• Tháng Một 25, 2022
Ngày 12 tháng 01 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành và khai thác các hệ thống giám sát hình ảnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND, có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 01 năm 2022.
Quy chế có 4 chương, 25 điều quy định việc quản lý, lắp đặt, vận hành, tích hợp, khai thác và bảo dưỡng các hệ thống giám sát hình ảnh (gọi chung là hệ thống camera) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Quy chế này không áp dụng đối với việc chia sẻ dữ liệu chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được quy định tại Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; việc quản lý, lắp đặt, vận hành, tích hợp, khai thác và bảo dưỡng các hệ thống camera nghiệp vụ của Công an Thành phố; các hệ thống camera giám sát nội bộ của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 15 của Quy chế này.
Một số nội dung cần lưu ý:
1. Mạng lưới camera phải đảm bảo độ phủ, tầm quan sát, góc quan sát phù hợp với mục đích sử dụng và mục tiêu, đối tượng cần giám sát. Việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát phải đảm bảo đầu tư đồng bộ, không trùng lắp về vị trí, góc quan sát, mục đích sử dụng và mục tiêu, đối tượng cần giám sát, trừ trường hợp camera nghiệp vụ của Công an Thành phố, hướng đến việc sử dụng chung dữ liệu camera trên địa bàn thành phố.
2. Thiết lập nhiều lớp camera ở các độ cao khác nhau, bao gồm, nhưng không bị giới hạn, như sau:
a) Độ cao từ 20 mét trở lên: lắp đặt trên nóc các tòa nhà cao tầng, các trụ anten, trụ thu phát sóng di động để phục vụ việc giám sát toàn cảnh, tổng thể ở một khu vực rộng lớn nhằm phát hiện các dấu hiệu như khói, lửa, hoặc phát hiện sự thay đổi về hiện trạng khu vực được giám sát.
b) Độ cao từ 10 mét đến dưới 20 mét: Phục vụ giám sát toàn cảnh tại các quảng trường, vòng xoay, khu vực có tầm quan sát rộng, nhà ga, bến cảng, đường cao tốc.
c) Độ cao từ 05 mét đến dưới 10 mét: Phục vụ giám sát tình hình an ninh trật tự tại các khu vực trọng điểm, tình hình giao thông trên các tuyến đường, theo dõi hành vi và hướng di chuyển của các đối tượng cần giám sát.
d) Độ cao từ 03 mét đến dưới 05 mét: Phục vụ giám sát, phát hiện các hành vi, trạng thái cụ thể của đối tượng, nhận dạng biển số phương tiện giao thông, giám sát các khu vực không yêu cầu phạm vi quan sát rộng như các tuyến hẻm, đường nhỏ.
đ) Độ cao dưới 03 mét: Phục vụ cho những mục đích giám sát chuyên dụng như nhận diện khuôn mặt phục vụ phát hiện đối tượng trong danh sách theo dõi, giám sát mực nước triều cường, cảnh báo tình trạng ngập úng và các mục đích giám sát chuyên dụng khác.
3. Việc lắp đặt các thiết bị camera giám sát nơi công cộng phải được thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đầu tư, quản lý địa điểm đó; có sự đồng thuận bằng văn bản về vị trí và phương án kỹ thuật của Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có liên quan hoặc đơn vị được các cơ quan này ủy quyền bằng văn bản; đồng thời, phải đảm bảo phù hợp với kế hoạch phát triển mạng lưới camera giám sát của Thành phố.
4. Ưu tiên sử dụng chung hạ tầng lắp đặt hệ thống camera như cột, trụ, tủ kỹ thuật tại cùng một vị trí hoặc có sự phối hợp triển khai thi công đồng bộ giữa các đơn vị nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.
5. Đối với hệ thống camera lắp đặt tại các điểm tập kết chất thải, trạm trung chuyển, nhà máy xử lý chất thải, các khu xử lý chất thải tập trung và các địa điểm liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị quản lý hệ thống camera có trách nhiệm báo cáo phương án kỹ thuật và vị trí lắp đặt cho Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời, chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để kết nối dữ liệu hình ảnh vào hệ thống quản lý tập trung camera giám sát của thành phố.
6. Đối với hệ thống camera lắp đặt tại các bệnh viện, trường học, đơn vị quản lý hệ thống phải báo cáo phương án kỹ thuật và vị trí lắp đặt cho Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để kết nối dữ liệu hình ảnh vào hệ thống quản lý tập trung camera giám sát của Thành phố.
7. Đối với hệ thống camera lắp đặt tại các khu dân cư, khu đô thị mới, chủ đầu tư các khu vực này có trách nhiệm báo cáo phương án kỹ thuật, vị trí lắp đặt cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý trực tiếp địa bàn; đồng thời, thực hiện ngay phương án kết nối, tích hợp và chia sẻ hình ảnh cho hệ thống quản lý camera tập trung của quận huyện trong vòng 10 ngày làm việc sau khi hoàn tất việc lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát tại khu vực. Kinh phí thực hiện tích hợp do chủ đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới chịu trách nhiệm chi trả.
8. Đối với camera do cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp lắp đặt nhằm giám sát an ninh, bảo vệ tài sản của chính cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mà có một phần tầm quan sát bao phủ khu vực công cộng (vỉa hè, lòng đường,...):
a) Cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh thiết bị camera đảm bảo chỉ quan sát trong phạm vi ranh diện tích sở hữu hoặc diện tích sử dụng khu vực thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đó.
b) Cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp cung cấp dữ liệu từ hệ thống camera giám sát thuộc quyền sở hữu của mình cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
c) Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp lợi dụng việc lắp đặt thiết bị camera nhằm xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khác theo quy định pháp luật có liên quan.
d) Mọi hành vi vi phạm quy định thuộc quy chế này hoặc các quy định có liên quan đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.
Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh – Phòng PBGDPL