• Tháng Hai 1, 2024
Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 09/2023/TT-BTP quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp.
1/ Quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp
Việc giám định theo trưng cầu, yêu cầu trong lĩnh vực tư pháp được thực hiện theo quy trình như sau:
- Bước 1: Giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu hoặc yêu cầu giám định;
- Bước 2: Chuẩn bị giám định;
- Bước 3: Thực hiện giám định;
- Bước 4: Kết luận giám định;
- Bước 5: Trả kết luận giám định;
- Bước 6: Lập, lưu và bảo quản hồ sơ giám định.
Ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BTP sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp (Phụ lục I).
2/ Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp
- Thời hạn giám định trong lĩnh vực tư pháp thực hiện theo quy định sau:
+ Thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.
Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.
+ Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
+ Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định tư pháp cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.
+ Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định tư pháp nhưng không được vượt quá thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
+ Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
- Thời hạn của từng bước trong quy trình giám định được quy định tại sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BTP .
Thông tư 09/2023/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/12/2023.
Phòng Tư pháp quận 11- Phòng PBGDPL
Tập tin đính kèm
09-btp.pdf (11.79 Mb, 24 lượt xem)