Tháng Tư 15, 2024

Sáng ngày 12/4/2024 tại Hội trường Uỷ ban nhân dân xã An Thới Đông, Phòng Tư pháp huyện Cần Giờ phối hợp với Ủy ban nhân dân xã An Thới Đông tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đợt 1 năm 2024 cho hơn 53 đại biểu là cán bộ, công chức, tuyên truyền viên, hoà giải viên và người dân trên địa bàn xã cùng tham dự.

Theo đó, các đại biểu đã nghe bà Lê Thị Kim Hiền tuyên truyền, phổ biến pháp luật về một số quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc Phòng Tư pháp phụ trách như: nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai; một số quy định liên quan đến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định liên quan đến Luật Hộ tịch; Công ước Quốc tế về chống tra tấn và Pháp luật Việt Nam về chống tra tấn; tìm hiểu về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Đồng thời cấp phát hơn 350 tờ gấp tuyên truyền một số quy định của pháp luật.

Sau buổi tuyên truyền, các đại biểu đã được trang bị thêm nhiều kiến thức pháp luật đặc biệt là giải đáp các khó khăn, vướng mắc về các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trên địa bàn xã.

Tháng Tư 10, 2024

Sáng ngày 01/4/2024, Ủy ban nhân dân xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, phối hợp trường Tiểu học Vàm Sát, có một buổi tuyên truyền đến 136 em học sinh Trường Tiểu học Vàm Sát, về Luật Phòng chống tác hại ma túy; các hành vi bạo lực học đường; tệ nạn đuối nước ở trẻ em; Luật Trẻ em; các hành vi xâm hại trẻ em. Qua đó cấp, phát 150 tờ rơi về vi phạm quyền trẻ em và kỷ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

Tai buổi tuyên truyền, báo cáo viên đưa ra một số giải pháp giúp nhà trường nâng cao hiệu quả của công tác chống ma túy cho  học sinh; giúp trẻ em nhận thức được các hành vi về bạo lực học đường, hành vi xâm hại trẻ em, cũng như các nguy cơ có thể gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ.

Tháng Tư 10, 2024

Sáng ngày 04/4/2024, Ủy ban nhân dân xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ phối hợp cùng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền pháp luật cho thành viên các Tổ tàu, thuyền tự quản an toàn, Tổ tự quản an ninh trật tự và Nhân dân trên địa bàn xã Lý Nhơn. Đến tham dự có Đ/c Thượng tá Nguyễn Hùng Vương - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh; Đ/c Trung tá Ngô Tuấn Long - Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Đ/c Ngô Hoàng Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn cùng với 80 thành viên các Tổ tàu, thuyền tự quản an toàn, Tổ tự quản an ninh trật tự và Nhân dân trên địa bàn xã Lý Nhơn. Nội dung tuyên truyền là các quy định Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Qua đó, phát hơn 200 tờ rơi tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn xã.

Tháng Tư 1, 2024

Sáng ngày 30/3/2024, Đoàn Thanh niên - Hội LHTN Việt Nam thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ đã phối hợp cùng Đoàn cơ sở Công an huyện, Chi đoàn Toà án huyện và Ban giám hiệu trường THCS Cần Thạnh tổ chức Chương trình Phiên toà giả định, tuyên truyền, đố vui pháp luật với chủ đề: "Ma túy học đường" cho hơn 250 đoàn viên, thanh niên và học sinh trường THCS Cần Thạnh.

Hoạt động góp phần nâng cao, củng cố kiến thức và ý thức pháp luật của đoàn viên, thanh niên và học sinh; tuyên truyền về tác hại của ma túy, cách nhận biết và cách phòng tránh các hành vi dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy.

Tháng Ba 19, 2024

Sáng ngày 18/3, tại Trường THCS - THPT Thạnh An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tổ chức chương trình Tuyên truyền sân khấu hóa phòng, chống bạo lực gia đình nhân Kỷ niệm 11 năm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3/2013 - 20/3/2024) với Chủ đề: "Hạnh phúc cho mọi người".

Tham dự có các đồng chí Thái Hoàng Nhạc, Phó Trưởng Phòng xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố; đồng chí Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Dương Thị Hoài Thương, Trưởng Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; các đồng chí đại diện các đơn vị, các phòng chuyên môn huyện; lãnh đạo UBND xã Thạnh An; các đồng chí đại diện các ngành, đoàn thể, Đồn Biên phòng Thạnh An; cùng Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh trường THCS-THPT Thạnh An.

Chương trình được xây dựng bằng hình thức sân khấu hóa với các tiết mục được chuẩn bị công phu, chu đáo như: Kịch câm “Múa nội dung bạo lực gia đình”; tiểu phẩm “Ai chồng ai vợ” và phần đặt câu hỏi về Luật phòng, chống bạo lực gia đình...

Thông qua buổi tuyên truyền đã truyền tải những kiến thức pháp luật cơ bản; qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, giúp các em học sinh nắm, hiểu, chấp hành, thực hiện và đấu tranh chống lại những hành động bạo lực vi phạm pháp luật.

 

Tháng Hai 1, 2024

Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hồ sơ đề nghị công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và kết quả kiểm tra, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 của Đoàn Kiểm tra, ngày 30 tháng 01 năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tiến hành họp Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và các tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí về nông thôn mới năm 2023. Theo đó, các thành viên Hội đồng nhất trí trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với 07/07 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tháng Một 15, 2024

Ngày 05 tháng 01 năm 2024, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã An Thới Đông, Ủy ban nhân dân xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ phối hợp Hội liên hiệp phụ nữ xã, Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức phiên tòa giả định cho người dân thuộc hộ nghèo sống phụ thuộc vào rừng tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh với 78 lượt người tham dự.

Tháng Một 6, 2024

Chiều 5/1/2024, Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Cần Giờ đã xem xét, thẩm định mô hình phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả của xã An Thới Đông và Bình Khánh để đề xuất khen thưởng và giới thiệu nhân rộng trên cơ sở trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐPHPBGDPL huyện đã đến dự.

Theo đó, UBND xã Bình Khánh và An Thới Đông cùng thực hiện 2 mô hình: Thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt Tổ nhân dân và Huy động Trưởng ấp tham gia hoạt động hòa giải.

Tại xã An Thới Đông, thí điểm tại ấp An Hòa vào tháng 3/2023 và nhân rộng trên toàn địa bàn xã từ tháng 10/2023. Theo ghi nhận, hiệu quả của 2 mô hình đã tập trung các nội dung tuyên truyền ngắn gọn có liên quan thiết thực với quyền lợi, nghĩa vụ của người dân được thực hiện dưới dạng giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, cấp phát tờ gấp... giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ các quy định của pháp luật, nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật và vận dụng quy định pháp luật vào thực tiễn. Bên cạnh đó, triển khai mô hình cũng góp phần huy động được các nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn xã.

Tại xã Bình Khánh, thí điểm tại ấp Bình Trường từ tháng 4/2023, từ tháng 10/2023 nhân rộng trên toàn địa bàn xã. UBND xã thường xuyên tổ chức cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các thành viên đặc biệt là trưởng ban nhân dân các ấp; đồng thời, thường xuyên trao đổi, giao ban với các trưởng ban nhân dân ấp về tình hình an ninh trật tự xã hội trong nhân dân, hỗ trợ thêm về pháp lý cho các trưởng ấp để làm cơ sở hòa giải, đối với những vụ việc phức tạp hỗ trợ liên hệ với phòng ban chuyên môn tham khảo ý kiến hỗ trợ cho công tác hòa giải…

Qua các mô hình, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương và cho biết sẽ tổ chức khen thưởng để nhân rộng đến các xã, thị trấn cùng tham gia thực hiện.

Qua xem xét 2 mô hình của 2 xã An Thới Đông và Bình Khánh, thành viên Thường trực Hội đồng đã thống nhất về tính hiệu quả và sẽ giới thiệu, nhân rộng trên toàn địa bàn huyện trong năm 2024.

 

Tháng Một 6, 2024

 Chiều ngày 05/01, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (HĐPHPBGDPL) huyện đã chủ trì buổi làm việc với các thành viên HĐPHPBGDPL huyện lần thứ I/2024.

 Buổi họp đã thông qua các nội dung kế hoạch trong năm 2024 của Hội đồng gồm: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện; công tác kiểm tra và đánh giá hiệu quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phân công hoạt động của thành viên HĐPHPBGDPL huyện.

Các nội dung, nhiệm vụ được đề ra trong năm 2024 nhằm tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tăng cường và phát huy vai trò của chính quyền và các đơn vị cơ sở trong PBGDPL, gắn kết chặt chẽ giữa trách nhiệm công vụ, nghề nghiệp, nghĩa vụ học tập pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân, thông qua hoạt động thực thi công vụ, thi hành pháp luật kết hợp PBGDPL cho nhân dân; gắn việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật của công dân với tuyên truyền, giáo dục đạo đức, phẩm chất công dân; nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật trong xã hội.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, các cơ quan, đơn vị thành viên sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý mà còn phải cung cấp đầy đủ kiến thức pháp luật cơ bản, thiết thực, giúp người dân, doanh nghiệp có thể áp dụng, vận dụng trong thực tiễn đời sống; các nội dung cần được chọn lọc phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong PBGDPL, đảm bảo quyền và các điều kiện tiếp cận rộng rãi thông tin (trong đó có thông tin pháp luật) của công dân, doanh nghiệp và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, phù hợp với luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định dân chủ ở cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chú trọng đẩy mạnh vận động xã hội hóa công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...
Song song đó, việc tăng cường công tác kiểm tra và đánh giá hiệu quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đánh giá chính xác, khách quan tình hình thực hiện và kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 tại cơ quan, đơn vị. Qua đó, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những biện pháp, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị để nhân rộng điển hình trên địa bàn huyện và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới…

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng HĐPHPBGDPL huyện yêu cầu các đơn vị thành viên đẩy mạnh việc triển khai, tuyên truyền các Luật mới có hiệu lực trong năm 2023, 2024, đặc biệt là các Luật liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, các đối tượng thuộc nhóm yếu thế; triển khai thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo theo Quy chế hoạt động của Hội đồng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi thông tin giữa các thành viên; tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực quan, sinh động và sâu rộng đến từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân góp phần đưa pháp luật đến gần với nhân dân…

Tháng Mười Hai 27, 2023

Sáng ngày 26/12/2023, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình. Tham dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện; cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện; cán bộ, công chức, viên chức của các phòng, ban chuyên môn, cộng tác viên, tình nguyện viên huyện; Ban Chỉ đạo công tác gia đình, đại diện Ban nhân dân ấp, khu phố các xã, thị trấn; đại diện các trường học trên địa bàn huyện. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện đề nghị: “Hội nghị tập trung nghiên cứu, tích cực trao đổi, chia sẻ những vấn đề thực tiễn về công tác phòng, chống bạo lực gia đình để cùng chung tay giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình”.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thạc sỹ - Luật sư Đỗ Đăng Khoa, Hội Luật sư Thành phố, báo cáo viên pháp luật Thành phố báo cáo phổ biến Luật phòng, chống bạo lực năm 2022 (có hiệu lực 01/7/2023); tập huấn quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Thông qua Hội nghị, nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng thu thập thông tin, quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý và áp dụng các quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, bồi dưỡng năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác gia đình, thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện và các xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời và sâu rộng các quy định liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình đến người dân và các cá nhân trực tiếp thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó, góp phần xây dựng xã hội có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.