Danh mục
- Tháng Mười Hai 7, 2021
Hiện nay xã hội phát triển, điều kiện sống của con người được nâng lên, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều hoàn cảnh gặp khó khăn, như: trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em bị khuyết tật… Chính sách trợ giúp xã hội là sự đảm bảo của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng về thu nhập và các điều kiện sống thiết yếu bằng các hình thức và biện pháp khác nhau đối với các thành viên trong xã hội khi họ rơi vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, yếu thế trong cuộc sống mà bản thân họ không đủ khả năng tự lo được cuộc sống của bản thân và gia đình ở mức tối thiểu.
Chính sách an sinh xã hội nói chung và trợ giúp xã hội nói riêng đã được người yếu thế đón nhận như một sự đảm bảo cho cuộc sống trên cơ sở tương trợ cộng đồng, chia sẻ rủi ro, đây là hoạt động mang đậm tính nhân đạo, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngày 15/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP với nhiều điểm mới trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) đối với đối tượng như: chính sách TGXH thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; TGXH khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được coi là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng hàng đầu để các cơ quan có thẩm quyền triển khai áp dụng các chính sách về TGXH trên thực tiễn, tính từ thời điểm 01/07/2021. Nghị định bao gồm 8 Chương, 39 Điều. Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Điều 17 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các điều từ Điều 40 đến Điều 43 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; các điều từ Điều 15 đến Điều 23 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Ngoài ra, ngày 24/6/2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Thông tư có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư được áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 2 và 4 Điều 11 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành. (xem tài liệu đính kèm)
Like
Chia sẻ