• Tháng Mười Hai 23, 2020
Ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 gồm có 3 điều. Một số nội dung mới, cần lưu ý:
1. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng
2. Mức phạt tiền tối đa
a) Luật sửa đổi đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như phòng, chống tệ nạn xã hội; giao thông đường bộ; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; điện lực; kinh doanh bất động sản; báo chí;...
b) Luật sửa đổi đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định như đối ngoại; tín ngưỡng; ninh mạng, an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước;....
3. Thẩm quyền xử phạt
- Luật sửa đổi đã bổ sung hoặc giảm bớt một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước: Kiểm toán nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ngành công an, kiểm ngư,...
- Luật sửa đổi cũng đã tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện hoặc tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền) đối với một số chức danh: Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chi cục trưởng Hải quan,...
4. Về giao quyền xử phạt:
Bên cạnh việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật sửa đổi cũng quy định việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
5. Lập biên bản vi phạm hành chính
a) Luật sửa đổi quy định rõ biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
b) Luật sửa đổi quy định trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản (Luật hiện hành quy định phải có 02 người chứng kiến); trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
c) Quy định cụ thể trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.
d) Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.
6. Về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính
Luật sửa đổi quy định thêm một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
7. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
a) Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt: thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
b) Bỏ quy định về gia hạn:
- Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
- Đối với vụ việc thuộc trường hợp mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
8. Hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng cho cá nhân và tổ chức (Luật hiện hành chí quy định hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng cho cá nhân)
9. Việc giảm, miễn tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt được áp dụng cho cá nhân, tổ chức (Luật hiện hành chí quy định việc giảm, miễn tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt được áp dụng cho cá nhân)
10. Người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. (Luật hiện hành chí quy định việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt)
11. Sửa đổi về đối tượng, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vào cơ sở giáo dục bắt buộc
12. Bổ sung thêm biện pháp Giáo dục dựa vào cộng đồng trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.
Phòng Tư pháp Quận Bình Thạnh- Phòng PBGDPL