Tháng Mười 14, 2019

Thực hiện Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 của Bộ Tư pháp ban hành chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên,

Ngày 14/9/2019, Ủy ban nhân dân quận 7 đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận năm 2019. Hội nghị đã thu hút 430 đại biểu đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quận, phường và hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tham dự.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một đã phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở và các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên. Qua đó, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải của hòa giải viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, tăng tỷ lệ hòa giải thành, ngăn ngừa, hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến khiếu nại, tố cáo, kiện tụng, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, tiết kiệm thời gian và chi phí của Nhà nước và Nhân dân./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 27/8/2019, Đoàn kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh do đồng chí Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở tại UBND Quận 1. Đại diện đơn vị được kiểm tra có Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận.

Tại buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra được nghe đại diện Phòng Tư pháp Quận 1 báo cáo kết quả công tác hòa giải cơ sở năm 2019 trên địa bàn Quận. Hiện nay, Quận 1 có 122 tổ hòa giải cơ sở với 409 hòa giải viên; hàng năm, UBND quận tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên, đảm bảo mỗi tổ có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải và hòa giải viên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải. Trong thời gian qua, các tổ hòa giải đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần hòa giải kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn, ngăn ngừa, hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt, dẫn đến kiện tụng, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Qua báo cáo của Quận 1, các thành viên đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế và trao đổi, làm rõ các nội dung có liên quan như: việc hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; kinh nghiệm trong một số vụ việc hòa giải thành điển hình; việc chọn lựa, củng cố nhân sự các tổ hòa giải, việc phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể quận, phường tham gia công tác hòa giải…

Trong dịp này, UBND Quận 1 cũng kiến nghị Sở Tư pháp thường xuyên tập huấn chuyên đề kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa bàn, đối tượng và điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho mỗi vụ việc hòa giải.

Phát biểu kết luận kiểm tra, Đồng chí Vũ Thanh Lưu đề nghị UBND Quận 1 tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân biết đến và liên hệ tổ hòa giải cơ sở khi có vụ việc xảy ra; tạo điều kiện thuận lợi về chi trả kinh phí cho hoạt động của tổ hòa giải; phối hợp Mặt trận, các đoàn thể quận, phường, khu phố tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở; quan tâm củng cố công tác nhân sự tổ hòa giải, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, cách làm hay, nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở trên địa bàn./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 17/8/2019, Cụm thi đua 1 gồm 5 phường (Tân Định, Đa Kao, Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình) đã tổ chức Lễ phát động “Người dân nói không với rác thải nhựa”. Đến tham dự lễ phát động có đồng chí Dương Thị Hồng Gấm - Quận ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 1 và các đồng chí đại diện Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Tân Định, Đa Kao, Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình cùng người dân trên địa bàn.

Sau Lễ phát động, 5 phường đã tổ chức các hoạt động như đi bộ đồng hành, xe hoa tuyên truyền, chương trình 15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp, lễ ký kết giao ước thi đua... qua đó, tạo nên không khí sôi nổi, hân hoan chào mừng kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9./.

Tháng Mười 14, 2019

Cách đây 74 năm, ngày 28 tháng 8 năm 1945, cùng với việc tuyên bố thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngành Tư pháp dân chủ cách mạng Việt Nam được thành lập. Được sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, với truyền thống Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Năng động, Sáng tạo, ngành Tư pháp đã được tôi luyện, từng bước trưởng thành trên những chặng đường Cách mạng vô cùng vẻ vang và hào hùng của dân tộc.

Thực tiễn phát triển cho thấy, dù có những thay đổi về phạm vi nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng vị trí của ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước về cơ bản không thay đổi. Để phát huy vai trò và truyền thống, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 07/11/1995 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715-TTg về việc hàng năm lấy ngày 28/8 là “Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp” Việt Nam.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Ngành Tư pháp Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện ngành Tư pháp huyện Nhà Bè không ngừng được xây dựng củng cố và trưởng thành. Hiện nay số lượng cán bộ, công chức của phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn cơ bản đã đáp ứng về số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tổng số công chức Tư pháp trên địa bàn huyện là 22 người bao gồm 08 công chức của phòng Tư pháp và 12 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã,với cơ cấu: Nam: 11; Nữ: 11; Dân tộc Kinh: 48 người. Trình độ chuyên môn: Số công chức có trình độ Thạc sỹ: 02 người; Số công chức có trình độ Đại học là 20 người; Về trình độ đội ngũ công chức tư pháp trên địa bàn huyện đều có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn, số công chức Tư pháp - hộ tịch có tuổi đời còn trẻ chiếm số lượng lớn và được đào tạo chính quy nên nắm bắt thông tin nhanh, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, năng động trong công tác. Do đó, trong những năm qua công tác Tư pháp trên địa bàn huyện đã được thực hiện nề nếp, đạt kết quả cao và cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp trong sạch vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác do lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân giao

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày thành lập ngành Tư pháp (28/8/1945-28/8/2019), ngay từ đầu năm 2019 Phòng Tư pháp huyện Nhà Bè đã tham mưu UBND huyện ban hành Chương trình công tác năm và các Kế hoạch triển khai công tác Tư pháp năm 2019, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách Tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, 8 tháng đầu năm 2019, công tác tư pháp huyện Hoài Đức đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc triển khai thi hành pháp luật, đảm bảo giữ gìn ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện tiếp tục được thực hiện đúng kế hoạch từ đầu năm. Nội dung tuyên truyền được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở những nội dung văn bản pháp luật mới ban hành và những văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Phát hành tờ gấp, tờ rơi và lồng ghép các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật với hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức tập huấn, giới thiệu văn bản pháp luật, báo cáo chuyên đề, hội thảo, hội thi, phiên tòa giả định…Từ đầu năm đến nay, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp tổ chức 24 buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại các xã, thị trấn cho các đối tượng là Đoàn viên thanh niên, Cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ và nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn. Tổ chức phát thanh trên hệ thống truyền thanh của huyện  220 buổi với thời lượng 1980 phút. Hội nghị tuyên truyền tập trung vào các nội dung như: Tìm hiểu Bộ luật Hình Sự năm 2015, tìm hiểu pháp luật quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng, tìm hiểu luật đất đai, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, Hôn nhân gia đình, bảo hiểm y tế... Thông qua các hội nghị tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện đã được tìm hiểu sâu hơn các kiến thức pháp luật sát với thực tiễn, được giải đáp những thắc mắc liên quan.

Đối với công tác thẩm định, rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Các văn bản được thẩm định đảm bảo đúng quy định về trình tự, thủ tục, thể thức và nội dung ban hành văn bản QPPL. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, UBND các xã, thị trấn tự kiểm tra văn bản do cấp xã ban hành. Trong 8 tháng qua, phòng Tư pháp đã thực hiện rà roát văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên 19 văn bản, qua đó đề xuất sửa đổi bổ sung 03 văn bản. Thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành từ năm 2014-2018. Thông qua hoạt động xây dựng, rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND huyện góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương, tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân.

Với mục tiêu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phòng Tư pháp đã triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho tổ chức, cá nhân và đảm bảo các thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp được thực hiện đúng quy định pháp luật, đã thực hiện 33/33 thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện; tiến tới thực hiện 60% đến 70% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 01 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4 (cấp bản sao trích lục hộ tịch) đối với thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện.Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, những vấn đề liên quan đến hộ tịch cho người dân được giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Qua 8 tháng, Phòng Tư pháp tổ chức đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài 07 việc, khai tử có yếu tố nước ngoài: 02 việc, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài 07 việc, cấp trích lục cải chính hộ tịch 131 trường hợp, cấp trích lục bản sao: 9 trường hợp, chứng thực bản sao từ bản chính 1020 bản.

Cùng với những kết quả đạt được của Ngành Tư pháp huyện Nhà Bè nói chung, thì công tư pháp phòng Tư pháp cũng đã có nhiều nỗ lực, đạt bước phát triển mạnh mẽ. Hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của Tư pháp cấp huyện và cơ sở từ Công tác kiểm tra văn bản, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, hòa giải cơ sở, hộ tịch, chứng thực, trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành theo pháp luật các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch tại các xã, thị trấn luôn luôn phát huy thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp; phát huy truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của Ngành, trong những năm qua cán bộ, công chức ngành Tư pháp huyện không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để phấn đấu là người cán bộ Tư pháp “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 15/8/2019, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn quận.

Tại Hội nghị, ông Trần Đình Trữ - Phó Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã phổ biến những điểm mới của Luật về phòng, chống tham nhũng năm 2018; theo đó, Luật Phòng, chống tham nhũng gồm 9 chương, 96 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Qua Hội nghị, góp phần phổ biến các quy định pháp luật mới trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; giúp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận Tân Phú./.

Tháng Mười 14, 2019

Nhằm tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11) năm 2019 một cách thiết thực, hiệu quả ngày 05/8/2019, Ủy ban nhân dân quận đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND về tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – 09/11” trên địa bàn quận Tân Phú năm 2019 với các nội dung, nhiệm vụ chính như sau:

1. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân cần xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là việc làm hàng ngày, thường xuyên, bằng hành động, việc làm cụ thể, thường xuyên nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện và bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; gắn công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam sâu rộng, thiết thực, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phù hợp và tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức, phù hợp với từng ngành, từng cấp, từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn quận Tân Phú.

­3. Tiếp tục phát huy thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Ngày Pháp luật Việt Nam cho các tầng lớp Nhân dân; tăng cường xã hội hóa trong tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

4. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức trong tháng cao điểm bắt đầu từ ngày 10/10/2019 đến ngày 10/11/2019, tập trung triển khai đồng loạt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam và có biện pháp tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân trên địa bàn tham gia xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ in ấn, treo, đặt pa-nô, áp phích, băng rôn, cờ phướn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2019 trên các tuyến đường chính, các khu trung tâm, các địa điểm công cộng của địa phương.

5. Tổ chức rà soát, đánh giá, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật, củng cố khối đoàn kết cộng đồng, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại địa phương.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 22/8/2019, Ủy ban nhân dân quận 7 đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm năm 2019 với gần 100 đại biểu đại diện thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quận và Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm phường tham dự.

Tại Hội nghị, Ông Lê Huỳnh Long - Phó Trưởng phòng Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã phổ biến những nội dung liên quan đến nghiệp vụ thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Qua đó, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; bảo đảm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, theo quy định pháp luật; góp phần đưa hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đi vào ổn định, ngăn ngừa, hạn chế ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn./.

Tháng Mười 14, 2019

Ngày 27/8/2019, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 1 phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 1 và Ủy ban nhân dân Phường Nguyễn Thái Bình đã tổ chức tuyên truyền chương trình tín dụng chính sách, thủ tục hành chính “không giấy” trên lĩnh vực kinh tế  và giới thiệu Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tham dự Hội nghị có hơn 60 hội viên phụ nữ, ban điều hành khu phố, tổ dân phố, lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân thường trực.

Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Công an phường cho biết: Thời gian gần đây trên địa bàn Thành phố và nhiều địa phương trên cả nước, hoạt động “tín dụng đen” diễn ra phức tạp, dẫn đến những hậu quả khôn lường mà nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen” và người thân của họ phải gánh chịu.

Hoạt động “tín dụng đen” là hành vi huy động vốn và cung cấp tín dụng không tuân theo quy định của pháp luật về vay và cho vay. Đa số người cho vay lãi nặng đều có tiền án, tiền sự hoặc có quan hệ với nhiều đối tượng hình sự, ma túy, hoạt động rất xảo quyệt, manh động, tàn bạo và có nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan công an. Phương thức tiếp cận người có nhu cầu vay tiền như: thuê người dán, phát các tờ rơi, tờ quảng cáo tại các trụ điện, bờ tường, ngõ, hẻm; quảng cáo trên mạng, thủ tục cực kỳ đơn giản, mọi lúc, mọi nơi, mọi yêu cầu, linh hoạt; món vay thường nhỏ, lớn linh hoạt tùy điều kiện ngươi vay; tài sản đảm bảo cực kỳ đa dạng, có thể ti vi, tủ lạnh, sổ đỏ, điện thoại… Khi số tiền nợ càng nhiều, đến khi không còn khả năng chi trả thì các đối tượng cho vay đe dọa, hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà cửa, tài sản trả nợ.

            Để có biện pháp phòng ngừa, đoàn viên, hội viên và người dân vận động, thuyết phục người thân không tham gia hoạt động tín dụng đen cũng như giáo dục, thuyết phục, giúp đỡ người thân… tìm kiếm việc làm chính đáng, ổn định và tích cực cung cấp thông tin tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, kể cả hành vi bảo kê cho hoạt động “Tín dụng đen” đến cơ quan chức năng.

            Ngoài ra, người dân được giới thiệu về một số chương trình cho vay ưu đãi do đoàn thể được ngân hàng chính sách ủy thác tại địa phương và lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm xã hội.

Cũng trong dịp này, đồng chí Phan Đăng Trường - Phó trưởng Phòng Kinh tế Quận 1 tuyên truyền thủ tục hành chính “không giấy” trên lĩnh vực kinh tế. Đây là mô hình mới, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Để đăng ký, người dân chỉ cần thực hiện 5 bước như sau: truy cập trang tin điện tử Quận 1, chọn dịch vụ trực tuyến lĩnh vực kinh doanh; chọn loại thủ tục đăng ký; kê khai thông tin, chụp và gửi kèm các giấy tờ liên quan (thẻ căn cước công dân/CMND/hộ chiếu); chọn hình thức thanh toán và hình thức nhận hồ sơ…

            Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng được nghe tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm các tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: chung thủy, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: gương mẫu, yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: hiếu thảo, lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: hòa thuận, chia sẻ.           

            Thông qua việc thực hiện các tiêu chí cụ thể sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn phường.       

Tháng Mười 14, 2019

Nhằm triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” và chuẩn bị cho việc tổng kết 5 năm thực hiện các Chiến lược, Chương trình, Đề án liên quan đến gia đình vào năm 2020,

Ngày 12/9/2019, Ủy ban nhân dân quận 7 đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình và triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019. Tham dự hội nghị có 230 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, các hộ gia đình trên địa bàn quận.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hiền  - Chuyên viên Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã phổ biến những nội dung chính của “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” và nghiệp vụ công tác gia đình.

Hội nghị góp phần bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách gia đình cấp quận, phường, khu phố; cung cấp, cập nhật kiến thức pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực gia đình đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, qua đó nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng đến xây dựng Quận 7 văn minh - hiện đại - nghĩa tình; xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc./.

Tháng Mười 14, 2019

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Một số quy định cụ thể của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia:

1. Giải thích từ ngữ

- Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

- Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

- Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

- Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu, bia với biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống có thể tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống.

2. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

- Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

- Được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia.

- Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

- Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

- Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

- Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

- Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

4. Địa điểm không uống rượu, bia

- Cơ sở y tế.

- Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.

- Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

- Cơ sở bảo trợ xã hội.

- Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

- Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

5. Địa điểm không bán rượu, bia

- Cơ sở y tế.

- Cơ sở giáo dục.

- Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

- Cơ sở bảo trợ xã hội.

- Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

6. Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia

- Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

- Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

- Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm toa nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

- Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý./.