Danh mục
- Tháng Năm 4, 2023
Chơi hụi là một hình thức huy động vốn “truyền thống” có từ rất lâu đời, với lợi thế huy động vốn nhanh và có lãi suất hấp dẫn nên thu hút đông đảo người dân tham gia và tình trạng "Chơi hụi rồi vỡ hụi" này lặp đi, lặp lại nhưng nhiều người vẫn cứ mắc phải. Về vấn đề chơi hụi được Chính phủ quy định rõ tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về “Họ, hụi, biêu, phường” (sau đây gọi tắt là “hụi”). Tuy nhiên trong thời quan qua công tác triển khai nghị định này chưa phổ biến rộng rãi cho người dân biết, công tác chỉ đạo, khảo sát, rà soát, nắm tình hình hoạt động về hụi từng lúc, từng nơi chưa sâu sát nên chưa quản lý được hết số chủ hụi, mức độ góp hụi, dấu hiệu vỡ hụi để có biện pháp, giải pháp phòng ngừa kịp thời, phù hợp.
Bên cạnh đó, tâm lý của người dân chơi hụi còn mang tính tự phát, chủ quan, ít quan tâm đến các quy định của pháp luật về hụi hoặc biết nhưng không yêu cầu chủ hụi thực hiện, thậm chí còn có tâm lý che giấu đối với người thân và cơ quan chức năng. Quy định xử phạt vi phạm hành chính với chủ hụi theo quy định tại Nghị số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ chưa được địa phương vận dụng thực hiện, tính răn đe chưa cao; quy định xử lý hình sự đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn nhiều kẻ hở nên các đối tượng lợi dụng, né tránh việc xử lý của cơ quan chức năng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ vỡ hụi là do người dân quá tin tưởng vào đầu thảo, không tìm hiểu và nắm vững những quy định của pháp luật nên đến khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra thì không có cơ sở pháp lý để khiếu nại, kiện chủ hụi ra tòa hoặc bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra làm rõ các vụ án mà còn gặp khó khăn trong việc thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả cho hụi viên.
Việc chơi hụi được Chính phủ quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP nhưng việc nhận thức, hiểu biết của chủ hụi, hụi viên và người dân còn rất hạn chế. Trong thời gian tới, người dân khi tham gia các dây hụi cần phải lưu ý những nội dung sau:
+ Theo Điều 3 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự; việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi; không được tổ chức cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Điều 7 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu như những người tham gia dây hụi yêu cầu.
+ Điều 13 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: Khi góp, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì các thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.
+ Điều 14 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: Chủ đầu hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ hai dây hụi trở lên
+ Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: Lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Trừ trường hợp mức lãi suất nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn đó theo quy định.
+ Điều 25 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: Trong trường hợp tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định. Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.
Việc lập các dây hụi đều được quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người dân tham gia chơi hụi vẫn mang tính tự phát và thực hiện bằng niềm tin là chính; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thảo giật hụi; nên khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp thường rất khó để giải quyết các quyền lợi.
Thủ đoạn của các chủ hụi thường lúc đầu giao tiền cho các hụi viên rất đầy đủ và đúng hạn nhằm tạo lòng tin, khi đã tạo được lòng tin thì chủ hụi lợi dụng việc các hụi viên không tham gia đi bỏ thăm khui hụi đầy đủ nên đã dùng tên khống, số phần khống tham gia chơi hụi hốt lấy tiền; tự ý lấy hụi của hụi viên để hốt; bán hụi khống và để cho nhiều người cùng hốt chót để lấy hụi của những người này hốt trong quá trình tổ chức các dây hụi nhằm chiếm đoạt tiền của hụi viên. Thế nhưng, khi đã gom và lừa được số tiền lớn, chủ hụi liền "cao chạy, xa bay" hoặc sử dụng vào mục đích nhu cầu cá nhân mất khả năng chi trả thì hụi viên mới biết sự việc.
Việc chơi hụi là một hình thức huy động vốn được pháp luật thừa nhận và cho phép hoạt động. Tuy nhiên hiện nay việc chơi hụi xuất hiện nhiều biến tướng và phức tạp, nổi bật nhất là tình hình chủ hụi kêu gọi người dân tham gia chơi hụi thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... Chủ hụi và hụi viên đa phần không quen biết nhau, chưa gặp nhau ngoài đời thực, chỉ từ việc chủ hụi chào mời, đăng những hình ảnh sống xa hoa trên mạng xã hội mà tin tưởng tham gia các đường dây hụi với số tiền góp hụi hàng tuần lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo Bộ Luật Hình sự, quy định tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức sử dụng góp hụi phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý khá nghiêm khắc. Tùy theo tính chất, mức độ phạm tội như: Tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất là chung thân, thấp nhất là cải tạo không giam giữ; tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất là 20 năm tù, thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng.
Việc chơi hụi mang nhiều rủi ro và hậu quả của các vụ vỡ hụi rất nặng nề vì thường các vụ vỡ hụi có nhiều người tham gia, tài sản bị thiệt hại lớn, việc giải quyết tranh chấp xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn; nhiều người rơi vào tình trạng lao đao, nợ nần, gia đình tan vỡ. Vì vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân như sau:
+ Nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn như có thể đến các ngân hàng gửi tiết kiệm hoặc vay vốn, thủ tục đơn giản, thuận tiện.
+ Nếu chọn hình thức chơi hụi thì cần tìm hiểu rõ các quy định của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường. Khi tham gia các dây hụi cần lựa chọn những người chủ hụi có độ tin cậy cao, các thành viên biết rõ về nhau, hụi không có lãi suất hoặc lãi suất thấp. Ngoài ra, việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng và có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận hụi sau mỗi kỳ góp hụi. Người dân cần phân biệt các trường hợp nếu chủ hụi mở hụi để thu tiền hụi rồi bỏ trốn hoặc thành viên trả lãi cao để lĩnh tiền hụi xong bỏ trốn... là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”... thì người dân cần đến cơ quan Công an trình báo, tố giác tội phạm.
+ Đồng thời, người tham gia hụi cảnh báo những người tổ chức chơi hụi, hụi viên cần tuân thủ các quy định pháp luật về hụi, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Để nâng cao các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm liên quan đến hoạt động hụi, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nhằm nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa cảnh giác, nắm rõ các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nhất là các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia các dây hụi để chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Khi phát hiện vụ việc, đối tượng liên quan đến cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan về hụi thì người dân thông báo kịp thời cho Công an địa phương gần nhất hoặc Công an huyện Cần Giờ qua số điện thoại: 028.38740345 để có biệp pháp xử lý kịp thời.
Được đăng trong chuyên mục: Tờ gấp pháp luật
Like
Chia sẻ