• Tháng Mười Hai 25, 2024
Ngày 13/12/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Thông tư số 14/2024/TT-BTTTT quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
Thông tư số 14/2024/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 28/01/2025. Trong đó, quy định một số nội dung trọng tâm như sau:
 Trách nhiệm tiếp công dân (Điều 3):
1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, bao gồm:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây viết tắt là Bộ);
b) Các Cục thuộc Bộ;
c) Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức;
d) Việc tổ chức tiếp công dân của các đơn vị cấp dưới của Cục và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ do Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập quy định phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất và hoạt động của đơn vị mình.
2. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này trong việc tiếp công dân thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 và Điều 4 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân .
3. Trách nhiệm của người tiếp công dân thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Tiếp công dân.
 Hình thức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Điều 11):
1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc đến khiếu nại trực tiếp theo quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13.
2. Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc đến tố cáo trực tiếp theo quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo số 25/2018/QH14.
3. Việc kiến nghị, phản ánh, được thực hiện thông qua các hình thức sau:
a) Đơn kiến nghị, phản ánh hoặc đến kiến nghị, phản ánh trực tiếp;
b) Thông tin kiến nghị, phản ánh gửi trên môi trường điện tử theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.
 Tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (Điều 12):
1. Cơ quan, đơn vị đầu mối tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (sau đây gọi tắt là đơn vị đầu mối):
a) Đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh được gửi đến Bộ, Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và các Vụ thuộc Bộ, đơn vị đầu mối là Thanh tra Bộ;
b) Đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh được gửi đến các Cục thuộc Bộ, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, đơn vị đầu mối là bộ phận làm nhiệm vụ tiếp công dân quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này;
c) Đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh được gửi đến các doanh nghiệp nhà nước do Bộ quản lý, đơn vị đầu mối do người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước quy định.
2. Đối với cơ quan, đơn vị không phải là đơn vị đầu mối, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh phải chuyển đơn đến đơn vị đầu mối quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.
3. Cơ quan, đơn vị nhận được đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh phải ghi Sổ theo dõi đơn, làm Phiếu chuyển đơn theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác bảo đảm bí mật thông tin về người tố cáo theo quy định của pháp luật.
4. Các đơn vị đầu mối thực hiện quản lý, theo dõi đơn theo quy định tại Điều 29 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01 ngày 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ về quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
5. Đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng hình thức trình bày trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn công dân viết thành đơn hoặc người tiếp nhận ghi lại vụ việc bằng văn bản và yêu cầu công dân ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
 Tiếp nhận, xử lý thông tin kiến nghị, phản ánh trên môi trường điện tử (Điều 16):
1. Các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 3 Thông tư này có trách nhiệm:
a) Thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử và các hình thức khác (nếu có) để tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh;
b) Phân công người làm nhiệm vụ trực điện thoại đường dây nóng và theo dõi hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để tiếp nhận, xử lý thông tin.
2. Người được phân công tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, chính xác bằng văn bản thông tin tiếp nhận được với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Đối với thông tin kiến nghị, phản ánh tiếp nhận được nhưng không thuộc trách nhiệm giải quyết, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận thông tin, cơ quan tiếp nhận chuyển thông tin kiến nghị, phản ánh bằng văn bản đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo quy định.
4. Đối với thông tin kiến nghị, phản ánh có nội dung liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị trao đổi, thống nhất một cơ quan, đơn vị chủ trì, các cơ quan, đơn vị còn lại có trách nhiệm phối hợp để giải quyết theo quy định. Trường hợp không thống nhất, các cơ quan, đơn vị báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định./.
Phòng Tư pháp quận 5- Phòng PBGDPL