• September 20, 2022
Công ước chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc tên đầy đủ là Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác (tiếng Anh: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) là một trong các văn kiện nhân quyền quốc tế và khu vực, dưới sự duyệt xét lại của Liên Hợp Quốc, nhằm mục đích phòng chống tra tấn trên toàn thế giới. Công ước chống tra tấn được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987. Công ước chống tra tấn là 1 trong 9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Liên Hợp Quốc.
Một số quy định của Công ước:
Theo mục đích của Công ước này, thuật ngữ "tra tấn" có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình.
Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe doạ bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.
Mệnh lệnh của quan chức hay của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Điều này cũng áp dụng với những hành vi cố gắng thực hiện việc tra tấn hoặc hành vi của bất kỳ người nào đồng loã hoặc tham gia việc tra tấn.
Mỗi quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp cần thiết để xác lập quyền tài phán đối với những hành vi phạm tội nêu ở điều 4 (mọi hành vi tra tấn), trong các trường hợp sau:
- Khi hành vi phạm tội được thực hiện trên bất cứ vùng lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của quốc gia hay trên tàu thuỷ hoặc máy bay đăng ký ở quốc gia đó.
- Khi người bị tình nghi phạm tội là công - Khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy thích đáng.
Các quốc gia thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau một cách tối đa về các thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với những hành vi phạm tội (mọi hành vi tra tấn), kể cả việc cung cấp bằng chứng cần thiết mà họ có được cho việc tiến hành tố tụng.
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng giáo dục và tuyên truyền về nghiêm cấm hành động tra tấn được đưa đầy đủ vào chương trình đào tạo các quan chức thực thi pháp luật, các nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức và những người khác mà có thể liên quan đến việc giam giữ, thẩm vấn hoặc đối xử với bất kỳ cá nhân nào bị bắt, giam giữ hay cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào.
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình sẽ tiến hành điều tra khẩn trương và khách quan mỗi khi có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tra tấn đã xảy ra trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình.
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó, và và được những cơ quan này xem xét một cách khẩn trương và khách quan. Quốc gia đó cũng phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng người khiếu nại và nhân chứng được bảo vệ tránh sự ngược đãi hay hăm doạ vì như là hậu quả của việc khiếu nại hoặc cung cấp bằng chứng.
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm trong hệ thống pháp luật của mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có quyền khả thi được bồi thường công bằng và thoả đáng, kể cả được cung cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể. Trường hợp nạn nhân chết do bị tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó có quyền hưởng sự bồi thường.
Không một quy định nào trong điều này ảnh hưởng tới bất kỳ quyền được bồi thường nào của nạn nhân hay của người khác có thể có theo pháp luật quốc gia.
Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ phát ngôn nào được đưa ra như là kết quả của sự tra tấn sẽ không được sử dụng làm bằng chứng trong bất kỳ tiến trình tố tụng nào, trừ khi để làm bằng chứng chống lại một người bị cáo buộc là đã thực hiện hành động tra tấn để có lời khai đó.
(Đính kèm Công ước chống Tra tấn)
Phòng Tư pháp quận 1- Phòng PBGDPL
Tập tin đính kèm
cong-uoc-chong-tra-tan.pdf (230.67 kb, 43 lượt xem)
Được đăng trong chuyên mục: Phổ Biến Giáo Dục Pháp Luật