Tháng Mười Một 1, 2018

Sáng ngày 01/11/2018, Sở Tư pháp và Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố từ ngành Tư pháp sang ngành Văn hóa – Thể thao. Thay mặt Ủy ban nhân dân Thành phố, Đồng chí Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ công bố Quyết định số 4435/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của UBND Thành phố về bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố.

Tại Lễ bàn giao, Đồng chí Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã khái quát một số kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Theo đó, tính tới ngày 30/6/2018, Thành phố Hồ Chí Minh có 319 xã, phường, thị trấn có dân cư với 24.620 tổ dân phố, ấp nhân dân; trong đó, có 21.080 quy ước được xây dựng và phê duyệt theo Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg; 2.425 quy ước được xây dựng theo nhu cầu thực tế và đã được phê duyệt; hiện nay còn 1.115 quy ước chưa được phê duyệt.

Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (thay thế Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg) và Quyết định số 4435/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố. Mặc dù nhiệm vụ chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được chuyển từ Ngành Tư pháp sang Ngành Văn hóa - Xã hội nhưng Ngành Tư pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ, tích cực với Ngành Văn hóa và Thể thao để tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Đồng chí Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao ghi nhận những kết quả đạt được của Ngành Tư pháp trong thời gian qua; tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và mong muốn Ngành Tư pháp tiếp tục hỗ trợ Ngành Văn hóa và Thể thao trong thời gian tới, qua đó, phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng nâng cao vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hương ước, quy ước, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư./.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP nhận bàn giao từ ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP (Ảnh: Kim Phụng)

Tháng Mười 23, 2018

Thực hiện Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” và Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,

Ngày 23/10/2018, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu là đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố; Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Thành Đoàn, Các sở, ban, ngành Thành phố; Tòa án nhân dân Thành phố, quận, huyện, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, quận, huyện; Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố; các Báo, Đài Thành phố; Ủy ban nhân dân quận huyện, Phòng Tư pháp quận, huyện và Báo cáo viên pháp luật Thành phố, quận, huyện.

Tại Hội nghị, Đại úy, Thạc sỹ Võ Thị Thu Lan, Phó Đội trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố (Báo cáo viên pháp luật) đã giới thiệu nội dung cơ bản của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và một số quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn (quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật xử lý vi phạm hành chính...).

Thông qua Hội nghị, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay./.

Tháng Tám 16, 2018

Nhằm đổi mới, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong giai đoạn hiện nay, gắn PBGDPL với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội để tạo đồng thuận trong thực hiện; tiếp tục tổ chức thi hành chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định pháp luật về PBGDPL và phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021,

Ngày 18 tháng 6 năm 2018, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 2686/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018 – 2021, trong đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mới, thể hiện quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL trên địa bàn Thành phố, trong đó, có những nội dung, định hướng mới đáng chú ý như sau:

1. “Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”:

- Quán triệt và xác định rõ Hội đồng phối hợp PBGDPL là “cơ quan tư vấn” cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp về công tác PBGDPL và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL để có giải pháp phù hợp để kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, giao nhiệm vụ và kinh phí cho các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đảm bảo nguyên tắc công tác PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh phí hoạt động của Hội đồng và Ban Thư ký chỉ bố trí để chi các nội dung theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND.

- Phát huy vai trò nòng cốt của Sở Tư pháp, người làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp – hộ tịch trong tham mưu, điều phối, quản lý việc tổ chức các hoạt động PBGDPL.

Các chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo điều hành về PBGDPL đều phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành, đối với các vấn đề lớn phải được Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/quận, huyện thông qua và tư vấn cho UBND Thành phố/quận, huyện, Chủ tịch UBND Thành phố/quận.

- Thí điểm bổ sung chức năng, nhiệm vụ thực hiện công việc phục vụ cho tổ chức hoạt động PBGDPL (như biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo...) cho một đơn vị sự nghiệp đã có trực thuộc Sở Tư pháp nhằm tổ chức công việc hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc không thành lập đơn vị mới và không bổ sung biên chế.

2. Không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện từng kế hoạch/đề án PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021 riêng lẻ kể cả các Kế hoạch/Đề án thực hiện theo Quyết định số 705/QĐ-TTg (đã thành lập thì giải thể), Lãnh đạo Thường trực UBND Thành phố/quận, huyện phụ trách công tác tư pháp - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/ quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, điều phối việc thực hiện các Đề án để đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả, tránh bỏ sót hoặc dàn trải, trùng lắp gây lãng phí ngân sách và ra quyết định thành lập Ban Điều hành kế hoạch/đề án do Lãnh đạo Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp làm Trưởng ban, Lãnh đạo các đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án làm Phó Trưởng ban thường trực, lãnh đạo các đơn vị phối hợp làm Phó Trưởng ban.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật khác, các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch/đề án xã hội hóa công tác PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021; kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2014 – 2016 do Hội Luật gia Thành phố chủ trì thực hiện.

4. Kinh phí

- Chủ động cân đối bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch này trong dự toán chi hàng năm.

- Các sở, ngành, đoàn thể được giao chủ trì thực hiện đề án, kế hoạch phối hợp với Sở Tư pháp đề nghị Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện đề án, kế hoạch.

- Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp dự toán kinh phí (ngoài khoán) để thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL.

5. Giao cho các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp huyện, xã tổ chức triển khai và báo cáo kết quả hàng năm và cả giai đoạn về  Sở Tư pháp để báo cáo UBND Thành phố, Bộ Tư pháp.

6. Giao Giám đốc Sở Tư pháp - Ủy viên UBND Thành phố hoàn thiện và ký ban hành các Kế hoạch PBGDPL, Kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL hàng năm từ 2018 – 2021.

7. Phấn đấu đạt được điểm số cao trên tất cả các tiêu chí đánh giá, chủ động đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao điểm số đối với chỉ tiêu, tiêu chí đạt điểm số thấp theo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP./.

            

Tháng Bảy 25, 2018

Ngày 26/6/2018, tại Hội trường Quận ủy, Ủy ban nhân dân Quận 3 đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/8/2018 cho hơn 300 đại biểu là cán bộ, công chức tại các phòng, ban, chuyên môn thuộc quận; Ban chỉ huy quân sự quận, Ban chỉ huy Công an quận, Báo cáo viên pháp luật quận; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, ban chỉ huy quân sự, hòa giải viên, tuyên truyền viên và nhân dân tại 14 phường. Tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng phòng Công tác Thi hành pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh - Báo cáo viên pháp luật Thành phố đã trình bày những quy định mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước như: người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, tổ chức bị thiệt hại, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện đương nhiên; người được ủy quyền; thời hiệu yêu cầu bồi thường, nguyên tắc bồi thường của Nhà nước; quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa; thời gian xác minh, thụ lý; cách thức thương lượng, kinh phí bồi thường, trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường … Ngoài ra, điểm mới trong Luật TNBTCNN năm 2017 là quy định thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Việc sửa đổi quy định này nhằm khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cũng như giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong thời gian tới./. 

Tháng Bảy 25, 2018

Ngày 12/7/2018, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận Tân Bình tổ chức Hội nghị phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo với sự tham dự của các đại biểu là đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, các ban ngành – đoàn thể quận, Báo cáo viên pháp luật, Công an Quận, công chức tư pháp, công chức phụ trách công tác tôn giáo 15 phường, đại diện Ban điều hành và Ban công tác Mặt trận 117 khu phố và người có uy tín trên địa bàn. Tại hội nghị, ông Trần Tấn Hùng – Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ đã phổ biến những quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo gồm 9 Chương, 68 Điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo về quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các biện pháp thi hành Luật. Qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nắm vững các quy định pháp luật về vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo, từ đó nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả./. 

 

 

Tháng Bảy 25, 2018
Thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2018 – 2021, ngày 10/7/2018, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận phối hợp với Công ty Bảo Việt Gia Định tổ chức phổ biến Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ về quy định bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với sự tham dự của 475 đại biểu là các Ban quản trị, Ban quản lý các chung cư, các Ban Quản lý chợ; các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn quận… Cũng trong dịp này, Ban tổ chức đã phát hành 3.000 tờ gấp phổ biến Nghị định số 23/2018/NĐ-CP đến các hộ dân thuộc các chung cư trên địa bàn quận. Thông qua Hội nghị, góp phần phổ biến quy định về bảo hiểm, bồi thường thiệt hại cho những tổn thất xảy ra đối với tài sản mua bảo hiểm, hạn chế được những rủi ro, xảy ra./.

Tháng Bảy 25, 2018

Ngày 10/7/2018, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận Tân Bình tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Thông tư số 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Tham dự hội nghị có 160 đại biểu là đại diện lãnh đạo, công chức Tư pháp – Hộ tịch, viên chức các cơ quan, tổ chức thuộc các phòng, ban chuyên môn và UBND 15 phường thuộc Quận.

Báo cáo viên pháp luật tại Hội nghị là đồng chí Vũ Ngọc Nam, Trưởng phòng Kiểm tra văn bản – Sở Tư pháp và đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ - Sở Nội vụ. Các đại biểu tham dự Hội nghị được giới thiệu, hướng dẫn phương pháp và kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu soạn thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Quận./. 

 

Tháng Bảy 25, 2018
Nhằm đổi mới, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong giai đoạn hiện nay, gắn PBGDPL với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội để tạo đồng thuận trong thực hiện; tiếp tục tổ chức thi hành chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định pháp luật về PBGDPL và phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021, Ngày 18 tháng 6 năm 2018, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 2686/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018 – 2021, trong đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mới, thể hiện quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL trên địa bàn Thành phố, trong đó, có những nội dung, định hướng mới đáng chú ý như sau: 1. “Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”: - Quán triệt và xác định rõ Hội đồng phối hợp PBGDPL là “cơ quan tư vấn” cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp về công tác PBGDPL và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL để có giải pháp phù hợp để kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, giao nhiệm vụ và kinh phí cho các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đảm bảo nguyên tắc công tác PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh phí hoạt động của Hội đồng và Ban Thư ký chỉ bố trí để chi các nội dung theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND. - Phát huy vai trò nòng cốt của Sở Tư pháp, người làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp – hộ tịch trong tham mưu, điều phối, quản lý việc tổ chức các hoạt động PBGDPL. Các chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo điều hành về PBGDPL đều phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành, đối với các vấn đề lớn phải được Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/quận, huyện thông qua và tư vấn cho UBND Thành phố/quận, huyện, Chủ tịch UBND Thành phố/quận. - Thí điểm bổ sung chức năng, nhiệm vụ thực hiện công việc phục vụ cho tổ chức hoạt động PBGDPL (như biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo...) cho một đơn vị sự nghiệp đã có trực thuộc Sở Tư pháp nhằm tổ chức công việc hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc không thành lập đơn vị mới và không bổ sung biên chế. 2. Không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện từng kế hoạch/đề án PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021 riêng lẻ kể cả các Kế hoạch/Đề án thực hiện theo Quyết định số 705/QĐ-TTg (đã thành lập thì giải thể), Lãnh đạo Thường trực UBND Thành phố/quận, huyện phụ trách công tác tư pháp - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/ quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, điều phối việc thực hiện các Đề án để đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả, tránh bỏ sót hoặc dàn trải, trùng lắp gây lãng phí ngân sách và ra quyết định thành lập Ban Điều hành kế hoạch/đề án do Lãnh đạo Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp làm Trưởng ban, Lãnh đạo các đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án làm Phó Trưởng ban thường trực, lãnh đạo các đơn vị phối hợp làm Phó Trưởng ban. 3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật khác, các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch/đề án xã hội hóa công tác PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021; kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2014 – 2016 do Hội Luật gia Thành phố chủ trì thực hiện. 4. Kinh phí - Chủ động cân đối bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch này trong dự toán chi hàng năm. - Các sở, ngành, đoàn thể được giao chủ trì thực hiện đề án, kế hoạch phối hợp với Sở Tư pháp đề nghị Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện đề án, kế hoạch. - Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp dự toán kinh phí (ngoài khoán) để thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL. 5. Giao cho các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp huyện, xã tổ chức triển khai và báo cáo kết quả hàng năm và cả giai đoạn về Sở Tư pháp để báo cáo UBND Thành phố, Bộ Tư pháp. 6. Giao Giám đốc Sở Tư pháp - Ủy viên UBND Thành phố hoàn thiện và ký ban hành các Kế hoạch PBGDPL, Kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL hàng năm từ 2018 – 2021. 7. Phấn đấu đạt được điểm số cao trên tất cả các tiêu chí đánh giá, chủ động đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao điểm số đối với chỉ tiêu, tiêu chí đạt điểm số thấp theo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP./. Đính kèm: Kế hoạch số 2686/KH-UBND ngày 18/6/2018

Tháng Bảy 25, 2018

Ngày 28/12/2017, tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận 4, trên cơ sở Kế hoạch liên tịch số 69/KHLT-HPN-PTP-TA-HLG ngày 13/12/2017, Phòng Tư pháp Quận 4 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 4, Tòa án nhân dân Quận 4 và Hội Luật gia Quận 4 tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Tổ Tư vấn cộng đồng tại Chi Hội trên địa bàn Quận 4 giai đoạn 2013 – 2017 kết hợp triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Đến dự có các đồng chí Phạm Minh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Quận ủy – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Quận 4 và đồng chí Trần Thị Thanh Điệp - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 4. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 14/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 10/01/2013 giữa Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đối tượng là các chị em phụ nữ trên địa bàn quận. Với vai trò chủ công của Phòng Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã nâng dần ý thức tự giác, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật trong cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp và cộng đồng dân cư. Nội dung tuyên truyền được đổi mới phong phú, đa dạng, có xác định trọng tâm về thời gian, về đối tượng; có sự chủ động trong công tác phối hợp với các ngành nên đã phát huy tác dụng trong tuyên truyền giáo dục tuyền thống, giáo dục pháp luật và tuyên truyền theo các chuyên đề khác. Về đối tượng tuyên truyền có mở rộng đến nhiều đối tượng như nam giới, người có đạo, người cao tuổi, nữ thanh và chị em phụ nữ chậm tiến. Trao Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 4 cho 07 tập thể và 09 cá nhân có thành tích xuất sắc qua 05 năm thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, việc thành lập và hoạt động tư vấn của Tổ tư vấn cộng đồng tại chi Hội khu phố đã giải quyết được những yêu cầu thiết thực của người dân, nhận thức của người dân phần nào đã được cải thiện. Bên cạnh đó, từng thành viên trong Tổ tư vấn cộng đồng cũng nâng cao được tính chủ động trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn về hoạt động tư vấn, biết lắng nghe, trao đổi và cung cấp thông tin cần thiết cho người dân khi đến liên hệ góp phần làm tốt vai trò cầu nối giữa Hội và hội viên phụ nữ tại địa bàn dân cư. Ngoài ra, tại buổi Hội nghị, ông Lương Nguyễn Trọng Tiến – Phó Trưởng Phòng Tư pháp Quận 4 đã triển khai một số quy định mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến các đại biểu tham dự./.

Tháng Bảy 25, 2018

Thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật năm 2018, ngày 05/01/2018, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú tổ chức tuyên truyền Luật tín ngưỡng, tôn giáo với sự tham dự của ông Ông Trần Văn Phúc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận và 140 đại biểu là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể quận, thành viên Ban chỉ đạo công tác tôn giáo quận; lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cán bộ, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân quận và 11 phường. Tại Hội nghị, báo cáo viên pháp luật đã phổ biến những quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo như: trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hành vi bị nghiêm cấm; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo... Thông qua hội nghị, góp phần phổ biến quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức triển khai Luật; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật./.