Tháng Tư 3, 2024

Ngày 05/02/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới trên cơ sở tiếp tục phát huy kết quả tích cực đã đạt được và khắc phục một số hạn chế qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007. Trong đó Chỉ thị yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Tuyên truyền miệng trong đó có tuyên truyền miệng về pháp luật (hay gọi theo cách khác là phổ biến pháp luật trực tiếp) được Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư xác định tuyên truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng. Đây là một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi, truyền tải trực tiếp những thông tin nội bộ cần thiết phục vụ công tác tư tưởng đối với tất cả các đối tượng ở mọi hoàn cảnh, điều kiện một cách linh hoạt.
Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị cho thấy, một số cấp ủy chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền miệng. Phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với lực lượng nòng cốt là ban tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đối với chủ trương, chính sách quan trọng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm định hướng, phổ biến, quán triệt, bảo đảm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Thứ hai, đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng, nhất là những nội dung về nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước, của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kết hợp hài hòa với cung cấp thông tin về tình hình trong nước và quốc tế, thực tiễn của địa phương, đơn vị, gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch; bảo đảm tính toàn diện, cân đối, thiết thực, sát hợp và hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
Thứ ba, đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Thứ bốn, thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên ở Trung ương, tỉnh, huyện; đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở. Cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thuộc phạm vi phụ trách, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn: Bộ Tư pháp (https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/Hoat-Dong-PGBDPLTW.aspx?ItemID=2186)

Tháng Tư 3, 2024

Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật danh sách báo cáo viên Thành phố và hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố, cụ thể như sau:

1. Danh sách báo cáo viên pháp luật Thành phố:

Xem chi tiết tại đây./.

2. Danh sách Thành viên và Tổ Thư ký Hội đồng năm 2024

Xem chi tiết tại đây./.

3. Báo cáo hoạt động của Hội đồng:

Xem chi tiết tại: https://drive.google.com/file/d/12WdMZ2tzxSPga7MBCZTavkCmI4I0VXvG/view?usp=sharing

 

Tháng Tư 1, 2024

Sáng ngày 30/3/2024, Đoàn Thanh niên - Hội LHTN Việt Nam thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ đã phối hợp cùng Đoàn cơ sở Công an huyện, Chi đoàn Toà án huyện và Ban giám hiệu trường THCS Cần Thạnh tổ chức Chương trình Phiên toà giả định, tuyên truyền, đố vui pháp luật với chủ đề: "Ma túy học đường" cho hơn 250 đoàn viên, thanh niên và học sinh trường THCS Cần Thạnh.

Hoạt động góp phần nâng cao, củng cố kiến thức và ý thức pháp luật của đoàn viên, thanh niên và học sinh; tuyên truyền về tác hại của ma túy, cách nhận biết và cách phòng tránh các hành vi dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy.

Tháng Ba 28, 2024

Sáng 28/3, Huyện Bình Chánh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ viết tin, bài ; kỹ thuật dựng video clip hiệu quả, lan tỏa trên mạng xã hội. Nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024 gắn với chủ đề năm của Thành phố là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quết 98/2003/QH15 của Quốc hội”.

Tại Hội nghị, hơn 250 cán bộ, công chức, các cộng tác viên trên địa bàn huyện Bình Chánh đã được Nhà báo Phạm Hoài Nam - nguyên Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng hướng dẫn cách viết tin, bài phản ánh và ký chính luận, trong đó, đối với viết tin, cần có thông tin về tin, đặc điểm của tin, các dạng thông tin thông dụng, kỹ năng viết tin. Đối với viết tin thông thường cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản: tư duy phát hiện vấn đề (đề tài); những vấn đề mới chưa được đề cập tới; ép ngắn thông tin dữ liệu (kỹ năng xử lý); kỹ năng trong khai thác thông tin; xây dựng cảm xúc. Viết bài phản ánh và ký chính luận cần xác làm rõ các nội dung: vị trí của bài phản ánh, đặc điểm, nội dung và những lưu ý khi viết ký chính luận trong báo cáo chính luận.

Bên cạnh đó, Hội nghị còn được Nhà báo, nhà sản xuất Ngô Trần Thịnh - Trưởng Bộ phận Newz - Trung tâm tin tức, Đài Truyền hình TPHCM chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và phân phối nội dung video trong môi trường chuyển đổi số, hướng dẫn kỹ năng dựng video clip và một số phần mềm chuyên dụng hỗ trợ trong xây dựng nội dung kịch bản và dựng video clip, những quy tắc thành công khi thực hiện video.

Qua Hội nghị, giúp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ viết tin bài tuyên truyền và kỹ thuật dựng video clip cho cán bộ, cộng tác viên từ Huyện đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền, lan tỏa các thông tin tích cực, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu trang phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân đặc biệt trên môi trường mạng./.

 

 

Tháng Ba 28, 2024

Nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024 gắn với chủ đề năm của Thành phố là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quết 98/2003/QH15 của Quốc hội”.

Sáng ngày 26/03/2024, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh tổ chức truyền thông trợ giúp pháp lý – Tuyên truyền trên địa bàn xã Tân Qúy Tây với nội dung chuyển đổi số, thông tin về lộ giới hẻm, mục đích sử dụng đất và trợ giúp pháp lý liên quan lĩnh vực nhà, đất; hôn nhân gia đình, thừa kế và đăng ký hộ tịch cho người dân.

Đến tham dự hội nghị có Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Chuyên viên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh; Luật sư Nguyễn Thị Lan Chi; Luật sư Lâm Thị KhiL, Ông Trần Quang Vũ – Giám đốc viettel huyện Bình Chánh, đại diện Phòng Tư pháp, Phòng Quản lý đô thị, Chi Nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Huyện  cùng dự hội nghị.

 Về phía xã có ông Phạm Văn Hùng – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân Xã, ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó chủ tịch UBND xã, Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các đoàn thể xã, đặc biệt có 70 người dân trên địa bàn xã tham dự.

Tại hội nghị, Các Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý và truyền thông các nội dung

1. Công ty Vietttel tuyên truyền về chuyển đổi số

2. Thông tin về về lộ giới hẻm, mục đích sử dụng đất

3. Thực hiện trợ giúp pháp lý liên quan lĩnh vực nhà, đất; hôn nhân gia đình, thừa kế và đăng ký hộ tịch. 

Thành viên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cùng các Luật sư phối hợp với đại diện các Phòng ban huyện Bình Chánh đã trực tiếp tư vấn, trợ giúp cho người dân thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân liên quan./.

 

Tháng Ba 27, 2024

Sáng ngày 21/3/2024, Phòng Tư pháp, Hội Luật gia huyện Bình Chánh, Hội Liên Hiệp phụ nữ thị trấn Tân Túc và Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định về “Phòng chống ma túy và tác hại của thuốc lá điện tử”, với hơn 1.800 học sinh trường Trung học cơ sở Tân Túc, thầy cô giáo và phụ huynh tham dự.

Hoạt động này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh. Các tình tiết trong phiên tòa được lấy từ các vụ án thực tế, đã được xét xử.

Theo cáo trạng, Nguyễn Đình A (sinh năm 2007) bị công an kiểm tra, phát hiện trong người ma túy và thuốc lá điện tử.

Tại toà, A khai, hàng ngày thì sử dụng thuốc lá điện tử, những lúc quá thèm, hút thuốc không thoả mãn thì dùng ma túy, khoảng ba ngày dùng một lần.

Khi được HĐXX hỏi lấy tiền từ đâu để mua ma túy thì bị cáo A khai rằng trộm tiền của mẹ. Tới đây, chủ tọa phiên toà quay qua nhìn bà T (mẹ của bị cáo A) và hỏi "bà có biết điều này không".

Bà T bất ngờ vì không hề biết con mình nghiện ma túy và càng không nghĩ rằng con mình lấy trộm tiền mua ma túy. "Thỉnh thoảng, tôi cũng thấy trong nhà mất tiền nhưng cứ nghĩ mình để đâu đó chứ không nghĩ con lấy trộm tiền mua ma túy" - bà T nói."Con bà đã nghiện ma túy trong một thời gian dài. Bà cần quan tâm đến con nhiều hơn, để kịp thời phát hiện, tránh dẫn đến nhiều hậu quả xấu nặng nề hơn. Như hôm nay, trộm tiền mua ma túy, mai mốt đi trộm của người khác thì sẽ còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản" - vị chủ toạ nói.

Tại phiên toà, bị cáo A thành khẩn khai báo và ý thức được hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi nghe HĐXX phân tích, bà T cũng đã hiểu ra chính sự thiếu quan tâm từ gia đình đã góp phần đẩy con mình ngày càng xa rời gia đình hơn, sa đà vào tệ nạn xã hội. Kết thúc phiên xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo A một năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Việc tổ chức phiên tòa giả định góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn trong xã hội và các tệ nạn xâm nhập vào học đường, góp phần phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện, qua đó "Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường"./.

Tháng Ba 20, 2024

Nhằm trang bị kịp thời các kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức trong công tác tham mưu Ủy ban nhân dân Huyện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn Huyện; xã, thị trấn. Đồng thời, xem xét đánh giá tình hình, kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn Huyện.

Ngày 20/3, tại Hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị Huyện. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Huyện tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn huyện Bình Chánh năm 2024.

Đến dự Hội nghị và làm báo cáo viên trong hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Phòng Công tác thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp cùng 102 người gồm đại diện Lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huyện và các tổ chức thành viên;  Đại diện Hội Luật gia Huyện; Lãnh đạo và công chức phụ trách công tác bồi thường nhà nước của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; cơ quan khối nội chính;  Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn; Đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân xã, thị trấn;  Đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ; Đoàn Thanh niên xã, thị trấn; Công chức Tư pháp - Hộ tịch 16 xã, thị trấn.

Nội dung tập huấn

- Một số vấn đề chung về công tác theo dõi thi hành pháp luật và những vấn đề đặt ra.

- Những nội dung chủ yếu của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các văn bản liên quan…

- Kỹ năng xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

- Kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch chung theo dõi tình hình thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.  

- Kỹ năng nghiệp vụ cơ bản trong hoạt động thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra xử lý kết quả và xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Sau phần phổ biến, hướng dẫn, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Phòng Công tác thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác thi hành pháp luật./.

Tháng Ba 20, 2024

Nhằm trang bị kiến thức cho cán bộ, công chức tham mưu công tác bồi thường nhà nước nắm kỹ các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn Huyện. Tiếp tục triển khai, quán triệt quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, tập trung nội dung về bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước.

Sáng ngày 20/3, tại Hội trường Trung tâm bồi dưỡng chính trị Huyện. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Huyện tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn huyện Bình Chánh năm 2024.

Đến dự Hội nghị và làm báo cáo viên trong hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Phòng Công tác thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp cùng 105 người gồm đại diện Lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huyện và các tổ chức thành viên;  Đại diện Hội Luật gia Huyện; Lãnh đạo và công chức phụ trách công tác bồi thường nhà nước của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; cơ quan khối nội chính;  Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn; Đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân xã, thị trấn;  Đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ; Đoàn Thanh niên xã, thị trấn; Công chức Tư pháp - Hộ tịch 16 xã, thị trấn.

Nội dung: Tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết yêu cầu nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sau phần phổ biến, hướng dẫn, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng Phòng Công tác thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính - Sở Tư pháp đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác bồi thường nhà nước./.