức các Hội nghị tổng kết Đề án.

Đại diện Sở Tư pháp phát biểu tại Hội nghị

Đến dự các Hội nghị tổng kết Đề án có đồng chí Trần Việt Thái, đồng chí Y Thắng là Trưởng phòng và Phó phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác phối hợp tham mưu triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố (Hội Luật gia Thành phố và Ban Dân tộc Thành phố); đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hóc Môn và thành phố Thủ Đức; đại diện lãnh đạo, công chức các Phòng Tư pháp; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thới Tam Thôn - huyện Hóc Môn, phường Thạnh Mỹ Lợi- thành phố Thủ Đức và tổ trưởng các tổ hòa giải trên địa bàn xã Thới Tam Thôn - huyện Hóc Môn và phường Thạnh Mỹ Lợi- thành phố Thủ Đức.

Các tập thể, cá nhân được thành phố Thủ Đức tặng giấy khen

Để ghi nhận những nỗ lực, thành tích nổi bật của các tập thể và cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong quá trình triển khai thực hiện Đề án ở cơ sở, theo đó, tại Hội nghị tổng kết Đề án của phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức (diễn ra vào sáng ngày 26/10/2022), đã có 03 tập thể và 01 cá nhân (UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, Ủy ban MTTQVN phường Thạnh Mỹ Lợi, Tổ hòa giải khu phố 1 và 01 công chức Tư pháp – Hộ tịch phường Thạnh Mỹ Lợi) vinh dự được trao nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức; 04 tổ hòa giải và 01 cá nhân được trao nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thạnh Mỹ Lợi. Tại Hội nghị tổng kết Đề án Ủy ban nhân dân xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (diễn ra vào chiều ngày 05/10/2022), đã có 14 tập thể (13 tổ hòa giải và Ủy ban MTTQVN xã) được trao nhận giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Các tập thể, cá nhân được UBND xã Thới Tam Thôn tặng giấy khen

Qua báo cáo tổng kết Đề án của các địa phương, có thể thấy rằng, việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được bước chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố; nhận thức của chính quyền, đoàn thể các cấp, của chính hòa giải viên và Nhân dân trên địa bàn Thành phố về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở không ngừng được nâng lên, ngày càng có nhiều người dân ưu tiên lựa chọn giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư thông qua phương thức hòa giải ở cơ sở. Với việc triển khai các hoạt động cụ thể của Đề án như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở… có thể thấy sự thay đổi rõ rệt cả về số lượng hòa giải viên lẫn chất lượng hoạt động của tổ hòa giải viên trên địa bàn Thành phố so với thời điểm trước khi có Đề án, hòa giải viên hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, từng bước tiếp cận, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu, tra cứu cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan để vận dụng giải quyết các vụ, việc hòa giải cụ thể nảy sinh từ thực tiễn, nhờ đó mà tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành ngày càng cao, góp phần tích cực bảo đảm ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu dân cư, hạn chế đáng kể số vụ, việc phải đưa ra Tòa án và cơ quan nhà nước giải quyết, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư./.

                        Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh

Được đăng trong chuyên mục: Tin Tức Sự Kiện