• Tháng Mười Một 24, 2020
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THANH NIÊN 2020
(có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021)
Tại phiên họp ngày 16 tháng 06 năm 2020, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV dã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên năm 2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 ngày 01 ngày 2021.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
Ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên Việt Nam: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Việc quy định như trên cho thấy Nhà nước rất coi trọng vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguyên tắc hiến định, có ý nghĩa nền tảng để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và tổ chúc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.
Sau gần 15 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh niên 2005 đã bộc lộ những hạn chế nhất định:
- Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như: chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa làm rõ được nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.
- Cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên chưa chi tiết. Do đó, thanh niên khó phát huy và thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên.
- Mặt khác, bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có rất nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần được hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh mới và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Do đó, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, trong đó đề ra nhiệm vụ phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, cơ chế phối hợp trong công tác thanh niên và vai trò của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Tại Phiên họp ngày 16/6/2020, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV dã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên năm 2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
1. Mục đích
Mục đích xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Quan điểm xây dựng Luật
– Một là, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW.
– Hai là, căn cứ Hiến pháp 2013 và điều kiện cụ thể của Việt Nam, căn cứ quyền, nghĩa vụ của công dân mà Hiến pháp đã quy định, cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 để quy định các quyền và nghĩa vụ của thanh niên; các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và cá nhân đối với thanh niên; vai trò của tổ chức thanh niên, nhất là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
– Ba là, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, bên cạnh một số quy định chung về chính sách đối với thanh niên, cần có các chính sách cụ thể để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.
– Bốn là, bảo đảm phù hợp với xu thế quản lý và hoạt động của thanh niên trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THANH NIÊN 2020
Luật Thanh niên năm 2020 gồm 07 Chương và 41 Điều, tăng 01 Chương và 05 Điều so với Luật Thanh niên năm 2005.
1. Bố cục Luật Thanh niên 2020
Chương I: Những quy định chung, gồm 11 Điều quy định: Thanh niên; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam; hợp tác quốc tế về thanh niên; Tháng Thanh niên; đối thoại với thanh niên và áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Chương II: Trách nhiệm của thanh niên, gồm 04 Điều quy định trách nhiệm cùa thanh niên đối với Tổ quốc; đối với Nhà nước và xã hội; đối với gia đình và với bản thân thanh niên.
Chương III: Chính sách Nhà nước đối với thanh niên, gồm 11 Điều quy định 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó có 06 Điều quy định chính sách theo lĩnh vực gồm: chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc và 05 Điều quy định chính sách đối với một số nhóm đối tượng thanh niên, gồm: chính sách đối với thanh niên xung phong; chính sách đối với thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên có tài năng; chính sách đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Chương IV: Trách nhiệm của tổ chức thanh niên, gồm 04 Điều: quy định về trách nhiệm cùa tổ chức thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và về chính sách cùa Nhà nướcc đối với tổ chức thanh niên.
Chương V: gồm 04 Điều quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên.
Chương VI: Quản lý Nhà nước về thanh niên, gồm 5 Điều quy định nội dung quản lý Nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Những điểm mới cơ bản của Luật Thanh niên 2020
2.1. Chỉ quy định trách nhiệm của thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương (chương II) quy định 8 quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên nhưng thể hiện theo cách quyền và nghĩa vụ đi liền với nhau, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, các điều khoản thì chưa rõ ràng, còn chung chung. Thanh niên cũng đồng thời là công dân, vì thế các quyền hoặc nghĩa vụ của công dân cũng chính là các quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Trong khi đó, các quyền và nghĩa vụ của công dân đã được Hiến pháp và các luật chuyên ngành quy định rất cụ thể, rõ ràng. Luật Thanh niên (sửa đổi) không quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trên các lĩnh vực cơ bản mà quy định thành 01 Điều chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên (Điều 4). Đồng thời, dành 01 Chương (Chương II) quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên.
2.2. Quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên
Quy định ở Điều 5 các nguyên tắc nhằm bảo đảm sự bình đẳng của thanh niên về quyền, nghĩa vụ; không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, gia đình trong việc tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ; bảo đảm sự tham gia của thanh niên, tôn trọng thanh niên, lắng nghe thanh niên trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách pháp luật đối với thanh niên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
2.3. Quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên
Trong khi Luật Thanh niên 2005 không quy định về vấn đề này, thì tại Điều 6 Luật Thanh niên 2020 đã quy định Nhà nước phải bảo đảm nguồn lực để xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp hợp pháp khác từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Điều này đã tạo ra căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong thời gian sắp tới.
2.4. Quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên
Từ năm 2003, Đảng, Nhà nước đã lấy tháng 3 hàng năm là Tháng thanh niên. Luật Thanh niên (sửa đổi) tiếp tục kế thừa truyền thống, quy định tại điều 9 lấy Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bồi dưỡng lực lượng thanh niên – nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Đây là tháng trọng tâm để thanh niên toàn quốc hăng hái thi đua, triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, tình nguyện tham gia các chương trình, phần việc thanh niên, tạo tiền đề thúc đẩy các phong trào trong năm. Qua đó, là dịp để Đảng và Nhà nước tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tấm gương điển hình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá quy định: Chính quyền các cấp định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên. Hiện nay, Lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên. Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định tại Điều 10 về việc đối thoại với thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên thông qua hoạt động đối thoại với thanh niên.
2.5. Quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên
Luật Thanh niên 2005 đã quy định các chính sách của nhà nước đối với thanh niên theo hướng gắn liền với quy định về trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên. Luật thanh niên sửa đổi lần này đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành.
Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên (sửa đổi) tại Chương III đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên; trong đó, quy định nguyên tắc định hướng để thực hiện các chính sách làm cơ sở cho việc bảo đảm cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên trên các lĩnh vực: Học tập và nghiên cứu khoa học; về lao động, việc làm; về khởi nghiệp; về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, thể dục, thể thao, về bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời quy định chính sách đối với một số nhóm thanh niên “đặc thù”, cụ thể như: chính sách hỗ trợ thanh niên tài năng, thanh niên khởi nghiệp; thanh niên từ đủ mười sáu tuối đến dưới mười tám tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số, nhằm tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi đối tượng thanh niên.
2.6. Quy định về trách nhiệm của tổ chức thanh niên
Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên (sửa đổi) đã dành 01 Chương quy định về tổ chức thanh niên (Chương IV) trong đó quy định về vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên, chính sách của nhà nước đối với tổ chức thanh niên. Các quy định này đã cụ thể hóa tinh thần Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để khẳng định vị thế và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên đối với thanh niên, đặc biệt là Điều 30 quy định chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên.
2.7. Quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên, trong khi đây vốn là những tổ chức có vai trò, ảnh hưởng lớn đến thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên (sửa đổi) đã dành 01 Chương (Chương V) quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên. Cụ thể:
Luật quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành lập các tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.
Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được: Học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.
2.8. Quy định quản lý Nhà nước về thanh niên
Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; đồng thời cũng không quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, do đó, gây khó khăn trong việc triển khai thực thi các chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Chương VI Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 8 nội dung cụ thể; giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; quy định 8 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ – cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành và lĩnh vực; quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại các địa phương./.
Tập tin đính kèm