• Tháng Sáu 2, 2020
Ngày 03/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/4/2020 và thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Thông tư 01/2020/TT-BTP có một số điểm mới như sau:
1. Về cách ghi số chứng thực chữ ký người dịch (Khoản 2 Điều 4)
Số chứng thực chữ ký người dịch là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ, văn bản cần chứng thực chữ ký; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực.
2. Về thu hồi, hủy bỏ văn bản đã chứng thực không đúng quy định (Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 7)
a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư 01/2020/TT-BTP đối với giấy tờ, văn bản do Phòng Tư pháp chứng thực.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư 01/2020/TT-BTP đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực.
Sau khi ban hành quyết định hủy bỏ giấy tờ, văn bản chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
b. Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư 01/2020/TT-BTP đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực và đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình.
c. Việc ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý và đăng tải thông tin thực hiện ngay sau khi phát hiện giấy tờ, văn bản đó được chứng thực không đúng quy định pháp luật.
3. Về bản sao từ bản chính (Điều 10)
Bản sao từ bản chính để chứng thực phải gồm đầy đủ số trang có thông tin của bản chính.
4. Về trách nhiệm của người thực hiện chứng thực, người tiếp nhận hồ sơ khi chứng thực bản sao từ bản chính (Điều 11)
Người thực hiện chứng thực (đối với trường hợp người thực hiện chứng thực tiếp nhận hồ sơ), người tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và bảo đảm chỉ thực hiện chứng thực bản sao sau khi đã đối chiếu đúng với bản chính.
Nếu phát hiện bản chính thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 22 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì cơ quan thực hiện chứng thực từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp người yêu cầu chứng thực sử dụng bản chính bị tẩy xóa, thêm bớt, làm sai lệch nội dung, sử dụng giấy tờ giả hoặc bản sao có nội dung không đúng với bản chính thì người tiếp nhận, giải quyết hồ sơ lập biên bản vi phạm, giữ lại hồ sơ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
5. Các trường hợp được thực hiện chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền (Khoản 2 Điều 14)
a. Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
b. Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
c. Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
d. Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
6. Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân (Điều 15)
Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
7. Về rà soát lại danh sách cộng tác viên dịch thuật (khoản 4 Điều 18)
Hàng năm, Phòng Tư pháp có trách nhiệm rà soát lại danh sách cộng tác viên dịch thuật. Trường hợp cộng tác viên không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn hoặc không làm cộng tác viên dịch thuật tại Phòng Tư pháp đó từ 12 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng thì Phòng Tư pháp có văn bản đề nghị Sở Tư pháp ra quyết định xóa tên người đó khỏi danh sách cộng tác viên dịch thuật.
8. Về trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch (khoản 2 Điều 20)
Người tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, hồ sơ. Nếu thấy đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch trước khi người có thẩm quyền thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định.
9. Về mẫu lời chứng (Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2020/TT-BTP)
Ngoài các mẫu lời chứng đã được quy định tại Phụ luc ban hành kèm theo của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 01/2020/TT-BTP đã quy định thêm các mẫu lời chứng:
a. Lời chứng chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gồm có 02 mẫu: Lời chứng chứng thực chữ ký của một người trong một giấy tờ, văn bản và Lời chứng chứng thực chữ ký của nhiều người trong một giấy tờ, văn bản.
b. Lời chứng chứng thực trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế, gồm có 02 mẫu: Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản) và Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng từ chối nhận di sản thừa kế).
c. Lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gồm có 07 mẫu: Lời chứng chứng thực hợp đồng; Lời chứng chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản; Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp một người khai nhận di sản); Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản); Lời chứng chứng thực di chú; Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp một người từ chối nhận di sản) và Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng từ chối nhận di sản).
(Đính kèm Thông tư 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp)
Tập tin đính kèm
Thong tu 01-2020-TT-BTP.pdf (576.17 kb, 30 lượt xem)
Được đăng trong chuyên mục: Phổ Biến Giáo Dục Pháp Luật