I. Hỏi đáp về hợp tác xã
1. Liên hiệp hợp tác xã là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.
2. Quyền của liên hiệp hợp tác xã?
Quyền của liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Điều 8 Luật Hợp tác xã 2012 bao gồm:
- Thực hiện mục tiêu hoạt động của liêu hiệp hợp tác xã; tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình.
- Quyết định tổ chức quản lý và hoạt động của liên hiệp hợp tác xã; thuê và sử dụng lao động.
- Tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo ngành, nghề đã đăng ký nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên.
- Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên, hợp tác xã thành viên và ra thị trường nhưng phải bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên, hợp tác xã thành viên.
- Kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên.
- Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; huy động vốn và hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật.
- Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của liên hiệp hợp tác xã.
- Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của liên hiệp hợp tác xã.
- Quản lý, sử dụng, xử lý vốn, tài sản và các quỹ của liên hiệp hợp tác xã.
- Thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của liên hiệp hợp tác xã.
- Tham gia các tổ chức đại diện của liên hiệp hợp tác xã.
- Khiếu nại hoặc thông qua người đại diện tố cáo các hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của liên hiệp hợp tác xã; xử lý thành viên, hợp tác xã thành viên vi phạm điều lệ và giải quyết tranh chấp nội bộ.
3. Nghĩa vụ của liên hiệp hợp tác xã?
Nghĩa vụ của liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Điều 9 Luật Hợp tác xã 2012 bao gồm:
- Thực hiện các quy định của điều lệ.
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định.
- Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký.
- Thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên, liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên.
- Thực hiện quy định của pháp luật về tài chính, thuế, kế toán, kiểm toán, thống kê.
- Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
- Quản lý, sử dụng đất và tài nguyên khác được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
- Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
- Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho thành viên, hợp tác xã thành viên.
- Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Chính phủ.
- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của pháp luật.
4. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã?
Liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;
- Hồ sơ đăng ký theo quy định;
- Tên của liên hiệp hợp tác xã được đặt theo quy định sau:
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định tên, biểu tượng của mình nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và được bắt đầu bằng cụm từ “Hợp tác xã” hoặc “Liên hiệp hợp tác xã”.
+ Tên, biểu tượng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo hộ theo quy định của pháp luật.
- Có trụ sở chính theo quy định tại Điều 26 Luật Hợp tác xã 2012, cụ thể:
Trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là địa điểm giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
(Điều 24 Luật Hợp tác xã 2012)
II. Hỏi đáp về doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Theo Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau:
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
2. Có được thừa kế doanh nghiệp tư nhân?
Việc thừa kế doanh nghiệp tư nhân khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế.
Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
Như vậy, khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế.
Trường hợp không có ai thừa kế, từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
3. Thủ tục thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân khi chủ doanh nghiệp chết
Thủ tục thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân khi chủ doanh nghiệp chết theo Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người thừa kế;
+ Hợp đồng mua bán hoặc bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
4. Quy định về quản lý doanh nghiệp tư nhân
Quy định về quản lý doanh nghiệp tư nhân theo Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
III. Hỏi đáp về thành lập doanh nghiệp
Đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký, thông báo khác theo quy định của Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
2. Có được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp?
Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định sau đây:
- Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
- Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
- Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì việc ủy quyền thực hiện như trường hợp ủy quyền cho tổ chức.
(Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
3. Quyền thành lập doanh nghiệp và nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp?
Quyền thành lập doanh nghiệp và nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 5 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức và được Nhà nước bảo hộ.
- Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Nghiêm cấm Cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được ban hành các quy định, văn bản về đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình. Những quy định về đăng ký doanh nghiệp do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành trái với quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì không có hiệu lực thi hành./.