• Tháng Bảy 26, 2024
Ngày 18/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2013 Quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.Theo đó, một số quy định mới về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố như sau:
1. Tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được chỉ định theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua trên cơ sở Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc (sau đây gọi là danh sách do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ định) hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Việt Nam chỉ định theo quy định của pháp luật Việt Nam (Khoản 1, Điều 3 Nghị định 93).
2. Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, rà soát khách hàng, giao dịch của khách hàng và các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng với danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện khách hàng, các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tài trợ khủng bố thì tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch.
- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nghi ngờ hoặc phát hiện tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan phải báo cáo ngay việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch và gửi kèm các tài liệu có liên quan cho Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an hoặc Cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; báo cáo giao dịch đáng ngờ về tài trợ khủng bố cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an hoặc Cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, làm rõ. Trường hợp xác định khách hàng, các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố thì người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và gửi quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để thi hành; nếu khách hàng và các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc giao dịch được yêu cầu thực hiện không liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố thì người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh có văn bản thông báo cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan chấm dứt ngay việc trì hoãn giao dịch.
- Trường hợp khách hàng, các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng thuộc phạm vi các mục tiêu, địa bàn do Bộ Quốc phòng quản lý, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an hoặc Cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng kiểm tra, xác minh, làm rõ. Trường hợp Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng xác định khách hàng, các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc giao dịch được yêu cầu thực hiện liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố thì người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng ra quyết định phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và gửi quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để thi hành; nếu khách hàng, các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc giao dịch được yêu cầu thực hiện không liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố thì người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng có văn bản thông báo cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan chấm dứt ngay việc trì hoãn giao dịch (Khoản 1, Điều 8 Nghị định 93).
3. Qua hoạt động nghiệp vụ hoặc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân mà có căn cứ để nghi ngờ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố lưu thông trong hoạt động tài chính hoặc hoạt động kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng, Cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan thực hiện ngay biện pháp trì hoãn giao dịch.
- Trong thời hạn 72 giờ kể từ khi trì hoãn giao dịch, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng, Cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, làm rõ. Trường hợp xác định tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng, Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định yêu cầu tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản đó để xử lý theo quy định pháp luật; nếu xác định tiền, tài sản đó không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng, Giám đốc Công an cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan chấm dứt ngay việc trì hoãn giao dịch (Khoản 2, Điều 8 Nghị định 93)..
4. Trong thời hạn 72 giờ kể từ khi có quyết định phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an; người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố (Khoản 3, Điều 8 Nghị định 93).
5. Khi nhận được báo cáo của người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh, người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xem xét, quyết định việc xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố (Khoản 4, Điều 8 Nghị định 93).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2024./.
Phòng Tư pháp quận Gò Vấp- Phòng PBGDPL
Tập tin đính kèm
93nd.signed.pdf (863.58 kb, 34 lượt xem)