• Tháng Năm 27, 2020

Nhăm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện và từng bước đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, cụ thể, sát với các đối tượng góp phần chủ động, tích cực đấu tranh, ngăn chặn,  không xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp; giảm tội phạm so với năm trước, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu đề ra. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ ban hành Kế hoạch số 2441/KH-UBND ngày 26/5/2020 về tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 trên địa bàn huyện Cần Giờ. Theo đó, nội dung và hình thức tổ chức tuyên truyền như sau

1. Nội dung tuyên truyền:

- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của các Ban Chỉ đạo Trung ương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là: Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Công văn số 389-CV/TU ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy về triển khai Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Kế hoạch số 5116/KH-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện....

- Phát động phong trào trong quần chúng về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về tội phạm, đồng thời góp phần răn đe, áp đảo tội phạm.

- Xây dựng, củng cố, mở rộng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên và thường xuyên tập huấn cho các đối tượng về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Tổ chức tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tội phạm với nhiều hình thức, đa dạng về nội dung; xây dựng, nhân rộng các mô hình tham gia đảm bảo an ninh trật tự do cơ quan, tổ chức, đoàn thể tham mưu, tổ chức thực hiện để cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, nhân dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tài sản nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật cũng như không để sơ hở tội phạm lợi dụng gây án, đặc biệt là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm phạm sở hữu, tội phạm xâm hại tình dục.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ; các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

- Tổ chức tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm của công dân đối với công tác phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền tập trung ở các khu vực, địa bàn trọng điểm.

- Tổ chức các Hội nghị nói chuyện chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm.

2. Hình thức tuyên truyền:

a) Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng:

- Chỉ đạo Đài Truyền thanh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, tài liệu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm đăng tải, phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng thời lượng, tần suất thông tin về công tác phòng, chống tội phạm nhằm định hướng dư luận, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kết hợp kiểm soát chặt chẽ thông tin trên các trang mạng xã hội.

- Kết hợp phương pháp truyền thống với khoa học công nghệ để tuyên truyền bằng hình ảnh, bảng hiệu cảnh báo, phim phóng sự, video clip trực quan sinh động, thu hút được các tầng lớp nhân dân, tổ chức các buổi hội họp kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền.

- Tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm thông qua việc tổ chức tốt các hoạt động “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vào ngày 19/8 hàng năm.

b) Tuyên truyền thông qua các hoạt động tại cộng đồng:

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thông qua các hình thức như: Phối hợp các hoạt động tại cơ sở giáo dục sinh hoạt cộng đồng; tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền phù hợp từng đối tượng cụ thể.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ huyện đến cơ sở.

- Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa tại các địa bàn trọng điểm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

c) Phối hợp các cơ quan báo chí sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình và phát sóng các chương trình thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác phòng, chống tội phạm. Trong đó, tập trung vào các chuyên đề: Công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố; Phòng, chống buôn bán người; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống tội phạm; Điểm nóng tội phạm - Thực trạng và giải pháp; Thành phố Hồ Chí Minh - Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Giáo dục pháp luật - kiến thức mỗi người dân

d) Tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm:

- Đối tượng: Công chức, viên chức làm công tác văn hóa - thông tin cơ sở (huyện, xã, thị trấn); phóng viên Đài Truyền thanh, Bản tin Cần Giờ; công chức, viên chức phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn.

- Nội dung: Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự. Nội dung có liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm của Luật An ninh mạng, công tác phòng ngừa tội phạm lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, kích động, lôi kéo cán bộ, nhân viên tham gia các hành vi vi phạm pháp luật; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, tội phạm trộm cắp tại các cơ sở y tế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.

e) Cung cấp nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh Tổ quốc; hướng dẫn, đôn đốc Đài Truyền thanh huyện, xã, thị trấn, các đoàn thể huyện và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện tích cực tuyên truyền phù hợp với từng thời điểm.

f) Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm.

 

Được đăng trong chuyên mục: Tin Tức Sự Kiện