• September 20, 2024
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.
Những nội dung được sửa đổi, bổ sung cụ thể như:
(1) Sửa đổi, bổ sung Điều 3
- Thứ nhất, Luật quy định khoản 4 Điều 3 như sau: “4. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ, cảnh vệ theo quy định của Luật này” để phù hợp với quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị trung ương đến cơ sở.
- Thứ hai, Luật bổ sung quy định giải thích một số từ ngữ tại Điều 3, gồm: “Chế độ cảnh vệ”, “Kiểm tra an ninh, an toàn”, “Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “Sử dụng thẻ, phù hiệu".
(2) Bổ sung thêm 01 khoản tại Điều 6, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 6 về: “Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ". Hiện nay, các quy định trên chưa được thực thi hiệu quả trên thực tế do chưa có hướng dẫn, quy định chi tiết để thống nhất thực hiện, do vậy cần giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện.
(3) Sửa đổi, bổ sung Điều 10
- Thứ nhất, Luật quy định sửa đổi, bổ sung câu dẫn của khoản 1 để phù hợp với quy định Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị trung ương đến cơ sở.
- Thứ hai, Luật hóa Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị trung ương đến cơ sở, bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sửa đổi, sử dụng thuật ngữ “Ủy viên Ban Bí thư” thay cho thuật ngữ “Bí thư Trung ương Đảng” để thống nhất với Điều 17 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Thứ ba, Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế theo đề nghị của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.
- Thứ tư, Luật quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể: “đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c hoặc d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều này tham dự.”
- Thứ năm, bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để phù hợp với công tác cảnh vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.
(4) Sửa đổi, bổ sung Điều 11
- Thứ nhất, tách Điều 11 thành 02 Điều luật: 01 điều quy định về chế độ cảnh vệ và 01 điều quy định về biện pháp cảnh vệ. Luật Cảnh vệ năm 2017 không tách biệt giữa chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng Cảnh vệ phải thực hiện; do vậy cần có sự tách biệt giữa chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi trong triển khai thực hiện.
- Thứ hai, quy định nguyên tắc áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp một người vừa giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng vừa giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.
(5) Sửa đổi, bổ sung Điều 12
Luật quy định tách Điều 12 thành 02 Điều luật; bổ sung quy định cơ sở để áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam trên cơ sở “nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại” để đảm bảo áp dụng thống nhất trên thực tế và phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ.
(6) Sửa đổi, bổ sung Điều 13
Hiện nay, việc kiểm tra an ninh, an toàn đối với việc ra, vào các khu vực trọng yếu đã được lực lượng Cảnh vệ triển khai thực hiện thường xuyên đảm bảo theo quy trình và phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ. Các biện pháp áp dụng đối với khu vực trọng yếu, gồm khu vực làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội đều được áp dụng các biện pháp cảnh vệ. Do vậy, Luật quy định chung biện pháp cảnh vệ đối với các khu vực trọng yếu tại Điều 13.
(7) Bổ sung 01 khoản tại các điều: Điều 11a, Điều 12a, Điều 13 và Điều 14, cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
(8) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15, Luật quy định rõ Người là đối tượng cảnh vệ có quyền yêu cầu lực lượng Cảnh vệ thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật Cảnh vệ.
(9) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16
Hiện nay, với số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trọng điểm khác, nên nhu cầu thành lập lực lượng Cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là rất cần thiết. Để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tránh phát sinh tăng biên chế, Luật quy định trong trường hợp cần thiết, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập lực lượng Cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(10) Sửa đổi, bổ sung Điều 18
- Thứ nhất, Luật quy định bổ sung một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện; cụ thể: huấn luyện nâng cao; huấn luyện đặc thù; huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến; ra quân thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; đồng thời tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và lực lượng khác tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Các nhiệm vụ này trên thực tế lực lượng Cảnh vệ vẫn đang triển khai thực hiện, do vậy cần luật hóa để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ.
- Thứ hai, giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao; huấn luyện đặc thù; huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến; ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an.
(11) Sửa đổi, bổ sung Điều 20: Trên thực tế một số quyền được lực lượng Cảnh vệ đã và đang thực hiện rất hiệu quả trong triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ; do vậy, cần luật hóa để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ. Cụ thể:
- Thứ nhất, luật bổ sung quy định một số quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội trong thực hiện công tác cảnh vệ: "(1)Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ; (2)Trong trường hợp do quy định của pháp luật nước sở tại hoặc các nguồn nhân lực và phương tiện, thiết bị cần mang theo không đáp ứng được công tác cảnh vệ, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật này khi đi công tác nước ngoài.”
- Thứ hai, bổ sung thêm 01 Điều (Điều 20a) quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt.
(12) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 như sau: “4. Chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân tổ chức thực hiện công tác cảnh vệ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn nghiệp vụ cảnh vệ”./.
PBGDPL – Phòng Tư pháp Huyện Bình Chánh
Được đăng trong chuyên mục: Phổ Biến Giáo Dục Pháp Luật