• Tháng Bảy 15, 2019

             Nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện “Đề án tăng cường PBGDPL trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2018”, xác định phương hướng, đề ra giải pháp thực hiện Đề án giai đoạn tiếp theo và triển khai Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 28/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” hiệu quả trên địa bàn Thành phố,

            Ngày 12/7/2019, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Giải pháp thực hiện Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021”. Tham dự Tọa đàm có khoảng 150 đại biểu bao gồm đại diện Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp; các Sở, ban, ngành Thành phố; các tổ chức đoàn thể Thành phố; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn; các Báo, Đài Thành phố; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

            Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã trình bày tham luận và tập trung thảo luận về những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trên báo chí; vai trò của cơ quan báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn tới theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ); những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật; những giải pháp nội dung, kỹ thuật để tiếp tục xây dựng, thực hiện Cổng thông tin điện tử tuyên truyền pháp luật Thành phố trong giai đoạn tiếp theo đảm bảo thống nhất với chuẩn cấu trúc dữ liệu thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ Tư pháp xây dựng trong thời gian tới.

            Một số mô hình do các cơ quan báo chí thực hiện nổi bật như: mô hình Video clip tuyên truyền pháp luật, Sân chơi Tìm hiểu pháp luật của Báo Khăn quàng đỏ đã thu hút sự quan tâm tìm hiểu của độc giả, góp phần định hướng lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật trong thanh thiếu nhi; Báo Sài Gòn Giải phóng thực hiện nhiều chuyên mục phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của người dân về những vấn đề dân sinh, vướng mắc trong thực thi pháp luật, làm cầu nối giữa cơ quan nhà nước với người dân, góp phần giải thích, hướng dẫn để người dân thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đúng quy định pháp luật; Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố đã có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng nội dung chương trình trên sóng phát thanh như: tăng cường liên kết với các Đài Phát thanh – truyền hình trên cả nước, tăng tính tương tác với bạn nghe Đài, kết nối với mạng xã hội, tạo nên lớp thính giả mới, đưa phát thanh tiếp cận gần hơn và sâu rộng hơn đối với bạn nghe Đài...

            Tại Tọa đàm, Sở Tư pháp đã báo cáo, giới thiệu việc xây dựng mô hình “Sách nói pháp luật và Cổng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố; Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 4 giới thiệu trang facebook Đất Cảng Quận 4 tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút nhiều lượt truy cập, chia sẻ; Quận 12 đang xây dựng phần mềm ứng dụng tư vấn pháp luật trên thiết bị di động dự kiến ra mắt trong tháng 8/2019; huyện Bình Chánh với mô hình trang tin “Tư pháp Bình Chánh”, tuyên truyền trực tuyến trên mạng zalo; Ủy ban nhân dân Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức tuyên truyền qua màn hình chờ Screen Saver đặt tại đặt tại Phòng tiếp nhận và trả kết quả; Quận 1 được đánh giá là địa phương đi đầu, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin đã xây dựng, triển khai nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông tin Trang thông tin điện tử của Quận, ngoài ra, Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 cũng xây dựng trang “Cột cờ Thủ ngữ” góp phần tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân và cán bộ, công chức...

            Ngoài những mô hình đổi mới, sáng tạo nêu trên, các đại biểu tham dự cũng nêu lên các khó khăn, vướng mắc như: tại một số địa bàn xa ở Cần Giờ chưa có mạng internet, công nghệ thông tin còn lạc hậu; một số cán bộ, công chức chưa được đào tạo kỹ năng, công nghệ thông tin nên việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đa dạng, phong phú, hiệu quả như mong muốn; việc đăng tải, cập nhật thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng đôi khi còn chưa kịp thời, một số thông tin lạc hậu; chưa có quy chế trong cung cấp, đăng tải thông tin; một số cơ quan, ban, ngành chưa tích cực phối hợp PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp; việc quản lý thông tin đăng tải trên mạng xã hội khá phức tạp; việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn nhưng kinh phí PBGDPL còn hạn chế và phải triển khai nhiều nhiệm vụ khác; chưa có chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên đăng tin...

            Kết thúc tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã tổng kết những kết quả đã đạt được trong việc triển khai “Đề án tăng cường PBGDPL trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2018”, ghi nhận những mô hình PBGDPL hay, hiệu quả của các cơ quan báo chí và mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL của các cơ quan, đơn vị, từ đó xác định phương hướng, đề ra giải pháp tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai trong giai đoạn tiếp theo./.