• Tháng Bảy 8, 2024
I. CÁC LOẠI GIẤY PHÉP VIỄN THÔNG THEO LUẬT VIỄN THÔNG 2023
Từ ngày 01/7/2024, quy định về các loại giấy phép viễn thông, các trường hợp miễn giấy phép viễn thông tại Luật Viễn thông 2023 bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Viễn thông 2023 thay thế cho Luật Viễn thông 2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2024. Theo đó, quy định về miễn giấy phép viễn thông tại Điều 42 Luật Viễn thông 2023 và một số nội dung liên quan như sau:
1. Các trường hợp được miễn giấy phép viễn thông từ ngày 01/7/2024
Căn cứ Điều 42 Luật Viễn thông 2023, tổ chức, cá nhân hoạt động viễn thông được miễn giấy phép viễn thông trong các trường hợp sau đây:
(i) Kinh doanh hàng hóa viễn thông.
(ii) Cung cấp dịch vụ viễn thông dưới hình thức đại lý dịch vụ viễn thông.
(iii) Thuê đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông.
(iv) Mạng viễn thông dùng riêng mà các thành viên mạng trực thuộc cùng một tổ chức và không tự thiết lập đường truyền dẫn viễn thông.
2. Các loại giấy phép viễn thông
Căn cứ các khoản 1, 2 và 3 Điều 33 Luật Viễn thông 2023, giấy phép viễn thông bao gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông. Cụ thể như sau:
2.1. Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
(i) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng.
(ii) Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
2.2. Giấy phép nghiệp vụ viễn thông
(i) Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển có thời hạn không quá 25 năm được cấp cho tổ chức lắp đặt cáp viễn thông trên biển cập bờ hoặc đi qua vùng biển Việt Nam.
(ii) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng.
(iii) Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông có thời hạn không quá 02 năm được cấp cho doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.
(iv) Giấy phép thiết lập mạng viễn thông có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho đài phát thanh quốc gia, đài truyền hình quốc gia thuộc Chính phủ để thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi.
3. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Căn cứ Điều 36 Luật Viễn thông 2023, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như sau:
(i) Giấy phép viễn thông quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Viễn thông 2023 được cấp cho doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Có vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
- Không đang trong quá trình giải thể, phá sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, các quy định của Luật Viễn thông 2023 về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ viễn thông, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bảo đảm cam kết triển khai mạng viễn thông đối với băng tần, kênh tần số vô tuyến điện được cấp theo hình thức đấu giá, thi tuyển hoặc đối với băng tần được cấp lại.
- Trúng đấu giá, trúng thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc đủ điều kiện được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần.
(ii) Giấy phép viễn thông quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Viễn thông 2023 được cấp cho doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Các điều kiện quy định tại các gạch đầu dòng thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư khoản (i) Mục này.
- Điều kiện về triển khai mạng viễn thông theo quy định của Chính phủ.
(iii) Giấy phép viễn thông quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Luật Viễn thông 2023 được cấp cho doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện quy định tại các gạch đầu dòng thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư khoản (i) Mục này./.
II. QUY ĐỊNH MỚI VỀ VÍ ĐIỆN TỬ VÀ THẺ TRẢ TRƯỚC THEO NGHỊ ĐỊNH 52/2024/NĐ-CP
Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có quy định về ví điện tử, thẻ trả trước.
Quy định mới về ví điện tử và thẻ trả trước theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP
Theo Điều 6 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về ví điện tử và thẻ trả trước như sau:
- Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.
- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành, cung ứng ví điện tử, thẻ trả trước. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng.
Bên cạnh đó, tại khoản 16 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có định nghĩa: Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng cho khách hàng để nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện giao dịch thanh toán.
Hiện hành, theo Nghị định 101/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP) thì dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.
Quy định về việc sử dụng ví điện tử
Việc sử dụng ví điện tử được quy định tại khoản 6 Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN) như sau:
- Việc nạp tiền vào Ví điện tử phải thực hiện từ:
+ Tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng;
+ Nhận tiền từ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở;
- Khách hàng được sử dụng Ví điện tử để:
+ Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;
+ Chuyển tiền cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở;
+ Rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng.
- Tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng;
Lưu ý: Quy định nêu trên không áp dụng đối với Ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử;
- Nghiêm cấm việc sử dụng Ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn Ví điện tử hoặc mua, bán thông tin Ví điện tử;
- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào Ví điện tử./.
III. GIA HẠN THỜI HẠN NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TRONG NĂM 2024
Ngày 17/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024.
Theo đó, việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ được thực hiện như sau:
- Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại Điều 3 Nghị định 64/2024/NĐ-CP .
Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nêu tại Điều 3 Nghị định 64/2024/NĐ-CP có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 64/2024/NĐ-CP không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 64/2024/NĐ-CP thì: doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn toàn bộ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo hướng dẫn tại Nghị định 64/2024/NĐ-CP .
Nghị định 64/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2024.
Sau thời gian gia hạn theo Nghị định 64/2024/NĐ-CP , thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được thực hiện theo quy định hiện hành.
IV. THÔNG TIN NƠI CƯ TRÚ THỂ HIỆN TRÊN THẺ CĂN CƯỚC TỪ NGÀY 01/7/2024
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/20224 hướng dẫn Luật Căn cước 2023, trong đó có nội dung về việc xác định thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ căn cước.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú.
Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
IV. CÁC TRƯỜNG HỢP CẤP ĐỔI, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC
Chính phủ ban hành Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023.
Tại Điều 25 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định Giấy chứng nhận căn cước được cấp đổi trong các trường hợp sau đây:
- Bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về căn cước;
- Có sai sót về thông tin trên giấy chứng nhận căn cước;
- Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có yêu cầu;
- Giấy chứng nhận căn cước hết hạn sử dụng.
Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch bị mất giấy chứng nhận căn cước thì được cấp lại.
V. SỬA ĐIỀU KIỆN AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI CÓ YÊU CẦU ĐẶC BIỆT VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Trong đó, Nghị định 50/2024/NĐ-CP quy định phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
- Các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP ;
- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an (nếu có), trừ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
(Hiện hành, Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định: Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, trừ các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự).
- Có phương án chữa cháy do chủ phương tiện phê duyệt.
VI. NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐÓNG TÀI KHOẢN THANH TOÁN TỪ 01/7/2024
Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024)
Theo đó, từ ngày 01/7/2024, các trường hợp đóng tài khoản thanh toán bao gồm:
- Chủ tài khoản thanh toán có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán;
- Chủ tài khoản thanh toán là cá nhân bị chết, bị tuyên bố đã chết;
- Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Chủ tài khoản thanh toán vi phạm hành vi bị cấm về tài khoản thanh toán quy định tại khoản 5, khoản 8 Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP.
- Các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
VII. QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ VÀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ
Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định về hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử như sau:
- Hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay vào hợp đồng.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
- Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử.
Đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết hợp đồng điện tử được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
VIII. SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Nghị định 59/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi quy định về trách nhiệm lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như sau:
- Cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
- Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
IX. TỪ 01/7/2024, CHUYỂN KHOẢN TRÊN 10 TRIỆU PHẢI XÁC THỰC BẰNG KHUÔN MẶT
Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, từ ngày 01/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt vân tay, cụ thể như sau:
- Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
- Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
- Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.
Ví dụ, trong ngày 25/3/2024, ông A chuyển tiền lần 1 là 5 triệu đồng, chuyển tiền lần 2 là 10 triệu đồng, chuyển tiền lần 3 là 6 triệu đồng thì đến lần chuyển tiền thứ 4 ông phải xác thực khuôn mặt, vân tay cho dù lần thứ 4 ông có chuyển khoản bao nhiêu tiền đi chăng nữa.
Phòng Tư pháp quận Tân Phú- Phòng PBGDPL