Sáng ngày 23/8, 03 đơn vị thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Cần Giờ gồm Hội liên hiệp phụ nữ huyện, Tòa án Nhân dân huyện và Viện kiểm sát Nhân dân huyện phối hợp tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực gia đình”.
Tham dự có bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; bà Nguyễn Thùy Minh, Thẩm phán, Tòa án Nhân dân huyện; ông Võ Minh Quyên, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát Nhân dân huyện; cùng các chị là Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ; Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn; Ban chấp hành Chi hội phụ nữ khu phố, ấp; tổ trưởng phụ nữ, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn và thành viên tổ tư vấn cộng đồng tại cơ sở; các đồng chí là cán bộ, công chức Tòa án Nhân dân huyện.
Phiên tòa giả định với chủ đề: "Phòng, chống bạo lực gia đình" được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại Tòa án nhân dân huyện; tình huống giả định là phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc Ly hôn giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Vợt và bị đơn là ông Nguyễn Thanh Quán cùng hộ khẩu thường trú tại 999 ấp Thạnh Bình, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM.
Theo nội dung vụ án, bà Nguyễn Thị Vợt và ông Nguyễn Thanh Quán kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện và có đăng ký kết hôn theo giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số 99, ngày 23/01/2016 do Ủy ban nhân dân xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh cấp nên có đủ căn cứ xác định quan hệ hôn nhân giữa bà Nguyễn Thị Vợt và ông Nguyễn Thanh Quán là hợp pháp, quyền lợi của các bên được pháp luật bảo vệ.
Bà Vợt yêu cầu xin ly hôn vì cho rằng ông Quán không lo cho vợ con, thường xuyên ghen tuông vô cớ nên đánh đập bà, bản thân ông Quán không chịu xin đất của cha mẹ để được Nhà nước cấp nhà tình thương mà vẫn để cho vợ con sinh sống ở nhà thuê làm cho con xấu hổ với bạn bè. Từ khi bà Vợt bỏ đi làm xa, đợi bà về thì vợ chồng đều cãi nhau rồi dẫn đến mâu thuẫn.
Tuy nhiên tại phiên tòa và qua hồ sơ Hội đồng xét xử nhận thấy các nguyên nhân bà Vợt đưa ra để xin ly hôn là chưa phù hợp và không chính đáng. Ông Quán có việc làm ổn định, trong thời gian bà Vợt đi vắng ông Quán vẫn chăm lo các con, cho tiền các con đi học và mua sắm đồ dùng cho các con vào năm học mới.
Đối với bà Vợt không biết thu vén trong gia đình mà lại có tính ỷ lại và có nhu cầu vượt quá khả năng kinh tế của vợ chồng. Bà không thông cảm cho công việc nặng nhọc của chồng, không cho chồng giao lưu với bạn bè nhưng lại hay so sánh chồng với người khác, so bì cuộc sống của con mình với con người khác. Bà Vợt không tế nhị, khéo léo trong cư xử với gia đình chồng, chỉ nhắm vào tài sản mà không đối xử chân thành bằng tình cảm, thương yêu quan tâm chăm sóc.
Trách nhiệm của vợ chồng là ngang nhau trong gia đình, trong việc nuôi dạy con cái chứ không ỷ lại cho một bên. Mâu thuẫn của vợ chồng chủ yếu là về kinh tế, ông Quán có thiện chí, nhìn nhận ra lỗi của mình, có hướng muốn sửa chữa để hàn gắn gia đình. Trong khi bà Vợt không nhận ra bất kì lỗi nào của mình, không nghĩ cho con cái còn nhỏ, mà chỉ chạy theo mong muốn về cuộc sống vật chất, tiền của.
Quá trình xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đã phân tích lý do, nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Nhận thấy cuộc sống gia đình ông Nguyễn Thanh Quán có mâu thuẫn nhưng không trầm trọng, vợ chồng vẫn có thể dẹp bớt cái tôi cá nhân để ngồi xuống dung hòa, hàn gắn được. Từ đó có thể cùng nhau sửa chữa cho phù hợp, vì con cái xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con nên người. Theo quy định khoản 1 điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình, yêu cầu được ly hôn của bà Vợt là không có cơ sở chấp nhận.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định: Không chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Nguyễn Thị Vợt đối với ông Nguyễn Thanh Quán.
Phiên tòa được đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung đến các tình tiết xét xử, nội dung tranh luận tại phiên tòa. Phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, đem lại nhiều bài học ý nghĩa, có tính chất giáo dục, cảnh báo những ai có suy nghĩ, hành động vi phạm pháp luật. Được biết, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Tòa án Nhân dân - Viện kiểm sát Nhân dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức, mở rộng mô hình giáo dục pháp luật này với mong muốn trang bị, truyền tải, đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho các cán bộ, hội viên, phụ nữ có điều kiện tiếp cận với pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, tuân thủ các quy định về pháp luật, góp phần nâng cao công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong hội viên, phụ nữ, hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh phù hợp với các quy tắc của pháp luật.
Ngoài Hội LHPN xã Long Hòa và Thị trấn Cần Thạnh được tham gia trực tiếp tại phiên tòa giả định xét xử vụ án Ly hôn với chủ đề “Phòng, chống bạo lực gia đình”, các xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn và xã Thạnh An tham gia phiên tòa bằng hình thức trực tuyến.
66Minh Thuỳ, Tân Nguyễn và 64 người khác
9 bình luận
10 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ