• Tháng Ba 30, 2020
Người khai báo y tế là người, chủ của hàng hóa, phương tiện vận tải, thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục kiểm dịch y tế; người khác được chủ của hàng hóa, phương tiện vận tải, thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục kiểm dịch y tế.
Bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Sau đây là một số quy định pháp luật có liên quan đến khai báo y tế và lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sau:
1. Trách nhiệm của người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện vận tải và chủ hàng:
Tại Điều 47 Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới quy định người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện vận tải và chủ hàng có trách nhiệm trong việc khai báo y tế cụ thể sau:
- Chủ động khai báo về tình trạng sức khỏe bất thường với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới nơi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh.
- Thực hiện khai báo đầy đủ, chịu trách nhiệm về nội dung khai báo y tế theo quy định; không được làm, sử dụng tờ khai y tế giả mạo.
- Chấp hành việc kiểm tra y tế, xử lý y tế của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới quy định pháp luật.
2. Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về cách ly y tế, cưỡng chế y tế và kiểm dịch y tế biên giới:
- Tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định việc từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
- Tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định việc không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới, thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
3. Xử lý hình sự về việc làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
Tại điểm c, khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người:
- Người nào có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
+ Làm chết người.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
+ Làm chết 02 người trở lên.