Ngày 12/7/2018, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận Tân Bình tổ chức Hội nghị phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo với sự tham dự của các đại biểu là đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, các ban ngành – đoàn thể quận, Báo cáo viên pháp luật, Công an Quận, công chức tư pháp, công chức phụ trách công tác tôn giáo 15 phường, đại diện Ban điều hành và Ban công tác Mặt trận 117 khu phố và người có uy tín trên địa bàn. Tại hội nghị, ông Trần Tấn Hùng – Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ đã phổ biến những quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo gồm 9 Chương, 68 Điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo về quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các biện pháp thi hành Luật. Qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nắm vững các quy định pháp luật về vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo, từ đó nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả./.