Tháng Mười Một 8, 2018

Sáng 6/11, Sở Tư pháp thành phố Hồ CHí Minh tổ chức lễ công bố vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền phổ biến pháp luật TPHCM tại địa chỉ http://tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Vũ công bố vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền phổ biến pháp luật TPHCM

Cổng thông tin điện tử Tuyên truyền phổ biến pháp luật TPHCM là kênh cung cấp thông tin pháp luật chính thức cho người dân, doanh nghiệp thông qua các hình thức đa dạng, phong phú; có thể dễ dàng tương tác giữa các thành viên như mạng xã hội; là nơi các cơ quan nhà nước phối hợp thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến; là nơi chia sẻ kinh nghiệm và nghiệp vụ giữa các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; là mô hình phù hợp để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng; thuận tiện cho việc thăm dò, khảo sát ý kiến; thông tin, báo cáo, thống kê qua mạng...

Quang cảnh buổi lễ

Đây là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn theo chủ trương chung của Chính phủ và chính quyền Thành phố; là hình thức tuyên truyền nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nhất; tiện lợi, cho phép hiển thị nội dung thông tin trên nhiều loại thiết bị khác nhau; có thể cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, mọi lúc, mọi nơi (có mạng internet) cho mọi đối tượng, kế cả người khuyết tật và các đối tượng đặc thù; không giới hạn phạm vi không gian hay thời gian, người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng khi có nhu cầu.

Đồng thời, Cổng thông tin là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn theo chủ trương chung của Chính phủ và chính quyền Thành phố; là một trong những mục tiêu của “Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại TPHCM giai đoạn 2015-2018” (giai đoạn 1). Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Sở Tư pháp chủ trì báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn 1; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình UBND TP xem xét ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện đề án này đến năm 2021 theo Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018-2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Tháng Mười Một 29, 2018

Nhằm tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 09-11, năm 2018, để  phát huy những kết quả đã đạt được, tìm ra nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, kịp thời phát hiện các mô hình, giải pháp, cách làm hay, hiệu quả để triển khai Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2018 – 2021,

Ngày 28/11/2018, Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2018 - 2021 trên địa bàn Thành phố”.

Chủ trì Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp và đồng chí Trần Việt Thái, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp.

Các khách mời, đại biểu đến từ Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp (Đ/c Hoàng Huy Trường – Trưởng phòng Công tác tư pháp khác); Lãnh đạo các đơn vị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố; Hội Cựu chiến binh Thành phố; Hội Nông dân Thành phố; Thành Đoàn; Liên đoàn Lao động Thành phố; Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố; Tòa án nhân dân Thành phố; Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố; Cục Thi hành án dân sự Thành phố; Lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể Thành phố; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện và một số Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Các báo cáo viên pháp luật Thành phố; Đại diện Báo cáo viên pháp luật quận, huyện; Đại diện Tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn; các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố đến tham dự và đưa tin.

Với hơn 20 tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm từ các đại biểu sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện, báo cáo viên pháp luật quận, huyện, Tuyên truyền viên pháp luật phường, xã, thị trấn…, Tọa đàm đã đánh giá toàn diện những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai Đề án trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đóng góp, phát biểu có tính khả thi, bám sát thực tiễn, có giải pháp triển khai hiệu quả, thiết thực, đổi mới rõ rệt về nội dung, phương pháp, hình thức PBGDPL tại các địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật, làm cơ sở để Sở Tư pháp tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Kế hoạch triển khai trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, ban hành trong giai đoạn 2018 - 2021.

                                                                                                                                PHÒNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Một số hình ảnh Tọa đàm

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đại diện Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Thành phố trình bày tham luận tại Tọa đàm

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố trình bày tham luận tại Tọa đàm

                            Báo cáo viên pháp luật quận Bình Thạnh - Đ/c Lệ Hoa trình bày ý kiến góp ý tại Tọa đàm

 

 

                                         Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Tháng Mười 18, 2018

Nhằm để tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, đặc biệt, trang bị cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay. Sáng ngày 17 tháng 10 năm 2018, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tổ chức hội nghị tập huấn tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 200 cán bộ, công chức là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã, thị trấn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và Hòa giải viên ở cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân ấp, khu phố trên địa bàn huyện tham gia với sự hướng dẫn của Ông Dương Quang Thọ - Báo cáo viên pháp luật thành phố - nguyên Trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Qua buổi tập huấn, các lực lượng tham dự đã được báo cáo viên hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ và những thông tin cần thiết liên quan trực tiếp đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như các giả định, tình huống thực tế thường gặp trong đời sống đã góp phần giúp các đối tượng tham gia tập huấn nắm và hiểu được các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đưa pháp luật đến gần với nhân dân.    

Tháng Mười Một 1, 2018

Sáng ngày 01/11/2018, Sở Tư pháp và Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố từ ngành Tư pháp sang ngành Văn hóa – Thể thao. Thay mặt Ủy ban nhân dân Thành phố, Đồng chí Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ công bố Quyết định số 4435/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của UBND Thành phố về bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố.

Tại Lễ bàn giao, Đồng chí Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã khái quát một số kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Theo đó, tính tới ngày 30/6/2018, Thành phố Hồ Chí Minh có 319 xã, phường, thị trấn có dân cư với 24.620 tổ dân phố, ấp nhân dân; trong đó, có 21.080 quy ước được xây dựng và phê duyệt theo Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg; 2.425 quy ước được xây dựng theo nhu cầu thực tế và đã được phê duyệt; hiện nay còn 1.115 quy ước chưa được phê duyệt.

Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (thay thế Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg) và Quyết định số 4435/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước cộng đồng dân cư của ấp, khu phố. Mặc dù nhiệm vụ chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được chuyển từ Ngành Tư pháp sang Ngành Văn hóa - Xã hội nhưng Ngành Tư pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ, tích cực với Ngành Văn hóa và Thể thao để tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg trên địa bàn Thành phố.

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Đồng chí Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao ghi nhận những kết quả đạt được của Ngành Tư pháp trong thời gian qua; tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và mong muốn Ngành Tư pháp tiếp tục hỗ trợ Ngành Văn hóa và Thể thao trong thời gian tới, qua đó, phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng nâng cao vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hương ước, quy ước, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư./.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP nhận bàn giao từ ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP (Ảnh: Kim Phụng)

Tháng Tám 16, 2018

Nhằm đổi mới, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong giai đoạn hiện nay, gắn PBGDPL với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội để tạo đồng thuận trong thực hiện; tiếp tục tổ chức thi hành chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định pháp luật về PBGDPL và phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021,

Ngày 18 tháng 6 năm 2018, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 2686/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018 – 2021, trong đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mới, thể hiện quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL trên địa bàn Thành phố, trong đó, có những nội dung, định hướng mới đáng chú ý như sau:

1. “Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”:

- Quán triệt và xác định rõ Hội đồng phối hợp PBGDPL là “cơ quan tư vấn” cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp về công tác PBGDPL và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL để có giải pháp phù hợp để kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng, giao nhiệm vụ và kinh phí cho các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đảm bảo nguyên tắc công tác PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh phí hoạt động của Hội đồng và Ban Thư ký chỉ bố trí để chi các nội dung theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND.

- Phát huy vai trò nòng cốt của Sở Tư pháp, người làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp – hộ tịch trong tham mưu, điều phối, quản lý việc tổ chức các hoạt động PBGDPL.

Các chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo điều hành về PBGDPL đều phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành, đối với các vấn đề lớn phải được Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/quận, huyện thông qua và tư vấn cho UBND Thành phố/quận, huyện, Chủ tịch UBND Thành phố/quận.

- Thí điểm bổ sung chức năng, nhiệm vụ thực hiện công việc phục vụ cho tổ chức hoạt động PBGDPL (như biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo...) cho một đơn vị sự nghiệp đã có trực thuộc Sở Tư pháp nhằm tổ chức công việc hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc không thành lập đơn vị mới và không bổ sung biên chế.

2. Không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện từng kế hoạch/đề án PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021 riêng lẻ kể cả các Kế hoạch/Đề án thực hiện theo Quyết định số 705/QĐ-TTg (đã thành lập thì giải thể), Lãnh đạo Thường trực UBND Thành phố/quận, huyện phụ trách công tác tư pháp - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố/ quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, điều phối việc thực hiện các Đề án để đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả, tránh bỏ sót hoặc dàn trải, trùng lắp gây lãng phí ngân sách và ra quyết định thành lập Ban Điều hành kế hoạch/đề án do Lãnh đạo Sở Tư pháp/Phòng Tư pháp làm Trưởng ban, Lãnh đạo các đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án làm Phó Trưởng ban thường trực, lãnh đạo các đơn vị phối hợp làm Phó Trưởng ban.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật khác, các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch/đề án xã hội hóa công tác PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021; kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2014 – 2016 do Hội Luật gia Thành phố chủ trì thực hiện.

4. Kinh phí

- Chủ động cân đối bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch này trong dự toán chi hàng năm.

- Các sở, ngành, đoàn thể được giao chủ trì thực hiện đề án, kế hoạch phối hợp với Sở Tư pháp đề nghị Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện đề án, kế hoạch.

- Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp dự toán kinh phí (ngoài khoán) để thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL.

5. Giao cho các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp huyện, xã tổ chức triển khai và báo cáo kết quả hàng năm và cả giai đoạn về  Sở Tư pháp để báo cáo UBND Thành phố, Bộ Tư pháp.

6. Giao Giám đốc Sở Tư pháp - Ủy viên UBND Thành phố hoàn thiện và ký ban hành các Kế hoạch PBGDPL, Kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL hàng năm từ 2018 – 2021.

7. Phấn đấu đạt được điểm số cao trên tất cả các tiêu chí đánh giá, chủ động đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao điểm số đối với chỉ tiêu, tiêu chí đạt điểm số thấp theo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP./.

            

Tháng Hai 22, 2019

Sáng nay, ngày 22 tháng 2 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Bên cạnh đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2018, Hội nghị còn biểu dương, khen thưởng cho 16 tập thể và 08 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức hòa giải ở cơ sở và triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 trên địa bàn huyện Cần Giờ.

September 9, 2019

Thực hiện chương trình công tác năm 2019, Ban An toàn giao thông huyện Cần Giờ đồng loạt ra quân tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với ký cam kết thực hiện an toàn giao thông trong năm học 2019 - 2020 tại tất cả các trường trên địa bàn huyện Cần Giờ nhằm giáo dục và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các em học sinh trong việc chấp hành pháp luật và tự bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội khi tham gia giao thông. 

Tháng Mười Một 9, 2018

Sáng ngày 08/11/2018, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 4 tổ chức hội nghị hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – 9/11” năm 2018. Đến dự có đồng chí Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Quận 4 và đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp Thành phố.

Trong năm 2018, hoạt động tổ chức “Ngày Pháp luật” đã được Quận 4 quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả. Quận đã tổ chức 20 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật với sự tham dự của hơn 5.200 người tham dự. Nội dung tập trung vào: triển khai Quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố; triển khai Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Hợp tác xã, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Du lịch; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm HIV/AIDS…

Phòng Tư pháp quận phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 4, Tòa án nhân dân Quận 4, Hội Luật gia Quận 4 tổ chức ký kết liên tịch công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018. Hoạt động “Ngày Pháp luật” năm 2018 của UBND 15 phường cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức như: treo băng rôn tại cơ quan và tại các khu phố; tổ chức 131 hội nghị triển khai các văn bản pháp luật với sự tham dự của hơn 6.700 người; phát hành trên 29.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật cho từng hộ dân.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND Quận 4 Trần Hoàng Quân đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND 15 phường phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế và bám sát chương trình, nhiệm vụ thường xuyên của từng đơn vị. Các ngành, các cấp tăng cường phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Dịp này, UBND Quận 4 đã tặng Giấy khen cho 15 tập thể, 12 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018.

Một số hình ảnh Hội nghị

Chủ tịch UBND Quận 4 đã tặng Giấy khen cho 15 tập thể, 12 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018.

         

Phòng Tư pháp quận 4

Tháng Mười Một 11, 2018

09/11/2018

Ngày 09/11/2018, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo buổi Lễ. Tới dự buổi Lễ còn có các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Ngày Pháp luật - Sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng của đất nước
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật lấy ngày 9 tháng 11 - ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được triển khai từ năm 2013 và được duy trì hằng năm. Trong 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng; giám sát, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực của các cơ quan, cùng với sự chủ động tham mưu của ngành Tư pháp; đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và là điểm nhấn của công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Ngày Pháp luật đã thực sự trở thành Sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu trong đời sống xã hội; đến với từng cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân.
 


Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, kết quả thực hiện Ngày Pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung đã có đóng góp quan trọng cho sự tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là ưu tiên hàng đầu, thì việc đẩy mạnh triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật là một trong những giải pháp hữu hiệu. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, thực hiện công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật, triển khai Ngày Pháp luật.
Chú trọng, tăng cường hơn nữa đến việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật 
Phát biểu tại Lễ hưởng ứng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, thành tích của các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức có hiệu quả Ngày Pháp luật. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng hoan nghênh Bộ Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt Ngày Pháp luật những năm vừa qua, đồng thời khẳng định, Ngày Pháp luật đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của toàn xã hội. 
Để Ngày Pháp luật năm 2019 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, ý nghĩa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị:
Tiếp tục thực hiện thật tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của Hiến pháp; thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của luật, đặc biệt là về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
 


Bên cạnh đó, cần chú trọng, tăng cường hơn nữa đến việc triển khai, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật để các Luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xây dựng giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Mỗi người dân, mỗi cộng đồng cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật vì lợi ích của mình và cộng đồng.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật để phục vụ đắc lực hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, để các hoạt động này gần gũi và cần thiết hơn đối với mỗi cộng đồng, mỗi người dân; đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước là lực lượng nòng cốt; đồng thời cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia.

 

Cũng tại Lễ Hưởng ứng Ngày Pháp luật, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc qua 05 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật đã vinh dự được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tại buổi lễ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đã được trao cho 5 tập thể và 4 cá nhân vì đã có nhiều thành tích trong việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật:
- 5 tập thể: Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính; Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội; Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; Sở Tư pháp Quảng Nam; Ban Pháp chế, Tập đoàn điện lực Việt Nam;

- 4 cá nhân gồm: Đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; đồng chí Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; đồng chí Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh. 

Nguồn: http://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/npl/Pages/tin-tuc-su-kien.aspx?ItemID=229