• Tháng Mười Hai 14, 2020

Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh

CHUYÊN ĐỀ

Những nội dung cơ bản, giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần, nội dung Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 củaThủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW

 

I. Sự cần thiết ban hành Kết luận số 80-KL/TW

Ngày 09/12/2003, Ban Bí thư (khoá IX) đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW). Đây là cơ sở chính trị quan trọng đầu tiên của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Qua tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW cho thấy công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định, giữ vững quốc phòng và an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác PBGDPL. Hoạt động PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hình thức PBGDPL chậm đổi mới. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chuyển biến rõ nét.

Trong bối cảnh hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cùng với chủ trương chủ động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi sự đổi mới trong quản trị Nhà nước, quản lý xã hội nói chung và công tác tổ chức thi hành pháp luật, thông tin, PBGDPL nói riêng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định: “Trong những năm tới, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng đã đặt ra yêu cầu:Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Như vậy, có thể khẳng định, công tác PBGDPL đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, trong đó xác định chủ trương, định hướng đổi mới, là cơ sở để đề ra các giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.

II. Những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần, nội dung Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 củaThủ tướng Chính phủ

1. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai công tác PBGDPL

Kết luận số 80-KL/TW đã tiếp tục khẳng định PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng như vai trò nòng cốt của Nhà nước trong công tác PBGDPL, thể hiện sự nhất quán trong định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện tổ chức thực hiện PBGDPL. Kết luận đã bổ sung quy định về việc đa dạng hoá, huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác PBGDPL, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội và toàn thể người dân tham gia. Quy định này nhằm tạo sự cân bằng cần thiết, hài hoà hoá giữa trách nhiệm của Nhà nước và trách nhiệm của xã hội, của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong tham gia PBGDPL; thúc đẩy ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân công dân. Định hướng này cũng tiệm cận và phù hợp với xu thế chung của sự vận động và phát triển, khi dân trí từng bước được nâng cao, Nhà nước cần giảm dần vai trò chủ động triển khai PBGDPL cũng như việc bố trí nguồn lực thực hiện. Thay vào đó là sự tham gia của xã hội để chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ với Nhà nước vì lợi ích công.

Một điểm mới quan trọng thể hiện sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về công tác PBGDPL trong Kết luận số 80-KL/TW là chủ trương kết hợp chặt chẽ công tác PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Quan điểm này định vị đúng vị trí, vai trò của công tác PBGDPL trong mối quan hệ với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo hướng PBGDPL là khâu đầu tiên đưa pháp luật vào cuộc sống, thúc đẩy việc thực thi pháp luật; đồng thời qua công tác PBGDPL, nắm bắt, tổng hợp vướng mắc, bất cập của pháp luật trong quá trình thực thi để đề xuất hoàn thiện pháp luật, giúp Nhà nước phản ứng chính sách linh hoạt và hiệu quả hơn.

Cụ thể hóa quan điểm của Kết luận số 80-KL/TW, Quyết định số 1521/QĐ-TTg đã xác định giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung Kết luận số 80-KL/TW bằng hình thức phù hợp đến các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; ban hành hoặc tham mưu cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kết luận nhằm phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác này

2. Thực hiện đầy đủ thể chế, chính sách về PBGDPL hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu yêu cầu nhiệm vụ.

Với hệ thống các văn bản được ban hành khá đầy đủ, yêu cầu tổ chức thực hiện tốt Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành được Kết luận xác định là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong lĩnh vực này. Một điểm mới trong Kết luận số 80-KL/TW là xác định nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế về PBGDPL bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua thực tiễn triển khai Luật PBGDPL cho thấy, yêu cầu hoàn thiện pháp luật về PBGDPL vẫn đang đặt ra mang tính tất yếu xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cũng như yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác này về tổ chức, nguồn lực con người, cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí theo hướng ưu tiên bố trí nguồn lực cho nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện PBGDPL.

Vì vậy trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến công tác PBGDPL nói chung, quy định pháp luật về kinh phí cho công tác PBGDPL nói riêng để ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế đáp ứng yêu cầu của Kết luận số 80-KL/TW, các văn bản của Đảng, Nhà nước và thực tiễn; tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL năm 2012, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luậtcác văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.

3. Đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL

3.1. Tại Kết luận số 80-KL/TW đã yêu cầu việc củng cố đội ngũ người làm công tác PBGDPL nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Thực hiện nhiệm vụ này, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, chỉ công nhận, duy trì hoạt động đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực sự có năng lực và hoạt động thực chất. Xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút đội ngũ chuyên gia pháp luật tham gia PBGDPL cho Nhân dân, hướng tới coi đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện công tác này. Đồng thời thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL.

Kết luận đưa ra chủ trương tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL. Đây là chủ trương đúng đắn trong điều kiện hiện nay. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng có sự hỗ trợ, tham gia của các tổ chức xã hội, cá nhân trong công tác PBGDPL, trong đó phát huy vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tổ chức phổ biến pháp luật bằng mô hình, cách thức phù hợp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; động viên, khuyến khích các thành viên, hội viên phát huy trách nhiệm xã hội tích cực tham gia tư vấn pháp luật, PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho Nhân dân; có cơ chế để huy động các doanh nghiệp, luật sư, luật gia, nhà khoa học, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia, hỗ trợ triển khai công tác PBGDPL.

3.2. Một trong những nội dung trọng tâm được Ban Bí thư chỉ đạo tại Kết luận là việc đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới tập trung rà soát các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL thuộc Bộ Tư pháp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đổi mới tổ chức, hoạt động của đơn vị theo hướng độc lập, chuyên trách, hoạt động linh hoạt, hiệu quả; kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL một cách toàn diện, hiệu quả trên phạm vi toàn quốc theo hướng Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.

4. Triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn và có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở

Theo tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW, công tác PBGDPL được triển khai toàn diện, rộng khắp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Nội dung PBGDPL cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể.

Công tác PBGDPL trong thời gian tới hướng mạnh về cơ sở; phát huy vai trò chủ trì của các Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và sự tham gia, vào cuộc của cơ quan, đơn vị và đoàn thể ở cơ sở; lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Xác định ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn là điều kiện để đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

 Hiện nay, lực lượng Công an nhân dân và lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chính quyền cơ sở nói chung, tổ chức thi hành pháp luật nói riêng. Ngành Công an đã và đang thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy cấp xã. Chính vì vậy, Kết luận số 80-KL/TW yêu cầu phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng trong công tác PBGDPL, coi đây là giải pháp quan trọng tăng cường tiềm lực cho công tác PBGDPL, bảo đảm thực chất, sát cơ sở.

Bên cạnh đó, cần phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong tìm hiểu và gương mẫu thực thi pháp luật. Cán bộ, công chức ở cơ sở gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với việc thông tin, phổ biến pháp luật tới Nhân dân; vận dụng kỹ năng dân vận khéo trong PBGDPL, gắn phổ biến pháp luật với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời, vận động, khuyến khích công dân tìm hiểu, sử dụng, chấp hành, tuân thủ pháp luật

5. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức PBGDPL, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng

Tại nhóm nhiệm vụ này, Ban Bí thư đã định hướng hướng triển khai công tác PBGDPL bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiếp cận xu thế phát triển của đất nước cũng như hội nhập quốc tế trong thời gian tới. Bên cạnh những hình thức, cách thức triển khai PBGDPL truyền thống, Kết luận số 80-KL/TW chủ trương đổi mới hình thức PBGDPL theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác PBGDPL gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021”, trong đó có PBGDPL trên Cổng/Trang Thông tin điện tử; xây dựng và phát triển ứng dụng PBGDPL trên thiết bị di động; thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn pháp luật trực tuyến; nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong PBGDPL… để phù hợp với bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển với những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử.

Vì vậy, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng PBGDPL về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận trong thực thi; thông tin rộng rãi, kịp thời các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản; thực hiện PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với đối tượng.

Nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm; t chức đối thoại chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực, phạm vi bộ, ngành quản lý cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp; tăng cường và phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia PBGDPL; chú trọng hoạt động tư vấn, giải đáp, đối thoại chính sách pháp luật và bố trí vào các khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả; tổ chức các đợt cao điểm phổ biến, truyền thông về lĩnh vực pháp luật quan trọng, được xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, Kết luận yêu cầu việc tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp pháp luật để nâng cao hiệu quả PBGDPL, tạo cầu nối giúp Nhà nước xích lại gần hơn với người dân và doanh nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả gắn với từng chủ đề nội dung, đối tượng. Đối với công tác PBGDPL trong cơ sở giáo dục pháp luật thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học, xác định nội dung PBGDPL phù hợp với lứa tuổi; chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy pháp luật theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong công tác PBGDPL như thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ này; vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có các văn bản, chính sách về PBGDPL; đổi mới hình thức PBGDPL, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung PBGDPL trên mạng xã hội, mạng viễn thông nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

6. Đổi mới đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL

Để đổi mới, đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, Kết luận số 80-KL/TW xác định cần: “Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

Đây là chủ trương mới, có tính đột phá nhằm tạo chuyển biến căn bản trong chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Thực hiện nhiệm vụ của Ban Bí thư giao, trong thời gian tới, cần xác định kết quả triển khai công tác PBGDPL là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng lượng hoá các kết quả đầu ra cụ thể.

 IV. MỘT SỐ NỘI DUNG TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Để việc triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg kịp thời, nghiêm túc, có chất lượng, trong thời gian tới Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương triển khai một số công việc sau đây:

1. Xây dựng, trình Ban Thường vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và tổ chức thực hiện văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết chuyên đề về PBGDPL và kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL.

2. Rà soát, phát hiện, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về các quy định trong công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu bối cảnh của đất nước trong tình hình mới.

3. Tập trung ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội trên cơ sở lựa chọn các nội dung pháp luật phù hợp nhu cầu của các đối tượng đó và bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

4. Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm tinh gọn, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết; huy động sự tham gia của các chuyên gia pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác PBGDPL; tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội, nguồn tài chính từ doanh nghiệp và xã hội hỗ trợ công tác PBGDPL.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy mạng xã hội, mạng viễn thông trong công tác PBGDPL; nghiên cứu, có lộ trình phù hợp thực hiện chuyển đổi số trọng công tác PBGDPL, xây dựng các diễn đàn đối thoại trực tuyến về chính sách pháp luật; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hỏi đáp pháp luật

6. Chỉ đạo và thực hiện công tác PBGDPL với công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng cùng vào cuộc.

7. Đổi mới về tư duy, nội dung, hình thức, cách làm trong công tác PBGDPL nhằm đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; kết hợp giữa giáo dục pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật nhằm xây dựng thói quen tích cực, nét văn hóa trong chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

8. Sơ kết, tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích trong PBGDPL; phát hiện và nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả.

 

 

Được đăng trong chuyên mục: Tin Tức Sự Kiện