TÀI LIỆU
Hỏi đáp liên quan đến Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020
về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan,
tổ chức, đơn vị.
Câu 1: Những nguyên tắc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trả lời: Nguyên tắc kiểm soát tài ssản, thu nhập được quy định tại Điều 4, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng; được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không xâm phạm quyền tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.
2. Mọi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích thông tin, dữ liệu trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
3. Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực phải căn cứ vào bản kê khai, việc giải trình và Kết luận xác minh được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định này.
Câu 2: Quyền yêu cầu, trách nhiệm về thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.
Trả lời: Quyền yêu cầu, trách nhiệm vè thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin được quy định tại Điều 4 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người yêu cầu) để phục vụ việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập, xây dựng kế hoạch xác minh và xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm:
a) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập;
b) Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin (sau đây gọi là người được yêu cầu) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời thông tin theo yêu cầu của người yêu cầu và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
Câu 3: Quy định việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị:
Trả lời: Quy định việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 7, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Thời hạn cung cấp thông tin:
a) Người được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu;
b) Trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp là thông tin phức tạp, không có sẵn thì thời hạn cung cấp thông tin là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Trong trường hợp vì lý do khách quan không thể cung cấp được thông tin hoặc cung cấp không đúng thời hạn thì người được yêu cầu phải có văn bản đề nghị người yêu cầu xem xét, giải quyết.
Người được yêu cầu phải chấp hành quyết định của người yêu cầu cung cấp thông tin.
Câu 4: Quy định về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm:
Trả lời: Về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm đươc quy định tại Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
Người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm:
1. Các ngạch công chức và chức danh sau đây:
a) Chấp hành viên;
b) Điều tra viên;
c) Kế toán viên;
d) Kiểm lâm viên;
đ) Kiểm sát viên;
e) Kiểm soát viên ngân hàng;
g) Kiểm soát viên thị trường;
h) Kiểm toán viên;
i) Kiểm tra viên của Đảng;
k) Kiểm tra viên hải quan;
l) Kiểm tra viên thuế;
m) Thanh tra viên;
n) Thẩm phán.
2. Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Câu 5: Việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị như thế nào?
Trả lời: Việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 11, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Việc công khai bản kê khai đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như sau:
a) Bản kê khai của người giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan trung ương được niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên;
Bản kê khai của người giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên trong đơn vị, nơi không tổ chức đơn vị cấp phòng thì tại cuộc họp toàn thể đơn vị. Bản kê khai của những người khác được niêm yết tại phòng, ban, đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể công chức, viên chức thuộc phòng, ban, đơn vị; nếu biên chế của phòng, ban, đơn vị có từ 50 người trở lên và có tổ, đội, nhóm thì công khai trước toàn thể công chức, viên chức thuộc tổ, đội, nhóm;
b) Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã hoặc công khai tại cuộc họp toàn thể cán bộ, công chức xã;
c) Bản kê khai của những người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước được niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp nhà nước hoặc công khai tại cuộc họp gồm Ủy viên Hội đồng thành viên, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, Trưởng các đơn vị trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các tổng công ty, công ty trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Trưởng các đoàn thể trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước;
d) Bản kê khai của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp như được nêu tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Việc công khai bản kê khai tại cuộc họp đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
3. Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
4. Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.
Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn.
5. Cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập. Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người đọc các bản kê khai hoặc từng người đọc bản kê khai của mình. Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có); có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Câu 6: Quy định việc xây dựng kế hoạch xác minh hàng năm như thế nào?
Trả lời: Quy định việc xây dựng kế hoạch xác minh hàng năm được quy định tại Điều 14, Nghị định số Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Căn cứ xây dựng kế hoạch:
a) Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương;
b) Các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng;
c) Định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 hằng năm;
d) Khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh quy định tại Điều 15 của Nghị định này.
2. Căn cứ vào khoản 1 Điều này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.
3. Kế hoạch xác minh phải có các nội dung sau:
a) Mục đích, yêu cầu của kế hoạch xác minh;
b) Số lượng và tên cơ quan, đơn vị được xác minh;
c) Tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;
d) Việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh.
Câu 7: Tiêu chí lựa chọn người được xác minh kế hoạch?
Trả lời: Tiêu chí lựa chọn người được xác minh kế hoạch được quy định tại Điều 16, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
Việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
1. Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
2. Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.
3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
b) Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;
c) Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.
Câu 8: Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai?
Trả lời: Quy định xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai được quy định tại Điều 20 của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
2. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Câu 9: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập?
Trả lời: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại Điều 22, của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
2. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
3. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm là thành viên, hội viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của tổ chức đó.
Câu 10: Quy định công khai quyết định xử lý vi phạm?
Trả lời: Việc công khai quyết định xử lý vi phạm được quy định tại Điều 23, Nghị định số số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 như sau:
1. Quyết định kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập được niêm yết công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật thường xuyên làm việc trong thời gian 15 ngày.
Ngoài việc niêm yết công khai, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức thông báo tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm khác về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được công khai theo quy định của pháp luật./.
Phòng Tư pháp Huyện Nhà Bè- Phòng PBGDPL