• September 9, 2020

TÀI LIỆU HỎI ĐÁP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ

 DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 1

 

  1. Di sản văn hóa là gì?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 thì Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Công hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Di sản văn hóa vật thể là gì?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

-  Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm:                  

+ Tiếng nói, chữ viết;

+  Ngữ văn dân gian;

+  Nghệ thuật trình diễn dân gian;

+ Tập quán xã hội và tín ngưỡng;

+  Lễ hội truyền thống;

+  Nghề thủ công truyền thống;

+ Tri thức dân gian.

3. Di sản văn hóa vật thể là gì?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa , danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

4. Di vật là gì?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học

5. Cổ vật là gì?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

6. Bảo vật quốc gia là gì?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu.

7. Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí nào?

 Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau đây:

- Là hiện vật gốc độc bản;

-  Là hiện vật có hình thức độc đáo;

-  Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.

8. Di tích được xếp thành mấy hạng và trên cơ sở những đặc điểm gì?

Trả lời: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009)thì di tích được xếp thành 03 hạng là di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài ra các di tích tiêu biểu của Việt Nam còn được đề nghị UNESCO xem xét đưa vào danh mục di sản thế giới.

- Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

+ Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoăc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

+ Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và đia điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

+ Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

+ Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiên trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.

- Di tích quốc gia là di tích có giá tri tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

+ Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn kết với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình lịch sử của dân tộc;

+ Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và đia điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Viêt Nam.

+ Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ.

+ Cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiên trúc, nghệ thuật hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dang sinh học, hệ sinh thái đặc thù.

- Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá tri đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

+ Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoăc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc.

+ Công trình kiến trúc, nghê thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghê thuật Viêt Nam.

+ Địa điểm điểm khảo cổ có giá trị nổi bât đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt nam và thế giới.

+ Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

9. Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích gồm những nội dung gì?

Trả lời:Theo Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

- Đơn đề nghị xếp hạng của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích;

- Lý lịch di tích;

- Bản đồ vị trí và chỉ dẫn đường đến di tích;

- Bản vẽ mặt bằng tổng thể di tích tỷ lệ 1/500, các mặt bằng, các mặt đứng, các mặt cắt ngang, cắt doc, kết cấu và chi tiết kiến trúc có chạm khắc tiêu biểu của di tích tỷ lệ 1/50;

- Tập ảnh màu khảo ta di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích từ cỡ 9 cm x 12 cm trở lên;

- Bản thống kê di vât, cổ vât, bảo vât quốc gia thuộc di tích;

- Bản dập, dịch văn bia, câu đối, đai tự và các tài liệu hán Nôm hoặc tài liệu bằng các loại ngôn ngữ khác có ở di tích;

- Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích có dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân các cấp, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên môi trường và Sở Văn hóa và Thể thao;

- Tờ trình về việc xếp hạng di tích theo quy định tại Luât di sản Văn hóa (sửa đổi bổ sung năm 2009).

10. Hãy cho biết các khu vực bảo vệ di tích?

Trả lời: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì khu vực bảo vệ di tích gồm 2 khu vực:

- Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;

- Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I

11. Hãy nêu ra các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ di tích?

Trả lời: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì có 5 hành vi nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ di tích bao gồm:

- Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa.

- Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.

- Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín di đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.

12. Hãy cho biết các tiêu chí để công trình là di tích lịch sử - văn hóa?

Trả lời: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì có một trong năm tiêu chí sau đây để công trình là di tích lịch sử - văn hóa

- Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước.

- Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước;

- Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạnh, kháng chiến;

- Địa điểm có giá trị tiêu biểu về khảo cổ;

- Quần thể các công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử.

13. Công trình, địa điểm trong Danh mục kiểm kê di tích của địa phương được bảo vệ theo quy định nào?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên có tiêu chí để công trình là di tích lịch sử - văn hóa, đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Ít nhất 5 năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát và quyết định đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích của địa phương các công trình, xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên không đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích.

14. Các nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm những nguồn nào?

Trả lời: Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm:

-  Ngân sách nhà nước;

- Các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa;

-  Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

15. Hồ sơ tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích bao gồm những nội dung gì?

Trả lời: Theo Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch về quy định chi tiết một số quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì hồ sơ tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích bao gồm:

- Thuyết minh lý do tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ, nêu rõ tình trạng kỹ thuật và các nguy cơ gây xuống cấp, sập đổ, hủy hoại di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích; đề xuất phương án tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ.

- Ảnh in màu, kích thước 10x15cm trở lên, mô tả hiện trạng xuống cấp của di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích tại thời điểm lập hồ sơ.

-  Bản vẽ phương án tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ.

- Khái toán chi phí tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ.

16. Tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích được thực hiện như thế nào?

Trả lời:Theo Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch về quy định chi tiết một số quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì thực hiện tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích thì thực hiện tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích:

- Việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm tham gia ý kiến đối với hồ sơ tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị.

- Việc thực hiện tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích có sự tham gia của tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện hành nghề thi công tu bổ di tích, có sự giám sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích và đại diện Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ khi hoàn thành việc tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung và kết quả tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ; đối với di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia, phải báo cáo bằng văn bản về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

17. Thẩm quyền lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Nghị định 166/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hía, danh lam thắng cảnh thì thẩm quyền lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích được quy định như sau:

- Căn cứ danh mục dự án thành phần của quy hoạch di tích đã được phê duyệt, sự xuống cấp của di tích và khả năng bố trí kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích quyết định việc lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích và lựa chọn chủ đầu tư của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.

- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện hành nghề lập dự án tu bổ di tích, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích theo quy định của pháp luật hiện hành.

18. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Nghị định 166/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thì:

- Thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích:

+ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích;

+ Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh.

-  Thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia sau khi có văn bản thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh sau khi có văn bản thẩm định của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao.

19. Hãy cho biết tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?

Trả lời: Theo Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa thì tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia:

-  Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương.

-  Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ.

-  Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.

-  Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ

20. Quận 1 có có bao nhiêu di tích đã được công nhận?

Trả lời:Tính đến 31 tháng 7 năm 2020, Quận 1 có 25 cơ sở được công nhận là di tích.

21. Quận 1 có bao nhiêu di tích Quốc gia đặc biệt?

Trả lời: 01 Di tích, Hội trường Thống nhất (Dinh Độc Lập) - Trung tâm đầu não của Chính quyền Ngụy Sài Gòn trước năm 1975 (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1).

22. Quận 1 có bao nhiêu Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia?

Trả lời: Có 6 Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

- Chùa Phước Hải (Điện Ngọc Hoàng) - cơ sở tôn giáo mang đậm phong cách Trung Hoa (73 Mai Thị Lựu, phường ĐaKao, Quận 1).

- Miếu Thiên Hậu (Quảng Triệu hội quán) - cơ sở tín ngưỡng do người Hoa gốc Quảng Đông xây dựng (122 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).

- Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1).

- Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh (07 Công trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1).

23. Quận 1 có bao nhiêu di tích lịch sử cấp Quốc gia?

Trả lời: Có 05 di tích lịch sử cấp Quốc gia.

- Nơi thành lập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929 (Phòng 1 lầu 2 nhà số 01 Nguyễn Trung Trực, phường, Bến Thành, Quận 1).

- Nơi thành lập Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1928 (Phòng 5 nhà số 88 Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1).

- Nơi đặt trụ sở Tòa soạn báo Dân Chúng - cơ quan Trung ương Đảng (43 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).

- Nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng làm việc - Phân xưởng cơ khí xí nghiệp liên hợp Ba son (2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Tòa Đại sứ quán Mỹ cũ (hiện nay là Tòa lãnh sự Mỹ) - Nơi Mỹ đặt cơ quan ngoại giao thời chiến tranh xâm lược Việt Nam (4 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1).

24.Quận 1 có bao nhiêu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố?

Trả lời: Có 10 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố

- Đình Nam Chơn (cơ sở tín ngưỡng dân gian) (29 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1).

- Đình Nhơn Hòa (cơ sở tín ngưỡng dân gian) (27 - 29 Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1).

- Khách sạn Continental (132-134 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (97-97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).

- Cầu Mống (Đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).

- Mộ cổ họ Lâm (55C Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, Quận 1).

- Đền thờ Hùng Vương ( 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Bệnh viện Nhi đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (11 nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Trường Phổ thông trung học chuyên Trần Đại Nghĩa (53 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, Quận 1).

25. Quận 1 có bao nhiêu Di tích Lịch sử cấp Thành phố  Hồ Chí Minh?

Trả lời: Có 3 Di tích Lịch sử cấp Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trụ sở Liên đoàn Lao động Thành phố (di tích cách mạng) (14 Cách mạng Tháng 8, phường Bến Thành, Quận 1).

- Quán Nhan Hương (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1).

- Cột cờ Thủ Ngữ(phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).

26. Các tượng đài trên địa bàn Quận 1?

Trả lời:

- Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương, Vòng xoay ngã sáu Phù Đổng, phường Bến Thành, Q.1.

- Tượng đài Trần Hưng Đạo Vòng xoay công trường Mê Linh - đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Q.1.

- Tượng đài Lê Văn Tám , trong công viên Lê Văn Tám, phường ĐaKao, Q.1.

- Tượng đài Trần Văn Ơn, trong công viên Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Q.1.

- Tượng đài đức Mẹ Hòa Bình, trước Nhà thờ Đức Bà, phường Bến Nghé, Q.1.

- Tượng đài Quách Thị Trang, trong công viên Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Q.1.

27. Quận 1 có bao nhiêu công trình, địa điểm trong Danh mục kiểm kê di tích lịch -văn hóa?

Trả lời: Hiện nay, Quận 1 có 24 công trình, địa điểm trong Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa bao gồm 21 công trình, địa điểm thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật và 03 công trình, địa điểm thuộc loại hình lịch sử.

- Công trình, địa điểm thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật:

+ Nhà thờ Đức Bà (Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn). Số 1 Công trường Công xã Paris, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Nữ tu viện Thánh Phao-lô (Tu viện Saint Paul). Số 4 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Nhà thờ Huyện Sĩ. Số 1 đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão.

+ Đền Sri Thenda Yuthapani. Số 66 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Đền thờ Bà Mariamman. Số 45 đường Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1.

+ Đền thờ Subramaniam Swany. Số 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Phụng Sơn Tự. Số 338-340 đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.

+ Nam Thành Thánh Thất. Số 124-126 đường Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1.

+ Đền thờ Trần Hưng Đạo. Số 32 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Quận 1.

+ Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Số 86 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1. Số 47 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Số 17 đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.

+ Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Số 2 Công trường Công xã Paris, phường Nến Nghé, Quận 1.

+ Kho bạc Nhà nước- Thành phố Hồ Chí Minh. Số 37 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Trụ sở Cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh. Số 21 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Trụ sở Hỏa xa. Số 136 đường Hàm Nghi, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Trường Cán bộ Quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Số 7-9 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Trường Trung học phổ thông Trưng Vương. Số 3 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm,

+ Chợ Bến Thành. Cửa Nam – Chợ Bến Thành, phường Bến Thành, Quận 1.

+ Chợ Tân Định. Số 1 đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, Quận 1.

+ Mộ ông Trịnh Hưng Kim. Trước nhà số 214/B17 đường Nguyễn Trãi, phường.

- Công trình, địa điểm thuộc loại hình lịch sử:

+ Chùa Linh Sơn. Số 149 đường Cô Giang, phường Cô Giang, Quận 1.

+ Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, Quận 1.

+ Trường THPT Ernst Thalmann. Số 8 đường Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009.
  • Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009.
  • Nghị định 166/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
  • Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch về quy định chi tiết một số quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì hồ sơ tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích hoặc đối tượng kiểm kê di tích.
  •  Quyết định 923/QĐ-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích – lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Dấu ấn Lịch sử - Văn hóa Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản 2010./.
Được đăng trong chuyên mục: Phổ biến giáo dục Pháp Luật