Danh mục
- Hôm qua, 1:53 am
Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ 2024. Nghị định 181/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về:
- Trình độ chuyên môn, huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
- Huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ.
- Quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
- Thủ tục thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
1. Điều 4 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP quy định về trình độ chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp như sau:
- Người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất; vũ khí; vật liệu nổ; chỉ huy kỹ thuật công binh; khai thác mỏ; kỹ thuật mỏ; địa chất; xây dựng công trình; giao thông; thủy lợi; địa vật lý; dầu khí.
- Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ đại học trở lên.
- Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kỹ thuật: Hoá chất, vũ khí, vật liệu nổ, chỉ huy kỹ thuật công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn.
- Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, cụ thể như sau:
+ Đối với chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 181/2024/NĐ-CP hoặc chuyên ngành khoan nổ mìn, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;
+ Đối với chuyên ngành kỹ thuật khác không thuộc các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản này, Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.
- Thợ nổ mìn phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Nghị định 181/2024/NĐ-CP hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 181/2024/NĐ-CP và phải có thời gian tối thiểu 06 tháng làm công việc phục vụ nổ mìn.
2. Điều 7 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP quy định về nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp bao gồm:
(1) Nội dung huấn luyện đối với người quản lý
- Quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;
- Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; biện pháp về quản lý, kỹ thuật bảo đảm an toàn trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, thử nghiệm và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển;
- Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro về các mặt an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
- Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại (8) đối với người quản lý của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
(2) Nội dung huấn luyện đối với người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp
- Quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
- Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp, đặc tính kỹ thuật của vật liệu nổ công nghiệp đang sản xuất;
- Yêu cầu an toàn khi vận hành máy, thiết bị sản xuất và phương pháp làm việc an toàn;
- Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm và đánh giá rủi ro trong sản xuất vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;
- Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại (8).
(3) Nội dung huấn luyện đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp
- Quy định của pháp luật về bảo quản vật liệu nổ công nghiệp: Yêu cầu về kho chứa; phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;
- Thành phần, tính chất, phân loại và yêu cầu về chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; các quy định về thử nghiệm, kiểm tra và biện pháp bảo đảm chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;
- Cách sắp xếp, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về an toàn khi bốc xếp, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp trong phạm vi kho và trên phương tiện vận chuyển;
- Quy trình xuất, nhập, thống kê vật liệu nổ công nghiệp;
- Trách nhiệm của người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp;
- Nhận diện nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, đánh giá rủi ro trong bảo quản vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai;
- Ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại (8) đối với người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
(4) Nội dung huấn luyện đối với chỉ huy nổ mìn
- Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;
- Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;
- Các phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường và con người; xác định khoảng cách an toàn khi nổ mìn; xây dựng phương án nổ mìn; quy định về giám sát ảnh hưởng nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;
- Phương pháp lập hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn điển hình và chỉ đạo thi công bãi nổ theo hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn đã lập;
- Công tác bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực nổ mìn;
- Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ kho tới nơi sử dụng và ngược lại;
- Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
(5) Nội dung huấn luyện đối với thợ nổ mìn
- Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;
- Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;
- Phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường, con người; khoảng cách an toàn khi nổ mìn; đặc điểm tình hình về vị trí địa lý, địa hình, địa chất và văn hóa khu vực nổ mìn;
- Thực hiện thi công nổ mìn: Đọc và hiểu hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn; bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn; biện pháp an toàn khi làm ngòi mìn, mìn mồi, lắp đạn vào ống mang (đối với nổ mìn trong khai thác dầu khí); công việc nạp mìn, nạp bua, đầu nối mạng nổ mìn; xử lý mìn câm; phương pháp nổ, trình tự công việc, tín hiệu nổ, trách nhiệm của thợ nổ mìn;
- Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai.
(6) Nội dung huấn luyện đối với người phục vụ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
- Quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
- Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp;
- Các dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của bao gói, thùng chứa và phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
- Các phương pháp, biện pháp bảo quản vật liệu nổ công nghiệp trong kho, vị trí trung chuyển, trên phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và khu vực nổ mìn;
- Nhận diện nguy cơ có khả năng gây mất an toàn trong bốc dỡ, áp tải, vận chuyển, sử dụng và quy định bảo đảm an ninh, an toàn khi vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
- Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều này đối với người phục vụ của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
(7) Nội dung huấn luyện đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp
- Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; tiêu chuẩn, quy chuẩn về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;
- Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp;
- Phân loại, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;
- Các phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; các biện pháp an toàn khi kiểm tra đánh giá vật liệu nổ công nghiệp; các phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;
- Quy trình phân tích, thử nghiệm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;
- Ứng phó sự cố liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại (8) đối với người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
(8) Nội dung huấn luyện ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp
- Phân loại và phương pháp phát hiện các tình huống khẩn cấp; các hành động khi phát hiện tình huống khẩn cấp;
- Xác định các tác động có thể gây nguy hiểm đối với người, phương tiện, thiết bị tại hiện trường và các vị trí, sơ đồ thoát hiểm; quyết định cần thiết khi phải sơ tán;
- Các phương án, biện pháp cần thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố mất an ninh, an toàn vật liệu nổ công nghiệp: Thông tin gọi cứu hộ, cứu nạn; cấp cứu tại chỗ; sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ; liên lạc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền; huy động nguồn lực bên trong và bên ngoài của cơ sở;
- Phương pháp, biện pháp ứng phó các tình huống khẩn cấp;
- Công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả của sự cố;
- Kế hoạch khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động của máy, thiết bị, công trình đã xảy ra sự cố.
3. Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kho vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp.
- Bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho vật liệu nổ công nghiệp.
- Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
- Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp trong kho, phân loại vật liệu nổ công nghiệp không bảo đảm chất lượng theo quy định.
- Nhận diện nguy cơ mất an toàn và đánh giá rủi ro liên quan đến kho vật liệu nổ công nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.
- Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Điều 17 Nghị định số 181/2024/NĐ-CP: Thủ tục thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
Giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp được thu hồi theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thực hiện như sau:
(1) Cơ quan cấp phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
(2) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thu hồi ban hành Quyết định thu hồi theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(3) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phát sinh các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà tổ chức, doanh nghiệp không lập hồ sơ đề nghị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận tiến hành kiểm tra, lập biên bản, tổ chức thu hồi và tiêu hủy giấy phép, giấy chứng nhận bằng hình thức phù hợp./.
Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh- Phòng PBGDPL
Like
Chia sẻ