• Tháng Tám 15, 2023
Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009 tại Kỳ họp thứ 6 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực thi, Luật cần được sửa đổi, bổ sung để khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi; thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước; đồng bộ với các quy định mới của pháp luật đáp ứng sự phát triển của kinh tế - xã hội và xu hướng quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện trên thế giới.
Ngày 09/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
I. BỐ CỤC, NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
1. Bố cục:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện gồm 04 điều:
- Điều 1: Quy định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, bao gồm 17 khoản thể hiện việc sửa đổi, bổ sung các Điều 5, 10, 11, 12, 16, 17, 18, 19, 20, 22, 23, 24, 26, 27, 30, 31, 32, 39, 40, 42, 43, 45, 46, bổ sung Điều 11a, 18a, 20a.
- Điều 2: Quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Điều 3: Quy định về hiệu lực thi hành.
- Điều 4: Quy định về điều khoản chuyển tiếp.
2. Một số điểm mới nổi bật của Luật
2.1. Bổ sung điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Đây là nội dung được bổ sung tại Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.
Theo Điều 18a Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022, các điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:
- Có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 19 Luật Tần số vô tuyến điện 2009;
+ Sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện vào mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm;
+ Có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi, phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện;
+ Có thiết bị vô tuyến điện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ;
+ Cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và an toàn bức xạ vô tuyến điện;
- Có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng băng tần, kênh tần số tương ứng với băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển theo quy định của pháp luật về viễn thông;
- Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về viễn thông, tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật;
- Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18a Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.
2.2. Bổ sung điều kiện được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần
Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 tiếp tục bổ sung quy định về điều kiện được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần.
Điều kiện được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần thực hiện theo quy định tại Điều 20a Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022, cụ thể như sau:
- Có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 Luật Tần số vô tuyến điện 2009;
+ Sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện vào mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm;
+ Có giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông đối với tổ chức xin cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để thiết lập mạng viễn thông, mạng truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình;
+ Có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi, phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện;
+ Có thiết bị vô tuyến điện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ;
+ Cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và an toàn bức xạ vô tuyến điện;
- Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về viễn thông, tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật đối với băng tần, kênh tần số đã cấp trước đó được đề nghị cấp lại;
- Nộp đủ, đúng thời hạn tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số được đề nghị cấp lại theo quy định của pháp luật;
- Có cam kết triển khai mạng viễn thông đối với băng tần, kênh tần số đề nghị cấp lại theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18a Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.
2.3. Cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch tần số vô tuyến điện (Điểm mới)
Theo đó, các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch tần số vô tuyến điện bao gồm sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp phép từng trường hợp cụ thể được sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định trên kèm theo điều kiện sử dụng.
(Điều 11a Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022)
2.4. Thêm phương thức cấp giấy phép trực tiếp áp dụng đối với băng tần, kênh tần số
Phương thức cấp giấy phép trực tiếp áp dụng đối với băng tần, kênh tần số được quy định khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 (được bổ sung tại khoản 6 điều 1 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022), cụ thể như sau:
- Băng tần, kênh tần số không thuộc băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009;
- Băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này khi sử dụng cho mục đích thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, các trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 11a Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022;
- Băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 khi cấp trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật với thời hạn giấy phép không quá 03 năm hoặc khi cấp lại theo quy định tại Điều 20a Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022;
- Trường hợp đặc biệt, băng tần quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 03 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
2.5. Sửa đổi khái niệm quy hoạch băng tần và quy hoạch phân kênh tần số
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022, các khái niệm quy hoạch băng tần và quy hoạch phân kênh tần số được sửa đổi như sau:
- Quy hoạch băng tần là quy hoạch phân chia băng tần thành một hoặc nhiều khối băng tần cho một loại hệ thống thông tin vô tuyến điện và quy định việc phân bổ băng tần đó cho một hoặc nhiều tổ chức sử dụng theo những điều kiện cụ thể.
Đối với băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng thì việc phân bổ phải bao gồm giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần được quy hoạch hoặc trong nhóm băng tần xác định;
(Bổ sung về quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng)
- Quy hoạch phân kênh tần số là quy hoạch phân chia một băng tần thành các kênh tần số cho một loại nghiệp vụ vô tuyến điện cụ thể theo một tiêu chuẩn nhất định và quy định điều kiện sử dụng các kênh tần số đó.
2.6. Bổ sung quy định về thời gian gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
Cụ thể tại khoản 9 Điều 1 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022, việc gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép quy định tại Điều 17 Luật Tần số vô tuyến điện 2009 và các quy định sau đây:
- Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định cho từng loại giấy phép tương ứng;
- Thời hạn hiệu lực của giấy phép còn lại ít nhất là 30 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, 60 ngày đối với giấy phép sử dụng băng tần, 90 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh;
- Thời hạn hiệu lực của giấy phép được gia hạn không vượt quá thời hạn của giấy phép viễn thông, giấy phép hoạt động báo chí hoặc phù hợp với quyền phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật; (Điểm mới)
- Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng; trường hợp thời hạn cấp giấy phép lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì không được gia hạn; (Điểm mới)
- Có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp được cấp theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện 2009.
2.7. Quy định về ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân (Điểm mới)
Việc ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện phải có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện;
- Đối với giấy phép được cấp không gắn với cam kết triển khai mạng viễn thông thì tổ chức, cá nhân ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện được hoàn trả phí sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã nộp cho thời gian còn lại của giấy phép (làm tròn theo tháng) theo quy định của pháp luật nếu giấy phép còn hiệu lực ít nhất 30 ngày kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân;
- Đối với giấy phép được cấp có gắn với cam kết triển khai mạng viễn thông thì tổ chức, cá nhân ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện không được hoàn trả phí sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã nộp.
(Khoản 9 Điều 1 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022)
2.8. Bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Khoản 1 Điều 2 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 đã bổ sung mục 228 vào sau mục 227 của Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 (đã được sửa đổi bởi Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật số 03/2022/QH15, Luật Điện ảnh 2022, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022):
“Đào tạo cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên”
Như vậy, từ ngày 01/7/2023, ngành nghề đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGƯỜI DÂN CẦN LƯU Ý KHI THỰC HIỆN LUẬT
1. Về giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 11 Điều 1 của Luật, khi có kế hoạch sử dụng băng tần để cung cấp dịch vụ thông tin di động hoặc khi thực hiện hợp nhất, sát nhập, mua bán doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp lưu ý đến quy định về giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần được sử dụng để đảm bảo không vượt quá giới hạn này.
2. Về trình tự, thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng băng tần
Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật, khi doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng tiếp băng tần sau khi giấy phép đã cấp hết hạn sử dụng, đề nghị doanh nghiệp lưu ý đến quy hoạch băng tần đối với băng tần đã được cấp và thời gian thực hiện thủ tục cấp lại, các nghĩa vụ đối với doanh nghiệp cần phải hoàn thành trước khi thực hiện thủ tục.
3. Về công nhận tổ chức đủ điều kiện đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 5 Điều 4 của Luật, để đảm bảo tính liên tục, kịp thời trong công tác đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, đề nghị các cơ sở đào tạo vô tuyến điện viên sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận là cơ sở đủ điều kiện đào tạo vô tuyến điện viên./.
Phòng PBGDPL- Sở Tư pháp TP.HCM
Tập tin đính kèm